Chùa Bửu Minh

Ngoài hội Vu Lan, hội Phật Đản (ngày sinh của đức Phật) vào ngày 8 tháng tư Âm lịch(1) cũng là một hội lớn của Phật giáo. Từ thời Lý-Trần, hội Phật Đản đã được tổ chức trọng thể. Một nghi thức quan trọng của ngày hội này là tắm Phật. Sách An Nam chí lược của Lê Trắc thời Trần chép: "Mài trầm hương, hòa hương với nước đem tắm tượng Phật.

 Dùng bánh tròn tinh khiết để dâng cúng". Ngày nay, người ta thường dùng nước ngũ vị hương (nước nấu bằng các hoa cỏ thơm) dội lên tượng Phật. Cái khăn lau tượng bằng vải đỏ cũng được xé ra chia cho mỗi người một mảnh để cầu phúc.

Lễ tắm Phật ở Việt Nam còn gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của người nông dân. Người ta tin rằng, trong ngày mồng 8 tháng tư, trời thế nào cũng mưa để lấy nước tắm Phật. Và ngược lại, lễ tắm Phật bằng cách dội nước cũng là một hình thức cầu mưa. Người nông dân Việt Nam tin rằng, ngày 8 tháng tư mà không mưa thì mùa màng sẽ mất. Đã có câu ca dao:

Mồng tám tháng tư không mưa,

Vứt cả cày bừa mà lấp ruộng đi.

Những cư dân trồng lúa cần nước. Trong bốn nhu cầu thiết yếu mà người nông dân Việt Nam đã tổng kết là "nước, phân, cần, giống" thì nước là hàng đầu. Mà ở khu vực nhiệt đới gió mùa này, nói đến nước là nói đến mưa. Chính vì thế mà khi Phật giáo mới truyền nhập vào Việt Nam, thì tại trung tâm đầu tiên là Luy Lâu, tức vùng Dâu, nó đã gắn kết với sự sùng bái bốn nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Các nữ thần này được thờ trong bốn ngôi chùa mà tượng của họ còn to hơn cả tượng Phật. Mây, mưa, sấm, chớp chỉ là biểu hiện của mưa. Cho nên có thể gọi chung bốn nữ thần này là các nữ thần mưa. Và họ đã được Phật hóa, đã trở thành các Phật. Từ các vua Lý đến các vua Lê, mỗi lần có hạn hán, đều cho rước Phật Pháp Vân về Thăng Long để làm lễ cầu mưa.

Như đã nói ở trên, hệ thống chùa Tứ Pháp có ở nhiều nơi trên châu thổ sông Hồng. Các hội chùa Tứ Pháp cho ta thấy một cách sống động sự tiếp hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng cầu mùa của người nông dân Việt Nam vẫn diễn ra.

Một số chùa Tứ Pháp như Dâu (tỉnh Bắc Ninh), Thứa (tỉnh Hưng Yên) mở hội vào ngày 8 tháng tư, trùng với ngày Phật Đản.

Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấp tháp chùa Dâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Vì đây là các chùa thờ Phật, các nữ thần Tứ Pháp cũng đã trở thành Phật Bà, nên việc lấy ngày Phật Đản làm ngày hội cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã

----------------

 (1) Trước đây, theo truyền thống, ở Việt Nam ngày Phật Đản là ngày 8 tháng tư. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định chuyển lễ Phật Đản vào ngày rằm tháng tư Âm lịch.

lưu ý rằng, gần với ngày này, nhiều hội làng đã được mở trong vùng đồng bằng Bắc Bộ:

Mồng bảy hội Khám(1)

Mồng tám hội Dâu,

Mồng chín đâu đâu

Cũng về hội Gióng(2)

Và có giả thuyết là những ngày này trùng hợp với Tết Mưa dông hay Hội Sấm dậy của vùng Đông Nam Á.

Trong hội chùa Dâu, ngày 8 tháng tư, các làng rước tượng ba bà Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Điện về chùa Dâu để họp mặt với chị cả là bà Pháp Vân. Người dự hội rất đông. Để "dẹp đám", tức mở đường cho đám rước, các tráng đinh đi theo kiệu bà Pháp Điện, người em út, múa một vũ khúc mạnh mẽ bằng 32 chiếc gậy.

Đúng Ngọ (12 giờ trưa), bà Pháp Vân (tức Bà Dâu) thi cướp nước với người em thứ hai là bà Pháp Vũ (tức Bà Đậu). Kiệu của hai bà được rước chạy từ cửa chùa Dâu ra cửa tam quan, được đặt xuống, người ta múc nước trong giếng, rồi rước kiệu về. Nghi thức cướp nước, lần nữa, cho ta liên hệ với lễ cầu mưa.

Sau đó đám rước lại đưa kiệu bốn Bà về chùa Tổ ở Mãn Xá để bái vọng Man Nương, được coi là mẹ của cả bốn nữ thần.

Ngày hôm sau, kiệu của bốn Bà được rước về chùa Tổ để thăm Mẹ lần nữa, sau đó các Bà trở về các ngôi chùa của mình.

Trong hội Dâu, ngoài trò cướp nước, dâng nước, đánh gậy, còn có múa hóa trang rùa và hạc, múa sư tử, múa trống, đấu vật, đánh cờ người và đốt pháo bông(3).

Ở các chùa thờ Tứ Pháp trong vùng huyện Mỹ Văn (tỉnh Hưng Yên), thì trong ngày hội, tượng của các nữ thần cũng được rước đến thăm nhau, riêng tượng bà Pháp Điện thì không bao giờ được rước khỏi chùa, mà chỉ chờ các bà chị đến, vì Pháp Điện là nữ thần Chớp, người ta tin rằng, nếu rước Bà khỏi chùa thì sẽ gây hỏa hoạn, Bà nhìn vào đâu thì ở đấy cháy.

Đó là trong những ngày hội định kỳ. Những ngày hội này là lễ "giao hiếu" giữa các thần mà cũng là giữa các làng. Còn vào lúc có hạn hán thì phải làm lễ đảo vũ tức lễ cầu mưa.

Chúng tôi muốn nhắc lại ở đây các lễ đảo vũ trong chùa Tứ Pháp vùng Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

Chùa Thái Lạc, nổi tiếng với những phù điêu thời Trần được nhắc đến ở phần trên cũng là ngôi chùa bà Pháp Vân (nên chùa có tên là Pháp Vân tự) ở vùng này. Lúc có hạn hán, người ta rước tượng Pháp Vân ra khỏi chùa, cùng với tượng của các bà Pháp Lôi, Pháp Vũ ở các chùa gần đó đến chùa Ôn Xá, được gọi là chùa Un, nơi thờ bà Pháp Điện để làm lễ cầu mưa. Tượng các Bà đều lớn, phải đặt lên bệ gỗ vuông, có sáu vòng sắt ở hai bên. Người ta luồn hai đòn gỗ sơn son qua các vòng sắt để khiêng.

----------------------

(1) Hội làng Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

(2) Hội đền Phù Đổng, thờ Thánh Gióng, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

(3) Lê Trung Vũ (chủ biên): Lễ hội cổ truyền, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.188-189.

Người khiêng, được gọi là phù giá, là những trai tráng khỏe mạnh ở trần đóng khố vải điều, có tấm vải choàng chéo từ vai xuống sườn, được ghim lại ngang hông và hai đầu tấm vải buông tận đầu gối. Một người cầm cờ lệnh đi phía trước, hò lớn câu:

Ba Bà trẩy hội chùa Un

Mưa gió dùn dùn... thiên hạ dễ làm ăn... này.

Phật Bà ở làng nào thì có các cô gái làng ấy đi theo hai bên kiệu, một tay cầm quạt, một tay cầm phướn, vừa đi vừa kể hạnh, kể sự tích Tứ Pháp và niệm Nam Mô... Nếu gặp lúc mưa dầm dai dẳng thì người ta lại rước các Bà về chùa Un để cầu tạnh.

Lễ cầu mưa ở vùng chùa Thứa (Đại Bi tự, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên) có phần phức tạp hơn. Năm nào đại hạn, một chùa trong bốn chùa Tứ Pháp sẽ làm lễ cầu mưa ba ngày đêm, xong đóng cửa chùa nghỉ ba ngày. Nếu chưa mưa thì làm lễ cầu lại, rồi nghỉ chờ ba ngày. Nếu hai lần làm lễ cầu rồi mà trời vẫn chưa mưa thì phải cho người đến chùa Tứ Pháp bên cạnh làm lễ cầu mưa tiếp. Nếu đến lần thứ ba mà vẫn không mưa thì phải làm lễ xin keo (tức gieo hai đồng tiền) xin rước các Bà hội với nhau. Trước tiên là rước bà Pháp Vũ ở chùa làng Thanh Xá đến chùa làng Hoàng Đôi, nơi thờ bà Pháp Lôi. Dân hai làng làm lễ ở đây một đêm. Hôm sau, hai Bà lại được rước đến chùa làng Yên Phú, nơi thờ bà Pháp Điện. Hai Bà ở lại đây một đêm, để dân làng làm lễ cầu mưa, rồi hôm sau lại được rước đi. Chúng ta nhớ là bà Pháp Điện chẳng bao giờ đi đâu cả. Chỉ có hai bà Pháp Vũ và Pháp Lôi được rước đến đình làng Nguyên Xá, ở đây ba đêm rồi trở về họp mặt với bà Pháp Vân ở chùa Thứa. Sau chừng 4 giờ làm lễ, hai bà Pháp Vũ và Pháp Lôi lại được rước về các chùa của họ.

Nếu đại hạn trầm trọng, thì các làng trong huyện phải rước các thành hoàng tức thần của làng, đến hội với các bà Tứ Pháp ở một đình làng nào đó, tiếp tục làm lễ cầu mưa(1).

Như vậy, điều thú vị mà ta thấy ở đây là có cuộc gặp gỡ giữa các thành hoàng, tức các thần của làng, được thờ trong các đình với các nữ thần mưa Tứ Pháp, đã được Phật hóa và được thờ trong các chùa Phật, để cùng làm một nghi lễ nông nghiệp là cầu mưa.

Đó là một điểm độc đáo của Phật giáo Việt Nam, cũng là của văn hóa Việt Nam, và từ đây có thể nhận ra vị trí của ngôi chùa giữa cộng đồng làng xã Việt Nam.

---------------

(1) Theo Toan Ánh, Hội hè đình đám, quyển hạ, Sài Gòn, 1974, tr.216, 222-223.

---------------------------------

Nguồn: Sách Chùa Việt Nam. Tr.47- 50

Tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long. Ảnh: Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long

 Nxb Thế giới,2011 (in lần thứ tư, có sửa chữa bổ sung).

Giá 496.000đ/cuốn (chuyển đến tận nhà miễn phí). Liên hệ mua tại: Ban Biên tập: Số 8A, ngách 17, ngõ 378 Đường Lê Duẩn,  Hà Nội. ĐT: 0903265331- 0435821820. Email: nguyenvanku@gmail.com


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage