“Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo” thể hiện quan điểm cởi mở hơn nữa đối với tôn giáo, tạo nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động tôn giáo.
Tuy nhiên, cũng có một đôi điểm mà diễn đạt có thể làm người đọc có nhiều cách hiểu khác nhau. Như vậy, tất nhiên điều được muốn ở đây là sự rõ ràng, chặt chẽ, tạo điều kiện để thực hiện tốt “Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo” đã sửa đổi một khi đã được thông qua.
Trong bài này, xin nói đến việc “Bổ sung khoản 4 vào điều 28” như sau:
“4. Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải được sử dụng đúng mục đích và phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và của cộng đồng khu vực có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo”.
Nội dung như trên đưa lại cho chúng tôi một hình dung chưa rõ ràng về yêu cầu tiền và tài sản dâng cúng, công đức tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo “phải được sử dụng đúng mục đích”. Yêu cầu này rất đúng. Người đọc có thể hiểu là mục đích đương nhiên là “phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”, vì là tiền, tài sản được dâng cúng, công đức cho cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Nếu vì mục đích khác, thì đương nhiên sẽ không nhằm vào đối tượng này.
Tuy nhiên, giữa 2 cụm từ yêu cầu “phải được sử dụng đúng mục đích” và “phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo” không phải từ “là”, mà ở đó là từ “và”, tức quan hệ liệt kê. Như vậy, có 2 yêu cầu được liệt kê liền kề nhau: “sử dụng đúng mục đích” và “phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”.
Thế thì sẽ phát sinh câu hỏi “mục đích” được “sử dụng đúng” đó là mục đích gì, ngoài việc phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.
Điều này không đưa tới việc xác định rõ ràng và chặt chẽ cho yêu cầu rất hợp lý là “phải được sử dụng đúng mục đích”, tuy nhiên cũng vẫn có thể chấp nhận vì không đưa tới việc xác định cụ thể một mục đích nào khác.
Ở đây, tài sản được dâng cúng, công đức tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xác định rõ là “tiền” tức hiện kim, và “tài sản” tức hiện vật, đương nhiên là gồm động sản và bất động sản.
Trong Phật giáo, bất động sản là chùa chiền, hầu hết đều là tài sản dâng cúng, công đức. Như vậy, ở đây, nếu phát sinh cách hiểu bao gồm cả bất động sản tín ngưỡng, tôn giáo, mà đối với Phật giáo, là chùa, tu viện, thiền viện, am thất… thì cũng không sai.
Trong quan hệ liệt kê, với từ nối “và”, một mục đích khác nữa được kể đến. Đó là “của cộng đồng khu vực có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo”.
Việc liệt kê mục đích sử dụng ở đây có sự khác biệt:
- “hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo” là loại hoạt động.
- “của cộng đồng khu vực có cơ sở tôn giáo” là chủ thể sở hữu hoạt động.
Với “cộng đồng khu vực có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo” thì sẽ phát sinh ra rất nhiều mục tiêu sử dụng khác nhau, là một biến số có thể thay đổi vô hạn, không xác định. Thí dụ: dùng cho xây dựng đủ loại công trình, hỗ trợ cá nhân trong cộng đồng, dùng cho đủ loại chi tiêu, miễn là cho “cộng đồng khu vực có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo”.
Hơn nữa, việc sử dụng ở đây bao gồm bất động sản, vì bất động sản cũng là “tài sản được dâng cúng, công đức tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo”. Như vậy, cách hiểu và vận dụng có thể mở ra vô hạn định, chệch khỏi yêu cầu sử dụng đúng mục đích là yêu cầu liệt kê đầu tiên. Việc có thể hiểu và vận dụng chệch hướng được xác định ở đây là do đọc lời văn, trong yêu cầu của quan hệ “và”, có thể xác định rất nhiều mục đích sử dụng, miễn là đáp ứng yêu cầu “của cộng đồng khu vực có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo”.
Một cách hiểu vận dụng khác nữa là ở đây có đến 3 yêu cầu cộng lại, phải được thỏa mãn cả 3, đó là:
1- Sử dụng đúng mục đích, và
2- Phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, và
3- Phục vụ cho hoạt động của cộng đồng khu vực có sơ sở tín ngưỡng.
Hiểu như vậy thì nếu dùng đúng mục đích nào đó chưa xác định, và dù phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thì cũng phải thỏa mãn yêu cầu phục vụ cho hoạt động của cộng đồng khu vực có cơ sở tín ngưỡng.
Hiểu chặt chẽ như thế thì cấp nào, đơn vị nào hay cá nhân nào có thẩm quyền để quyết định yếu tố phục vụ cho hoạt động của cộng đồng khu vực có cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo?
“Cộng đồng khu vực” đó là gì: tổ dân phố, ấp, thôn, bản, làng, khu phố, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, tỉnh, thành phố, hay là khu vực nhiều tỉnh, như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam bộ, khu vực phía Nam?
Căn cứ vào nội dung có thể mở rông như thế để giải quyết một vấn đề rất cụ thể và nhạy cảm là tiền, tài sản được dâng cúng, công đức thì rất dễ phát sinh tranh chấp, gây mất đoàn kết, cũng ở một lãnh vực rất nhạy cảm là tín ngưỡng tôn giáo. Người hiểu “khu vực dân cư” là thôn, người hiểu là Nam Bộ, thì yêu cầu đương nhiên của một văn bản pháp luật là sự rõ ràng, chặt chẽ, chính xác sẽ không còn.
Vì vậy, nếu người có tín ngưỡng tôn giáo mang tiền, tài sản đến dâng cúng, công đức tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo thì nên xác định rõ ràng, dứt khoát chặt chẽ là phải được sử dụng đúng mục đích phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo và những hoạt động mà tổ chức tín ngưỡng tôn giáo được phép làm theo Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo.
Vì như vậy, thì một thầy trụ trì ở TPHCM nhận tiền công đức rồi sử dụng vào hoạt động từ thiện ở Bắc Bộ chẳng hạn mới không bị xem là vi phạm Pháp lệnh.
MT