Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hôm nay, nhà sư "nhất bộ nhất bái" xuyên Việt sẽ hành lễ đến chùa Hoa Yên - Yên Tử
18/11/2012 14:03 (GMT+7)


Ngày 17/11, Đại đức Thích Tâm Mẫn đã về gần tới chùa Yên Tử, kết thúc hành trình quỳ lạy trên suốt 1800km từ chùa Hoằng Pháp, TP. HCM đến chùa Yên Tử, Quảng Ninh.

Theo một lãnh đạo Ban quản lý di tích Chùa Yên Tử, đến thời điểm này, Đại đức Thích Tâm Mẫn còn cách chùa Yên Tử 2 km. Ngày mai, Đại đức Thích Tâm Mẫn sẽ chính thức kết thúc hành trình "nhất bộ nhất bái" dài hơn 1800 km từ chùa Hoằng Pháp - TP Hồ Chí Minh.

"Do việc hành lễ xuất phát từ tâm nguyện cá nhân nên Ban quản lý không tổ chức đón tiếp quá long trọng. Phía Ban quản lý cùng chính quyền địa phương đã lên kế hoạch đảm bảo an ninh cho chuyến hành lễ", vị cán bộ này cho biết thêm.



Trước đó, ngày 14/11, khi nhà sư đi tới địa phận Suối Tắm (Yên Tử), giao thông nơi này đã bị tắc nghẽn. Đoàn tháp tùng nhà sư được yêu cầu đeo thẻ do Ban quản lý chùa Yên Tử cấp, với đầy đủ thông tin về tên tuổi, quê quán...

Như vậy, hành trình hơn 3 năm ròng rã “Nhất bộ nhất bái” với nhiều vất vả, cực nhọc nhưng cũng không ít “chuyện lùm xùm” liên quan tới đoàn tháp tùng của Đại đức Thích Tâm Mẫn đã hoàn thành.

Hình ảnh Đại đức Thích Tâm Mẫn đang hành lễ tại Đại Hùng Bảo Điện - Thiền viện Trúc Lâm Yên Từ (Quảng Ninh) - Ảnh: CTV

Trước đó, trong cuộc trò chuyện sau một ngày hành lễ của mình, Đại đức Thích Tâm Mẫn khiêm tốn nói rằng: “Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, núi Yên Tử là cái nôi trong Phật giáo Việt Nam. Đó cũng là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập sau khi nhường ngôi cho con. Con cháu nước Việt cần tìm hiểu để hiểu nguồn gốc tâm linh của tổ tiên...

Những gì Thầy đang làm thì cũng không có gì đặc biệt đâu bởi vì chư Phật chư Tổ cũng như nhiều vị khác cũng đã làm rồi. Thì con cháu của chư Phật chư Tổ cũng đi theo con đường đã có sẵn thôi. Nói chung, nó thể hiện tinh thần Phật học của người công Phật”.

“Lúc trình bày nguyện vọng của mình với sư phụ về chuyến bộ hành này thì Thầy nói rằng Thầy đi với tinh thần thứ nhất là để sám hối tội nghiệt của mình. Thứ hai là để cầu nguyện cho thế giới hòa bình. Tiếp theo là có thể đem những điều mình làm được để cùng chúng sinh chia sẻ và thực hành những điều Phật dạy. Gọi chung là hóa độ chúng sinh”.

Trên đường nhất bộ nhất bái, nhà sư “Nhất bộ nhất bái” đã có những buổi thuyết giảng Phật pháp tại một số chùa như: chùa Giai Lam (Hà Tĩnh) ngày 30-10-2011, chùa Mậu Chữ (Hà Nam) ngày 24-6-2012 …

Trước đó, trên hành trình “Nhất bộ nhất bái”, đoàn hộ tống nhà sư đã nhiều lần “gây hấn” đánh đuổi những người dân địa phương nơi họ đi qua. Dù bất bình với thái độ, hành động hung hãn của đoàn tháp tùng này, nhưng đa số những người dân và phật tử địa phương đều cảm phục ý nghĩa cao cả của hành trình “Nhất bộ nhất bái” của vị sư nói trên.

Theo Thảo Lăng - GDVN

Các tin đã đăng:
Về đầu trang