Chùa Bửu Minh

SGTT.VN - Trải qua gần một tuần từ khi xảy ra cơn động đất “gây dịch chuyển tâm trái đất” và sóng thần cao 10m hôm 11.3, người dân của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - Nhật Bản, có lẽ lần đầu tiên trong đời phải chịu cảnh… thiếu ăn.


"Tôi rất đói!" 

Những người này không biết sẽ chịu đựng được tình trạng này bao lâu. Nhưng họ phải cố gắng. Đó là đặc điểm của người Nhật Bản...

Ngày 16.3, liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế và hội Lưỡi liềm đỏ (IFRC) cho biết, nguồn thực phẩm, đồ uống và thuốc men đã bắt đầu cạn kiệt ở các trạm tạm trú của những người còn sống sót sau thảm hoạ.

Có thể nói, bên cạnh mối lo về nguy cơ hạt nhân, việc đảm bảo lương thực và đồ uống, nhiên liệu cho người dân cũng là một nhiệm vụ đầy thách thức với Chính phủ Nhật Bản.

Ở Ishinomaki, thành phố thuộc tỉnh Miyagi, nhiều người đã rơi vào cảnh “không tưởng tượng được”.

“Tôi rất đói. Và 4 đứa con tôi cũng thế. Tất cả chúng tôi chỉ được ăn một cái bánh gạo và một quả chuối mỗi ngày”, Hiroko Kodo, một người quản lý trung tâm chăm sóc người già cho biết.

Đó dường như là tình trạng chung của cả 106 trung tâm sơ tán trong thành phố, nơi có gần 40.000 người đang trú ngụ. Họ phải dựng lều trong phòng làm việc, nằm trên các hàng ghế và chịu đựng cơn đói cồn cào.

“Tôi chưa được ăn sáng hay ăn trưa gì ngày hôm nay. Chúng tôi chỉ có một suất ăn rất nhỏ, một chiếc bánh gạo hoặc một miếng bánh mì”, Mieko Kono, một phụ nữ cho hay.

“Tôi không biết là chúng tôi sẽ chịu đựng được tình trạng này bao lâu. Nhưng chúng tôi phải cố gắng. Đó là đặc điểm của người Nhật Bản. Chúng tôi sẽ phải thể hiện nỗ lực lớn trong những ngày tiếp theo, hoặc những tháng tiếp theo. Có thể đó là thời gian dài tới khi chúng tôi có thể trở về nhà”, Yoshinori Sato, thư ký báo chí của thành phố nói.

Tệ hại hơn, có những nơi, người dân đã phải tìm kiếm thực phẩm ở những cửa hàng đã bỏ không, tìm các loại thức ăn đóng hộp và những gì còn sót lại.

Có những nơi, người dân đã phải tìm kiếm thực phẩm ở những cửa hàng đã bỏ không...

Shuichi Kawarda, một quan chức thành phố nói, “hai ngày đầu thì vẫn ổn vì mọi người có đồ ăn trong nhà. Nhưng sau đó thì cạn dần. Chúng tôi phải cố gắng chăm sóc cho trẻ em và người già trước, nhưng cũng không có đủ. Đã hai ngày nay, cán bộ viên chức cũng không có đồ ăn. Và khi nhận được hàng cứu trợ cũng chỉ đủ để chia một suất cho 3 người”.

Tình trạng thiếu lương thực là “bức tranh chung” của tẩt cả các tỉnh đông bắc Nhật Bản, nơi tâm chấn động đất và chịu ảnh hưởng sóng thần. Cách khu vực bị động đất 60 dặm, các siêu thị cũng phải hạn chế mỗi người chỉ được mua hai chiếc bánh mì. Sự hạn chế đó có thể bị “thắt chặt” hơn ở vùng tâm chấn, khi nguồn cung về chậm chạp.

Đến cả khu vực thủ đô Tokyo, quận Nerima, một khu vực đông dân cư, các ngăn hàng ở các siêu thị cũng trống rỗng. Tất cả gạo, bánh mì và mì ăn liền đều đã được bán hết.

Không chỉ thiếu thực phẩm, người dân Nhật đang phải đối mặt với sự khan hiếm nhiên liệu, đặc biệt khi thời tiết giá lạnh. Hầu hết các trạm xăng ở Miyagi đều đóng cửa.

Tại thị trấn Otsuchi, tỉnh Iwate, hơn 500.000 người buộc phải di tản. Họ đã mất nhà và không thể trở về vì không có điện và trời quá lạnh.

Nỗ lực hết sức nhưng không đáp ứng kịp

Nỗ lực cứu trợ của Chính phủ Nhật cũng như của các tổ chức quốc tế vấp phải khó khăn là đường giao thông bị chia cắt. “Có nhiều nơi chúng tôi không tới được vì các con đường bị chặn bởi những đống đổ nát và các cây cầu bị đánh sập. Những thị trấn ven biển gần như bị phá huỷ hoàn toàn”, Patrick Fuller, cán bộ của liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế cho biết.

Chính phủ Nhật đã cử nhiều đội cứu trợ và kèm theo thực phẩm tới cho những người ở các khu tạm lánh. Thế nhưng, hoạt động cứu trợ có vẻ như “không xuể” với nhu cầu.

Ở Ishinomaki, thức ăn đã chuyển máy bay lên thẳng chuyển đến một sân vận động. “Những gì chúng tôi làm đến nay vẫn chưa đủ được. Nhu cầu thực sự quá lớn. Mọi người đã mất hết nhà cửa, họ sẽ còn phải ở các nơi tạm trú lâu”, phó thị trưởng Ishinomaki, ông Etsuro Kitamura nói.

 

Ca Thy  (tổng hợp)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage