Chỉ trong khoảng tháng 7 - 8 năm 2011, các tờ báo và trang mạng Phật giáo nối tiếp nhau thể hiện phản ứng khá mạnh mẽ của bạn đọc đối với nhiều nội dung truyền thông qua nhiều hình thức thể hiện mà xét ra có tác động gây tổn thương đến hình ảnh Phật giáo, mà cụm từ thường dùng để gọi là “bôi nhọ Phật giáo”.
Việc phản ứng với từng nội dung truyền thông cụ thể có tác dụng không tốt đối với Phật giáo như chúng ta đã thấy qua các đơn vị truyền thông Phật giáo là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, bạn đọc Phật tử chúng ta cần tìm hiểu hiện tượng như trên ở cấp độ tổng quát, để từ đó, tiến tới một đối sách thích hợp, giải quyết có tính căn cơ hơn đối với hiện tượng này.
Nội dung dưới đây hướng tới mục tiêu nêu trên, với việc tìm hiểu và lý giải ban đầu.
Trước hết, đây là hệ quả tất yếu của sự phát triển truyền thông trên internet. Ở báo giấy, muốn phát biểu, thể hiện những nội dung “bôi nhọ Phật giáo” sẽ là điều rất khó khăn, với hệ thống báo in giấy hiện nay. Chữ in còn lại trên ấn bản giấy sẽ tạo trách nhiệm rất nặng nề đối với những người có liên hệ.
Vì vậy, tất nhiên những phương thức phát hành điện tử, mà việc lưu lại nội dung có phần khó khăn hơn, sẽ là phương tiện đắc dụng cho những người cố ý muốn chuyển tải những nội dung “bôi nhọ Phật giáo”.
Ở nước ta, các kênh truyền hình có gia tăng trong thời gian gần đây nhưng được biên tập khá cẩn thận, nên ít xảy ra hiện tượng mà chúng ta đang tìm hiểu. Tuy vậy, cũng đã có một vài chương trình tấu hài thể hiện hình ảnh người tu sĩ Phật giáo một cách không phù hợp, chủ yếu là trên các kênh truyền hình cáp.
Các phương thức truyền thông trên mạng, gồm cả video, đã là phương tiện chủ lực để truyền tải nội dung “bôi nhọ Phật giáo”. Điều này, xảy ra ngay từ khi mạng internet hoạt động những năm đầu tiên, và chủ yếu là ở hải ngoại.
Chúng tôi coi hiện tượng “bôi nhọ Phật giáo” xảy ra trên một số trang mạng trong nước, ngoài một số trường hợp có chỉ từ động cơ giật gân, câu khách, còn lại, nên hết sức cảnh giác với xu hướng lây lan từ nước ngoài. Xét về mức độ, thì đây có thể là những bước thăm dò ban đầu. Vì vậy, các sự việc xảy ra theo hướng ngày càng có tần suất cao hơn, đặc biệt lặp lại ở một vài trang mạng có số truy cập cao. Có phải là chuyện vô ý, ngoài ý muốn hay không khi tần suất diễn ra ngày càng gia tăng đến như vậy?
Cùng với việc gia tăng về tần suất, là việc xuất hiện nhiều hình thức mới. Tình hình đã đến mức cần có sự quan tâm.
Càng không thể coi là sự vô ý, ngoài mong muốn, khi sự việc đã được làm rõ, nhưng có trang mạng điều chỉnh, rút nội dung xuống. Còn một số trang thì coi như là phản ứng từ phía bạn đọc Phật giáo là không có gì đáng nói, không cần đếm xỉa gì đến, mà vẫn giữ nguyên nội dung đã được xác định là sai trái.
Như vậy, chúng ta có thể ghi nhận chắc chắn, ít ra là trong một số trường hợp, sự chủ tâm, cố ý, cố làm cho được, giữ cho được, bất kể đúng sai, phải trái… Và hơn thế nữa, tạo ra một sự thách thức, trêu ngươi.
Càng lúc càng có nhiều hình thức được huy động vào mục đích này: tin, phóng sự, truyện tranh… Và chắc chắn sẽ còn nhiều hình thức mới nữa, những cách thức thâm hiểm hơn nữa.
Tìm hiểu chi tiết, lý giải nguyên nhân của hiện tượng mà chúng ta đang bàn, thì mục tiêu dường như chỉ là một: hạ thấp, bôi bẩn các giá trị Phật giáo, mà trước hết là Tam bảo, trong đó, yếu tố tương đối dễ hơn cả để thực hiện mục tiêu bôi nhọ là Tăng bảo, tức là người tu sĩ Phật giáo.
Còn tại sao họ lại làm như vậy, thì có thể có nhiều trường hợp, từ nhiều động cơ:
Họ không theo Phật giáo, vì vậy, từ mục tiêu “câu” bạn đọc, họ có thể tạo những tin giật gân, những trò tai quái, làm bạn đọc chú ý, bất kể đối tượng của họ là ai. Cũng có thể chỉ đơn giản như vậy. Bên cạnh đó, không loại trừ nguyên nhân xuất phát từ năng lực kém của người dịch chẳng hạn.
Nhưng cũng có thể đây là bước đầu của một cố gắng có tổ chức đưa những nội dung bài Phật giáo từ hải ngoại về các trang mạng trong nước, dưới những hình thức thích hợp, để có thể được đăng tải và có tính chất thăm dò phản ứng. Nếu kết quả thuận lợi, thì sẽ có những bước đi mạnh hơn tiếp theo.
Xét các mục tiêu đã nói ở trên, thì cũng không loại trừ “bôi nhọ Phật giáo” bằng các trang mạng là một đòn đánh yểm trợ hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo, một hoạt động đang được tiến hành mạnh mẽ, ráo riết, có khi cố giữ lặng lẽ để che giấu, có khi bùng phát thành những sự kiện có tính chất kích thích. Yêu cầu trên hết của họ là làm người Phật tử thối thất tín tâm với Tam bảo, làm người yêu đạo Phật, không còn yêu đạo Phật nữa, mà thay vào là não trạng khinh ghét, xa lánh.
Nói theo cách nói “cải đạo”, thì đó là tạo ra một cánh đồng, để bước tiếp theo là gieo những hạt giống mà họ mong muốn.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý, là những người có dụng tâm như vậy, ngoài những mục tiêu kể trên, còn hướng đến việc tạo ra mâu thuẫn giữa một bên là Phật giáo Việt Nam và bên kia là một số cơ quan truyền thông. Sau khi vuợt qua hàng rào biên tập, đưa những nội dung như vậy lên mặt báo, họ đã thực hiện bước một là gây tổn thương cho Phật giáo. Kế đó, bước hai, là khai thác phản ứng tự nhiên của bạn đọc Phật giáo để tạo nên sự mâu thuẫn, ác cảm từ 2 phía, cả cơ quan truyền thông lẫn phía Phật giáo, làm 2 bên trở thành đối kháng nhau.
Vì vậy, bạn đọc Phật tử lẫn lãnh đạo cơ quan truyền thông đều phải hết sức cảnh giác trước thủ đoạn tạo mâu thuẫn dẫn đến tình huống ác cảm lẫn nhau theo hướng có lợi cho những thế lực cải đạo.
Vấn đề rõ ràng là phức tạp và đã có những dấu hiệu báo trước sự nguy hiểm. Một số bạn đọc đề nghị Giáo hội đưa ra những phản ứng chính thức và mạnh mẽ. Theo chúng tôi, Giáo hội chúng ta trước hết cần cử ra một bộ phận có trách nhiệm theo dõi sự việc này, làm việc một cách tế nhị và khéo léo với cơ quan truyền thông liên hệ, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng để tìm cách ngăn chận có hiệu quả, hơn là có phản ứng gay gắt, có thể tạo ra hoàn cảnh để những người tiểu tâm lợi dụng tạo tình huống mâu thuẫn, chia rẽ Phật giáo với một số cơ quan truyền thông, mà có thể, ban biên tập ban đầu không hề muốn có những việc đáng tiếc như vậy, mà họ chỉ là nạn nhân của một số thuộc cấp có dụng ý xấu làm việc cho những thế lực nào đó.
Hồ Phước Vinh