Chuẩn bị cho lễ di quan
Với thệ nguyện mãi mãi là con của Đấng Pháp Vương, di cốt của cố giáo
sư sau khi hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa sẽ được tôn trí tại chùa Huỳnh
Kim. HT. Thích Đạt Đạo, TT.Thích Tâm Đức, các giảng viên thuộc Học viện
Phật giáo Việt Nam - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ
Chí Minh cũng như Tăng Ni sinh các khóa đã bày tỏ lòng tôn kính và tiếc
thương vô hạn đối với sự ra đi của cố giáo sư Trần Phương Lan. Không chỉ
là một giảng viên - một học giả đặt trọn tâm huyết, trí tuệ cho sự
nghiệp hoằng dương Chánh pháp thông qua công việc giảng dạy, trước tác
và phiên dịch anh văn Phật pháp; cố giáo sư Trần Phương Lan còn là một
Phật tử - một hành giả đã thể nhập đời sống của mình qua những lời Phật
dạy.
Tiểu sử
Giáo sư Trần Phương Lan sinh ngày 17-7-1941 tại Thừa Thiên Huế trong
một gia đình có truyền thống học thuật. Thân phụ của giáo sư thông thạo
Pháp ngữ và đã từng là Ngự tiền Văn phòng dưới triều vua Bảo Đại. Thừa
hưởng tài năng và truyền thống hiếu học của gia đình, giáo sư Trần
Phương Lan sinh thời đã bộc lộ rõ khả năng bẩm sinh của mình về lãnh vực
nghiên cứu và dịch thuật.
Năm 1960, giáo sư tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế chuyên ngành Anh
văn. Sau đó giáo sư tham gia giảng dạy sinh ngữ này tại các trường Đồng
Khánh - Huế, Trần Quý Cáp - Hội An, Sương Nguyệt Anh và Marie Curie -
Sài Gòn… Chính trong quá trình giảng dạy và công tác, giáo sư đã được
tiếp xúc với giáo lý của đạo Phật và cảm mến đặc biệt với những lời dạy
của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đại diện gia quyến cảm tạ chư tôn đức
Sẵn có thiện căn lại được tiếp xúc với giáo lý Phật giáo năm 1985,
giáo sư phát tâm quy y và thọ trì Tam quy - Ngũ giới với Đại lão HT.
Thích Minh Châu, nguyên là Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM.
Sự nghiệp dịch thuật
Bốn năm sau đó, giáo sư được mời tham gia giảng dạy môn Anh văn tại
HV PGVN-TP.HCM. Cũng trong thời gian này, giáo sư được Hòa thượng bổn sư
giao phó trọng trách đặc biệt là phiên dịch kinh điển ra tiếng Việt
như: Kinh Bổn Sanh (Những chuyện tiền thân của Đức Phật) từ
quyển 6 đến quyển 10, tác phẩm này đã được Hội Pali Text Society ấn
hành. Ngoài ra, giáo sư còn phiên dịch cuốn “The Historical Buddha” (Đức Phật lịch sử) của tác giả H.W. Schumann và biên soạn các sách giáo khoa về Phật pháp bằng tiếng Anh, như: Buddhism through English Reading (3quyển), Sangha Talk, v.v… Trong bất cứ cương vị nào, giáo sư cũng đều thể hiện công việc của mình một cách đầy trách nhiệm và nghiêm túc.
Năm 2009, giáo sư được Hội đồng Điều hành HVPGVN tại TP.HCM đề cử làm
Phó khoa Anh văn Phật pháp (khóa VIII). Trong thời gian này giáo sư đã
hoàn thành được quyển I, cuốn sách “Đức Phật Gotama”. Cuốn sách vừa được xuất bản cuối năm 2010.
Tiễn biệt một tấm lòng trọn vẹn với giáo dục Phật giáo
Những ngày cuối đời
Cuối năm 2010, phát hiện mình mắc bệnh nan y nhưng giáo sư vẫn cố
gắng nhiếp phục thân bệnh, duy trì mạng căn để tham gia công tác giảng
dạy, trao truyền những tinh hoa kiến thức cho các thế hệ Tăng Ni. Dù
được tập thể y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa tận tình nhưng vào
ngày 21-3-2011 (nhằm ngày 17-2-Tân Mão), giáo sư đã trút hơi thở cuối
cùng và ra đi một cách an nhiên, tự tại. Sự bình tĩnh, khả năng chế ngự
các cơn đau do thân bệnh gây nên của giáo sư đã để lại những tình cảm
tốt đẹp trong lòng các y tá, bác sĩ, điều dưỡng viên cũng như mọi người
nơi đây.
Được trở về Đâu Suất Đà Thiên bổn quốc của Đức Phật Di Lặc chính là
tâm nguyện cuối cùng của giáo sư khi còn tại thế. Giáo sư mong ước được
gần gũi với các bậc Đại Bồ tát, tiếp tục học hỏi và tu tập cho đến ngày
hoàn mãn hạnh nguyện của mình.
Linh Thuần