Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
An vị tượng Phật ngọc tại chùa Vạn Niên
03/11/2010 11:26 (GMT+7)


Sáng 31/10, tại chùa Vạn Niên, 364 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội đã tổ chức lễ an vị và khánh thành điện Phật ngọc chùa Vạn Niên. Tới dự buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội.

Đây cũng là một hoạt động chào mừng thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và đón chào chùa Vạn Niên tròn 1000 năm tuổi (1011 – 2011).

Chùa Vạn Niên nằm ở bờ phía tây của Hồ Tây, thuộc ấp Quán La (nay là Xuân La, quận Tây Hồ). Hiện nay, chùa Vạn Niên thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh.

Qua 1.000 năm lịch sử, với bao thăng trầm và biến cố, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu. Đến nay, chùa Vạn Niên có phong cách kiến trúc thời Nguyễn, mặt bằng chùa bao gồm: Tam quan, chùa chính và điện mẫu. Câu đối ở hàng cột nhà bái đường đã nói rõ: “Cổ tự trùng tu tân cảnh sắc/Vạn Niện kiến tạo cựu quy mô” (Chùa cổ trùng tu cảnh sắc mới/Vạn Niên sửa chữa quy mô xưa).


Điện đặt tượng Phật ngọc tại chùa Vạn Niên

Hiện chùa còn giữ bộ di vật với hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn có giá trị lịch sử - văn hoá nghệ thuật cao. Đặc biệt chùa còn có Bài ký trên chuông đồng “Vạn Niên Tự Chung” đúc vào đời Gia Long thể hiện: Chùa Vạn Niên là một di tích cổ có qui mô bề thế, một danh lam cổ vừa tâm linh vừa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở phía tây kinh đô Thăng Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa Thượng Thích Thanh Sam, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, việc an vị và khánh thành điện Phật ngọc chùa Vạn Niên không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh. Bên cạnh đó, đây còn là một công trình có ý nghĩa văn hóa to lớn, mang lại cho quần thể kiến trúc của chùa Vạn Niên thêm đẹp và trang nghiêm.

Trụ trì chùa Vạn Niên, Đại đức Thích Minh Tuệ cho biết, là một người xuất gia nên ông muốn làm thật nhiều việc tốt, có ích cho xã hội. Mọi việc ông làm đều xuất phát từ tâm của mình, mong sao cho cuộc sống của mọi người được nhiều niềm vui, may mắn, mạnh khỏe và hạnh phúc. Đặc biệt, ông mong sao ngôi chùa cổ Vạn Niên được trường tồn mãi mãi với tên gọi “Vạn Niên Tự”./.

Một số hình ảnh chùa Vạn Niên:




Phật tử tới lễ chùa


Bức tường bằng gỗ lim một kiến trúc độc đáo của Vạn Niên Tự


Đại hùng Bửu Điện


Thành tâm lễ Phật


Tượng Phật bằng ngọc Jadeit tự nhiên


Viên ngọc cầu may mắn tại chùa Vạn Niên

Huy Phương-Quang Trung (Tiền Phong)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang