Chùa Bửu Minh

Năm nay, gần đến Noel, VTV4 liên tục phát các bảng chữ đồ họa “Mừng noel và chúc mừng năm mới” với các biểu tượng Noel. Đến ngày 24/12/2013, thì các chương trình ca nhạc Noel do nhiều đài truyền hình trong nước thực hiện tràn ngập VTV4.





Trong bối cảnh cải đạo ngày càng diễn ra gay gắt, bây giờ, nói đến gìn giữ đạo Phật tại Việt Nam là phải nói đến môi trường hoạt động của các tôn giáo tại Việt Nam.

Xét đến hoạt động tôn giáo, thì những ngày lễ lớn của các tôn giáo là thời gian hoạt động tôn giáo diễn ra cao điểm, việc tổ chức ngày lễ tôn giáo thể hiện những chuyển biến mới trong hoạt động tôn giáo, mà trong bối cảnh hiện nay, nó liên quan đến các tôn giáo, tất nhiên, tại Việt Nam, Phật giáo nằm trong mối liên quan đó.

Người Phật tử Việt Nam với tinh thần từ bi, quảng đại luôn nhìn về những ngày lễ các tôn giáo khác một cách hoan hỷ, chia sẻ. Tuy nhiên, đối với người theo đạo Phật chúng ta, còn cần phải có cái nhìn “như thị”, đúng như sự thật, để biết những gì có liên quan đến tôn giáo chúng ta, đặc biệt là việc cải đạo.

Bài viết này sẽ ghi nhận 2 sự việc trong lễ Noel năm nay 2013, trong tinh thần như đã ở trên.

1) Noel tràn lên các phương tiện truyền thông chính thức

Truyền thông, nhất là truyền thông mạng, từ lâu đã là không gian tổ chức Noel, điều đó không có gì lạ. Nhưng truyền thông được nói ở đây là truyền thông chính thức, tức là truyền thông được cấp phép, truyền thông nhà nước, là các cơ quan tuyên truyền. Năm 2013, ở lãnh vực truyền thông này, noel đã tiến một bước trong việc chiếm lĩnh.

Ví dụ thì có rất nhiều, tập trung vào truyền thông đa phương tiện (mạng, phát thanh truyền hình), với nhiều hình thức thể hiện. Tuy nhiên, nét chung là mức độ xuất hiện trên truyền thông đã gia tăng hơn rất nhiều và đặc biệt nội dung tôn giáo ngày rõ nét, phần nào đã mang yếu tố truyền đạo.

Chúng tôi chỉ xin dẫn chứng ở đây ví dụ về kênh truyền hình VTV4, kênh quốc tế của Đài Truyền hình Việt Nam, cũng là một trong những kênh thiết yếu phát sóng rộng rãi trong nước qua các hệ thống truyền hình. Năm nay, gần đến Noel, VTV4 liên tục phát các bảng chữ đồ họa “Mừng noel và chúc mừng năm mới” với các biểu tượng Noel. Đến ngày 24/12/2013, thì các chương trình ca nhạc Noel do nhiều đài truyền hình trong nước thực hiện tràn ngập VTV4.

Đặc biệt là chương trình ca nhạc Noel vào khoảng 2 giờ 30 phút ngày 24/12/2013 VTV4 là kênh phát toàn cầu phục vụ đồng thời cho nhiều múi giờ khác nhau, nên chương trình hàng ngày bắt đầu lúc 0 giờ Hà Nội. 2g30 sáng không phải là giờ thấp điểm, vì chương trình sẽ phát xoay vòng và đó lại là giờ cao điểm truyền hình ở nhiều nước trên thế giới. Đây là một chương trình về cơ bản là thánh ca, có cách điệu theo phong cách vui nhộn ở một số tiết mục. Là thánh ca, tất nhiên, nội dung các bài hát mang nặng màu sắc tôn giáo. Thêm vào đó, bối cảnh trang trí chương trình còn là kiến trúc dáng dấp nhà thờ. Các bài thánh ca ghi xuất xứ chung chung, như nhạc truyền thống Anh đối với bài “Ba vua phương đông”…

Thánh ca lên sóng truyền hình quốc gia, đó là điều bình thường trong xu thế phát triển hiện nay, có thể dự đoán được, vì làm văn hóa theo kiểu Cơ đốc giáo mục tiêu cuối cùng vẫn là tôn giáo, là loan báo “tin mừng”. Hiện nay, cách trình bày “tin mừng” là vô cùng phong phú, đa dạng, nhưng “mọi nẻo đường đều dẫn đến La Mã”. Cho nên, nếu sóng truyền hình quốc gia có loan báo “tin mừng” trong sự lựa chọn một hình thức nào đó vào dịp Noel này thì cũng như thông qua quảng bá cho Nick Vujicic trước đây. Bài viết chỉ ghi nhận một hiện tượng, gắn với thời điểm Noel 2013.

Thực ra, thánh ca lên sóng truyền hình là chuyện đã có từ lâu, rải rác trong các chương trình ca nhạc Noel được các đài truyền hình trực tiếp. Như khi tôi viết bài này, thì có bạn đọc gọi điện thoại đưa tin về chương trình ca nhạc Ấm tình mùa đông được tổ chức tại trung tâm thành phố Vũng Tàu, trực tiếp truyền hình. Bài viết này chỉ nhấn mạnh đến sự việc ở tầm mức sóng truyền hình quốc gia, phát sóng toàn cầu, với mật độ chưa từng có.

Họa hoằn lắm vào ngày Phật đản có chương trình ca nhạc Phật giáo. Nhưng về mặt tôn giáo, ca nhạc Phật giáo hoàn toàn khác thánh ca. Ca nhạc Phật giáo chỉ là dạng văn nghệ chào mừng, dừng lại ở mức biểu diễn. Còn thánh cá là một bộ phận trong nghi lễ tôn giáo. Tính tư tưởng tôn giáo của thánh ca cao hơn nhiều so với văn nghệ chào mừng, hát múa để xem cho vui ngày lễ.

Ghi nhận sự việc thánh ca lên sóng truyền hình quốc gia, chúng tôi muốn từ đây bàn luận nhiều điều liên hệ đến vấn đề hoằng hóa và gìn giữ Phật giáo hiện nay.

Ưu thế dựa vào sự gắn bó với văn hóa dân tộc, là một bộ phận của văn hóa dân tộc trong hoằng hóa dần dần không còn là một ưu thế của Phật giáo nữa. Làn sóng hội nhập, phương Tây hóa đang đưa những giá trị tôn giáo của phương Tây, khởi đầu dưới vỏ bọc văn hóa, thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống văn hóa Việt Nam, chi phối văn hóa Việt Nam.

Giai đoạn mà chúng ta đang chứng kiến là giai đoạn những giá trị tôn giáo phương Tây dần dần thoát ra khỏi vỏ bọc văn hóa, hiện nguyên hình là các giá trị tôn giáo thật sự và triển khai các tác động độc lập của nó. Đây là hệ quả tất yếu của cách làm văn hóa phương tiện, coi văn hóa như một công cụ để chuyển tải tôn giáo – mục tiêu cuối cùng của những người làm tôn giáo là lấy văn hóa phương tiện.

Ở trường hợp mà chúng ta đang tìm hiểu, các bài nhạc noel trên truyền hình đã dịch chuyển từ các bài hát lễ hội sang những bài nhạc thánh, bộ phận của nghi thức tôn giáo, đậm đặc nội dung giáo lý.

Như thế, đối với Phật giáo Việt Nam, việc gìn giữ đạo Phật đã nảy sinh những vấn đề mới, phức tạp hơn rất nhiều. Việc cải đạo trực tiếp coi vậy mà dễ đối phó hơn so với việc cải đạo gián tiếp thông vỏ bọc văn hóa. Tình hình cải đạo tín đồ Phật giáo như thế đã chuyển sang một bước mới bất lợi cho đạo Phật Việt Nam. Đó là bước cải đạo bằng văn hóa đã chuyển sang giai đoạn phát huy tác động tôn giáo của nó. Văn hóa phương tiện cải đạo đã lui về phía sau, sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, khi đó, là sự xuất hiện các giá trị tôn giáo thoát thai từ văn hóa.

Nếu trong Phật giáo, hiện nay chúng ta thường đề cập đến các khái niệm người yêu đạo Phật, người cảm tình Phật giáo, bạn của Phật giáo, thì trong tôn giáo nói chung vẫn có những khái niệm như thế, chỉ tình trạng “cận tín đồ”, “tiền tín đồ”, tuy chưa phải tín đồ. Ở Việt Nam, đây là giai đoạn văn hóa phương Tây đang có tác động làm gia tăng những người yêu ky tô giáo. Như những bài thánh ca phát trên sóng truyền hình quốc gia. Nó chưa đủ tác dụng làm người ta đi rửa tội, nhưng chắc chắn đã làm đông đảo khán giả truyền hình đến gần với chúa hơn, tức là làm gia tăng những người yêu đạo chúa. Đây là diễn tiến ngày càng bất lợi cho việc giữ gìn đạo Phật tại Việt Nam.

Hiện tượng mà chúng ta ghi nhận ở đây, thánh ca trên sóng truyền hình quốc gia là một trong những biểu hiện cho thấy sự gia tăng những người yêu đạo chúa trong giới viên chức nhà nước. Trên sóng VTV, chúng ta thấy năm nay, đã có một cây Noel rất lớn trong đại sảnh Đài Truyền hình Việt Nam. Một số doanh nghiệp nhà nước, bệnh viện, trường học… cũng thế.

Đây cũng là một biểu hiện gia tăng những người yêu đạo chúa. Trong giới viên chức, thế hệ lãnh đạo các đơn vị cơ sở trước đây, thường được đào tạo ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu, vốn không thiện cảm với Cơ đốc giáo, đang qua đi. Thay vào đó là số viên chức trẻ được đào tạo ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc… vốn là những xứ Cơ đốc giáo. Một bộ phận trong nhóm viên chức này được truyền đạo khi du học ở những quốc gia Cơ đốc giáo như đã nói ở trên. Số còn lại thì có một thời gian gần gũi, tiếp xúc với văn minh Cơ đốc giáo.

Tất nhiên, một số sẽ trở thành những người bạn của đạo chúa, nếu như chưa vào đạo. Tất nhiên, tình thế này là không thuận lợi cho việc gìn giữ đạo Phật và điều đó ngày càng tăng trong thời gian sắp tới khi số viên chức đã du học Mỹ, Canada, châu Âu, Úc ngày càng nhiều và ngày càng giữ những chức vụ cao hơn trong bộ máy nhà nước, nhất là các vị trí cao cấp.

Tình hình thuận lợi mà Phật giáo Việt Nam có được từ những năm 1990, với những quan chức nhiều cảm tình với Phật giáo đang qua đi, trong khi việc khai thác, tận dụng thuận lợi này cho việc hoằng hóa, hành đạo chưa được bao nhiêu. Bối cảnh quan hệ tốt với nhà nước có đông người yêu đạo Phật mà Phật giáo Việt Nam có được trong khoảng 20 năm nay đang đi vào giai đoạn kết thúc.

2) Cơ sở Phật giáo gởi thiệp mừng Noel đến Phật tử

Trong nhiều năm, thỉnh thoảng, tôi có nhận được thiệp chúc mừng Noel từ bạn bè theo đạo Ca tô La Mã, đạo Tin Lành. Thế mà, đến năm nay, tôi lại nhận được thiệp chúc mừng Noel qua email từ … cơ sở Phật giáo.

Tôi đã nghe nói cơ sở Phật giáo treo hình chúa, quỳ trước tượng chúa tổ chức mừng noel cho Phật tử, dẫn Phật tử qua nhà thờ chúc mừng Noel…, nhưng “được” cơ sở Phật giáo, tu sĩ Phật giáo gởi thiệp mừng Noel thì đây quả thực là lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy.

Cơ sở Phật giáo gởi thiệp mừng Noel đến Phật tử là cơ sở Phật học Tịnh Quang, Canada vốn do một vị tỳ kheo phụ trách điều hành. Nếu việc cơ sở Phật giáo gởi thiệp mừng Noel đến Phật tử là do một Phật tử, do độn căn hay một hoàn cảnh cá biệt nào đó, như đóng giả Phật tử thực hiện, thì vấn đề dễ dàng lý giải. Đàng này, một vị tỳ kheo lại đi làm cái chuyện đầy mai mỉa này (!)

Thiệp Noel của Phật học Tịnh Quang gửi Phật tử có các biểu tượng Noel thường thấy và câu thơ rất phổ biến ở nhà thờ:

“Vinh danh Thiên chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Gởi Phật tử một lời chúc an lành thôi, thì còn có thể nghe được, nhưng gửi Phật tử một câu thơ hàm nghĩa đánh đổi, trói buộc, ẩn ý đe dọa như thế là điều không hiểu nổi?

Câu thơ miêu tả 2 công việc và tình trạng trong quan hệ nhân quả:
(nếu) Vinh danh thiên chúa trên trời
(thì sẽ) Bình an dưới thế cho người thiền tâm

Như vậy, nếu không “vinh danh” thì sẽ không “bình an”. Đó không phải là lời kêu gọi “vinh danh”, mà là lời “cưỡng bách vinh danh”, vì không “vinh danh thiên chúa” thì ắt sẽ không “bình an”, cũng có nghĩa là tai nạn, dịch bệnh, sóng thần, động đất, bão tố, lũ lụt (gọi chung là thiên tai, tai nạn do trời gây nên)

Mà có vùng toàn tòng “vinh danh thiên chúa” (Philippines) mà vẫn không bình an, phải chịu thiên tai chết một lúc vài chục ngàn người, thành phố thành địa ngục, nhà thờ cũng tan hoang. Chuyện vừa mới xảy ra đó, mà nay nhà sư lại chúc “vinh danh Thiên chúa”, “bình an”.

Vậy sau một vị tỳ kheo Phật giáo lại chúc Noel Phật tử bằng những lời lẽ cưỡng bức, hăm dọa và không đúng sự thật như thế?

Câu trả lời chỉ có thể là sự cải đạo mù quáng, mê muội. Chúng tôi từ lâu đã nhắc tới việc cải đạo tu sĩ Phật giáo bên cạnh việc cải đạo tín đồ Phật giáo. Thì đây, đây là một trường hợp điển hình, tiêu biểu.

Có thể vẫn còn hình tướng tu sĩ Phật giáo, nhưng miệng thì nói chuyện “noel”, “vinh danh thiên chúa” và ra sức phổ biến điều đó cho số đông Phật tử.

Ghi nhận 2 hiện tượng như trên vào cuối năm 2013, điều có thể thấy rõ ràng là việc giữ gìn đạo Phật đang đứng trước những khó khăn mới, những thách thức mới, những diễn tiến mới. Tương ứng, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo đang leo lên những nấc thang mới, có những bước phát triển mới, và kết quả mới là điều tất nhiên.

MT


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage