Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
TRÍ TUỆ, TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ HÀNH ĐỘNG
04/11/2011 21:46 (GMT+7)



Khán chúng có mặt tại Trường quay S10 lúc 9 giờ sáng bao gồm chư Tăng Ni Truyền thừa Drukpa, các Phật tử quốc tế đến từ Ấn Độ và Châu Âu, các Phật tử trong nước và cả một số người tình cờ có phúc duyên được tham dự vào cuộc Pháp đàm này. Đây là lần đầu tiên ê-kíp sản xuất thực hiện cuộc phỏng vấn với một bậc lãnh tụ tâm linh và cũng là một nhà hoạt động xã hội quốc tế nổi tiếng như Đức Pháp Vương.

Trong phần giới thiệu về mình, Đức Pháp Vương kể lại câu chuyện về lịch sử Truyền thừa với lịch sử trải dài 1.000 năm từ Đại Thành Tựu Giả Naropa, đặc biệt cách đây 800 năm, khi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I thị hiện nơi miền đất tuyết, xả bỏ đam mê trần lụy để tu hành chính pháp với hạnh nguyện dìu dắt cứu độ chúng hữu tình. Lịch sử Truyền thừa gắn với biểu tượng chín rồng thiêng cát tường phi thiên nơi thánh địa Namdruk, để từ đó truyền thừa với tên gọi Drukpa (hay Rồng thiêng) được hoằng truyền rộng khắp vì lợi ích hữu tình. “Druk” hay “Rồng” cũng chính là tên gọi biểu trưng cho tình yêu thương, hòa bình và vô lượng cát tường. Lý giải cho sự kết nối đặc biệt với đất nước và người dân Việt Nam, Ngài cho biết đó là do mối liên hệ “nghiệp” lâu đời. Trong đời này, mối liên hệ đó được trưởng dưỡng mạnh mẽ nhờ tâm chí thành thực hành Phật pháp của các học trò Việt Nam và quan hệ bang giao tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ.

Hãy chia sẻ tình yêu thương và sự nhiệt thành đến với người khác

Trả lời câu hỏi của MC Thùy Dương về định nghĩa của “Tình Yêu Thương”, Đức Pháp Vương cho biết Tình Yêu thương theo Ngài chính là hành động thiện hạnh. Khi tâm từ bi được đưa vào cuộc sống thường nhật vì lợi ích của bản thân và mọi người thì đó chính là tình yêu thương. Tình yêu thương được trưởng dưỡng trên nền tảng của trí tuệ hiểu biết, và trí tuệ lại được vun trồng qua nền tảng của giáo dục, cả giáo dục theo cách truyền thống và qua hành động thiết thực để truyền tải cảm hứng, ý thức về mục đích và ý nghĩa chân chính của cuộc sống đến với mọi người.

Bình đẳng giới hay tâm nguyện hỗ trợ phát triển Ni giới là một ví dụ của việc chuyển hóa lòng bi mẫn và trí tuệ hiểu biết thành hành động lợi ích mọi người. Đức Pháp Vương đã thực hiện nhiều dự án với tâm nguyện nâng cao địa vị của nữ hành giả trong cộng đồng tâm linh Truyền thừa Drukpa. Ngài khiêm cung cho biết không có tham vọng thực hiện một cuộc cải cách vĩ đại về quyền người nữ, song ít nhất sẽ làm những gì có thể để cộng đồng nữ hành giả Truyền thừa sẽ không phải chịu sự đối xử bất công như sự phân biệt xã hội và văn hóa, sự bám chấp vào giới tính của chấp ngã vô thức đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Trong sự phát triển đó, Đức Pháp Vương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để chư Ni hoàn thiện các phẩm hạnh Bi – Trí – Dũng để hiên ngang bước ra đời phụng sự chúng sinh. Với tâm nguyện đó, Ngài giáo dục cho các vị những kỹ năng sống, ban truyền trọn vẹn giáo pháp thành tựu Mật thừa và sách tấn Ni giới rèn luyện thân tâm, ngay cả đến những môn dành cho phái nam như võ thuật để có sự tự tin và nâng đỡ cần thiết trên con đường tu tập. Ngài chia sẻ sự thích thú của mình với bộ môn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Trong nhiều truyền thống võ học quốc tế, võ cổ truyền Việt Nam được Ngài lựa chọn để luyện tập cho chư Ni tại tự viện chính của Ngài ở núi Druk Amitabha, Kathmandou, Nepal. “Kungfu Nuns” hay câu chuyện cảm động về các sư cô học võ đã trở thành chủ đề nổi tiếng của phóng sự được Đài truyền hình BBC đăng tải năm ngoái.

Theo Đức Pháp Vương, giáo dục cần phải được trưởng dưỡng bằng nhiều cách, không chỉ qua việc đến trường đọc sách mà còn nhờ sự ban truyền cảm hứng, gương mẫu thực hiện các hành động cụ thể trong cuộc sống. Theo quan điểm Đạo Phật, giáo dục hay giáo pháp là quá trình phát triển thực hành mỗi phút mỗi giây. Như thế, cuộc sống mỗi phút mỗi giây cần được chuyển hóa thành thời khắc quý giá cho sự thực hành. Đó là lí do tại sao Ngài cùng hàng trăm chư Tăng Ni Truyền thừa và Phật tử quốc tế thực hành những chuyến bộ hành hàng tháng trời trên nóc nhà thế giới, băng qua dãy núi Himalaya hùng vĩ trên độ cao đến hơn 5.000 km so với mực nước biển trong thời tiết khắc nghiệt, trải qua vô vàn thử thách cam go để thu gom rác thải, chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người. Những chuyến đi này cũng là cơ hội để Ngài sách tấn các đệ tử biết cách vượt qua những thách thức trong cuộc sống, học cách gắn kết với những người đồng hành, trải nghiệm những tri thức mới và trở thành người hoàn thiện hơn.

Do không thể trốn chạy thực tại, không thể xa rời chính cuộc sống này, chúng ta phải biết sống với yêu thương. Do cuộc đời vốn ngắn ngủi vô thường nên Ngài khuyên chúng ta hãy thôi không lo lắng về phút giây của sự khởi đầu hay chấm dứt sự sống, mà hãy biết sống tỉnh thức để hân hưởng thực tại nhiệm mầu và mang lại lợi ích nhất cho mình và thế giới quanh mình. Như vậy, tâm nguyện chân chính của người tu sĩ xuất gia không chỉ là mong nguyện tốt đẹp hướng tới giác ngộ được trưởng dưỡng thông qua quá trình tu tập, qua những lời cầu nguyện hồi hướng mà còn là ước nguyện cho bồ đề tâm nở hoa kết trái thông qua các thiện hạnh tốt đẹp khơi gợi cảm hứng và dẫn dắt để mọi người noi theo vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bàn về hạnh phúc, Ngài chia sẻ rằng hạnh phúc tương đối cần được trân trọng nhưng chúng ta cũng phải biết cách trưởng dưỡng hạnh phúc tuyệt đối. Đức Pháp Vương nhắn nhủ mỗi chúng ta cần biết phân biệt phạm trù tâm linh và tôn giáo. Cả hai đều ý nghĩa quan trọng trong việc mang lại hạnh phúc song chúng ta không được cuồng tín và bám chấp vào tôn giáo. Chừng nào còn được áp dụng như phương tiện thiện xảo để giúp đỡ và chuyển hóa cuộc sống của mình và những chúng sinh khác thì chừng đó tôn giáo còn có ý nghĩa. Điều quan trọng nhất chúng ta cần khắc tâm đó là tôn giáo chỉ có thể trợ giúp con người tìm được hạnh phúc hay sự an ủi tạm thời trước khổ đau, và chỉ qua việc trưởng dưỡng nền tảng tâm linh, khi nội tâm hoàn toàn chuyển hóa, khi bức tường vô minh sâu dày bên trong được gỡ bỏ để con người biết sống đúng nghĩa thì chừng đó bạn mới thực sự hướng về và thụ hưởng hạnh phúc tuyệt đối. Bạn sẽ luôn là bậc chiến thắng vô úy trước cuộc sống, không chướng ngại khó khăn nào có thể ngăn cản bạn. Dù trên phương diện thể chất bạn có thể là người yếu đuối nhưng sức mạnh siêu việt của tinh thần hay tâm linh bên trong sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều. Vì thế, cách tiếp cận của Ngài với cuộc sống không mang tính chất giáo điều, không phải là sự truyền đạo cứng nhắc mà là mong muốn chuyển tải thông điệp về cuộc sống qua hành động để con người được khơi gợi cảm hứng tìm lại sự hài hòa, an lạc bên trong và bên ngoài…

Các chủ đề của buổi Pháp đàm còn xoay quanh những cách hóa giải stress, ý nghĩa của giáo pháp quán đỉnh, các hoạt động thiện hạnh và tâm nguyện của Đức Pháp Vương đối với người dân, cả những người còn sống và đã khuất, trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần này. Đức Pháp Vương cho biết từ năm 17 tuổi, Ngài đã đi du hóa khắp nơi với tâm nguyện giúp đỡ chúng sinh, nhưng Ngài thực sự có sự kết nối và tình cảm chân thành hướng về người dân Việt Nam. Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử Phật giáo, nơi con người có tâm hướng thiện và sự phát triển tôn giáo được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi. Một quốc gia chỉ có thể hạnh phúc hơn nếu mỗi người dân đều hướng tới hạnh phúc và mong nguyện đó được trợ duyên nâng đỡ. Ngài chân thành cầu nguyện và tin tưởng rằng, đất nước và con người Việt Nam sẽ đạt đến sự phát triển trọn vẹn, không những về mặt kinh tế, chính trị, xã hội… mà còn đạt được niềm an lạc hạnh phúc chân thật nhất của tâm linh

Nhóm phóng viên VTV4 sẽ theo gót chân sen của Đức Pháp Vương trong hành trình Việt Nam của Ngài lần này và chương trình dự kiến sẽ được phát trên sóng của VTV4 vào 21h-21h30 tối ngày thứ bảy 12/11.

Để biết thêm thông tin và cập nhật trực tuyến chuyến thăm giảng pháp quán đỉnh Việt Nam của Đức Pháp Vương, xin vui lòng truy cập mục Tin Việt Nam– Nhật ký chuyến thăm Việt Nam 2011 trên trang web drukpavietnam (www.drukpavietnam.org)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang