Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Độc giả bức xúc trước sự việc lạm dụng hình tượng tôn giáo
24/10/2011 10:04 (GMT+7)


Cũng giữa lòng thủ đô Hà Nội, có một quán bar lấy tên "Funky Buddha"
được cấp phép hoạt động trước sự bức xúc của nhiều người

Tuần qua, nhiều độc giả đã gửi thông tin về tòa soạn với thái độ rất bức xúc trước sự việc có một cơ sở ăn uống, giải trí tại số 7 Thảo Điền, An Phú, quận 2, TP.Hồ Chí Minh đã sử dụng danh từ “Buddha” để đặt tên cho một quán bar (Buddha bar and grill).

Qua ghi nhận ban đầu của phóng viên Giác Ngộ, cơ sở này đã hoạt động nhiều năm trước (không phải mới mọc lên như một số trang tin cho biết), theo lời người quản lý, có giấy phép kinh doanh, thuộc loại nhà hàng, kinh doanh đồ ăn thức uống (gồm cả thịt, bia, rượu…). Nội thất trang trí một số ảnh tượng Đức Phật và pháp khí Phật giáo. Chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh và hoạt động nổi bật của cơ sở này qua công cụ tìm kiếm điện tử google. Những hình ảnh gần đây đã được PV Giác Ngộ ghi lại trên Giác Ngộ online (www.giacngo.vn).

Việc sử dụng chữ “Phật” để đặt tên cho những cơ sở kinh doanh bar, nhà hàng, dịch vụ giải trí như thế này đã xuất hiện ở một số nước và cũng đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của giới Phật giáo cũng như các nhà văn hóa.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, Giác Ngộ online đã dẫn lại tin nguồn tin từ Jakarta, Indonesia, một đất nước tín ngưỡng Hồi giáo chiếm đa số, chính quyền nơi này đã ra lệnh đóng cửa một cơ sở kinh doanh tương tự, lấy tên “Buddha bar”, vì lý do xâm phạm hình tượng Phật giáo nghiêm trọng.

Ở nhiều quốc gia, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo được xem là điều quan trọng của mọi ứng xử văn hóa, xã hội. Việc kinh doanh mưu sinh là quyền của mọi người, dĩ nhiên cũng như các hoạt động khác, phải nằm trong phạm vi luật pháp, truyền thống và đặc thù văn hóa của mỗi vùng, khu vực. Không vì lẽ gì mà bất chấp mọi thứ, coi thường cả đối tượng thiêng liêng của người có tín ngưỡng. Về phía các cơ quan hữu trách cũng vậy, không vì một cơ sở kinh doanh ăn uống và giải trí kiểu như cơ sở trên mà nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua cả những điều tế nhị trong ứng xử văn hóa, tôn giáo - vấn đề được coi trọng trong Hiến pháp của nước nhà.

Ở nước ngoài, Tăng Ni, Phật tử đã có những phản ứng rất mạnh mẽ trước các sự việc trên. Như ở Indonesia, chính quyền cũng đã có động thái hợp lý, đã yêu cầu hoặc những cơ sở như thế phải đổi tên, hoặc phải đóng cửa. Điều đó là chính đáng. Những bức xúc của bạn đọc phản ánh về tòa soạn trong thời gian qua thật dễ hiểu, và cũng rất chính đáng. Bởi không ai có thể làm ngơ, bình thản được trước sự việc những điều thiêng liêng nhất của mình bị lạm dụng, đặt để một cách tùy tiện như thế.

Lúc báo tuần này sắp lên khuôn, sáng 19-10, bà Thư Trần, người xưng là chủ của cơ sở trên đã chủ động đến tòa soạn giãi bày ý kiến trước thông tin được phản ánh. Sau một lúc trao đổi, bước đầu bà Thư đã thừa nhận do chủ quan và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ về các sự kiện do một số công ty đặt tổ chức tại cơ sở kinh doanh của bà nên đã để một số hình ảnh tôn nghiêm của Phật giáo ở vị trí khiếm nhã (tượng Phật dùng để trang trí bên cạnh những chai rượu, hình ảnh Bồ tát in trong poster bị đính trên tường phòng vệ sinh... - xem trên Giác Ngộ online). 

Qua ý kiến của đại diện tòa soạn trong tinh thần khuyến khích sự tự ý thức và tự điều chỉnh của người chủ cơ sở kinh doanh này, trước khi ra về, bà Thư cũng đã hứa là sẽ có những sửa đổi tích cực (thay tên quán, không để những hình tượng Đức Phật và Bồ tát ở những nơi thiếu tôn nghiêm...) trong tuần tới.

Cảm ơn những thông tin của bạn đọc. Tòa soạn sẽ tiếp tục có những thông tin liên quan và những điều độc giả quan tâm trên báo phát hành thứ Bảy hàng tuần và trên Giác Ngộ online.

Hoàng Độ (Giác Ngộ số 612)

(Vừa qua, chủ của những cơ sở như Buddha bar and Grill (TP.HCM) và Buddha spa (Hà Nội) đã tiếp thu và đã có những điều chỉnh thông qua việc đổi tên gọi và tháo gỡ những trang trí hình tượng Đức Phật tại những nơi không phù hợp với thuần phong mỹ tục)

Nguon: http://giacngo.vn/thoisu/2011/10/24/5BE442/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang