Tiên trách kỷ...
GN - Những ngày qua, khi mùa an cư tịnh tu của chư Tăng Ni
cả nước bước vào thời điểm chuẩn bị làm lễ Tự tứ lại nổi lên vụ việc liên quan
đến một số sư cô hóa trang tham gia một chương trình văn nghệ tại chùa Pháp
Hải, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Tham khảo các bình luận trên các trang mạng xã
hội, người đọc dễ dàng nhận thấy sự việc đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.
Chúng ta cần nghe thêm tiếng nói chính thức của người trong cuộc và từ chư tôn
giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội.
Tiên
trách kỷ
Ngày 22-7 vừa qua, căn cứ Hướng dẫn số 143/HPN-TC ngày
7-5-2013 của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM về các hoạt động nhân
dịp Lễ Phật đản và mùa An cư kiết hạ, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Bình Chánh
do bà Phan Thị Cẩm Nhung làm Chủ tịch đã xây dựng kế hoạch “Ngày hội nữ tu
huyện Bình Chánh lần I năm 2013”. Ngày hội mang chủ đề “Làm theo Bác, thực hành
tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” được xây dựng với mục đích giúp cho
giới nữ tu trong toàn huyện có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ
kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động các tổ Hội nữ tu, đẩy mạnh
phong trào “tự rèn luyện” trong nữ tu các tôn giáo. Kèm theo kế hoạch là thể lệ
tham gia ngày hội được ban hành ngày 27-7.
Hình ảnh các Sư cô ở chùa Pháp Hải (H.Bình Chánh) hóa trang lên sân khấu biểu diễn văn nghệ được đưa
trên website của Ban Thông tin - Truyền thông TƯGH gây xôn xao dư luận - Ảnh: phatgiao.org.vn
Theo đó, xuyên suốt thời gian từ 14 giờ đến 18 giờ của
ngày hội, có nhiều hoạt động được tổ chức gắn liền với đời sống hàng ngày của
nữ giới: thực hiện gian hàng ẩm thực chay, thi cắm hoa, hội thi năng khiếu, tổ
chức gian hàng trưng bày và bán sản phẩm, tham gia các công tác từ thiện và địa
điểm dự kiến tổ chức là chùa Pháp Hải, xã Hưng Long (vào thời điểm này là điểm
an cư tập trung dành cho trên 200 chư Ni của Phật giáo huyện Bình Chánh - NV).
Để đảm bảo tính đại diện và tăng cường sự tham gia của Ni giới đối với ngày
hội, Ban Tổ chức đã mời Ni sư Thích nữ Như Phương, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN
huyện, Chủ hương hạ trường đảm nhiệm Phó ban Tổ chức; Ni sư Thích nữ Huệ Ngọc,
trụ trì chùa Pháp Hải, Hóa chủ hạ trường đảm nhiệm thành viên Ban Tổ chức.
Dự kiến tổ chức từ rất sớm nhưng do chư Ni trẻ là hành
giả an cư tại hạ trường Pháp Hải (thành phần chính và đông đảo của ngày hội -
NV) bận các Phật sự của hạ trường và tham gia thi tuyển Học viện nên theo bà
Cẩm Nhung, kế hoạch phải đợi đến ngày 8-8 (tức mùng 2-7ÂL) mới thực hiện có sự
tham dự của đại diện các cơ quan ban ngành trong huyện và chư tôn đức Ban Trị
sự GHPGVN huyện.
Mọi việc có lẽ sẽ rất bình thường và tạo hiệu ứng tốt
về sự tham gia của Ni giới Phật giáo địa phương nếu như không có tiết mục múa
hát ca khúc “Huyền thoại mẹ” thuộc phần Hội thi năng khiếu mà ở đó các
vị Ni trẻ đang tu học tại hạ trường đã trình diễn với trang phục là quân phục
để phù hợp với nội dung, hoàn cảnh ca khúc. Sự việc này ngay sau đó được thông
tin trên các trang mạng và nhận sự phản ứng quyết liệt từ chư Tăng Ni, Phật tử
tín tâm và nghiêm khắc. Lý giải với phóng viên Giác Ngộ về những gì xảy ra, cả
Ni sư Như Phương và Ni sư Huệ Ngọc đều cho rằng, thời gian chư Ni nhận được
thông tin chuẩn bị khá ngắn, đồng thời đây là các hoạt động thể hiện sự sáng
tạo của Ni giới trẻ, phần thì bận các công tác của hạ trường nên việc tập dợt
và tham gia ngày hội, Ban Chức sự hạ trường giao hẳn cho chư Ni mà không có sự
quan tâm sâu sát.
Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, do kế hoạch được
xây dựng khá phù hợp với các yêu cầu đời sống xuất gia của chư Ni trong các
hoạt động và cũng nghĩ rằng đại diện Ban Trị sự PG huyện và Ban Chức sự hạ
trường tham gia Ban Tổ chức nên bà Cẩm Nhung tin tưởng sự chuẩn bị của chư Ni
phù hợp giới luật nhà Phật cho đến thời điểm diễn ra chương trình. Vì thế, với
sức “sáng tạo của mình và sự non nớt trong nhận thức, những vị xuất gia trẻ đã
làm nên sự việc đáng tiếc.
Và dù thế nào chăng nữa, điều
đáng tiếc lớn nhất trong sự việc này vẫn nằm ở chư tôn đức Ban Chức sự hạ
trường và những người tổ chức. Giá như, trước sự chuẩn bị của Ni giới trẻ tuổi,
dù không màng chuyện thế sự hoặc không am hiểu về ca múa hát xướng nhưng Ban
Chức sự hạ trường, với kinh nghiệm tu học và áp dụng những giới luật nhà Phật,
đã có thể ngăn cản được những hình ảnh này. Hay như những người làm công tác tổ
chức sâu sát hơn và cố gắng tìm hiểu hơn một chút cũng có thể nhận ra điều
không phù hợp mà chư Ni đang làm trước khi xuất hiện nơi sân khấu của ngày hội.
Hậu
trách… truyền thông
Ngay sau khi mọi thứ đã diễn ra, theo quan sát của
người viết, các thông tin về ngày hội dường như chưa được biết đến nhiều. Đến
khi những hoạt động này được chuyển tải thành chùm ảnh trên trang tin của Ban
Thông tin-Truyền thông Trung ương Giáo hội (mà hiện nay đã được gỡ xuống - NV)
đã nhận được một số bình luận nhiều chiều. Tuy nhiên, sau đó một trang báo quốc
tế đã chọn lọc chỉ 2 hình ảnh, trong đó có hình ảnh của tiết mục hát múa “Huyền
thoại mẹ” để thông tin sự việc dưới tiêu đề Ni cô “thay nâu sồng mặc
quân phục”, đã tạo nên sự ngộ nhận đầy ác ý từ đông đảo người đọc trong và
ngoài nước.
Đáng tiếc hơn, ngoài những bình
luận của mình, tờ báo mạng này đã bổ sung thêm phần phát biểu của TT.Thích Huệ
Minh, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Bình Chánh tại ngày hội dành
cho tất cả các hoạt động với tư cách là vị khách mời đại diện của giới Phật
giáo địa phương. Phần phát biểu này, được “copy” có chọn lọc theo kiểu “mô
hình thật hay... cần phải mở rộng trong mùa An cư kiết hạ những năm
sau” từ bản đầy đủ của trang tin điện tử Ban Thông tin Truyền thông Trung ương
Giáo hội: “Ngày hội là một mô hình thật hay, mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy, cần
phải mở rộng và phổ biến cho các cơ sở tự viện trong mùa An cư kiết hạ những
năm sau”.
Điều này khiến người đọc nhầm tưởng rằng, lãnh đạo Phật
giáo địa phương ủng hộ và cổ xúy việc Ni giới cải trang để biểu diễn ca khúc “Huyền
thoại mẹ” như trên. Không những thế, khi phóng viên trao đổi trực tiếp với
TT.Thích Huệ Minh, Thượng tọa khẳng định mình chưa hề có những phát biểu như
thế. Thay vào đó là những lời khen cho sự sáng tạo của chư Ni đối với những
hoạt động phong phú của ngày hội nói chung và chúc mừng ngày hội đã thành công
nhất định. Thượng tọa cho biết đã rất bất ngờ với “tạo hình” của tiết mục văn
nghệ nêu trên của chư Ni trong Hội thi năng khiếu, nhưng mọi thứ đang diễn ra
nên không có cách nào khác để thay đổi.
Hơn nữa cách viết của bài báo khi
trích dẫn lời Ni sư Thích nữ Huệ Ngọc cũng khiến độc giả có cảm giác những gì
được thể hiện là do sự ép buộc của Ban Tổ chức đối với các đơn vị tham dự. Trả
lời liên quan đến nội dung này, bà Cẩm Nhung khẳng định những nội dung và hình
thức đều do các đơn vị tự chủ động mà không có bất cứ yêu cầu nào từ Ban Tổ
chức. Tuy nhiên qua việc này, bà cũng nhìn nhận rằng, Hội sẽ nghiêm túc rút
kinh nghiệm để những sự việc đáng tiếc này không diễn ra nữa.
Khi một sự việc xảy ra, có thể có nhiều cách tiếp cận
và nhìn nhận khác nhau từ chính kiến và quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên qua
việc này, chúng ta chỉ mong rằng dù có mục đích gì đi nữa, sự thật vẫn là sự
thật và cần được tôn trọng theo đúng hoàn cảnh của nó. Một sự bóp méo, chuyển
dịch nào đó dù nhỏ cũng có thể làm sai lệch và hiểu lầm đáng tiếc xảy ra, nhất
là trong lĩnh vực truyền thông đại chúng.
HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường
trực BTS GHPGVN TP.HCM: “Việc các sư cô hóa trang lên sân khấu múa hát là sai”
Sự việc
các sư cô hóa trang lên sân khấu múa hát tại chùa Pháp Hải, huyện Bình Chánh,
theo tôi là hoàn toàn sai. Người tu sĩ dù Tăng hay Ni cũng không nên lên sân
khấu ca hát, múa. Giới luật Phật quy định Tăng Ni không được nghe hát, ở đây
các sư cô mặc áo lính lên sân khấu tham gia múa, ca hát tại trường hạ chùa Pháp
Hải, huyện Bình Chánh lại càng sai lớn khi đang trong thời gian an cư kiết hạ.
Việc làm này làm mất đi oai nghi của của người tu hành, vô tình làm ảnh hưởng
đến hình ảnh của Phật giáo.
Việc
Tăng Ni tham gia ca hát, tham gia biểu diễn văn nghệ trước đây không hề có,
nhưng từ năm 2010 trở lại đây xuất hiện một vài chương trình có tu sĩ trẻ tham
gia. Qua tìm hiểu, cho thấy những người này còn ham vui, thiếu ý thức, và bỏ
qua Luật đạo.
Là
người xuất gia, Tăng hay Ni phải ý thức giữ gìn giới luật, không nên tham gia
các chương trình như vậy. Với các chương trình do Phật giáo tổ chức đã có thanh
thiếu niên Phật tử, những nghệ sĩ chuyên nghiệp đảm trách, và thực tế là họ làm
văn nghệ rất tốt, nếu mình xen vào thì mình tranh giành với họ.
Đây là sự việc đã xảy ra ở huyện vùng ven TP.HCM mà cả nước, trên
thế giới đều biết, nếu Ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Chánh có báo cáo, hoặc Ban
Chỉ đạo An cư kiết hạ thành phố biết trước thì chắc chắn không để vụ việc đáng
tiếc đó diễn ra. Sau khi vụ việc xảy ra, BTS GHPGVN TP.HCM có buổi làm việc với
BTS GHPGVN huyện Bình Chánh và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh, những
người có liên quan cũng đã nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm.
Xét cho
cùng, vụ việc vừa qua là do lỗi quản lý không chặt chẽ của Ban Trị sự huyện
Bình Chánh, cụ thể là Ni sư TN.Như Phương, Phó BTS GHPGVN huyện Bình Chánh;
TT.Thích Huệ Minh, Phó Thường trực BTS GHPGVN huyện Bình Chánh.
Quan
điểm của Giáo hội nói chung và BTS GHPGVN TP.HCM nói riêng không chủ trương cho
tu sĩ tham gia ca hát, múa trong các chương trình văn nghệ. Việc làm vừa rồi là
chủ trương của vài cá nhân nhưng vô tình để xảy ra sự việc đáng tiếc làm ảnh
hưởng đến Tăng Ni, Phật tử cả nước. Đây là bài học cho việc quản lý Tăng Ni ở
các trú xứ.
Vừa qua, vụ việc trên cũng đăng trên trang tin điện tử
của Ban Thông tin - Truyền thông của Trung ương Giáo hội
(www.phatgiao.org.vn),
người trực tiếp biên tập cho đăng
bản tin không ý thức được mức độ gây hại của bản tin, đã làm
ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội. Những tin tức kiểu
này, thiết nghĩ, các cơ quan thông tin chính thức của Giáo
hội như Ban Thông
tin - Truyền thông cần có sự cân nhắc hơn nữa, việc đăng tin
như vậy dễ gây hiểu lầm và thực tế nhiều cơ quan báo mạng ở nước
ngoài đã khai thác theo một chiều hướng khác, tạo nhiều điều
không tốt cho tình
hình hiện nay.
Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư, phụ trách Tiểu ban Thông tin-Truyền
thông:“Các sư cô mặc đồ đời biểu diễn văn nghệ là
hình ảnh phản cảm”
Vừa
qua, tại chùa Pháp Hải, huyện Bình Chánh, các sư cô mặc đồ lính, đồ đời biểu
diễn văn nghệ trong “Ngày hội nữ tu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tại
trường hạ chùa Pháp Hải, cá nhân tôi cũng không đồng tình vì thời gian này còn
đang trong thời gian an cư kiết hạ của chư Tăng Ni.
Mùa an
cư kiết hạ có nhiều hoạt động bổ ích cho hành giả như: Hội
thi diễn giảng Phật
pháp, làm báo tường phổ biến Chánh pháp rất có ích cho người
tu hơn là biểu
diễn văn nghệ trong trường hạ. Các hành giả Ni đang trong
mùa an cư mà mặc đồ
đời biểu diễn văn nghệ là hình ảnh phản cảm trong xã hội.
Phật giáo có nhiều
phương tiện để phổ biến Phật pháp và hành giả Ni trong
trường hạ phải cấm túc an cư, nghiêm mật giữ gìn giới luật, tự thân
trang nghiêm.
Ngày
xưa, có một thời gian đất nước nguy nan, có những vị tu sĩ phải tạm thời “cởi
cà-sa khoác chiến bào” nhưng đó là trong thời gian đặc biệt nếu không giúp sức
thì mất nước, còn ngày nay, các sư cô bỏ chiếc áo cao quý mình đang mặc (dù tạm
thời) cũng là không nên, vì biểu diễn văn nghệ, ca hát thì còn nhiều Phật tử,
người đời làm tốt hơn tu sĩ rất nhiều lần.
Đây là
bài học kinh nghiệm để những vị trong các Ban Chức sự trường hạ, trụ trì các
trú xứ (riêng bên Ni) rút kinh nghiệm, muốn cho Ni chúng tham gia vào những
hoạt động có tính cách đại chúng phải cân nhắc kỹ trước sau, không nên đáp ứng
các hoạt động không phù hợp với người tu, dễ tạo nên sự phản cảm trong Tăng Ni,
Phật tử và dư luận cộng đồng.
H.Diệughi
|
www.giacngo.vn