Đại lễ cầu siêu là một nhu cầu tâm linh của người Việt, một nét văn hóa lâu đời trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân ta. Cầu sự siêu thoát cho người đã khuất mà đồng thời là tạo ra sự thanh thoát cho người đang sống thể hiện rõ triết lý âm dương giao hòa trong tâm thức người Việt.
Dù quá khứ oanh liệt về hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã lùi xa, hơn ba mươi trăm đã trôi qua, nhiều vết thương đã được hàn gắn lên những da non, nhưng còn biết bao nỗi đau của từng gia đình, của những bà mẹ vĩnh viễn không gặp lại con yêu của mình, người vợ không bao giờ gặp lại chồng. Câu chuyện về “đá vọng phu” không còn là huyền thoại, mà hiển hiện bằng xương máu, bằng da thịt ở nhiều làng quê, trên nhiều hẻm phố, trong những mái nhà. Nỗi đau “chất độc da cam” đâu có phân biệt người bên này hay bên kia giới tuyến và trận tuyến.
Lòng người mẹ Việt Nam càng quặn đau hơn khi thắp nén nhang cho hai đứa con mình mà anh là liệt sĩ, còn em lại là lính đang phải cầm súng ở chiến trường. Những người mẹ ấy chắc sẽ khát khao một lễ cầu siêu cho tất cả những ai đã nằm xuống trong chiến tranh. Và chắc không riêng gì những người mẹ có số phận éo le đó, mà trong sâu thẳm những tấm lòng của người Việt Nam ta đều cảm nhận được rằng, “máu chảy ruột mềm”, đaọ lý ấy mách bảo cho chúng ta cần có một nghĩa cử thấm đượm ý nghĩa nhân văn và triết lý khoan dung của ông cha ta.
Ngày 02/08/2012, chùa Thiên Hưng cử hành Trai Đàn Chẩn Tế Cầu Siêu Vong Linh Anh Hùng Liệt Sĩ do ĐĐ. Thích Đồng Ngộ - trụ trì chùa Thiên Hưng (Bình Định) phối hợp với ĐĐ. Thích Giác Thiện – trụ trì chùa Từ Quang (Tp.HCM) đồng tổ chức. Trai đàn chẩn tế cầu nguyện “âm dương lợi lạc” diễn ra trong vòng 2 ngày từ mồng 1 đến 02/08/2012.
Tham dự lễ tưởng niệm có Nguyên Tổng Bí Thư ĐCSVN Lê Khả Phiêu, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh, Bí Thư Tỉnh Ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện, Đại diện Ban Tôn Giáo Tỉnh, Đại diện UBND, UBMTTQ, các Ban Ngành Đoàn thể trong toàn tỉnh. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các nhân sĩ trí thức và quý Phật tử tham gia cầu nguyện.
Vào lúc 9h00 là khóa lễ tưởng niệm chính thức các anh hùng liệt sĩ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quý ban ngành đoàn thể thành kính dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Lúc 10h00 là khóa lễ cúng Phật, truy niệm vong linh các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, vào buổi chiều, Ban tổ chức Đại Lễ Cầu Siêu đã cung thỉnh ĐĐ. Thích Giác Thiện – trụ trì chùa Từ Quang (Tp.HCM) làm sám chủ gia trì đàn tràng chẩn tế bạt độ vong linh các anh hùng liệt sĩ siêu tiến vong linh.
Bình Định: Trai Đàn Chẩn Tế Anh Hùng Liệt Sĩ Tại Chùa Thiên Hưng