Tôi thuộc dạng nhiều chuyện mà sao lúc
này chuyện đi đâu mất rồi nhỉ! thế rồi một cú “cọc” đầu vào cửa, khiến
tôi bừng tỉnh ngay, mắt sáng lên nhìn thấy cuốn sách, trong ấy gợi cho
tôi bao điều cần bàn thảo, nhờ thế ma đề tài xuất hiện. Tôi hít thở,
nhắm mắt lặng yên lật cuốn sách như xin một quẻ xăm tìm bói thời vận.
ôi! Sao hay quá, đó là bài “ Quan sát tình hình tín chúng” rất phù hợp
trong thời kỳ hoằng pháp tại các nơi xứ người.
Một hôm đức Thế Tôn bảo ngài Đại Ca Diếp đến thành Khoáng Dã để quan
sát tình hình giáo đoàn. Ở đấy, sáng sớm tôn giả đắp y mang bát vào
thành, oai nghiêm đi khất thực. Đi qua một vài con đường, tôn giả liền
phát hiện một chuyện lạ. Dân chúng thấy tôn giả đi ngang nhà đều đóng
cửa. Tôn giả ra khỏi thành vào trong thôn khất thực cũng gặp một cách
đối xử như thế. Ngài khởi niệm nghi ngờ. Phật pháp ở đây vốn rất hưng
thịnh, vì sao dân chúng đối với các Tỳ Kheo không một chút tôn kính như
vậy kìa? Ngài bèn đến nhà một cư sĩ hiểu biết rộng và hỏi thăm:
- Đức Phật rời đây không bao lâu, cũng còn các Tỳ kheo ở lại giáo
hoá, vì sao mọi người quên hẳn sự cung kính Tam Bảo? các vị Tỳ kheo đi
khất thực mà chẳng ai cúng dường? đó là câu hỏi của Ngài Đại Ca Diếp.
Vị cư sĩ đã đáp:
- Thưa tôn giả! từ khi Đức Thế Tôn đi rồi, mấy năm trở lại đây các vị
Tỳ Kheo trong thành này bày ra nhiều chuyện xây cất, mỗi người đều tự
cất phòng ốc cho mình, nói rằng đức Phật đã cho phép. Xưa nay, nếu là
kiến tạo giảng đường hay tịnh xá công cộng để dùng trong việc hoằng pháp
hoặc tu học tập thể thì đó là việc bổn phận chúng con phải hộ trì.
Nhưng mà bây giờ các tỳ kheo đều cất nhà để an nhàn thân mình, các thầy
cất cốc, cất am lu bù, đến từng nhà thí chủ kêu gọi cúng dường cửa lớn,
cửa nhỏ, cột kèo, ngói gạch, dây mây…. mọi thứ đều kêu gọi quyên góp tới
tín đồ. Lâu ngày tín chúng đều cảm thấy việc cung ứng này không có ngày
chấm dứt, do đó nhân dân trong thành, ngoài thôn hễ thấy các vị Tỳ kheo
liền lật đật đóng cửa.
Ôi ! nói đến việc này, chúng con thật hổ thẹn với Đức Phật. Đại Ca
Diếp nghe xong, trong thâm tâm thật khó chịu. Tôn giả lập tức quay trở
về thành Vương xá, đem câu chuyện trên bạch với Đức Phật. Đức Thế Tôn
bèn đến thành Khoáng Dã triệu tập hết tất cả các thầy Tỳ kheo, Ngài giáo
giới cho các thầy, không được nài nỉ tín chúng cúng dường quá sự phát
tâm của họ.
Đức Thế Tôn dạy:
- Các Tỳ kheo! Chánh pháp của ta lưu truyền lâu dài đều nhờ sức thanh
tịnh và cao thượng của Tăng đoàn. Người đến mức vô cầu mới là bậc thanh
cao. Các ông không được yêu sách chúng sanh quá nhiều, trái lại các ông
phải là người cống hiến cho chúng sanh mới đúng, các ông đừng để tín
chúng chê bai, xa lánh. Nhiệm vụ quan trọng của các ông là hoằng pháp độ
sanh, không phải là chuyện lo lắng về chỗ ở, chỗ ăn. Nếu như các ông
xây cất giảng đường để thuyết pháp cho tín chúng, hoặc thiết lập tịnh xá
tu chung với nhau, không phải xây cất cho riêng mình, điều ấy ta cho
phép. Còn làm nhiều tịnh thất lẻ tẻ, thiểu số người trong đó hưởng thụ
của cúng dường, đó là làm phân tán lực lượng Tăng đoàn. Am thất này
tranh với am thất kia, ai cũng cho mình là ngon, là quan trọng, lại càng
dễ sanh tâm riêng tư.
Lời của Đức Phật dạy là tiếng chuông cảnh tỉnh trong giáo hội, và để
đánh thức các Tỳ kheo khi đi hoá duyên đến các nhà cư sĩ, và cũng mong
các hàng cư sĩ tại gia của thời đại này nhận thức được điều ấy. Chúng ta
cúng dường nhưng không khéo lại là vô tình ly gián Tăng đoàn, e rằng
điều ấy có phải là tai họa không?
Đọc xong bài này mà lòng tôi đau như dao cắt. Âm thầm chắp đôi tay
thành khẩn cầu nguyện cho chúng sinh đầy đủ trí tuệ để làm tròn ý nghĩa
hai chữ phước điền. Điền là thữa ruộng, để cho hạt giống được gieo nảy
mầm, nhưng nếu mảnh đất xấu thì không khéo, cả vốn lẫn lời đều bị tiêu
tan, hạt giống không còn.
Giữa mùa đông, ánh nắng mang lại nhiều ấm áp, nhưng tia nắng ấy, đã
bị mờ nhạt, bởi những đám mây che khuất, khí lạnh len lỏi tâm hồn, khiến
nổi ưu tư thêm lạnh lẻo chua xót. Tôi buông cuốn sách, lấy lọ dầu xanh
thoa lên trán, đồng thời ngửi chút hương vị dầu xanh quê hương, mà ngày
xưa đa phần dân Việt nâng niu, như lọ thuốc tiên, chữa bá bệnh, vào một
thời khốn đốn.
Mel: 06-07-2012
Chân Nguyên
(*Tiêu đề do trang nhà Huệ Quang đặt)