Chùa Bửu Minh

Một hôm trên đường đến đảnh lễ Thế Tôn, vì trời còn quá sớm, nam cư sĩ Pancakanga ghé tinh xá của Mallika tham quan. Tại đây, ông được du sĩ Uggahamana trình bày quan điểm thiện cụ túc và thiện tối thắng. Theo đó, người nào thành tựu được bốn pháp thân, khẩu, ý không ác hành và không sống bằng nếp sống ác, người đó đạt được thiện cụ túc, thiện tối thắng.


Do không đủ khả năng thẩm định quan điểm đó, nam cư sĩ Pancakanga không thể bày tỏ tán thán hay phản bác. Ông đến trình bày lại với Đức Phật. Ngài phủ nhận ngay quan điểm đó, cho rằng nếu điều đó hoàn toàn đúng thì đứa con nít cũng thành tựu được thiện cụ túc và thiện tối thắng (kinh Samanamandika, Trung bộ II).

PHAT HOC.jpeg

<Thân, khẩu, ý không ác hành cũng chưa hẳn đã đạt được thiện cụ túc, thiện tối thắng>

Thân khẩu ý không ác hành mới chỉ là mặt tiêu cực của cái thiện hay là giai đoạn đầu trong tiến trình phát triển cái thiện, chưa phải sự hoàn hảo của cái thiện. Trên nền tảng dừng lại các hành động ác, thực hiện các việc thiện lợi mới là mặt tích cực của cái thiện. Phát triển được mặt này mới gọi là thiện cụ túc, thiện tối thắng.

Tuy nhiên, phát triển cái thiện bên ngoài phải đặt trên nền tảng cái thiện bên trong. Thiện bên ngoài gọi là thiện, thiện bên trong gọi là gốc rễ thiện. Kinh A-hàm phân biệt: “Thế nào gọi là thiện và gốc rễ của thiện? Thiện hạnh của thân, khẩu và ý, gọi là thiện. Vô tham, vô sân và vô si (thực chất là từ bi và trí tuệ), gọi là gốc rễ của thiện”.

Đạo Phật xét hành động thực sự thiện hay không là xét ở cái thiện trong lòng (thiện căn), tức động cơ thúc đẩy bên trong. Một hành động được thúc đẩy bởi gốc rễ bất thiện (tham, sân và si), được xem là ác, dù được biểu hiện dưới hình thức thiện. Ví dụ những người núp dưới danh nghĩa từ thiện để trục lợi cho bản thân. Tương tự, một hành động được nâng đỡ bởi căn bản thiện, tức những suy nghĩ tích cực bên trong, được xem là thiện, dù đôi khi được biểu hiện dưới hình thức ác hoặc chẳng có vẻ gì là thiện. Chẳng hạn tiêu diệt tên khủng bố đang chuẩn bị giết người hàng loạt. Hình thức giết người là ác, nhưng động cơ thúc đẩy giết người kia nhằm để cứu nhiều người là từ bi và trí tuệ.

Với gốc rễ thiện trong lòng hay những suy nghĩ tích cực bên trong, tất cả chúng ta, dù thuộc thành phần nào trong xã hội, là giàu có địa vị cao, hay thường dân nghèo khó, đều có thể làm việc thiện. Nếu ta bỏ ra một số tiền bạc hay công sức để giúp đỡ người khác, điều đó hẳn là một việc thiện tuyệt vời. Nhưng nếu ta không có điều kiện để làm được như thế, trong lúc làm công hưởng lương, ta vẫn có thể cống hiến việc thiện cho người khác nếu biết thổi vào đó những suy nghĩ tích cực bắt nguồn từ yêu thương và quan tâm đến mọi người. Ví dụ bạn làm nghề giúp việc, nấu ăn, giặt giũ, lau dọn nhà cửa. Nếu bạn cố làm chu toàn mọi công việc để chủ nhà không la rầy và bạn không bị đuổi việc, thì việc làm của bạn chỉ đơn thuần là làm công ăn lương. Nhưng nếu bạn biết thổi vào đó suy nghĩ tích cực, chẳng hạn, trong lúc lau dọn nhà cửa, bạn mong ước cả gia đình chủ tận hưởng không khí tươi mát sạch sẽ; hoặc trong lúc nấu ăn, bạn mong ước mọi người có bữa ăn ngon và thêm nhiều sức khỏe, thì việc làm của bạn biến thành việc thiện, và bạn tích lũy được rất nhiều công đức từ đó.

Trong cuộc sống, có những công việc rất đỗi bình thường và nhỏ nhặt, nếu chúng ta biết gửi vào đó những suy nghĩ tích cực thì trở nên cao thượng, vĩ đại. Trái lại, có những hành động ta cho là cao cả, nhưng kỳ thực rất nhỏ nhoi và tầm thường. Chẳng hạn bạn làm việc nghĩa, việc thiện chỉ để lấy lòng người khác nhằm nhận đặc ân nào đó từ họ. Hoặc bạn làm từ thiện với mong muốn nổi danh hay vì mục đích quảng bá thương hiệu, hoặc để vụ lợi, thì việc làm của bạn trở nên tầm thường, dù được mọi người tung hê, ca ngợi. Tôi nhớ cuối năm 2010, có một vụ lùm xùm đấu giá từ thiện. Những người nhân danh từ thiện phiên đấu giá đó thực chất là để quảng bá thương hiệu và vụ lợi. Do đó, chúng ta đừng bao giờ biến những hành động cao thượng của mình thành tầm thường bằng những suy nghĩ và tính toán đằng sau nó.

Đứng trước công việc mang tính công đức, bạn thấy có quyền lợi của mình trong đó, hăng hái bắt tay vào làm. Nếu không, bạn chẳng thèm quan tâm. Hoặc khi bạn biết công việc nào đó không mang lại lợi lộc gì cho mình, bạn tìm cách thoái thác, từ chối. Nếu như vậy, sẽ chẳng bao giờ bạn làm được việc tốt, việc thiện. Vì vậy, nếu bạn có những suy nghĩ và tính toán ích kỷ, bạn sẽ bỏ qua tất cả các cơ hội có thể làm điều tốt đẹp tích lũy công đức cho mình.

Chúng ta thường hay nói với nhau làm việc phải có cái tâm. Cái tâm ấy, trước hết là chú ý tập trung vào công việc, thứ đến là cần mẫn, tận tụy, nhiệt huyết và năng động; và cuối cùng là hy sinh, cống hiến, vì lợi ích của người khác, mong muốn đem đến điều tốt đẹp nhất cho mọi người.

Nếu trong mọi công việc và ngành nghề của xã hội, ai cũng làm việc với cái tâm như vậy, thì xã hội này tốt đẹp đến dường nào. Nhưng cái tâm ấy dường như không hiện hữu nhiều trong con người thời đại ngày nay. Tôi nhớ cách đây không lâu, báo chí đăng tải thực trạng thịt thối được “phù phép” thành các món “đặc sản” trong các nhà hàng, quán ăn, thấy thật “ớn lạnh”. Có những thực phẩm mà chính người làm không dám ăn, nhưng họ vẫn làm bán cho người khác. Nhưng sự đời có khi lại khác, có thể chúng ta đón nhận kết quả từ chính việc làm “vô tâm” của mình. Câu chuyện sau đây đáng để chúng ta suy gẫm:

“Có một ông thợ mộc già khi sắp nghỉ việc, được ông chủ yêu cầu dựng cho ông ta căn nhà mới. Ông thợ mộc dĩ nhiên đồng ý nhưng đầu óc không còn nghĩ tới căn nhà, chọn nguyên vật liệu cũng không kỹ lưỡng như trước đây, khi làm việc không chuyên tâm chăm chú như trước nữa. Nhà làm xong, ông chủ đem chìa khóa cửa giao cho ông thợ mộc và nói: Ngôi nhà này thuộc về ông, đây là món quà tôi tặng ông”.

Ông thợ mộc già ngớ người ra, bạn có thể hình dung ông xấu hổ, hối hận biết bao. Bạn cũng có thể nghĩ: nếu ông thợ mộc sớm biết nhà này ông chủ sẽ tặng cho mình thì ông sẽ xây dựng tốt hơn. Còn bây giờ, ông chỉ có thể ở trong căn nhà mà mình xây dựng qua loa đại khái.

Chúng ta cũng có thể mắc phải sai lầm như ông thợ mộc già khi xây dựng ngôi nhà tâm linh cho mình, không chọn lựa những nguyên vật liệu tốt đẹp vững chắc như tình yêu thương, lòng vị tha, tính thành thật… để ngôi nhà trở nên tươi sáng, an vui và hạnh phúc, mà chọn những thứ xấu xa, hư nát, giòn tan, dễ vỡ như đối phó sự việc một cách tiêu cực, dối trá, hiềm hận, kỳ thị, vị ngã… để trở nên tối tăm u ám, phiền muộn và khổ đau.

Mỗi chúng ta đều có gốc rễ thiện trong lòng, thường xuyên vun bón để nó phát triển thành cây thiện làm xanh tươi cuộc đời, đừng có gian tham, dối gạt nhau. Trong cuốn Hạt ngọc niềm tin, có thuật lại câu chuyện những người thợ săn ở Bắc cực săn bắt chồn hết sức xấu xa.

“Khi màn đêm buông xuống, những người thợ săn khoác lên người chiếc áo bông dày và bắt đầu xuất phát. Họ nằm chờ ở nơi chồn thường xuất hiện. Họ giả vờ như sắp bị chết cóng đến nơi. Bản tính của chồn vốn lương thiện, nhìn thấy có người nằm trên tuyết, chúng bèn chạy ra khỏi chiếc hang ấm áp của mình, rồi dùng cơ thể hâm nóng cho những người đang giả vờ bị chết cóng đó. Vì thế, những người đi săn có thể dễ dàng đưa tay ra là bắt được chồn”.

Hành vi săn bắt chồn đáng xấu hổ này đã bị thế giới lên án kịch liệt, cho rằng đây là hành vi xấu xa, độc ác nhất của nhân loại.

Hãy đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, đừng lợi dụng lòng tốt của người khác để làm chuyện xấu xa phi nhân tính. Hãy lấy lòng tốt đáp lại lòng tốt, để lòng tốt được lan ra, nhân rộng lên, xua tan những xấu ác, để nhân loại mãi sống trong ngày hội của tình thương!
Hoàng Nguyên

http://giacngo.vn/phathoc/luockhao/2012/07/22/1AC658/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage