Mong đây như là một tài liệu để quý vị hành
Thiền có thể tham khảo, cũng như bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” trước
kia (tháng 2/2008 cũng trên trang nhà daophatngaynay@yahoo.com). Nói
một cách chính xác hơn, bài nầy chính là sự đúc kết từ câu chuyện “Sự
Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” lúc trước. Gởi bài nầy, chúng tôi hi vọng nó
sẽ giúp ích được phần nào, hoặc đóng góp thêm kinh nghiệm cho những vị
hành Thiền trên con đường hành trì của mình. Hi vọng vậy lắm thay!
Nguyên Thảo kính cẩn.
(LTG): Viết bài này là một sự
mạo muội rất to lớn của tôi, nhưng có lẽ Bạn cũng thông cảm, vì đây chỉ
là những ý nghĩ vừa có tính cách phân tích vấn đề, vừa có tính đóng góp
về một cách thức, một phương pháp Thiền, hầu giúp cho Bạn kiện toàn được
phương thức Thiền của mình để chóng đạt kết quả. Thú thật, tôi chẳng
phải là một nhà tu, cũng chẳng là một hành giả về Thiền, mà chỉ là một
nông dân tầm thường có nhiều bất hạnh, gặt hái “được” rất nhiều phiền
não, tôi đã cố gắng khuất phục hoàn cảnh của mình bằng hình thức tĩnh
tâm. Nhưng không ngờ kết quả vượt quá mức tưởng tượng của tôi và sau đó
tôi đã hiểu được ít nhiều một số giáo lý của Phật giáo một cách dễ dàng
hơn xưa. Tuy vậy, tôi đã từ lâu không dám kể, hoặc nói cho người khác
biết, vì những điều ấy rất là trừu tượng khó mà chứng minh. Mãi đến khi
Ban Chấp Hành Hội Nông Gia ở Virginia (Nam Úc Đại Lợi) phát hành Bản Tin
Nông Gia 1. Nhân đọc bài "Luật Nhân Quả" của một bạn đồng nghiệp, tôi
cảm thấy hứng thú và bắt đầu viết ra bài "Thiền Là Gì?" trong Bản Tin
Nông Gia 2, mục đích là góp phần vào nội dung của Bản Tin, hai là giúp
phần nào cho bạn đồng nghiệp trút bớt sự âu lo, suy nghĩ, nỗi khổ nhọc
của nghề, hầu tạo cho cuộc sống được thoải mái hơn. Do đó, nhan nhản
trong nội dung của bài đều có nói về nghề nông tôi hy vọng điều ấy không
làm cho Bạn cảm thấy khó chịu. Và sau cùng, tôi cũng mong Bạn đọc bài
này như một tài liệu tham khảo để rút tỉa những điểm, những điều kinh
nghiệm bổ khuyết cho phương thức của chính mình. Đồng thời tôi xin được
Bạn góp ý bổ khuyết những sai lầm trong bài mà tôi đã viết ra. Chân
thành cảm tạ Bạn rất nhiều...
oOo
I. Thiền Là Gì?
Thiền là gì? Trong một tâm trạng yên
lặng, để tâm hồn lắng xuống, bỏ mọi suy nghĩ, ưu tư, phiền não, trong
một tư thế yên tỉnh không động đậy, mắt nhắm lại. Đó có phải là Thiền
hay không bạn nhỉ? Có thể là như vậy. Điều ấy có ích gì không? Nếu bạn
là người làm việc mệt nhọc, với những lúc đầu óc căng thẳng hay những ưu
tư to lớn hoặc những biến cố đột ngột làm bạn chao đảo, bạn cứ thử coi!
Kết quả sẽ như thế nào? Bạn sẽ có câu trả lời cho chính Bạn.
Riêng tôi ở đây, chỉ lạm bàn cho vui về
một đề tài, cũng giống như khi chúng ta cùng ngồi lại uống trà, rượu hay
cà phê rồi đấu láo về một mẩu chuyện, một đề tài để góp phần nội dung
cho bản tin ngành nghề của chúng ta vậy thôi! Bạn có quyền chỉ trích
"nặng nhẹ" hay Bạn cũng có thể gật gù "đọc thấy vui vui". Đàng nào tôi
cũng xin cám ơn Bạn trước. (xin lỗi các vị cao niên về từ "Bạn")
Quả thật từ lâu từ ngữ "Thiền" đã thành
vấn đề lớn. Đã bao nhiêu quyển sách viết ra, đã bao nhiêu hệ phái, đã
bao nhiêu ông thầy thu nhận rất nhiều đệ tử, và đã lôi cuốn biết bao
người sống trong thế giới này. Và ngược lại, cũng có bao nhiêu chuyện
buồn vui, cười ra nước mắt hay trở thành bi thảm cũng vì Thiền.
Thực ra, Thiền có phải là độc quyền của
Phật giáo hay không? Hình như là không phải vậy! Thiền không biết có từ
lúc nào, nhưng Phật Thích Ca ngộ được chân lý cũng từ Thiền. Rồi từ đó
Ngài mới nói đến giáo lý của Ngài, mới hướng dẫn cho người đi sau. Bạn
đừng quên cái ý nhắc nhở của Ngài: Nhìn theo ngón tay Ngài chỉ, Bạn sẽ
thấy được mặt Trăng, chứ ngón tay của Ngài không phải là mặt Trăng.
Vấn đề tâm linh quả là sâu thăm thẳm. Sự
tìm cầu đến đó thì muôn nẻo (84 vạn pháp môn). Mỗi hệ phái có một cách
riêng, và mỗi con người trong cùng hệ phái lại cũng có cách riêng, mặc
dù sự sai biệt đó không lớn lắm. Sự tận cùng của sự nhận biết của tâm
linh đối với người thường (đối với người thường) là cái chết. Khi bỏ cái
xác nầy ra, thì Tâm Linh sẽ hiển lộ. Nhưng, lúc đó người đã chết làm
sao nói lại điều nhận thức của họ, và chúng ta làm sao thấy họ để họ
diễn tả cho chúng ta biết. Thế là, trong xã hội nẩy sinh ra hệ phái thầy
cúng, thầy pháp, bùa phép, cầu hồn vân vân... Có một số người gọi là
"chết đi sống lại" họ kể những điều hư hư, thực thực. Bạn có tin không?
chắc có lẽ "nửa tin nửa ngờ" vì Bạn chưa hề được thấy!
Vậy thì, Bạn cứ Thiền đi? Nhưng, tôi
mách nhỏ cho Bạn biết nhé! Bạn đừng tìm cầu cao xa, Bạn cứ lấy Thiền làm
phương tiện giúp Bạn có được những giây phút thoải mái, quên hết mọi
thứ, quên hết mệt nhọc, quên hết mọi phiền não, hoặc rắc rối, biến động
lớn lao trong cuộc sống. Rồi dần dần sự Thiền của Bạn sẽ được Định, thì
lúc đó từ từ qua Thiền Định Bạn có thể có được Trí Huệ. Với Trí Huệ Bạn
có thể hiểu được Chân Lý và Bạn sẽ hiểu được tại sao "Pháp vốn là Vô
Pháp"
II. Với Thiền, Ta Sẽ Được Những Gì?
Bạn đã có khi nghiên cứu rất nhiều về
Thiền, Bạn đọc sách Thiền, Bạn hành Thiền hay đôi vài lần Bạn được nghe
nói về Thiền, nhưng Bạn có nghĩ khi ta đến với Thiền, ta được gì? Và khi
ta hành Thiền ta sẽ được những gì?
Tôi không nói đến những kết quả quá cao
xa của Thiền, tức là đưa đến những tư tưởng siêu hình của Phật giáo
(Thích Ca ngồi Thiền dưới gốc Bồ Đề 49 ngày), của Mahomet ("Năm hai mươi
lăm tuổi, ông vô núi Hira - gần thành Mecque trầm tư trong một thời
gian, như Đức Phật dưới gốc Bồ Đề, và lần lần ánh sáng hiện ra trong óc
ông" - Nguyễn Hiến Lê, Gương chiến đấu, trang 134)
Nói chung lại, trong tư thế yên tĩnh,
không động đậy, mắt nhắm lại, bên trong thì gác bỏ mọi suy nghĩ, ưu tư
phiền não, để tâm hồn lắng xuống... Và trong sự lắng xuống của cuộc sống
trần thế ấy, thì cuộc sống của tâm linh lại bắt đầu trổi lên, bạn có
thể sẽ thấy, sẽ hiểu những vấn đề liên hệ đến con người (Nhân Sinh Quan)
và vũ trụ (Vũ Trụ Quan) tùy theo căn cơ của Bạn.
Đến đây, tôi nghĩ Bạn sẽ không tin điều tôi viết, nhưng tôi sẽ cố gắng chứng minh để Bạn được hiểu rõ hơn.
1/ Trong cuộc sống hàng ngày, khi bạn đi
chơi, bạn biết bạn đi chơi, bạn làm việc bạn biết bạn đang làm việc...
hay bất cứ cái gì bạn làm, bạn biết bạn đang làm, đã làm hay sẽ làm, kể
cả sự suy nghĩ thì đó gọi là "Ý Thức". Ý Thức là điều mình biết, biết rõ
ràng điều mình đang làm, hay đang suy nghĩ - giống như bạn ngồi bên hồ
nước nhìn thấy rõ những gì nổi trên mặt nước hoặc đang lay động ở trên
đó.
2/ Tầng kế tiếp của sự nhận thức của bạn
gọi là "Tiềm thức" là phần bạn có thể biết một cách mơ hồ, không rõ và
không biết ở đâu? Đôi khi, sự việc đó lại hiện ra trong giấc mơ. Tiềm
thức giống như khoảng giữa độ sâu của hồ, có khi thấy, khi không. Nếu
mặt nước càng xao động thì bạn càng không thể nhìn thấy được. Cũng vậy,
nếu tâm linh, ý nghĩ của bạn không yên tĩnh thì bạn không thể thấy được
sự việc trong Tiềm Thức.
3/ Cũng cùng ví dụ trên, Bạn có thể soi
rọi đến tận đáy hồ nếu mặt hồ thật yên tĩnh và nước trong veo. Và, bạn
cứ thử nghĩ, nếu ta gạn lọc lại tâm linh, ta để cho nó thật trong, và ta
kiểm soát, điều khiển ý ta cho thật tĩnh thì có phải là ta sẽ thấy được
tầng tận cùng của sự nhận thức của ta là tầng "Vô Thức" (giống như đáy
hồ) hay không? Tầng "Vô Thức" đó, ta cứ ngỡ là ta không bao giờ ý thức
được nó, vì nó quá siêu hình, quá sâu xa. Và ở tầng vô thức nầy mới giải
đáp được những gì liên hệ đến con người, vũ trụ và siêu hình.
Sao? Bạn thấy tôi chứng minh cho bạn có
thoả đáng hay không? Tôi chờ ý kiến của Bạn. Và tôi cũng chỉ mong giúp
ích cho Bạn được ít nhiều, lấy lại sự yên tĩnh tâm hồn của bạn trong
cuộc sống vật lộn với đồng tiền (kiếm tiền), và chi phí (trả "bills")
lớn lao về vật chất ở xã hội Tây phương này. Đồng thời, hỗ trợ bạn bắt
đầu một sự khám phá vào lãnh vực tâm linh.
Bạn có nghe nói "Trong sự chết, sẽ có
một sự sống đời đời" chưa? Chắc hẳn là không! Tôi không chắc Chúa Jesus
có Thiền định hay không? vì trong Kinh Thánh ghi "Vừa khi chịu phép
Báp-têm rồi, Đức Chúa Jesus ra khỏi nước, bỗng chút các từng trời mở
ra, Ngài thấy Thánh linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu,
đậu trên ngài" (Ma-thi-ơ, 3:16) - Tức là Chúa Jesus được khai ngộ (nhận
thức Đạo, nhận thức Tâm Linh) trước thời gian kề cận với cái chết "Ngài
đã kiêng ăn bốn mươi ngày, bốn mươi đêm, sau thì đói" (Ma-thi-ơ, 4:2).
Chứ như Phật Thích Ca thì ta có thể hiểu
rõ hơn, khi Ngài trong tuyệt vọng sau 6 năm cầu Đạo, cuối cùng Ngài
nguyện không tìm được Đạo thì sẽ không rời khỏi cội Bồ Đề, thì sau 49
ngày (chắc có lẽ cũng kiêng ăn) thì đã được khai ngộ - còn Mahomet thì
sao? Như tôi đã trích đoạn sách của Nguyễn Hiến Lê viết ở trên.
Vậy thì, Thiền đã đem lại cho ta được gì?...
Các bạn có coi phim truyện của Tàu chưa?
Bạn cũng có thấy trong phim các vị Đạo Trưởng, ngồi trên gối cỏ (Bồ
Đoàn) hoặc trên phiến đá bằng, mắt lim dim bất động, có phải là Thiền
không? Còn các vị chưởng môn trong thời gian nhập thất, vào trong động
hoặc phòng kín bế môn, yên tĩnh để làm gì? Gọi là luyện công ư? Tại sao
chiếu cảnh họ ngồi im vậy? Họ cũng mượn hình thức Thiền, nhưng nội tâm
của họ hướng vào một chiều khác. Như vậy, điều nầy giúp bạn hiểu được
điều gì mà Lão Tử muốn nói trong câu "vô vi phi vô vi, xuất thế phi xuất
thế" (không làm không phải là không làm, xuất thế không phải là xuất
thế). Thân yên, tâm tĩnh nhưng lại bắt đầu động về tư tưởng và khám phá
tâm linh. Khi Thiền, tức là quên đi tất cả trong trạng thái thân thể bất
động, nhưng tự nhiên tầng vô thức sẽ hiện ra và đưa tư tưởng của bạn đi
chu du và bạn sẽ khám phá nhiều, rất nhiều vấn đề... Ít hoặc nhiều tùy
theo căn cơ của bạn.
Đó là phần tâm linh mà bạn có thể nhận
được từ Thiền, còn về phần thực tế thì sao? Sau một ngày làm việc vất
vả, mệt nhọc, đầu óc bị căng thẳng, nhất là trong những ngày nắng nóng,
công việc "farm" thì tới tấp, giá cả thì xuống thấp, con người dễ "quạu"
và "cáu" lên. Nếu bạn dành chút ít thì giờ để hành Thiền (take a rest)
thì bạn sẽ thấy thoải mái hơn. Tôi xin nhấn mạnh ý Thiền tôi muốn nói là
tĩnh tâm, là giữ tâm trạng, thân thể yên tĩnh (Trong một tâm trạng yên
lặng, để tâm hồn lắng xuống, bỏ mọi suy nghĩ, ưu tư, phiền não. Trong
một tư thế yên tĩnh, không động đậy, mắt nhắm lại), chứ tôi không muốn
nói bạn phải ngồi ngay ngắn, không cục cựa, phải ngồi kiết già hoặc bán
kiết già. Bạn muốn ngồi, hoặc có khả năng ngồi thì càng tốt. Chứ Thiền,
tôi muốn nói ở đây không phải là cách thức bắt buộc, gò bó bạn muốn ngồi
dưới đất, trên ghế, hay bất cứ ở đâu, hoặc bạn có thể nằm trên sa lông,
trên giường, hoặc bạn đứng dựa tủ, dựa vách tùy ý. Nhưng bạn đừng vừa
đi, vừa Thiền - rất ư là nguy hiểm, không khéo xảy ra tai nạn điên rồ vì
Thiền.
Tùy theo vị thế nào thích hợp với bạn và
bạn muốn kéo dài bao lâu mà bạn chọn cách thức, miễn là bạn thấy thoải
mái về thân xác để đi tìm thoải mái về tinh thần. Vả lại, trong những
lúc buồn bực vì lý do nào đó, vì chồng, hoặc vợ, vì con cái, vì công
việc,... Bạn cứ nhắm mắt lại, xua bỏ tất cả và yên lặng đi... Ít ra điều
nầy cũng làm cho bạn nguôi ngoai, cảm thấy thoải mái hơn.
Như vậy, Thiền là một phương tiện để bạn
có thể giải quyết, trút bỏ phần nào gánh nặng về tinh thần trong cuộc
sống hiện tại của bạn và mang lại cho bạn sự an tâm, vui vẻ hơn để tiếp
tục làm việc, hầu tạo được một cuộc sống an lạc, bên cạnh đó cũng giúp
tinh thần của bạn được yên ổn để bạn có thể nhìn thấy rõ hơn vào tầng ý
thức, nhìn sâu hơn vào tiềm thức và xa hơn nữa là vô thức giống như ta
nhìn được vào cả đáy hồ.
III. Những Trở Ngại Khi Hành Thiền
Viết để diễn tả những vật hay những sự
việc cụ thể cho bạn hiểu, đối với tôi đã là khó rồi, mà lại viết về vấn
đề tâm linh thì lại càng khó hơn. Dù vậy, tôi cũng sẽ cố gắng tận dụng
khả năng của mình và mong bạn cũng cố gắng hiểu được nhiều chừng nào hay
chừng nấy. Vì để bạn có thể dễ hiểu hơn, tôi sẽ mượn một số ví dụ xen
kẻ vào giữa các mạch ý, xin bạn thông cảm cho.
Trong các phần trước, tôi đã nói thế nào
gọi là Thiền và Thiền đem đến cho ta một sự yên tĩnh vô cùng, để ta có
thể tìm thấy được vô thức, và vối vô thức đó ta mới hiểu được chân lý về
con người và vũ trụ.
Thiền có nhiều cách thức, trên tư thế
ngồi, nằm, đứng, người ta còn nói đến "đi" nữa - nhưng "đi" là một trạng
thái "động". Nếu thân thể ta động thì tâm, ý ta cũng phải động, nên -
theo thiển ý của tôi - thì ta không thể Thiền ở trạng thái đi, mà "nếu
được" thì cũng rất khó tập trung hoặc dễ xảy ra tai nạn lắm.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, tôi xin nói
qua về một số khái niệm tổng quát của vấn đề Thiền. Các bạn đã biết
Thiền không biết có từ lúc nào, chứ không đợi đến lúc Phật Thích Ca xuất
gia rồi mới có. Do đó, Thiền không phải là độc quyền của Đạo Phật, vì
Đạo Phật khởi nguồn từ sự Thiền của Phật Thích Ca và muốn trở về chân
thể Phật (Phật tính) thì phải qua nguồn Thiền. Đến đây có lẽ bạn sẽ hỏi
tôi. Tu theo Phật đâu chỉ riêng phái Thiền Tông mà còn có Tịnh Độ và Mật
Tông nữa chứ? Tôi xin thưa "Dạ, đúng vậy". Phật Thích Ca sau khi đã ngộ
đạo, Ngài đã rao giảng thuyết pháp hơn 40 năm cho nên Ngài nói đến
nhiều vị Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Ngài nói đến sự khổ, và
tu bằng cách nào để lìa xa sự khổ, sự luân hồi và thành bậc Giác Ngộ. Do
đó, về sau có nhiều bộ Kinh. Trong Kinh A Di Đà, Ngài nói: "Phật xưa có
nguyện, nếu có chúng sanh, muốn sanh về nước Cực Lạc của ta, thì nên
phát tâm mà trì niệm danh hiệu Ta không xao lãng" thì khi lâm chung được
Ngài với chư Thánh, chư Bồ Tát hiện thân đến tiếp dẫn về Tây Phương Cực
Lạc (Thông Bạch Lễ Vía Đức Phật A-Di-Đà- chùa Pháp Hoa - Nam Úc Tuần
Báo 31/12/1999). Chính vì thế mà về sau người tu Phật vịn vào Đại Nguyện
này tu tắt và sinh ra phái Tịnh Độ. Còn Mật Tông thì sao? Cũng là một
phương thức tu tắt nữa, chỉ chuyên trì chú (tức là những câu chú của các
vị Phật đã được ghi ra trong kinh điển), vì trong Kinh có nói đến sức
mạnh và công đức của câu chú như về chú Đại Bi: Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát
bạch Phật rằng: "Lạy Đức Thế Tôn, nếu các chúng sinh tụng chú Đại Bi, mà
còn sa vào ba ngã ác (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh) con thề không thành
chánh giác, tụng chú Đại Bi nếu không được sinh sang cõi Phật, con thề
không thành chánh giác, tụng chú Đại Bi nếu không được tam muội hùng
biện, con thề không thành chánh giác, tụng chú Đại Bi trong đời này cầu
gì chẳng được nấy, thì không thể gọi là chú Đại Bi được." Các bạn đã
thấy được thần lực của bài chú Đại Bi qua lời Đại Nguyện của vị Bồ Tát
rồi chứ gì? Chính vì vậy mà trong Phật giáo các bài chú không được dịch
ra tiếng khác ngoài tiếng Phạn, vì sợ rằng dịch sang tiếng khác thì thần
lực, hiệu năng của câu chú không còn nữa. Do đó các Phật tử thường đọc
các câu chú trong các buổi lễ, buổi sám hối, nhưng lại không hiểu nghĩa
bài chú, đó cũng là một điều đáng tiếc, khi mình muốn tìm hiểu, nghiên
cứu về Phật Pháp. Theo tôi nghĩ, ta có thể đọc bài chú theo tiếng Phạn,
nhưng ít ra các Thầy, các vị Trí giả của Phật giáo có thể giúp Phật tử
hiểu được nghĩa của những điều mình đang đọc thì hay hơn. Phật giáo ở
Việt Nam gắn liền với đại đa số dân tộc, tuy nhiên sự hiểu biết của Phật
tử về Phật giáo hãy còn giới hạn vì thời xưa thì sử dụng Hán văn, và
một số như các bài chú, các danh từ thì sử dụng âm theo tiếng Phạn, cho
nên phần lớn Phật tử chỉ theo mà không biết gì về giáo lý, mãi về sau
nhờ các nhà sư, các trí giả dịch các sách kinh ra chữ Quốc ngữ thì giáo
lý Phật giáo mới được phổ biến rộng ra.
Đó là 2 phái tu tắt, còn phái tu Thiền
thì cố nương theo con đường của Phật Thích Ca đi mà tiến tới, nhưng rất
tiếc là Phật Thích Ca không chỉ rõ Thiền như thế nào để đạt được kết
quả. Vì thế mà đệ tử cũng phải lần mò theo hướng nào mà họ hiểu được rải
rác trong các kinh, họ vận dụng cách riêng như thế nào để tạo được sự
yên lặng của tâm và ý để họ đạt đến sự giác ngộ, tức là nhìn thấy sâu
vào tận đáy hồ vô thức (để chứng minh điều này mời các bạn đọc bài "Đời
tu của tôi" của Thầy Thích Thanh Từ trong "Xuân trong cửa Thiền" Tập 4,
trang 167 -207).
Chính vì vậy mà con đường tu của Tu sĩ
Phật giáo trở thành gian nan. Họ hiểu được nhân quả, về luân hồi, về lục
đạo, về Tứ diệu đế,về thập nhị nhân duyên, về địa ngục, về Niết bàn...,
nhưng họ lướng vướng ở chỗ 'Thiền Thế Nào?'. Đó là lý do cho ta giải
thích và để hiểu tại sao người này lại quán về bạch cốt, quán hơi thở,
người lại kềm tư tưởng vọng lên, quán ánh sáng, quán âm thanh... và
người thì đặt tâm ở chỗ này, người thì đặt tâm ở chỗ kia... Vị tu sĩ nào
tu có kết quả, ngộ đạo được ít nhiều thì hướng dẫn đệ tử rồi trở thành
phái riêng, lấy địa danh hoặc Phật hiệu của Thầy làm tên phái như phái
Thần Tú, Tào Động, Lâm Tế, Vĩ Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn, Tòng Lâm, phái
của Thanh Hải, Phái Thầy Thích Thanh Từ, phái Thầy Thích Nhất Hạnh,
phái Thầy Tám Lương Sĩ Hằng, nhân điện Lương Minh Đáng...v..v...
Thưa bạn, tôi phải lòng vòng đưa bạn đi,
chắc có lẽ bạn cũng không thích thú mấy, nhưng nếu Thiền để tĩnh tâm
trong trạng thái yên nghỉ thì rất dễ, bạn chỉ nằm ịch xuống, hay ngồi
yên không suy nghĩ, thế là xong. Thiền mà để khám phá tâm linh thì phức
tạp hơn, nó có những trở ngại của nó, bài nầy tôi đang viết cho bạn về
những trở ngại đó.
Theo ước đoán của tôi, chắc bạn cũng có
lần xem phim kiếm hiệp của Tàu và bạn hiểu ít nhiều "Tẩu Hỏa Nhập Ma".
Họ cũng Thiền đấy, trong lúc Thiền họ xuất thần để tâm đeo đuổi, tập
trung vào các thế võ, các lối đánh, các huyệt đạo, chỗ nhược ác hiểm để
sáng tạo ra lối đánh mới "thần sầu quỉ khốc" hơn. Nhưng nếu trong lúc
đó, thình lình có tiếng động lớn hoặc biến cố mạnh bạo làm họ giật mình
và tâm thức họ trở về không kịp thì họ sẽ khùng khùng "mad mad". Trong
phim thì họ trở nên dở khùng, dỡ điên và ói máu ra, bạn sợ không? Tình
trạng nầy rất nguy hiểm cho người Thiền để xuất hồn hoặc quán ánh sáng.
Còn quán âm thanh thì sao? Khi bạn đã
phát hiện hoặc bắt được "âm thanh vi diệu" bạn cứ ngỡ bạn là Bồ Tát hay
Phật, hay là với âm thanh đó, địa vị tu hành của mình thuộc về cấp cao,
rồi bạn sẽ ham Thiền, lúc nào cũng có vẻ lim dim như muốn ngồi Thiền,
rồi bạn sẽ thấy cuộc sống hiện tại là "vô thường", là sẽ không có là gì
cả bạn sẽ chẳng màng đến vợ, con, đến nhu cầu của gia đình và rồi dần
đưa đến sự tan vỡ. Ngay bản thân mình nửa mơ nửa thực, tỉnh chẳng ra
tỉnh mà mê cũng chẳng ra mê. Sống chẳng ra sống mà chết không ra chết.
Đó là ý ngay đoạn đầu tiên tôi đã viết: "Và ngược lại, cũng có bao
chuyện buồn vui cười ra nước mắt, hay trở thành bi thảm cũng vì Thiền".
Do đó, vì hoàn cảnh mưu sinh ta đã chọn
nghề làm rẫy khổ nhọc này, đầu óc căng thẳng, làm việc liên miên, công
việc tới tấp, nắng đổ lửa lên đầu, lên thân thể, tôi cũng muốn bạn chia
sẻ "sự quên đi" nỗi cực đó cùng với tôi qua sự tĩnh tâm, sự Thiền và hầu
giúp bạn có một quan niệm, một cái nhìn về cuộc đời khác vui vẻ và
thoải mái hơn lên. Đúng ra tôi chỉ viết trong khuôn khổ ngần ấy thôi,
nhưng đôi khi vì căn duyên của bạn có thể tiến xa hơn nữa mà nếu tôi
không lượng trước sẽ vô tình đưa bạn vào cõi chới với thì thật là "tội
lỗi". Do đó tôi phải viết luôn ra, rồi ai thích làm thế nào thì tùy
thích. Ai thích "rest" thì "rest", ai thích khám phá thì khám phá. Vui
vẻ cả mọi đàng, có lẽ bạn thắc mắc tại sao tôi hay nói về thuyết của
Phật giáo? Bạn thử nghĩ "Phật giáo là gì?" có phải là giáo lý đó được
phát sinh từ sự Thiền của một người: "Phật Thích Ca" không? khi
Sít-đạt-ta chưa Thiền, chưa ngộ đạo thì chưa có giáo lý Phật giáo. Và
chỉ có giáo lý Phật giáo sau khi Thích Ca đã ngộ Thiền, vậy thì Thiền
gắn liền với giáo lý Phật giáo và nếu nói xa hơn nữa thì giáo lý Phật
giáo cũng chẳng mới mẻ gì trong vũ trụ cả dù có hơn 2000 năm nay. Tại
sao? Nếu không thì Phật Thích Ca đã chẳng giảng rất nhiều về các vị Phật
trong quá khứ, hiện tại và vị lai - vô số chư Phật, Phật ở tới Mười
phương chứ không phải bốn phương, tám hướng. Con đường đó là con đường
tất nhiên của người hành Thiền sẽ đến. Thích Ca hành Thiền và đã đến,
nếu ta hành Thiền đúng hướng ta cũng sẽ đến. "Thích Ca là Phật đã thành,
nhất định ta sẽ là Phật sẽ thành". Còn các tôn giáo có khác nhau hay
không? Bạn sẽ tìm được câu trả lời chính thức của nó. Khi bạn đã ngộ
được Thiền. Bây giờ bạn cho phép tôi miễn bàn đến việc ấy. Đoạn trên tôi
có đề cập đến ý thức, tiềm thức và vô thức sẵn đây tôi chứng minh bằng
sự kiện khoa học cho bạn hiểu cụ thể hơn: Điều ta biết về con người, về
trái đất giống như là tầng ý thức vậy, ta biết rất nhiều nhưng đôi khi
còn những điều ta vẫn chưa biết - tầng tiềm thức giống như điều ta biết
hay chưa biết về Thái Dương Hệ tức là biết mập mờ, không rõ ràng và Tầng
vô thức giống như là các thiên hà và tổng thể vũ trụ vậy.
Bạn có hiểu thế nào là "phiền não thị Bồ
Đề" hoặc "Hồi Đầu Thị Ngạn" không? Các bạn có hiểu khi Tâm thức (Phật
tánh) vì u mê, ham vui thích chơi đưa chân bước xuống bến mê (Mê Tân) để
nhập vào cuộc vui của trần gian, chơi, đánh đập, đâm chém, bệnh hoạn,
chết chóc, đau khổ, vui buồn lẫn lộn, chìm đắm trong bể khổ (Khổ Hải)
người thì lờ đờ trên mặt nước (Thiên) người thì chơi ở lưng chừng
(A-Tu-La, Nhân), dưới nữa (Ngạ Quỷ, Súc Sanh) và dưới đáy (Địa Ngục). Ở
đó chơi hết vai trò này đổi sang vai trò khác (hết kiếp - chuyển kiếp
hay là luân hồi) đến một lúc nào đó, bạn thấy cuộc chơi đó không còn vui
nữa, chỉ là một điều đau khổ, phiền não bạn suy nghĩ lại (Phiền Não Thị
Bồ Đề) và bạn bắt đầu từ bỏ cuộc chơi để lội vào bờ (Hồi Đầu Thị Ngạn).
Khi tới bờ bây giờ không còn là Mê Tân nữa mà là bờ giác (Giác Ngạn).
Bạn chỉ cần bước lên bờ, lập tức bạn đã thành Phật (là bậc giác ngộ) bạn
có thể hiểu được đại khái không?
Phật Thích Ca đã trải qua giai đoạn
chiêm nghiệm ấy và khi đã ngộ được chân lý, Ngài quảng bá chân lý đó cho
mọi người, cho đệ tử và cũng chỉ mong mọi người cũng được như Ngài để
thoát khỏi sự khổ, tìm đến được Niết Bàn. Mục đích của Ngài cũng như của
bao giáo lý của Ngài cũng vẫn là như vậy, độ giúp chúng sanh trở thành
Phật, thành bậc Giác Ngộ thế thôi.
Còn 3 vấn đề nữa bạn cần lưu ý khi bạn hành Thiền để khám phá về tâm linh.
Vấn đề 1:
Giả sử ta muốn đi lên một tòa cao ốc
chọc trời, thật cao. Nó có 2 ngã, ngã cầu thang bên ngoài, bạn đi ngã
này thì chậm chạp hơn, nhưng bạn có thể nhìn được cảnh đẹp, trời, non,
mây nước. Đi lâu bạn nghe mệt mỏi, mà nhìn lên còn xa mới tới. Bạn sẽ
làm gì? Nếu bạn thối chí bỏ cuộc không đi nữa tức là đường trần của bạn
chưa dứt. Và nếu bạn quyết tâm tiếp tục, không nản chí quyết lên đến tận
cùng dù ở sân thượng có gì hay không có gì đi nữa, bạn nhất quyết vẫn
đi, có chết cũng đi thì bạn là Bất Thối Bồ Tát đó (Đây là phép Tiệm
Giáo). Còn ngã thang máy bên trong thì nhanh hơn. Giả sử xe chạy từ từ,
rồi nhanh hơn giống như máy bay, rồi như hỏa tiễn rồi lại nhanh như ánh
sáng, như tư tưởng và nhanh hơn nữa. Bạn sẽ làm gì? Bạn có chóng mặt
không? Chắc có lẽ bạn hoảng hốt và chỉ còn cầu nguyện lạy Chúa hay cầu
Phật độ. Đúng vậy nếu đã vào Thiền bạn có thể gặp tình trạng nầy. Lúc ấy
bạn hãy lấy lại bình tĩnh, một mặt cầu nguyện Phật A Di Đà (nếu là Phật
tử) để Ngài phóng quang tới mà hỗ trợ, tiếp sức cho bạn. Nếu là Công
giáo bạn cầu Chúa giúp sức để đến cùng Chúa, hay tùy bạn muốn cầu nguyện
đến vị nào tùy theo tôn giáo của bạn. Trong vận tốc quá nhanh bạn cố
giữ bình tĩnh, vẫn nhắm mắt và cầu nguyện. Bạn nhớ đừng mở mắt ra, mở
mắt ra bạn có thể rớt đài và có thể bị chơi vơi. Sau đó không lâu bạn sẽ
lấy lại cân bằng trên vị trí của bạn, tức là tầng cao ốc đẳng cấp của
bạn đang ở đó. Lúc đó bạn có thể ung dung chiêm nghiệm khám phá lãnh vực
tâm linh và cõi huyền bí. Ngã nầy gọi là phép Đốn Ngộ.
Vấn đề 2:
Vấn đề 2 là về âm thanh. Âm thanh nầy
được Thanh Hải phổ biến qua pháp Thiền Quán Âm, Thanh Hải gọi là Âm
Thanh Siêu Thế Giới. Làm thế nào để bạn nhận biết âm thanh ấy. Âm thanh
nầy phải liên kết toàn vũ trụ, bạn thử đoán coi là gì? Theo khoa học đã
có chứng minh thì con người có luồng điện gọi là nhân điện, vật thể thì
có năng lượng, địa cầu thì có địa từ trường, hành tinh thì có hấp dẫn
lực, vũ trụ thì có vũ trụ tuyến, tất cả những thứ đó dù vô hình nhưng nó
vẫn có những chuyển động của vi tử (âm điện tử) thì có thể âm thanh ấy
xuất hiện từ vũ trụ tuyến cũng nên. Thôi cứ tạm gọi là như vậy đi, chứ
tôi chẳng hiểu về khoa học nhiều lắm đâu, chỉ lấy đó để giải thích từ
cái cụ thể đến siêu hình cho bạn hiểu một vấn đề thế thôi. Đêm khuya yên
lặng bạn bịt kín hai lỗ tai lại, bạn có thể nghe được tiếng giống như
dế ở vách đất kêu hay giống như tiếng bọt nước reo, đó là âm thanh ấy
vậy. Với âm thanh nầy giúp bạn không bị tẩu hỏa nhập ma mà còn rửa sạch
những ưu phiền của bạn. Bạn cố gắng nghe, thu thập âm thanh ấy dù có bịt
lỗ tai hay không bịt.
Vấn đề 3:
Và vấn đề thứ 3 là đặt tâm ở đâu? Đây là
vấn đề cũng gây khó khăn cho người hành Thiền không ít. Khi muốn an
tâm, người hành Thiền muốn cột Tâm và ý ở một chỗ không cho nó chạy loạn
xạ (Tâm Viên Ý Mã) để họ không phải suy nghĩ chuyện nầy chuyện kia nữa,
bỏ quên hết mà đi vào khám phá Tâm Linh. Khi bạn được an vị trong vấn
đề 1 bạn đặt tâm bạn ở điểm trên trán mà các tượng Phật đang có, nó
giống như con mắt (Phật nhãn hay là mắt Phật) để bạn nhìn và quan sát,
dù hai mắt thịt của bạn vẫn còn trong tình trạng nhắm lại.
Nếu được như vậy, tôi kết hợp lại 3 yếu
tố đó để bạn hiểu: Khi bạn đi thang máy đi lên với vận tốc khủng khiếp
bạn đừng sợ, cứ vững tâm bình tĩnh và cầu nguyện cũng nên. Đến tầng
(đẳng cấp) của mình ở thì nó sẽ ngừng lại lúc đó bạn ung dung tự tại mà
quan sát, khám phá tâm linh, chân lý bằng con mắt Phật của mình - khi
nào bạn thấy có vấn đề nguy hiểm hay có tiếng động bạn vịn lấy lan can
(âm thanh) để nó bảo hộ bạn, nó là vũ khí tuyệt đối an toàn để bảo vệ
cho bạn.
Mong bạn hiểu được và nắm vững phần nầy
để rồi ta chuẩn bị vào phần sau. Riêng tôi cũng cố gắng hết sức mình để
đưa bạn đi hết "đoạn đường tình".
IV. Phương Pháp Thiền:
Tôi đã phải suy nghĩ, do dự, đắn đo rất
nhiều khi viết về điều nầy. Đây là vấn đề thật quan trọng mà trong thâm
tâm tôi, trước kia, không bao giờ tôi dám đề cập với bất cứ ai. Nhưng sự
kiện nào cũng vậy, đều có cái cơ duyên của nó. Đến lúc nó phát sinh tất
phải phát sinh, lúc diệt tất phải diệt. Cho nên hôm nay tôi viết ra
điều nầy cũng không ngoài định luật ấy. Và có lẽ đây là cái móc nối của
hai thế kỷ, lẫn hai thiên niên kỷ, kỷ niệm của đời tôi, lẫn của bạn. Vậy
thì, coi sự may mắn của chúng ta là những chứng nhân của hai thế kỷ:
Chúc mừng bạn và chúc mừng cho chính tôi.
Khi tôi đề cập vấn đề Thiền với bạn bắt
đầu từ Bản Tin Nông Gia số 2 yêu mến của chúng ta, tôi đã yêu cầu bạn
coi vấn đề Thiền như là một sự nghỉ ngơi, một trạng thái để tinh thần và
thể xác yên nghỉ hoàn toàn sau một ngày hoặc những giờ làm việc mệt
nhọc. Song song vào đó tôi cố gắng phân tích và chứng minh bằng những ví
dụ, bằng một số sự kiện khoa học để bạn có thể hiểu rõ hơn. Chứ thực
ra, Thiền trước sau gì (lâu hay mau) bạn cũng tiến tới trạng thái khám
phá tâm linh, mà nghỉ ngơi chỉ là trạng thái nhất thời.
Điểm chính yếu của Thiền là làm sao cho
tâm hồn lắng xuống, bỏ mọi suy nghĩ, trong tư thế yên tĩnh không động
đậy và nhắm mắt lại. Cái dễ là tư thế yên tĩnh của thể xác, hoặc nhắm
mắt, nhưng cái khó là làm sao cho tâm hồn lắng xuống, đầu óc không phải
suy nghĩ gì cả. Chúng ta là những con người sống trong gia đình và xã
hội, những gì xảy ra, những gì suy nghĩ, những gì phiền não, thấy, nghe
đều được bộ óc ghi nhận, khi nhắm mắt lại thì nó lại hiện đến, đang xét
về chuyện nầy thì vụt nhớ đến chuyện kia... cho nên người đời gọi là
"Tâm Viên Ý Mã". Tâm giống như con vượn, con khỉ nhảy lung tung, còn ý
thì như con ngựa không cương, cũng chạy không ngừng. Vì vậy, trói buộc
chúng không phải là chuyện dễ. Do đó nhiều phái Thiền xuất hiện cũng chỉ
muốn kìm cái Tâm và Ý. Từ cách quán hơi thở, quán bạch cốt, quán âm
thanh, quán ánh sáng, kiềm tỏa vọng tưởng không cho nó khởi động... cũng
đều chỉ đánh lừa cái Tâm và Ý, để nó yên nghỉ, làm cho nó quên đi rồi
sau đó tìm cách cột nó lại. Những cách nầy tùy theo năng khiếu trời ban
cho mọi hành giả mà họ sớm đạt kết quả hoặc muộn mà thôi. Và vì việc
cột, buộc tâm ý quá khó, cho nên cần phải đeo đuổi theo thời gian lâu
dài, do đó mà hành giả nghĩ ra ngồi theo cách thức nào để thích ứng hơn,
vừa có sức bền bỉ, vừa có tính cách tập trung lực lượng, vừa có tính
cách yên tĩnh, trầm lặng, nên hành giả thường lấy giờ giấc đêm khuya,
ngồi theo Kiết già hoặc bán già để giữ vững tư thế lâu dài. Riêng tôi
nghĩ, bạn có thể nằm hoặc ngồi thoải mái miễn sao thân thể bạn không
động đậy thường xuyên, vì thân động, tâm và ý cũng động theo thì sự
Thiền của bạn khó đạt kết quả, mà cũng không nhất thiết phải là đêm
khuya, vì như vậy sẽ có thói quen dễ làm cho bạn mất ngủ, tốt nhất là
khoảng 4, 5 giờ sáng, nó tiện cho bạn, vì giờ đó sẽ không làm trở ngại
nào cho giấc ngủ, mà cũng không trở ngại đến công việc làm của bạn,
1. Bước thứ nhất: sự thăng hoa của Phật tánh hay tâm thức
Để tạo được sự thăng hoa bạn phải Thiền.
Nhưng tôi không nói đến cách thức Thiền, cái đó tùy bạn chọn, tôi chỉ
nói đến cách lấy hơi thở để điều khiển Tâm và ý. Trong lần hành thiền
đầu tiên, bạn cần sử dụng đến 6 hơi thở khởi động để hâm nóng và tập làm
quen với cách thức.
Bạn hít vào nhè nhẹ, chầm chậm và từ từ.
Hít vào đầy phổi rồi bạn đưa hơi lên giống như dồn hơi về đỉnh đầu, sau
đó bạn để nó tan biến từ từ. Tại sao vậy? Thực ra, bạn đang thở ra bằng
mũi, nhưng sự thở đó quá nhẹ nhàng nên bạn tưởng là mình không thở và
hơi ở trong đầu tan dần như sương khói. Đó là 6 lần yên nghỉ (relax)
hoàn toàn. Tại sao là 6 mà không là 4 hoặc 8. Ít hơn thì chỉ sợ là ít
quá không đủ để làm quen, nhiều quá thì sợ là thừa, thế thôi! Nhưng cái
đó tùy bạn, muốn bao nhiêu thì muốn, nhưng chỉ cần ở lần Thiền đầu tiên
thôi, đó là sự làm quen mà.
Sau đó, bạn hít vào, đưa hơi về đỉnh đầu
nhưng khi thở ra bạn tưởng tượng mình đang thở ra qua đỉnh đầu giống
như ở đỉnh đầu có một lỗ hổng, và từ đây hơi thở của bạn khi Thiền từ
ngoài không gian vào đỉnh đầu và thở ra từ đỉnh đầu thở thẳng vào không
gian theo chiều thẳng đứng.
Tôi không thể đoán được bao lâu bạn sẽ
thấy Tâm mình đi thẳng lên, cái đó tùy vào căn cơ của bạn. Tại sao ta
làm như vậy, tôi tạm thời giải thích để bạn có thể dễ hiểu hơn và bạn có
thể hiểu rõ những gì mình đang làm.
Thứ nhất, là với cách nầy bạn chỉ biết
có Tâm, và Ý của bạn cũng chỉ nghĩ về Tâm, để thế nào đưa Tâm đi lên.
Thứ hai là Tâm và Ý của bạn đang câu thông với Vũ Trụ Tuyến, bạn đưa
nhân điện của bạn nương vào Vũ Trụ Tuyến để đi về nguồn của Vũ Trụ
Tuyến. Như vậy, bạn không phải lướng vướng về Tâm và Ý như các lối Thiền
khác. Trở lại vấn đề, khi hít vào và thở ra (qua đỉnh đầu), ít lâu bạn
có cảm giác: Khi hít vào đầu và thân ta như bị kéo lên (giống như ta kéo
quả cân bằng dây qua ròng rọc), và khi thở ra thì hơi thở bắn ra giống
như tia nước bắn thẳng lên, đầu thân ta hình như bị chìm xuống. Ở đây,
bạn phải chỉnh lại một chút, khi hít vào, đầu thân ta giống như đang đi
lên, khi ngưng hít vào thì bạn cố giữ đầu thân ta ở tốc độ đó, và khi
thở ra thì bạn lại đẩy mạnh đầu thân ta đi lên. Ta cố gắng làm sao sự đi
lên đó liên tục với một nhịp độ điều hòa (Kể từ đây, sự hít thở cuả bạn
cứ để thật tự nhiên, không kiểm soát và không gò bó nữa) Được như vậy,
sau đó bạn có cảm tưởng rằng Tâm, Ý, thân thể của bạn cũng bay vút thẳng
lên cao.
Đến lúc nầy, tôi xin nhắc lại ví dụ đi
thang máy trong phần trước: Bạn sẽ cảm thấy vận tốc đi lên lúc đầu chậm
như xe chạy, sau đó giống như máy bay động cơ, máy bay phản lực, hỏa
tiễn, rồi nhanh như ánh sáng, rồi nhanh như tư tuởng, sau đó lại nhanh
hơn nữa. Bạn có tin không? Chắc Bạn nói tôi "xạo", làm gì nhanh hơn ánh
sáng? Làm gì nhanh hơn tư tuởng. Tôi chỉ đưa ví dụ để bạn nhận xét, tỉ
dụ lúc đó mình nghĩ mình bay đến Mặt Trời thì vận tốc ấy đã qua khỏi Mặt
Trời. Bạn thử nghiệm vậy. Nếu trong thời gian Tâm, Ý bạn đang thăng hoa
như thế, dù với vận tốc nhanh như thế nào đi nữa, xin bạn đừng hoảng
hốt, nếu bạn hoảng hốt mở mắt ra giống như ta đang trong mơ mà rớt vào
thực tế, bạn sẽ chới với và có thể lâm vào tình trạng giống như là tẩu
hỏa nhập ma. Bạn bình tĩnh, cứ nhắm mắt và lao theo tốc độ đó, nếu bạn
quá sợ thì cứ cầu nguyện Phật A-Di-Đà, hoặc Chúa hoặc vị nào bạn tin là
cứu độ nhất của tôn giáo bạn, để các vị đó hỗ trợ, thêm sức, bảo hộ cho
bạn. Thời gian thăng hoa đó không lâu lắm đâu. Tốc độ đó sẽ giảm lại và
ngừng hẳn ở đẳng cấp của bạn. Đến lúc ấy bạn có muốn lên nữa cũng khó
khăn lắm, và muốn rớt xuống cũng không là chuyện dễ. Có thể từ vị trí
nầy bạn, đôi khi quán thấy phía dưới có thân xác mình, bạn đừng ngạc
nhiên lắm! Vì đó là những lớp quần áo. bạn đã mặc vào cho tâm thức (Phật
tính) qua nhiều thời kỳ, nhiều kiếp bây giờ bạn trút bỏ đó. Từ giờ trở
đi bạn được an vị trên đẳng cấp ấy. Khi mở mắt ra bạn thuộc về thực tế,
nhắm mắt lại bắt đầu hành Thiền là bạn ở tại đẳng cấp của mình. Bạn muốn
lên nữa, bạn cứ tiếp tục Thiền, và cố gắng đưa tâm mình thăng hoa hơn
nữa. Ở đây tôi có một ví dụ khác để bạn dễ hiểu. Bây giờ bạn giống như ở
sát trần nhà, mà sàn nhà là nếp sống trần gian, từ sàn nhà lên đến trần
nhà là khoảng cách đẳng cấp. Trần nhà là lớp cứng, ngăn cách cõi trần
gian (danh từ nhà Phật là cõi Uế độ) với cõi Phật (Phật độ). Nếu bạn
tiếp tục hành Thiền, Tâm bạn sẽ tiếp tục thăng hoa đội thủng lớp ngăn
cách ấy. Bạn sẽ vào cõi Phật. Bạn sẽ thấy được ánh sáng (Phật Quang)
giống như người trần thấy ánh bình minh. Rồi từ từ bạn ngồi xuống tọa
thiền (y như cảnh trong phim Tế Điên Hòa Thượng (bộ cũ) lúc Đỗ Tế húc
đầu vào bụng Thầy, rồi chạy ra chánh điện thấy các tượng Phật thì Đỗ Tế
liền ngồi xuống Tọa Thiền) và bạn bắt đầu thành Phật, bắt đầu biết mình
là ai? Từ đâu đến đây và đến đây để làm gì? Rồi bạn có thể thấy thân
mình biến thành Kim Thân (thân màu vàng có hào quang vàng chói. Từ đây
bạn sẽ thường xuyên làm quen với những âm thanh vi diệu, tiếng trống,
tiếng sấm, tiếng sáo trời, nhất là tiếng như bọt nước reo). Với các âm
thanh nầy nó lôi cuốn các ưu tư, phiền muộn của bạn làm nó tan biến dần,
bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thoải mái, sẽ thích thú hiểu được sâu xa cuộc
sống hơn, có cuộc sống an lạc, hiểu cuộc đời chỉ là một sự tự nhiên, cái
gì đến nó sẽ đến, đến rồi nó sẽ đi, ta đang sống như ta đang đóng một
vai trò trong vở kịch của cuộc đời chừng nào vai trò trong vở kịch đó
hết thì ta chết, còn vai thì còn đóng tiếp, mọi chi tiết, diễn biến vui
khổ của vai trò là do "nhân" ở nhiều kiếp trước kết tụ lại mà thành nên
kiếp này lấy đó mà diễn xuất.
Có vài điều trong giai đọan nầy tôi xin
nhắc nhở cùng bạn. Bạn đừng quá nôn nóng để nhanh đạt được kết quả mà
thúc tâm thức mình hoạt động quá sức, như vậy bạn có thể bị nhức đầu,
mặt mày nhăn nhó hoặc mắt bạn nóng lên, trở đỏ. Vì bạn đã ép hơi quá
mạnh làm các mạch máu phải hoạt động quá sức hoặc ảnh hưởng đến nét mặt.
Nếu gặp điều này bạn cần xả bớt ra, cứ từ từ mà tiến, không gì phải vội
vàng cả, còn rất nhiều ngày mà. Khi nào, bạn hành Thiền mà thấy mình
vui vẻ, mặt mày tươi tỉnh, sống thoải mái và thực tế hơn trước kia, tức
là bạn đi đúng đường. Một điều quan trọng nữa mà tôi quên báo cho bạn
biết: Kể từ trên bước đường Thăng Hoa của Tâm thức bạn gần như có một vị
Thầy theo giúp đỡ bạn, không phải là ông thầy trong mơ mà là đột biến
của Tâm thức qua tư tưởng (Trí Huệ) hướng dẫn bạn để bạn điều chỉnh và
làm đúng.
Nếu Tâm thức bạn còn lên nữa, thì một
lúc nào đó Tâm thức bạn sẽ thoát xác lần nữa, Tâm sẽ thoát ra thân và
thân sẽ nứt nở tách ra, các mảnh cuốn lại xuống phía dưới như hoa sen
nhiều cánh (y như tượng Phật ngồi trên tòa sen). Đó là sự hoàn tất bước
thăng hoa của Tâm thức.
2. Bước thứ hai: Sự tan biến của tâm thức
Chắc có lẽ bạn rất ngạc nhiên khi nghe
nói đến sự Tan Biến này, nhưng nếu bạn hiểu "Phật là vô hình vô tướng"
thì bạn không còn thắc mắc nữa. Bản thể của Phật tính là gì? Nó giống
như là chân không hay là không khí, nó không có hình dạng, nó bàng bạc
khắp mọi nơi, nó len lõi khắp hang cùng ngõ hẻm, nó tràn khắp cả, dù
không có hình dạng nhưng lúc nào nó cũng hiện hữu khắp cùng và đời sống
của nó cũng vô hạn định (Bất tử hay là hằng hữu). Sự tan biến là bước
hoàn tất sự trở về nguồn của Phật tính, lúc ra đi là do sự u mê, và khi
trở về là do sự giác ngộ.
Khi nào bạn biết là khởi đầu của bước
Tan Biến? Bạn đã Thiền và bạn đã quán thấy Tâm thức của mình từng bước
thăng hoa: Đã giã từ cuộc sống trần thế (sàn nhà) tách lần lên khoảng
không giữa sàn nhà và trần nhà (các đẳng cấp tâm linh của ta) rồi tâm
thức bạn đội thủng trần nhà (phần ngăn cách cứng rắn và đen tối nhất
giữa cõi trần: Uế độ (cõi dơ uế, cõi hồng trần, cõi mà tất cả chúng sinh
phải bị luân hồi) và cõi Phật (Phật độ chúng sanh không còn bị luân hồi
và thành Phật). Bạn thấy được ánh sáng (Phật Quang) rồi ngồi xuống tham
thiền thành Phật, từ thành Phật đến được Kim Thân từ Kim Thân lại đến
được thêm tòa sen.
Bạn tiếp tục Thiền thì Tâm thức của bạn
sẽ lớn rộng ra. Bạn sẽ không thấy thân Phật và tòa sen quan trọng nữa mà
đầu óc Phật (Tâm thức) mới phát triển, giống như cái bong bóng được bơm
phồng lên - ở bước nầy ta hít vào thở ra trong lúc hành Thiền giống như
đem không khí bên ngoài bơm vào cho Tâm thức làm Tâm thức nở lớn ra chứ
không bằng ngõ đỉnh đầu như bước thăng hoa. Đến một lúc nào đó bong
bóng Tâm thức bị căng phồng quá sức sẽ nổ tung ra, thì Phật tánh (Tâm
thức) bên trong bây giờ sẽ tràn ra hòa lẫn với Tâm thức hay Phật tánh
bên ngoài sẽ ở khắp cùng, sẽ bàng bạc khắp nơi, sẽ sống đời đời. Bây giờ
bạn đã hiểu được tại sao Phật tánh là vô hình vô tướng và trong đạo
Phật có chữ Chơn Không Diệu Hữu hay Chơn Không Tịch Tịnh không?
Thực ra Lão Tử cũng qua cách Thiền đã
ngộ được Hư Vô nầy, và khi ấy Ngài đã nói "Thiên Hạ Vô sự" (Thiên Hạ
không có chuyện gì cả vì Thiên hạ chĩ diễn kịch chơi cho vui thế thôi!)
Rồi ngài viết ra cuốn Đạo Đức Kinh giao cho người bạn để truyền lại cho
người đời, còn Ngài đi vào núi và mất biệt. Người đời sau gọi Ngài là
Thái Thượng Lão Quân, chủ của các Tiên, có nhiều quyền phép. Những người
theo Ngài tập họp thành Đạo giáo, tu tiên luyện bùa phép, rồi tiến xa
hơn nữa thì thầy pháp, đồng, cốt, bóng chàng vân vân... càng ngày càng
đi xa cái nguyên thủy của Ngài.
Hoàn tất giai đoạn nầy sự Thiền của bạn
cũng chấm dứt, không còn cần thiết nữa. Bạn sống trong cuộc đời cũng như
trong Niết Bàn, nhưng bây giờ là Hữu Dư Niết Bàn, và khi chết bạn sẽ
vào Vô Dư Niết Bàn.
Đến đây, tôi nghĩ có lẽ điều tôi viết đã
tạm đủ để bạn hiểu được (dù ít dù nhiều) về vấn đề Thiền và tại sao
Thiền lại gắn liền với đạo Phật như hình với bóng, cũng từ thiền ta có
thể hiểu được giáo lý đạo Phật nhiều hơn. Qua sự hiểu nầy ta mới thấy
chân lý của các Tôn giáo không khác bao nhiêu. Thôi thì tôi xin trả vấn
đề lại cho bạn để bạn nghiệm vậy.
Để đúc kết lại những điều tôi đã viết,
và do nơi viết để diễn tả những vấn đề trừu tượng của tâm linh cho nên
điều tôi viết có thể luộm thuộm, khó hiểu, vì vậy, tôi xin tóm tắt lại
hầu giúp bạn nhìn tổng quá dễ hơn:
I.Thiền là gì?
Thiền là sự tĩnh tâm, cố trút bỏ tất cả suy nghĩ, ưu tư, phiền não, để
tâm hồn lắng xuống trong một tư thể yên tĩnh không động đậy, mắt nhắm
lại.
II. Thiền để làm gì?
a.Mục đích nhất thời: Thiền để
tìm một sự yên tĩnh hoàn toàn cho thể xác lẫn tâm linh (đầu óc) sau
những ngày, giờ làm việc mệt nhọc, đầu óc căng thẳng.
b.Mục đích lâu dài: Khám phá tâm linh, hiểu được chân lý của cuộc đời, của vũ trụ, thành Phật để thoát khỏi sự khổ, luân hồi.
III. Trở ngại trong Thiền: Tình trạng chơi vơi, xa rời thực tế, mơ mơ màng màng.
IV. Thiền Thế Nào? (phương pháp thiền)
a. Có rất nhiều phương pháp:
tùy theo phái, tùy theo cơ thể, tùy theo cách nghiệm của hành giả mà có
cách Thiền riêng. Nhưng chung qui là Kiểm soát Tâm và ý không cho nó
loạn động để mặt hồ yên tĩnh và mình có thể nhìn sâu vào tiềm thức và
đáy hồ vô thức.
b. Phương pháp mà tôi góp ý ở
đây là khi Thiền bạn kiểm soát hơi thở để đưa Tâm, Ý về đỉnh đầu, sau đó
đưa Tâm, Ý (trong giai đoạn nầy tôi gọi là Tâm thức) thăng hoa (đi ra
ngoài thân xác, đi lên, đi vào không gian, vũ trụ).
- Giai đoạn thăng hoa của tâm thức:
Tâm thức tiến thẳng lên vũ trụ với vận tốc càng lúc càng nhanh, đến một
lúc nào đó sẽ dừng lại ở đẳng cấp của mình - Nếu có cơ duyên Tâm thức
sẽ đục thủng phần ngăn cách giữa cõi uế độ và Phật độ để vào cõi Phật,
bạn sẽ quán thấy mình thành Phật, ngồi xuống tọa thiền như tượng Phật
(mặc dù thực tế bạn đang Thiền nằm, hay ngồi hoặc đứng), rồi sẽ đến lúc
được thân thể biến thành màu vàng Kim (Kim Thân) tỏa hòa quang cũng màu
vàng. Và cuối cùng Tâm thức lại thoát ra thân Phật một lần nữa làm thân
nầy bị nứt ra cuốn lại dưới chỗ ngồi giống như những cánh sen, thế là có
thân Phật ngồi trên tòa sen.
- Giai đoạn tan biến của Tâm thức:
Ở giai đoạn nầy, Tâm thức quán thấy thân thể không cần thiết nữa, khi
hít vào thở ra giống như là lấy không khí để bơm phồng cho khối óc Tâm
linh (Phật tánh) càng ngày càng nở to như bong bóng. Đến một lúc nào đó
bong bóng nổ tung ra, Phật tánh sẽ tràn ra ngoài hòa lẫn với Phật tánh
của vũ trụ. Kết hợp lại thành một thể như vậy là: “Một mà là Tất cả, Tất
cả mà là một”. Tất cả chúng sinh không khác nhau!