Chùa Bửu Minh

Còn đâu chùa Hoằng Phúc


Uông Ngọc Tân - Lê Oanh

Nằm ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình, chùa Hoằng Phúc, được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất Quảng Bình và cả miền Trung, giờ đây chỉ còn là một cái lán dựng tạm...






Men theo con đường liên xã Mỹ Thuỷ, chúng tôi, với những ghi chép để lại trong tác phẩm “Ô châu cận lục” của Dương Văn An (1513-?) cộng thêm chút hiểu biết “sơ sơ” của cô bạn đồng nghiệp đi cùng bắt đầu hành trình đi tìm những dấu tích còn sót lại của ngôi chùa cổ.

Chùa Hoằng Phúc xưa giờ chỉ còn là một cái lán.
Chùa Hoằng Phúc xưa giờ chỉ còn là một cái lán.

Đi tìm dấu tích xưa

Giữa trưa mùa hè, chúng tôi chăm chú tìm miệng giếng cổ, nơi mà một số tài liệu cho biết đó là lối rẽ vào cổng chùa. Đến khi trời đã về chiều, chúng tôi mới tìm thấy được cái miệng giếng ấy.

Chiếc giếng cổ nép mình sát bức vách của một cửa hàng tạp hoá nhỏ, ngay sát bên trái con đường liên xã Mỹ Thuỷ. Chiếc giếng giờ đây chỉ còn thành giếng phủ đầy rêu phong như hằn in những phai tàn của màu thời gian. Dẫu đã tìm thấy đúng vị trí của chiếc giếng như trong sách sử để lại nhưng cả tôi và cô bạn đồng nghiệp không tìm được lối vào ngôi chùa.

Thấy khách lạ đến, mắt liếc liếc đưa đưa như tìm một điều gì, cô chủ quán tạp hoá ân cần: “O chú tìm ai phải không?”. Như tìm được người có thể mách nước cho lối vào chùa, tôi hỏi: “Chúng tôi muốn đi tìm chùa Hoằng Phúc”. Cô chủ quán tạp hoá cười, “biết rồi, o chú đến đây thắp hương khấn vái xin Phật phù hộ chuyện yêu đương phải không? Đến đúng chỗ rồi đó, chùa ni thiêng lắm! Rẽ về bên phải đi vô 200m là đến chùa!”.

Rẽ ngang lối nhỏ bên phải con đường, đi qua một ao hồ nở đầy sen, ngôi cổ tự dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Nằm dưới tán gốc sanh, chùa giờ đây chỉ còn là một cái lán nhỏ xơ xác tiêu điều nằm trên nền cũ. Tuy vậy, dưới gốc sanh và trong hương án chùa, nhang vẫn được thắp đầy. Đang loay hoay không biết phải tìm đâu ra người trông coi, quản lý chùa, tôi phát hiện ra bên bức hoành phi cũ kĩ có một tờ giấy chứng nhận “Chùa Hoằng Phúc - di tích lịch sử cấp tỉnh…”, và một tờ giấy ghi danh sách và số điện thoại của các thành viên ban quản lý chùa. Theo số điện thoại liên lạc ghi trên tờ giấy, tôi liên lạc với ông Đỗ Đức Nam, trưởng thôn Thuận Trạch, cũng là trưởng ban quản lý chùa Hoằng Phúc. Lúc này, ông Nam đang bận họp giao ban nên hẹn chúng tôi đợi.

Ngôi chùa cổ nhất miền Trung

Chúng tôi dạo quanh một vòng khuôn viên ngôi chùa. Khuôn viên khá rộng, theo như tài liệu ghi chép thì rộng 1.000m2. Xung quanh, cây cối mọc xanh tươi, đặc biệt phía trước chùa có 2 cái ao nhỏ nở đầy sen.

Chưa đầy 15 phút chờ đợi, ông Đỗ Đức Nam - trưởng thôn cùng một cụ già đến. Cụ tên là Nguyễn Văn Hiệu - Uỷ viên Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình, người được nhân dân thôn Thuận Trạch tín nhiệm giao nhiệm vụ trông nom hương khói và quét dọn vệ sinh chùa. Tiếp chuyện chúng tôi, cụ Hiệu trầm ngâm kể lại những dấu ấn và lịch sử đã qua của ngôi chùa cổ Hoằng Phúc…

Cổ tự Hoằng Phúc nguyên thủy vốn có từ trước thế kỷ XIII với cái tên ban đầu là am Tri Kiến. Năm 1301, vua Trần Nhân Tông xuất gia, tháng 3 năm ấy ngài đi vân du các nơi phía nam Đại Việt để truyền đạo, trên chuyến đi, ngài ghé vào ở lại am Tri Kiến rồi sau đó ngài đổi tên am Tri Kiến thành am Kính Thiên. Năm  1555, trên đường hành du đất Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng đã đến nghỉ tại am Kính Thiên và sau đó không lâu ngài cho dựng chùa lớn ngay trên nền am cũ.

Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã đến thăm và tặng chùa năm đôi câu đối cùng một bức hoành phi. Bức hoành phi ấy ngày nay vẫn còn được lưu giữ ở bản tự. Năm  1821, vua Minh Mạng cấp 300 lạng bạc để trùng tu chùa. Ngài còn cho  đúc chiếc chuông đồng Đại Hồng Chung và sắc phong chùa là chùa Hoằng Phúc với mong muốn là ngôi chùa này sẽ đem lại cuộc sống yên bình, ấm no cho người dân nơi đây. Năm 1842, vua Thiệu Trị ra thăm chùa và đã cấp tiếp cho chùa thêm 13 vạn quan tiền để tu bổ… Tuy được trùng tu và sửa sang nhiều lần nhưng kiến trúc ngôi chùa khi đó vẫn được gìn giữ.

Cụ Hiệu còn cho biết: “Qua những tài liệu mà tôi nghiên cứu được thì kiến trúc ngôi chùa này rất đặc biệt, căn cứ vào các tài liệu thì đây là ngôi chùa cổ nhất Quảng Bình và cũng là ngôi chùa cổ nhất miền Trung. Nó được dựng lên trước cả chùa Thiên Mụ ở Huế (1601). Mỗi lần vua chúa đi qua nơi đây đều cho tu sửa và tặng cho chùa những món bảo vật quý giá… Về mặt kiến trúc, ngôi chùa đặc biệt ở chỗ nó không mang nét kiến trúc Trung Hoa mà được thiết kế theo kiểu nhà rường cổ của người Việt khi xưa. Phía trước chùa là một cái giếng nước, một ao sen, một cây cổ thụ toả bóng mát cho toàn bộ ngôi chùa. Dù ngày nay, tất cả đã không còn nguyên vẹn, nhưng dấu tích xưa vẫn còn sót lại là đôi cột trụ trong am tự, chiếc giếng cổ phía trước lối vào, và gốc sanh già có tuổi đời không dưới 400 năm…”.

Cụ kể tiếp, năm 1968 khi Mỹ oanh tạc ra miền Bắc, ngôi chùa đã bị trúng bom và đổ sụp hoàn toàn. Đến năm 1977, người dân cùng các cơ quan chức năng mới cùng nhau lượm lặt những gì còn sót lại và dựng nên cái am như bây giờ. Nhưng những  báu vật của chùa thì đã thất lạc và mất gần hết!  May mắn là chùa vẫn còn giữ được bức hoành phi do chúa Nguyễn Phúc Chu ban, và cái chuông đồng hơn 200 năm tuổi. Đây được coi là hai báu vật quý giá nhất của ngôi chùa, cùng với 17 di vật còn lại như: mõ, tượng Phật, lư hương, đế đèn, bình hoa, tòa sen… Tất cả giờ đây đều được người dân trong vùng gìn giữ, nâng niu, trân trọng.

Thông qua câu chuyện của cụ Hiệu và trưởng thôn Đỗ Đức Nam, chúng tôi dường như cảm nhận được những tình cảm lớn lao mà mỗi người dân nơi đây dành cho ngôi chùa.

Không muốn cho chùa rơi vào tình cảnh phế tích hoang tàn, chính quyền và người dân đã họp bàn nhau lại và thống nhất quyết định xin phục hồi tu sửa lại chùa, xin sư tăng về cai quản, trông nom. Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuỷ, ông Đặng Thái Tôn đã gửi quyết định phục hồi chùa, và làm thủ tục cấp vốn (vốn xã hội hóa). Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình cũng đã phê duyệt dự án, tổ chức quyên góp công đức để xây dựng lại chùa Hoằng Phúc.

Theo: Lao động


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage