Lắng lòng nghe Đức Phật "điểm mặt" sư giả
Đó là bài Kinh số 1148 trong kinh Tạp A Hàm, bản dịch chữ Hán của Tam
Tạng Pháp sư Cầu-Na-Bạt-Đà-La, bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Thích
Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Thanh Từ.
Bài Kinh số 1148 nằm ở Kinh Tạp A Hàm quyển 2, số thứ tự 20, Viện Nghiên
cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1995, từ trang 177 đến trang 180.
Qua bài kinh này, chúng ta sẽ thấy:
- Hiện tượng sư giả có từ thời Đức Phật.
- Hiện tượng sư giả rất phức tạp. Có người tự mạo nhận, nhưng có người
do người khác tưởng lầm là sư nhưng không đính chính, cứ mặc nhiên để
hiểu như thế.
- Động cơ để làm sư giả là lợi ích về mặt vật chất và tinh thần. Bản chất của việc giả sư là “lừa dối” (từ trong Kinh dùng).
- Việc phân biệt thật/giả là khá khó khăn. Ngay cả người thân cận với Đức Phật và Tăng đoàn là vua Ba Tư Nặc còn bị lầm.
- Việc dùng chế tài đối với sự giả trong thời Đức Phật tại thế vẫn là
việc khó khăn, ngay cả khi một vị quốc vương ủng hộ Phật pháp là vua Ba
Tư Nặc biết rõ là sư giả. Vua chỉ nói đến việc phân biệt, không thấy nói
đến sự trừng phạt hay ngăn cấm việc tiếp tục làm sư giả.
Sau đây là toàn văn bài kinh số 1148, Kinh Tạp A Hàm:
“
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui
qua một bên.
Khi ấy có bảy người Ni-kiền Tử, bảy người Xà-kỳ-la, bảy người
Nhất-xá-la, thân thể thô lớn, đang đi lượn quanh, rồi đứng trước của
tinh xá Kỳ-hoàn. Vua Ba-tư-nặc từ xa trông thấy họ đang lượn quanh ngoài
cửa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi ra trước cửa, chắp tay bạch hỏi và
tự xưng tên ba lần: “Tôi là vua Ba-tư-nặc, vua xứ Câu-tát-la.”
Bấy giờ, Phật hỏi vua:
“Vì cớ gì, hôm nay bệ hạ lại cung kính những người đó, chắp tay thưa hỏi, ba lần xưng tên họ?”
Vua bạch Phật:
“Con tự nghĩ ở thế gian nếu có những vị A-la-hán, thì chính họ là những vị đó.”
Phật dạy bảo vua Ba-tư-nặc:
“Này bệ hạ, thôi đủ rồi. Chính bệ hạ cũng không phân biệt được đó có
phải là A-la-hán thật, hay không phải là A-la-hán, vì không có được tha
tâm trí. Vả lại cần phải gần gũi, xem xét giới hạnh của họ, một thời
gian lâu mới có thể biết được; chớ tự quyết vội vàng. Hãy xem xét kỹ,
không chỉ hời hợt; hãy dùng trí tuệ, chớ không phải vô trí. Phải kinh
qua các khổ cực khó khăn, mới có khả năng tự mình biện biệt, đối chiếu
so sánh, thật giả sẽ phân biệt được. Thấy lời nói mới biết sự sáng suốt,
chứ không thể phân biệt vội vàng, cần phải dùng trí tuệ tư duy quán
sát.”
Vua bạch Phật:
“Lạ thay! Bạch Thế Tôn, khéo nói lý này. Phải tiếp xúc chuyện trò
một thời gian lâu, quán sát giới hạnh của họ... cho đến thấy sự nói năng
hiểu biết rõ ràng.
“Con có người nhà cũng đi xuất gia. Mang hình tướng cũng như những người
này, đi khắp các nước và khi trở về lại, khi cởi bỏ y phục kia, là trở
lại hưởng thọ ngũ dục. Cho nên, nên biết, Thế Tôn nói đúng, nên cùng họ
sống chung để xem xét giới hạnh của họ,... cho đến nói năng mà biết có
trí tuệ.”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Không do thấy hình tướng,
Biết thiện ác của người.
Không phải vừa gặp nhau,
Mà cùng đồng tâm chí.
Điều kín hiện thân, miệng,
Tâm tục không kiểm thúc;
Giống như miếng đồng xi
Thếp lên lớp vàng ròng.
Trong ôm lòng tạp mọn,
Ngoài hiện oai nghi Thánh;
Đi khắp các quốc độ,
Lừa dối khắp thế gian.
Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về.”
Tác giả bài viết: Minh Thạnh