Vào ngày 27-28/8 năm 2011 vừa qua, Thượng tọa cùng
Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch GHPGVN tham dự hội nghị trù bị
của tổ chức Phật giáo thế giới này. Sau đây là một vài chia sẻ của
Thượng tọa về Liên minh Phật giáo thế giới dành cho độc giả Đạo Phật
Ngày Nay.
TLĐ: Xin Thượng tọa giới thiệu đôi nét về tổ chức Liên minh Phật giáo thế giới.
TNT: Để góp phần phục hưng Phật giáo Ấn Độ cho thiên
niên kỷ thứ ba và nhằm kỷ niệm 2600 năm thành đạo của đức Phật, nhiều
nhà lãnh đạo và giới tri thức Phật giáo tại Ấn Độ, trong đó có đức Dalai
Lama và cộng đồng Phật giáo thế giới tại các Phật tích đã có nhiều nỗ
lực đáng khích lệ trong việc giúp người Ấn Độ thoát khỏi nạn phân biệt
giai cấp, tiếp cận được ánh sáng tuệ giác của Phật.
Hội Truyền giáo A-dục (Asoka Mission) có trụ sở tại thủ đô New Delhi,
Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của ngài Gaden Tripa Rizong Setrul Rinpoche đời
thứ 102 của dòng truyền thừa Delukpa, đã tổ chức phiên họp đặc biệt để
chuẩn bị cho việc thành lập Liên minh Phật giáo thế giới tại Trung tâm
Quốc tế Ấn Độ, New Delhi, trong hai ngày 27-28 tháng 8 năm 2011, nhằm
thảo luận và tìm ra giải pháp khả thi cho việc phục hưng Phật giáo tại
Ấn Độ. Liên minh Phật giáo thế giới này dự kiến sẽ kết nạp hàng trăm tổ
chức Phật giáo thế giới, đóng vai trò nối kết các nỗ lực tập thể của
cộng đồng Phật giáo thế giới và Phật giáo Ấn Độ nhằm truyền bá thông
điệp từ bi và trí tuệ của đức Phật đến người dân Ấn Độ và thế giới nói
chung.
TLĐ: Trên thế giới hiện nay đã có nhiều
tổ chức Phật giáo thế giới. Đâu là sự khác biệt giữa các tổ chức Phật
giáo thế giới đã có với Liên minh Phật giáo thế giới?
TNT: Dĩ nhiên có sự khác biệt về bản chất và phạm vi
hoạt động. Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới (World Buddhist
Summit) là diễn đàn quốc tế của 33 nước thành viên, đứng đầu là các giáo
hội Phật giáo quốc gia và các tổ chức lớn của Phật giáo toàn cầu. Đây
là Hội nghị mang tính cấp cao của cộng đồng Phật giáo thế giới, trung
bình 2 năm tổ chức một lần, nhằm tìm ra các giải pháp cho các vấn nạn
toàn cầu.
Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (The United Nations Day of Vesak), như
Việt Nam có cơ hội đăng cai năm 2008, lúc đó tôi là Tổng thư ký của Ủy
ban Tổ chức thế giới, là một đại lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong
cuộc đời của đức Phật là ngày Phật ra đời, ngày Phật thành đạo và ngày
Phật Niết-bàn, do tổng thư ký LHQ khởi xướng và được cộng đồng Phật giáo
thế giới hưởng ứng tổ chức tại các quốc gia, từ năm 2000 đến nay. Đại
lễ Phật đản LHQ thể hiện các hình thái văn hoá và hoạt động học thuật
theo chủ trương của LHQ.
Hội liên hữu Phật tử thế giới (WFB) mặc dù cũng có nhiều hội đoàn
Phật giáo do tu sĩ lãnh đạo tham gia, như tên gọi của nó chủ yếu nối kết
sức mạnh tập thể của các tổ chức Phật tử trên toàn cầu, nhằm nỗ lực tìm
ra các giải pháp hoạt động Phật sự có hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu
hóa.
Liên minh Phật giáo thế giới là một tổ chức liên kết trí tuệ tập thể
của các cộng đồng Phật giáo thế giới, dưới danh nghĩa của Liên Hiệp
Quốc, nhằm thể hiện tiếng nói thống nhất của Phật giáo trong các diễn
đàn thế giới về các vấn đề mang tính quốc gia và toàn cầu bao gồm các
vấn nạn và các giải pháp từ minh triết Phật giáo. Sự thành lập tổ chức
này một mặt góp phần phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ, mặt khác góp phần
dấn thân tích cực hơn nữa các hoạt động Phật giáo trong các mạng lưới
toàn cầu, góp phần xây dựng nền hoà bình và sự phát triển bền vững cho
toàn nhân loại. Ngoài các vai trò quốc tế vừa nêu, Liên minh Phật giáo
thế giới chịu trách nhiệm thương thuyết với chính phủ Ấn Độ giao trả
quyền quản trị các Phật tích, các xá lợi của Phật và thánh tăng cho cộng
đồng Phật giáo thế giới gìn giữ, mà trong nhiều năm qua thuộc về quyền
quản trị của một ủy ban mà phần lớn các thành viên là người Ấn Độ giáo.
TLĐ: Sự ủng hộ của cộng đồng Phật giáo thế giới về việc thành lập Liên minh Phật giáo thế giới như thế nào?
TNT: Tháng 5-8 năm 2011 vừa qua, Lạt-ma Lobzang,
tổng thư ký của Hội truyền giáo Asoka, thông qua sự trợ giúp của Bộ
ngoại giao Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ tại các nước, đã thăm viếng và làm
việc với lãnh đạo Phật giáo thế giới ở một số nước châu Á, bao gồm Tích
Lan, Miến Điện, Bhutan, Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái
Lan, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Triều Tiên, Malaysia, Singapore và một số
nước phương Tây v.v… nhằm thỉnh cầu sự ủng hộ quốc tế của các lãnh tựu
Phật giáo lớn trên thế giới. Phản hồi rất tích cực. Nhiều vị tăng thống
và chủ tịch các giáo hội và tổ chức Phật giáo thế giới đã hứa khả trở
thành thành viên sáng lập và sẽ tham dự Hội nghị thành lập vào cuối năm
2011.
Đến tham dự Liên minh Phật giáo thế giới vào cuối năm nay, dự kiến có
Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ, thủ tướng Tích Lan, thủ tướng Mông Cổ,
thủ tướng Bhutan, các bộ trưởng chính quyền Ấn Độ, đức Dalai Lama và
nhiều nhân sĩ trí thức và hành giả Phật giáo nổi tiếng khắp thế giới.
Điều này cho thấy việc thành lập Liên minh này đã được phần lớn lãnh đạo
Phật giáo thế giới ủng hộ. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho cộng đồng Phật
giáo thế giới.
TLĐ: Làm thế nào để trở thành thành viên của Liên minh Phật giáo thế giới?
TNT: Theo Hiến chương dự thảo do nhóm luật sư Ấn Độ
và chúng tôi phụ trách, Liên minh Phật giáo thế giới có 5 loại thành
viên tham gia: 1) Các Giáo hội Phật giáo cấp quốc gia (vai trò lãnh đạo
và ưu tiên một), 2) Các giáo phái và tổ chức Phật giáo trên khắp thế
giới, 3) Các tự viện Phật giáo tầm vóc, không trực thuộc các giáo hội và
tổ chức, 4) Các thành viên danh dự và 5) Các thành viên liên kết.
Nhóm thành viên 1 và 2 bao gồm các tổ chức Phật giáo cấp quốc gia và
quốc tế đã và đang hiện hữu. Nhóm thành viên 3-5 mở rộng cho các tổ
chức, tự viện và cá nhân không thuộc nhóm thành viên 1-2. Theo cách này,
Liên minh Phật giáo thế giới sẽ có nhiều thành viên nhất so với các tổ
chức Phật giáo từ trước đến nay và có khả năng trở thành tổ chức Phật
giáo lớn nhất toàn cầu về bản chất và phạm vi hoạt động.
TLĐ: Chủ đề và đại biểu tham dự Liên minh Phật giáo thế giới?
TNT: Chủ đề chính của Hội nghị Phật giáo quốc tế năm 2011 là “Phật giáo trong thế kỷ 21: Lời hiệu triệu hành động (Buddhism in the 21st Century: A Call to Action). Xoay quanh chủ đề chính, có các diễn đàn Phật giáo: 1) Đạo đức và giá trị (Ethics and Values), 2) Mâu thuẫn và bạo lực (Conflict and Violence), 3) Chính trị và xã hội (Politics and Society), 4) Lo âu, trầm cảm và xa lánh (Anxiety, Depression, Alienation), 5) Khủng hoảng xã hội (Environmental Crisis), 6) Chánh mạng và phát triển (Livelihood and Development), 7) Duy trì và phát triển Phật giáo (Preservation and Development).
Hội nghị thành lập Liên minh Phật giáo thế giới và hội thảo học thuật
sẽ được diễn ra tại thủ đô Ấn Độ vào ngày 27-30 tháng 11 năm 2011. Có
khoảng 800 đại biểu quốc tế, bao gồm các Tăng thống Phật giáo, chủ tịch
các tổ chức Phật giáo và lãnh đạo Phật giáo đến từ 50 quốc gia sẽ tham
dự. Ngoài đại biểu chính thức, còn có thành phần dự thính, tham gia tự
túc.
Sau khi hội nghị bế mạc, vào ngày 1-4/12, đoàn đại biểu quốc tế và
trong nước sẽ chiêm bái các Phật tích Sarnath nơi Phật chuyển pháp luân,
Bồ-đề Đạo tràng – nơi Phật thành đạo, đại học Nalanda, núi Linh Thứu và
xá-lợi thật của đức Phật tại Viện bảo tàng quốc gia New Delhi.
Đoàn đại biểu của GHPGVN khoảng 20 vị là lãnh đạo Phật giáo toàn
quốc, gồm có Hòa thượng Pháp chủ, HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Thiện
Nhơn, HT. Thích Giác Toàn, TT. Thích Bảo Nghiêm và một số chư tôn đức
lãnh đạo các ban ngành trung ương giáo hội.
Chân thành cảm ơn Thượng tọa và kính chúc Liên minh Phật giáo thế giới hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại của mình.