Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chiêm bái "món quà đặc biệt" Thủ tướng tặng chùa Trường Sa
08/05/2012 15:43 (GMT+7)


Lễ Phật đản tại Trường Sa lớn không ồn ào, náo nhiệt như ở đất liền. Đoàn rước khoảng hơn 100 người từ chùa tới cột mốc đánh dấu chủ quyền khoảng vài chục mét.

Đại đức Thích Giác Nghĩa rưng rưng với từng lời kinh cầu xin đức Phật độ trì cho quốc thái, dân an, cho Hoàng Sa - Trường Sa vĩnh viễn thuộc chủ quyền Việt Nam trời yên, biển lặng.

Một buổi lễ trầm mặc, diễn ra từ 5h30 tới 7h sáng thì kết thúc. Lúc đó, mưa bắt đầu trút xối xả xuống đảo. Đảo lúc đó như được tắm gội bởi một thứ nước thiêng đầy linh nghiệm mà đức Phật ban cho.

Thị trấn Trường Sa lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được mệnh danh là “thủ đô” của Quần đảo Trường Sa. Nhìn từ trên cao, Trường Sa lớn giống hình trái tim màu xanh giữa đại dương mênh mông.

Cũng có thể hình dung như chiếc lá bồ đề mà đức Phật ban tặng Việt Nam trên đường ngài đi độ trì cho chúng sinh.Những con sóng dường như mỗi ngày bồi đắp thêm đất cát để trái tim - chiếc lá bồ đề to thêm, đậm sắc xanh. 

Tượng Phật ngọc do Thủ tướng tặng chùa Trường Sa lớn. Ảnh: Gia Khánh

Cơn mưa đúng hôm lễ Phật đản không ngờ kéo dài suốt cả ngày. Đại đức Thích Giác Nghĩa hướng về bức tượng Phật ngọc đẹp tọa giữa ban thờ Phật nói: “Đây là món quà đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng chùa Trường Sa”.

Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, tôi ngồi trong ngôi chùa giữa biển khơi chợt thấy nhịp tim mình thổn thức.

Nghe kể, đêm trước ngày tổ chức lễ Phật đản, các đệ tử của thầy Giác Nghĩa từ đất liền gọi ra khóc hu hu vì muốn ra cùng sư phụ. Ở Khánh Hoà, Đại đức Thích Giác Nghĩa trụ trì 2 chùa lớn là Vạn Đức và Phước Trí, khoảng gần 50 đệ tử (trong đó có nhiều người có học vị tiến sỹ từng tu nghiệp ở nước ngoài về) và cả vạn phật tử khác.

Ấy thế mà, chính thầy Giác Nghĩa ở tận Trường Sa xa xôi lại động viên các đệ tử và phật tử cố gắng tổ chức một lễ Phật đản ở đất liền ấm cúng. Phần thầy ở đảo xa cũng tổ chức lễ Phật đản đầu tiên thật ý nghĩa.

“Thầy sẽ ở lại nhiều năm để hành trì tu niệm tạo sự tâm linh của đảo. Trong lễ Phật đản ở đây tuy không có nhiều hoa quả tươi như đất liền, nhưng đổi lại mọi thứ rất ấm áp”, Đại đức nói.

Những linh hồn người Việt

Ít người biết, 7 hộ dân sinh sống trên đảo, có 2 hộ theo Thiên Chúa giáo. Ấy thế mà không ở đâu như chùa Trường Sa. Ngay trong lễ Phật đản, những hộ dân khác đạo vẫn nhiệt tình tham gia trang hoàng chùa và chuẩn bị cho buổi lễ. 

Đại đức Thích Giác Nghĩa dưới hiên chùa Ảnh: Đình Thắng

Tuy khác đạo, các hộ dân hằng đêm vẫn lên chùa tâm giao với thầy Giác Nghĩa để nghe giảng đạo. Nơi phần máu thịt biên cương của Tổ quốc, ranh giới giữa tôn giáo, miền quê bỗng xóa nhòa.

Tôi cứ thầm nghĩ, phải chăng người dân sống giữa trái tim-lá bồ đề nên tâm can từ bi hỉ xả. Thực ra, mỗi hòn đảo trong Quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa trong phạm vi Tổ quốc, đâu chả giống hình trái tim hoặc lá bồ đề. Nhìn trên hải đồ, đôi khi lại hình dung những biên đảo ấy giống đàn con của mẹ Âu Cơ đang bơi về đất liền, về với đất tổ.

Theo Đại đức Thích Giác Nghĩa ra đảo tu niệm lần này có thầy Thích Ngộ Thành. Thầy Thành sau thời gian lên chùa làm phận sự, rảnh rỗi còn tham gia đá bóng, đá cầu với lính đảo.

Từ ngày có chùa Trường Sa, sáng sớm tinh mơ, giữa thinh không lại vẳng tiếng kinh, lời kệ, chuông chùa. Những âm thanh của cõi thiền khiến cán bộ chiến sỹ và người dân thấy ấm lòng.

Theo Đình Thắng
Báo Tiền phong

Các tin đã đăng:
Về đầu trang