Những ngày này, các phương tiện truyền
thông, các cơ quan cao nhất của nhà nước đều dành trọn tình cảm mến yêu
và sự chia sẻ vật chất, tinh thần cho đất nước Nhật Bản.
Chúng ta cũng thêm một lần xúc động khi
báo Việtnamnet gửi lời kêu gọi “Cần một ngày cầu nguyện cho người dân
Nhật Bản”, “Xin rung tất cả những quả chuông trên mảnh đất này”, trong
đó có những lời thiết tha mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở ba miền Nam
– Trung – Bắc lấy ngày Rằm tháng Hai để rung chuông, gửi lời cầu nguyện
cho người dân Nhật Bản mau chóng vượt qua thảm họa, cũng là để thắp
sáng lương tri, cầu nguyện cho thế gian vơi bớt những đau thương do
thiên tạo, nhân tạo.
Cũng tình cảnh đau thương ấy, Thiền sư
Nhất Hạnh đã gửi đến người dân Nhật Bản và gửi đến chúng ta thông điệp
tu tập đầy giá trị:
“Càng nhìn con số người thiệt mạng trong
thảm trạng này, chúng tôi càng thấy rõ ràng và mãnh liệt hơn là chúng
tôi cũng đang cùng chết với các bạn .
Niềm đau của một phần nhân loại cũng là
niềm đau của toàn thể nhân loại. Nhân loại và quả địa cầu này cũng cùng
là một hình hài. Những gì xảy ra cho một phần của hình hài này là đang
xảy ra cho tất cả hình hài.
Biến cố vừa xảy ra cho các bạn đã nhắc
nhở cho chúng tôi bản chất vô thường về sự sống của chúng ta. Nó nhắc
ta nhớ rằng điều quan trọng nhất là ta phải thương nhau, có mặt cho nhau
và trân quý từng phút giây mà ta đang còn sống.
Đó là cách hay nhất mà ta có thể làm cho
những người đã chết: chúng ta có thể sống như thế nào mà họ có thể cảm
nhận rằng họ được tiếp tục sống và sống đẹp hơn, ý thức hơn, sâu sắc
hơn, trong mỗi chúng ta, nếm từng phút từng giây mà ta còn đang sống,
sống cho họ”.
Mong rằng tất cả những người Phật tử
Việt Nam, những người có tôn giáo hay không tôn giáo cùng bỏ qua những
chia rẽ, ngại ngùng, cách biệt, thành tâm hướng về đất nước Nhật Bản,
dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để cầu nguyện, gửi năng lượng
bình an tới nhân dân Nhật Bản.
Xin tất cả những ngôi chùa trên đất nước
Việt Nam hãy hưởng ứng lời kêu gọi nhân văn đó, vào ngày Rằng tháng Hai
rung chuông cầu nguyện, hay thiết lập một bàn tưởng niệm nhỏ cho những
nạn nhân tại Nhật.
Đồng thời, tin chắc người Phật tử Việt
Nam trên tinh thần nhân văn, vị tha đó cũng kính mong Giáo hội Phật giáo
Việt Nam sớm tổ chức một ngày thắp nến cầu nguyện tập trung, đồng thời
kêu gọi Tăng Ni, Phật tử, những doanh nhân, những nhà hảo tâm hướng đến
nhân dân Nhật Bản bằng những hành động thiết thực hơn.
Chắc chắn chúng ta làm việc này bằng
tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, bằng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, không
phải vì Nhật Bản là nước luôn dẫn đầu danh sách các nước tài trợ vốn ODA
cho Việt Nam, mà bằng tinh thần từ bi, yêu chuông hoà bình của những
người Phật tử trên khắp thế giới.
Chúng ta còn nhớ, có lần một vị Thủ
tướng Nhật Bản sang thăm Việt Nam đã nói, Việt Nam và Nhật Bản có sự
tương đồng về văn hoá, vì đa số nhân dân hai nước đều theo truyền thống
Phật giáo đại thừa.
Và trong những cơn nguy biến kinh hoàng
của thiên tai, một lần nữa ý chí kiên cường, sự trật tự, điềm tĩnh, tình
thương, sự xả thân và đạo lý ứng xử tuyệt vời của người dân Nhật được
khẳng định, khiến cả thế giới ngưỡng mộ và khâm phục.
Trong những hình ảnh sinh động ấy, không
thể không nói đến những ảnh hưởng sâu xa của tinh thần Phật giáo, cụ
thể là sự thấu hiểu của giáo lý vô thường để nhận diện cuộc sống và yêu
thương, cảm thông nhau nhiều hơn.
Đó cũng là điều người Phật tử Việt Nam
chúng ta nên suy ngẫm và thực hành, vì đất nước chúng ta cũng là đất
nước luôn phải đối mặt với những thiên tai ghê gớm.
Thích Thanh Thắng