Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Kênh truyền hình An Viên - dấu ấn lớn của Phật giáo Việt Nam hiện đại
Thích Tâm Hải (Tuần báo Giác Ngộ số 621)
27/05/2012 19:34 (GMT+7)







An Viên trong ý nghĩa “An lạc thân tâm, viên thành Phật sự” thuộc Công ty Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đơn vị được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chọn làm đối tác duy nhất để phối hợp với Ban Truyền thông trong việc xây dựng kênh truyền hình giới thiệu các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội, những tinh hoa văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam đến với mọi người trong và ngoài nước.



Sau thời gian phát sóng thử nghiệm, kênh An Viên sẽ trở nên phổ biến hơn với Tăng Ni, Phật tử từ đầu tháng Giêng 2012 sắp tới. Được biết, ngày Chủ nhật 25-12-2011, kênh truyền hình An Viên chính thức ra mắt và có buổi giới thiệu với Tăng Ni, Phật tử TP.Hồ Chí Minh tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3.

Truyền hình là một phương tiện truyền thông có sức ảnh hưởng rất lớn với quần chúng. Với định hướng nội dung như đã nói, sự có mặt của kênh An Viên chắc chắn đem lại nhiều giá trị nhân văn, nhân đạo, tốt đẹp cho số đông trong tinh thần giáo lý Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật, cũng như trong truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng đời sống xã hội, đất nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp, thân thiện và nhân ái hơn.

Trong Thông điệp gởi đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước nhân Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN 7-11-2011 của Đức Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, sau khi nhận định thành tựu trong 30 năm qua, ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động truyền thông: “Đặc biệt, trong thời gian tới, Giáo hội cần chú trọng quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông các Phật sự trên mọi phương diện và coi đó là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền tải Chính pháp và văn hóa Phật giáo đến với cộng đồng xã hội, là cơ sở để tạo nên sự phát triển bền vững và sự xương minh của đạo mạch trong lòng dân tộc”.

Theo đó, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự ra đời của kênh An Viên đánh dấu một bước ngoặt rất ấn tượng, nếu không nói là cuộc cách mạng trong hoạt động truyền thông và hoằng pháp thuộc Giáo hội. Bởi như chúng ta đã biết, truyền hình có một sức tác động vô cùng lớn đối với xã hội, là loại hình báo chí sinh động nhất trong thế giới truyền thông.

Hiện nay, ngoài một số tổ chức Phật giáo ở Đài Loan (Phật Quang Sơn, Từ Tế), Thái Lan (Dhammakaya)… có đài truyền hình riêng, các kênh truyền hình có phát  sóng nội dung Phật giáo còn lại không nhiều. Do đó, với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, kênh An Viên ra đời có thể nói như một giấc mơ lành! Chắc chắn ai cũng mong chờ ngày được xem, được thấy hoạt động Phật giáo, được chia sẻ những cảm xúc thiêng liêng qua các sự kiện lớn của người con Phật khắp nơi với hình ảnh, âm thanh sống động như thể chính mỗi người được tham dự trong sự kiện ấy.

Để có thể phối hợp tốt với An Viên trong Phật sự quan trọng này một cách nhịp nhàng, hiệu quả, chắc chắn Trung ương Giáo hội, Ban Truyền thông sẽ phải cố gắng vượt bực, hoạch định chương trình làm việc cụ thể, trong đó có phần đào tạo, huấn luyện nhân sự hỗ trợ An Viên kiểm định nội dung cho các chương trình để mỗi nội dung chương trình vừa sinh động lại vừa đảm bảo được tinh thần Phật giáo và đường hướng của Giáo hội, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của hàng triệu người con Phật trên mọi miền đất nước cũng như hải ngoại.

Trong khuôn khổ hội thảo về 30 năm thành lập GHPGVN ngày 23, 24-12-2011 tại Thiền viện Quảng Đức – trụ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, trong các nội dung cần thảo luận, lấy ý kiến và sáng kiến xây dựng, hy vọng vấn đề này sẽ được Trung ương Giáo hội, đại diện Phật giáo các ban, ngành, viện, các Ban Trị sự tỉnh, thành, các đại biểu quan tâm một cách sâu sắc.
Thích Tâm Hải (Tuần báo Giác Ngộ số 621)

Nguon: http://truyenhinhanvien.vn/tin-tuc/52-kenh-truyn-hinh-an-vien-du-n-ln-ca-pht-giao-vit-nam-hin-i.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang