Sau
8 năm được Liên Hiệp Quốc khởi xướng và bảo trợ tổ chức, Đại lễ Vesak
được xem như là một trong những dịp gặp gỡ lớn nhất của Phật giáo thế
giới để tìm kiếm các giải pháp nhằm xây dựng một xã hội hòa bình, phát
triển và an lạc. HT.Thích Trí Quảng - Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban
Phật giáo Quốc tế TƯGH, Trưởng đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam dự Vesak
lần này đã dành cho Giác Ngộ cuộc trao đổi trước lúc lên đường.
HT. Thích Trí Quảng tặng quà đến
đức Tăng thống Thái Lan nhân Vesak 2009
Phóng viên: Bạch Hòa thượng, với lần thứ 8 tổ chức, Đại lễ Vesak và Hội thảo Phật giáo quốc tế năm nay sẽ tập trung vào vấn đề gì?
HT. Thích Trí Quảng: Theo thông tin từ Ban Tổ chức -
Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak mà chúng tôi nhận được, trước biến
động về kinh tế và đời sống xã hội tạo những bất an cho loài người, Ban
Tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2011 và Hội thảo Phật giáo quốc
tế quyết định chọn nội dung thảo luận chính là “Các chuẩn mực đạo đức
Phật giáo với sự phát triển kinh tế - xã hội thế giới”. Từ nội dung
chính này, sẽ có 4 diễn đàn được chư tôn túc lãnh đạo Phật giáo, các học
giả khắp thế giới tham gia đóng góp ý kiến gồm: Lãnh đạo Phật giáo vào
việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng một xã hội hài hòa, khôi phục
và bảo vệ môi trường, tuệ giác cho một xã hội tỉnh thức… Ngoài ra, cũng
như mọi năm, dịp này Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo thế giới và
bộ phận phiên dịch, thống nhất hóa kinh kiển Phật giáo cũng nhóm họp và
thảo luận các vấn đề liên quan.
Trong tình hình hiện nay, với nội dung như vừa nêu, theo Hòa
thượng, Phật giáo thế giới sẽ đóng góp như thế nào đối với kinh tế xã
hội?
Nhiều người lầm tưởng rằng, sự phát triển kinh tế theo Phật giáo luôn
mang tính tiêu cực, thụ động khác xa quan niệm của tư bản chủ nghĩa
phương Tây. Tuy nhiên trên thế giới hiện nay, sự phát triển kinh tế
phương Tây mang lại bất an cho loài người và hậu quả trong tương lai rất
khó lường. Chính vì lẽ đó, loài người bắt đầu quay về với tư tưởng văn
hóa của phương Đông mà đặc biệt là lời dạy của Đức Phật.
Phật giáo không phải không chủ trương vấn đề phát triển kinh tế nhưng
việc phát triển này chỉ duy nhất với mục tiêu phục vụ lâu dài cho những
thế hệ kế tiếp, cho trái đất, cho loài người, bảo vệ môi trường xanh,
bảo vệ muông thú… Ngay từ xưa, Đức Phật đã nhận ra rằng con người và
muôn loài sinh sống trên trái đất đều thể hiện mối quan hệ cộng tồn nhằm
tạo sự cân bằng sinh thái. Việc khai thác kinh tế chỉ đủ phục vụ đời
sống của loài người. Rất khác với Tây phương là cạnh tranh, khai thác
nhanh chóng để có lợi nhuận mà không quan tâm đến hậu quả, hủy diệt môi
trường sống.
HT. Thích Trí Quảng
Với những ý nghĩa như thế, theo tôi các giá trị đạo đức Phật giáo sẽ
làm chuẩn mực cho sự phát triển kinh tế - xã hội thế giới và trong lần
hạnh ngộ này, chư tôn đức, đại biểu nên đưa ra một đề án chung trên tinh
thần đó.
- Việt Nam chúng ta nhiều lần tham gia Vesak, qua những lần như thế sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam được thể hiện ra sao cho diễn đàn và Đại lễ ?
Chúng ta tham gia Vesak ngay từ đầu nhưng sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam
cho Vesak vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu lắng nghe và thăm dò. Phật giáo
Việt Nam chỉ mới bắt đầu hội nhập với Phật giáo thế giới nên việc lắng
nghe, tìm hiểu và ghi nhận cách nhìn, quan điểm của các nước bạn là cần
thiết để đi lên một bước cao hơn là thiết lập các mối quan hệ lâu dài.
Đức Phật từng cho rằng chân lý mà loài người chưa chấp nhận thì không
nên diễn bày vì đôi khi sẽ có hại hơn là có lợi. Theo nguyên lý này,
chúng ta cần nên đi từng bước một, quan sát và từ đó tìm ra mối lưu tâm
chung của cộng đồng Phật giáo khắp thế giới là một lộ trình hợp lý.
- Là vị giáo phẩm từng nhiều lần đảm nhận cương vị trưởng
đoàn tham dự các sự kiện tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, Hòa
thượng cảm nhận hình ảnh của Phật giáo Việt Nam trong mắt bạn bè quốc
tế như thế nào?
Nhìn chung, Phật giáo nhiều nước cũng lưu tâm đến sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam
và đưa ra sự so sánh, đánh giá tính ưu việt giữa một tổ chức duy nhất
đại diện cho một quốc gia với những nước có sự đa dạng các tổ chức Phật
giáo. Ví dụ như ở Nhật có hàng trăm tông phái khác nhau và ít có tiếng
nói chung. Riêng tại Việt Nam
chúng ta có một tổ chức duy nhất và có tiếng nói chung. Các nước đang
cân nhắc, học hỏi lẫn nhau xem một tổ chức duy nhất như Việt Nam có lợi hay đa dạng như ở Nhật có lợi. Bởi lẽ, ưu thế của Việt Nam
là có tiếng nói chung và có một tổ chức duy nhất nhưng lại trở ngại cho
việc phát triển theo chiều rộng khi các tư tưởng và nền văn hóa của xã
hội thì lúc nào cũng đa dạng. Ngược lại, sự đa dạng tông phái ở Nhật sẽ
dễ thích nghi theo chiều rộng và phát triển trong mọi tầng lớp xã hội
nhưng lại không có sự lãnh đạo duy nhất. Mỗi bên có ưu thế riêng và vì
thế xu hướng các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới mong muốn là làm sao
Phật giáo phải phổ cập được quần chúng và có sự lãnh đạo duy nhất.
Riêng trên phương diện thiết lập các mối quan hệ thì rõ ràng chúng ta
đang trong chiều hướng tích cực. Sau nhiều lần tham dự các sự kiện Phật
giáo quốc tế, chắc chắn rằng sẽ có thêm những người bạn mới và sự hiểu
biết, thân tình ngày càng sâu đậm.
- Như vậy, các hoạt động của đoàn Phật giáo Việt Nam đến với Vesak lần này là gì, bạch Hòa thượng ?
Năm 2008, chúng ta đăng cai tổ chức Vesak và lúc đó có sự chủ động
trong việc tổ chức, điều phối nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì có sự
khác nhau về quan điểm giữa các nước theo Phật giáo. Đây là một bài học
kinh nghiệm hữu ích trong quá trình hội nhập. Lần này, đoàn Phật giáo
Việt Nam
sang Thái Lan cũng với mục đích tham dự và thể hiện sự có mặt của mình
hơn là chủ động trong việc tổ chức và điều phối. Riêng về phương diện
Giáo hội, chúng ta sẽ có một bài diễn văn chào mừng đến với Đại lễ.
- Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!
Bảo Thiên (thực hiện)