Hành trình về chùa Trăm Gian, ngôi chùa cổ nổi tiếng cả nước nằm trên
địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tôi vẫn chưa thể hình dung hết cái cơ
duyên, hay nói là ý trời tiềm tàng trong câu chuyện cổ vật mất cắp gần
20 năm “tìm đường” trở về ngôi cổ tự này...
Lưới trời lồng lộng
Tìm về chùa Trăm Gian, trong tiết trời cuối thu đầu đông năm 2009,
tôi có cảm nhận mơ hồ về tính cơ duyên của câu chuyện đã xảy ra cách
đây gần 20 năm, khi các cổ vật của chùa bị đánh cắp.
Việc tìm lại được 4 bức tranh cổ vô giá trong bộ "Thập Điện Diêm
vương" của chùa Trăm Gian không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng có lẽ
nó cũng mang trong đó ý nghĩa sâu xa trong hai từ cơ duyên của nhà
Phật. Sau một thời gian dài trinh sát và theo dõi chặt chẽ quy luật
hoạt động của một số đối tượng buôn đồ cổ xuyên quốc gia, các chiến sĩ
công an thành phố Hà Nội đã khám phá ra một đường dây chuyên săn lùng
đồ cổ liên quan đến nhiều đối tượng ở Việt Nam và một số nước trên thế
giới.
Trưa 27.5.2009, qua công tác nghiệp vụ, đội 4 PC14 Công an TP Hà Nội
nhận được nguồn tin của quần chúng cho biết có một đường dây tiêu thụ
cổ vật trộm cắp được tại các ngôi chùa sẽ được đưa ra nước ngoài bằng
đường hàng không để tiêu thụ. Mật phục trên đường cao tốc Bắc Thăng
Long - Nội Bài tới trưa 27.5, tổ công tác đã phát hiện một chiếc xe
Ford Everest 7 chỗ, màu trắng có nhiều dấu hiệu trùng khớp với nguồn
tin của người dân.
Sau khi yêu cầu lái xe dừng xe để kiểm tra hành chính, tổ công tác đã
phát hiện trong xe có 3 hộp xốp đựng 3 bát hương bằng sành sứ với hoa
văn rồng mây bên mặt ngoài, 2 hộp giấy đựng 4 bức tranh điêu khắc bằng
gỗ đã lên màu đen bóng.
Người lái xe có tên Nguyễn Hoàng đã không xuất trình được giấy tờ
chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Hoàng cho biết được một người nước
ngoài gọi điện thuê chuyển hộ 2 kiện hàng trên với giá cao từ thị xã Từ
Sơn, Bắc Ninh về hồ câu cách sân bay Nội Bài khoảng 100m, đến đó sẽ có
người ra nhận hàng. Nghi là đồ cổ, Hoàng hỏi lại vị khách trên thì
được vị khách khẳng định đó chỉ là đồ giả cổ, chỉ có giá trị trang trí
đơn thuần.
Tuy nhiên đến khi bị lực lượng công an bắt giữ, người lái xe mới biết
rằng đó là những cổ vật bị đánh cắp tại các ngôi chùa ở Việt Nam
đang trên đường vận chuyển ra nước ngoài. Trong câu chuyện này có thể
nói không thể phủ nhận công sức của lực lượng công an trong công tác
đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng ở góc độ khác nó lại phản ánh một
nguyên lý ngàn đời nay, "lưới trời lộng lộng, thưa mà khó lọt".
Ngay sau khi bắt giữ được số cổ vật trên, Công an TP.Hà Nội đã tiến
hành xác minh đó là số cổ vật vô giá bị đánh cắp tại chùa Phổ Minh (Nam
Định) và chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội). Trong đó có những cổ vật
đã bị lấy trộm cách đây gần 2 thập kỷ như 4 bức tranh trong bộ "Thập
Điện Diêm Vương". Cổ vật là vô giá, không thể nói giá trị của những cổ
vật này bằng tiền, nhưng giới đồ cổ đánh giá số tiền của các cổ vật
này bằng con số khổng lồ.
Sau khi các nhà khảo cổ, văn hóa, lịch sử... thẩm định, xác định rõ
giá trị và nguồn gốc của những bức tranh cổ quý giá trên, chiều 17.10,
trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ
và nhiều tăng ni, phật tử ở chùa Trăm Gian, Đại tá Nguyễn Đức Chung -
Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội đã trân trọng trao trả
4 bức tranh cổ cho ni sư Thích Đàm Quang.
Trong buổi lễ đón nhận những báu vật lưu lạc của nhà chùa, sư trụ trì
cũng bày tỏ nguyện vọng mong muốn Công an TP.Hà Nội tiếp tục cố gắng
truy tìm nốt 4 bức tranh còn lại trong bộ tranh “Thập Điện Diêm Vương”
của chùa Trăm Gian.
Và những chuyện về ngôi cổ tự
Trao đổi với chúng tôi, bên cạnh sự vui mừng, ni sư Thích Đàm Quang
vẫn không giấu nổi nỗi lo lắng vì sợ rằng không giữ được những bức
tranh quý giá này ở lại với chùa. Trụ trì cho biết, sau 2 vụ mất trộm
động trời trên, nhiều tháng trời nhà chùa mất ăn mất ngủ vì lo lắng cho
số phận của những cổ vật quý giá còn lại. Nhiều đêm bồn chồn không ngủ
được, ni sư Đàm Quang lại thả bộ quanh chùa để xem có gì khác lạ. Chỉ
một tiếng động nhỏ cũng đủ để làm sư thầy tỉnh giấc.
Được biết, ngoài việc kết hợp với công an địa phương trong công tác
phòng ngừa ngăn chặn nạn trộm cắp cổ vật, thấy tình trạng nhà chùa quá
mệt mỏi với nạn trộm cắp đồ thờ cúng, một Phật tử thành tâm đã cung
tiến cho chùa một bộ máy báo động được mua từ Đức với giá đến 40 triệu
đồng.
Có máy báo động loại tốt rồi, những tưởng ni sư Đàm Quang và các sư
sãi trong chùa sẽ có được những giấc ngủ yên nhưng rồi lại có những rắc
rối khác xảy ra. Một
con chuột chạy qua máy cũng báo động inh ỏi. Một con chim mỏi cánh sa
xuống mái ngói cũng báo động. Nhiều đêm cả chùa bị đánh thức chỉ vì
những lý do chẳng đâu vào đâu như thế.
"Tuy vậy, nhờ cái máy này mà mấy năm qua chúng tôi cũng bắt được quả
tang một số vụ trộm vặt trong chùa. Có vụ thì chúng tôi khóa cửa ngoài
nhưng kẻ trộm dỡ ngói trên mái chạy thoát được. Có vụ thì kẻ trộm sợ
quá không chạy được bị công an lên đưa về trụ sở".
Ni sư Đàm Quang ->
Giờ đây, 4 bức tranh "Thập Điện Diêm Vương" vẫn chưa được nhà chùa
treo lên cho phật tử và khách thập phương chiêm bái. Với những cổ vật
quý giá, danh tiếng suốt bao đời nay như bộ tranh thập bát La Hán, pho
Tuyết Sơn mô tả hình ảnh Đức Phật gầy gò tu khổ hạnh trong núi Tuyết
Sơn và đôi rồng đá thời Trần có thân dài mập nhưng ghép đầu rồng thời
Nguyễn làm lan can thành bậc cửa chùa... chắc hẳn ni sư Đàm Quang và
các tăng ni phật tử chùa Trăm Gian sẽ còn phải nhiều đêm mất ngủ để giữ
gìn, bảo vệ những bảo vật vô giá của tiền nhân.
Ở nước ta có khá nhiều ngôi chùa đồ sộ, có quy mô lớn được gọi là
chùa Trăm Gian nhưng nổi tiếng đến mức trở thành tên thông dụng thì chỉ
có Quảng Nghiêm Tự ở Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội.
Chùa được xây dựng dàn trải trên sườn phía Nam của núi Sở nhưng cổng
vào được tạo hình như một nghi môn thường thấy trong kiến trúc đình
đền lại nằm chếch về phía Đông- Nam giáp đường đi.
Sau cổng vào là con đường gạch chạy giữa những rặng thông theo hình
chữ chi với nhiều cấp nền dẫn lên khu vực chính của chùa. Mở đầu cho khu
vực này là tòa nhà Giá Ngự, nơi rước kiệu Thánh ra xem các trò vui
được tổ chức ở hồ bán nguyệt dưới chân núi, nơi được coi như là minh
đường cho cả ngôi chùa.
Ngược lên cao, sau tòa Giá Ngự, gác chuông chùa nằm trên trục tâm của
tòa Tam bảo là một trong số ít gác chuông cổ hiện tồn tại với những
hình chạm rồng ổ xen lẫn mây lửa của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ 17.
Tòa Gác chuông này có mặt bằng hình vuông cao 2 tầng với 8 mái uốn cong
lên bởi những hoa đao khiến cho công trình như một bông sen khổng lồ
vô cùng thanh quý.
Theo chân ni sư Đàm Quang vào phòng khách của nhà chùa, chúng tôi
nhận thấy 4 bức tranh "Thập Điện Diêm Vương" được dựng ngay ở cạnh cửa
phòng, nơi có đông tăng ni phật tử của nhà chùa đi lại nhất. 4 bức
tranh được tạc bằng gỗ mít nặng mấy chục kg, trải qua gần nghìn năm đã
lên màu đen bóng.
4 bức tranh trong bộ "Thập Điện Diêm Vương" đã được tìm thấy
Ở Việt Nam có hàng trăm bộ tranh "Thập Điện Diêm Vương" do hàng trăm
tác giả sáng tạo dựa vào nội dung tác phẩm Phật giáo như "Thập Vương
kinh" hoặc tác phẩm Đạo giáo như "Ngục lí truyện" nhưng bộ tranh ở chùa
Trăm Gian thuộc loại cổ và quý nhất. Nội dung trên mỗi bức tranh
thường là phần trên Phán quan ngồi giữa 2 bên có người hoặc quỷ sứ đứng
hầu để xét hỏi tội, phần dưới là các tầng địa ngục mà tội nhân phải
nhận các án trừng phạt như đeo gông, trói, chặt đầu, bỏ vào vạc dầu...
10 vị Diêm vương được khắc họa trong bộ tranh là Tần Quảng Vương, Sở
Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quang Vương, Diêm La Thiên Tử, Biện
Thanh Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương, Chuyển Luân
Vương. Trong đó Tần Quảng Vương chuyên điều khiển việc khỏe mạnh, ốm
đau, sinh tử của trần gian, quản lý việc u minh, cát hung và Chuyển
Luân Vương phụ trách việc đầu thai là được giới phật tử nhắc đến nhiều
hơn cả. Màu sắc trên tranh là màu nguyên, màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ
vàng với nét vẽ gọn, rõ ràng, gây ấn tượng rất mạnh.
Theo lời kể của ni sư Thích Đàm Quang thì niên đại của bộ tranh "Thập
Điện Diêm Vương" tương đương với lịch sử của ngôi chùa Trăm Gian cổ
kính. Cách đây gần nửa thế kỷ, khi ni sư Đàm Quang còn nhỏ thì đã quen
với 10 bức tranh Diêm vương đồ sộ treo dọc ở hành lang dẫn lên đại
điện. 4 bức tranh trông cũ kỹ nhưng có một uy lực đáng sợ khiến ai nhìn
vào cũng đều phải cúi đầu kính cẩn.
Sau khi trụ trì cũ là sư cụ Thích Đàm Hiền viên tịch, ni sư Đàm Quang
lên tiếp nhiệm, 4 bức tranh vẫn tại vị ở chỗ cũ, không ai nghĩ một
ngày nào đó có kẻ "to gan, lớn mật" dám vào chốn linh thiêng để thực
hiện hành vi sai trái.. và rồi 4 bức tranh cổ đã “tìm đường” về ngôi cổ
tự một cách kỳ lạ. Có thể có những điều chúng tôi còn chưa biết hết,
nhưng câu chuyện đã phần nào cho thấy mọi sự kỳ diệu đều có thể xảy ra.
Và mỗi người đều nên có ý thức gìn giữ cõi tôn nghiêm, thanh tịnh, để
có nơi thấy an lòng thanh thản mỗi khi tìm đến, bởi dòng đời đã quá xô
bồ...
Ra về khi cơn mưa nhẹ như sương sa vừa dứt, vài vệt nắng vàng hắt lên ngôi cổ tự lung linh, huyền ảo...
Theo Quang Trung - ĐS&PL