Chư tôn đức giáo phẩm chứng minh trên lễ đài
Tham dự chứng minh có HT.Thích Đức Nghiệp, HT.Thích Thiện Bình, đồng Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN cùng chư tôn giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh, chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hoà; HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Trí Tâm, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư; HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hoá T.Ư, chư tôn đức đại diện lãnh đạo các BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai…
Đại diện chính quyền có ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng vụ Phật giáo – Ban Tôn giáo chính phủ; ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành của tỉnh và TP.Nha Trang và hơn khoảng 2.000 Tăng Ni, Phật tử các tỉnh thành, các huyện trên địa bàn tỉnh tham dự.
Đông đảo chư Tăng Ni, quan khách và Phật tử tham dự
Phát biểu khai mạc, HT.Thích Minh Thông, Phó trưởng ban Văn hoá T.Ư, Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ trong lời diễn văn khai mạc đã đọc lại “Lời nguyện tâm quyết” của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã viết trước lúc ngài vị pháp thiêu thân vào ngày 20-4 nhuần - Quý Mão (11-6-1963) tại giao lộ Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt – Sài Gòn (ngày nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh).
HT.Thích Minh Thông đọc diễn văn khai mạc
“Lời nguyện tâm quyết ấy cũng chính là tư tưởng cốt tuỷ làm kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường cho cuộc tranh đấu của tín đồ đạo Phật phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo 1963. Động cơ của cuộc tranh đấu ấy là tâm Từ bi. Phương thức của cuộc tranh đấu ấy là bất bạo động – lấy sự hy sinh cao nhất là hy sinh tánh mạng để thức tĩnh lương tâm của con người, kể cả đối với người đã hãm hại mình, mà không hề có lòng hận thù hay ganh ghét.
Hình ảnh bi tráng Ngài an toạ trong biển lửa, ý thức, bình thản và siêu thoát, tay kết ấn Tam muội vượt ngoài sức tưởng tượng của con người, đã làm hàng triệu người trên thế giới xúc động tột cùng, vượt giới hạn của thời gian và không gian.
Tâm Từ bi vô lượng ấy đã kết tinh trong trái tâm diệt, thiêu đốt hàng ngàn độ liên tục nhiều giờ liền vẫn không cháy, trở thành ngọc xá lợi. Thêm một lần nữa, Bồ-tát đã làm cho niềm tin của Tăng ni Phật tử về sự tu tập, hành trì Giới, Định, Tuệ theo giáo pháp của Như Lai thêm kiên cố.” – HT.Thích Minh Thông nói.
Sân chùa Long Sơn trong lễ khai mạc
Hoà thượng cho biết: Nhắc đến danh hiệu Bồ-tát Thích Quảng Đức, chư Thánh tử đạo, đến Pháp nạn của Phật giáo năm 1963, với người Phật tử, không phải gợi lại nỗi đau thương 50 năm trước của Phật giáo, mà trước hết, với tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” – đặc biệt đối với Tăng ni Phật tử Khánh Hoà – tự hào là nơi quê hương của Bồ-tát, không thể quên ơn sâu dày của chư vị tiền nhân đã hy sinh để bảo tồn đạo Pháp cho thế hệ hôm nay được thừa hưởng; thứ nữa, noi gương học theo hạnh của Ngài và chư Thánh tử đạo, chư vị tiền bối: nguyện tinh tấn tu học, trưởng dưỡng tâm Từ bi, sống trách nhiệm với đạo Pháp và quê hương xứ sở, xứng đáng là con cháu, là Tăng Ni, Phật tử nơi đã phát xuất một vị Bồ-tát của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
Chư tôn giáo phẩm chứng minh dâng hương trước tôn tượng Bồ-tát trên lễ đài
Theo Hoà thượng, “Ngọn lửa Bồ-tát Quảng Đức” vị pháp thiêu thân “là sự kiện nổi bật nhất, tiêu biểu cho cả phong trào tranh đấu phản đối chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo năm 1963, nên tưởng niệm Ngài cũng đồng thời tưởng niệm Chư Thánh tử đạo đã vị pháp thiêu thân: Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu tại Phan Thiết, Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại Huế, Sư cô Thích Nữ Diệu Quang tự thiêu Ninh Hoà (Khánh Hoà), Thượng toạ Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại Huế, Đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu tại Sài Gòn, Đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu tại Sài Gòn, Phật tử Hồng Thể tự thiêu tại Vũng Tàu; tám Phật tử bị thảm sát tại Đài Phát thanh Huế: Phật tử Tâm Đồng - Đặng Văn Công; Phật tử Tâm Thuận - Trần Thị Phước Trị, Phật tử Tâm Thanh - Nguyễn Thị Yến, Phật tử Tâm Tôn - Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoà, Phật tử Tâm Hiển - Lê Thị Kim Anh, Phật tử Tâm Thành - Dương Viết Đạt, Phật tử Tâm Chánh - Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phật tử Tâm Thông - Nguyễn Thị Phúc; và Cư sĩ Hồ Thị Mùi, Cư sĩ Nguyễn Tăng Chắc, Cư sĩ Hoàng Tuyết, Cư sĩ Trần Du, Phật tử Quách Thị Trang…, những cư sĩ Phật tử đã bị thảm sát tại Huế, Sài Gòn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Chánh pháp năm 1963.”
HT.Thích Đức Nghiệp ban đạo từ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Hữu Dược đã bày tỏ niềm xúc động và tự hào khi được tham dự Đại lễ kỷ niệm 50 Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân ngay trên quê hương của ngài. “50 năm trước, ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Hoà thượng Thích Quảng Đức đã thắp sáng lương tri nhân loại…”, ông nói. Ông Bùi Hữu Dược cũng đã đọc lại câu đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh để ngợi ca Bồ-tát: “Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt/ Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”.
Ông Bùi Hữu Dược, đại diện ban Tôn giáo chính phủ tham dự và phát biểu
HT.Thích Đức Nghiệp đã có lời đạo từ. Theo đó, một lần nữa, Hoà thượng đã minh mẫn nhớ lại diễn biến của sự kiện Bồ-tát vị pháp thiêu thân mà Hoà thượng là một trong những nhân chứng, đồng thời tán thán Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm Bồ-tát và chư Thánh tử đạo một cách trọng thể, trang nghiêm, trong tinh thần uống nước nhớ nguồn; khuyến tấn Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói chung, đặc biệt là Tăng Ni, Phật tử Khánh Hoà hãy học và noi gương nếp sống giản dị, tâm từ bi, thái độ vô uý của Bồ-tát để ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày, nỗ lực tu tập và hành đạo, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng xương minh.
HT.Thích Giác Toàn trao tôn tượng Bồ-tát - món quà tâm linh của Trung ương GHPGVN
HT.Thích Giác Toàn và HT.Thích Trung Hậu đã trao tặng tôn tượng Bồ-tát được tôn tạo bằng đồng đến Ban Tổ chức trong niềm hoan hỷ chung của buổi lễ.
Cũng trong buổi sáng hôm nay, Ban Tổ chức đã khai mạc triển lãm tưởng niệm chủ đề “Ngọn lửa và Trái tim”, tôn trí các hình ảnh lịch sử liên quan đến biến cố Pháp nạn 1963 tại Huế, Sài Gòn; tôn trí một phần xá lợi xương của Bồ-tát, các di vật, pháp khí, pháp cụ liên quan đến cuộc đời tu hành của ngài và những hình ảnh về sự kiện tự thiêu của ngài do các phóng viên của AP Malcolm Browne (1931-2012) và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông (đã được mời ra tham dự Đại lễ này) ghi lại được từ nhiều góc độ đã và đang làm hàng triệu người trên thế giới xúc động
Cắt băng khai mạc triển lãm tưởng niệm chủ đề "Ngọn lửa và Trái tim"
Được biết, Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà tổ chức, với sự hỗ trợ của Ban Văn hoá T.Ư, diễn ra trong 3 ngày 28, 29 và 30-5-2013với nhiều hoạt động như triển lãm tưởng niệm, giao lưu nhân chứng và thời đại, lễ tưởng niệm tâm linh, hành hương về quê hương Bồ-tát, thuyết giảng, thuyết trình, văn nghệ cúng dường… Các hoạt động chính hầu hết đều được diễn ra tại chùa Long Sơn, Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hoà.
Sau đây là những hình ảnh về diễn tiến của buổi lễ sáng nay:
Cung nghinh chư tôn đức giáo phẩm chứng minh
Cử niệm hồng danh Đức Phật
Đông đảo chư tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành về tham dự
Các vị quan khách Trung ương và tỉnh Khánh Hoà
Các vị nhân sĩ trí thức từ hải ngoại và nhiều nơi khác về dự
Hoà thượng Trưởng BTC tiếp nhận lẵng hoa tưởng niệm của Trung ương Giáo hội dâng cúng dường Bồ-tát
Tiếp nhận lẵng hoa cúng dường của Ban Tôn giáo chính phủ
Rất nhiều người tham dự đại lễ hôm nay từng là nhân chứng của Pháp nạn 1963
Chư tôn đức và quan khách tham dự lễ khai mạc triển lãm
Chư tôn đức thành kính dâng trầm tưởng niệm trước tôn ảnh của Bồ-tát tại gian trung tâm của phòng triển lãm
Tôn ảnh Bồ-tát
Chiêm ngưỡng những di vật giản dị của bậc Thượng sĩ qua hiện tướng của một vị Tăng
Xem lại tư liệu về cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963
Những hình ảnh đã đi vào lịch sử
Triển lãm khá phong phú, gồm tư liệu, các di vật, đặc biệt là xá lợi xương của Bồ-tát