Chùa Bửu Minh

Đúng 20 giờ tối qua, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết ở TP.Pleiku (Gia Lai), Tỉnh ủy, HĐND,UBND, UBMTTQ tỉnh Gia Lai đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành "Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và hoà chung niềm vui đón Bác với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.





Chương trình ca nhạc đặc biệt
 của đồng bào Tây Nguyên tại buổi lễ
Ảnh Trí Dũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Những tình cảm của Bác với đồng bào Tây Nguyên và tình cảm của đồng bào Tây Nguyên với Bác thật lớn lao, cao cả, sâu sắc… Tượng đài Bác Hồ được khánh thành hôm nay là công trình văn hóa có giá trị lịch sử, nhân văn tiêu biểu của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và đồng bào các dân tộc Gia Lai nói riêng. Chúng ta tin tưởng với tinh thần tự lực tự cường, đồng bào Gia Lai và đồng bào Tây Nguyên sẽ không ngừng vươn lên. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai sẽ giữ gìn thật tốt tượng đài Bác Hồ và  định hướng cho đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập tấm gương đạo đức của Người. Chúng ta nguyện đi theo con đường cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn.


Bác Hồ với đồng bào Tây Nguyên

Tối qua là một ngày trọng đại đối với bà con người Êđê, Bahnar, Xơđăng, Jrai, Brâu, Mơnông. Trọng đại là bởi, sau hơn 60 năm chờ đợi, người Tây Nguyên đã được đón Bác về với đồng bào. Trọng đại là bởi, Tượng đài Bác Hồ được đặt tại nơi có ý nghĩa lịch sử là Quảng trường Đại Đoàn Kết; và từ nay Bác gần gũi hơn với mỗi người con của núi rừng Tây Nguyên. Sinh thời, do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt nên chưa một lần Bác đến được Tây Nguyên; nhưng những xa xôi, cách trở ấy vẫn chẳng thể buộc Bác thôi hướng về miền Nam ruột thịt, hướng về những người con Tây Nguyên bất khuất. Còn nhớ, trong Thư gửi Đại hội Các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, ngày 19-4-1946, Bác viết: "… Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta, trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có Nha Dân tộc thiểu số để chăm sóc cho tất cả đồng bào…” và Người căn dặn:  "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xơđăng hay Bahna và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, kể từ đó người Tây Nguyên đã cùng nhau đoàn kết một lòng, góp chung lực lượng giữ vững quyền tự do, độc lập. Hơn 20 năm sau, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt, được tin đồng bào, chiến sĩ Tây Nguyên giành nhiều thắng lợi tại chiến trường, Người lại có thư khen. Bức thư có đoạn viết: "...quân và dân Tây Nguyên già, trẻ, gái, trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua giết giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn…”. Vẫn còn đây như một minh chứng cho việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu - ngôi đình Lạc Giao (với ý nghĩa giao lưu đoàn kết Kinh - Thượng tại Đắc Lắc); vẫn luôn còn đây từ trong chiến tranh cho đến thời bình truyền thống người Kinh - người Thượng uống chung một ống nước, ăn chung một nồi cơm; siết chặt tay kết đoàn.

Ông Hà Sơn Nhin - UV TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai: "Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai là một minh chứng hùng hồn, khẳng định tấm lòng son sắt, thuỷ chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu; là món quà thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”
Đặc biệt, trong những năm tháng gian khổ, ác liệt, đất nước bị chia cắt, bằng nhiều con đường khác nhau, nhiều người con của Tây Nguyên hùng vĩ được ra miền Bắc học tập và không ít người trong số họ đã có may mắn được gặp Bác; được Người ân cần động viên. Những người con ấy đã nhắn gửi tình cảm của Bác về với buôn làng, về với những người con của Tây Nguyên - vùng đất đỏ bazan thật nhiều nắng, thật nhiều gió. Và những nhắn gửi ấy cùng tình cảm sâu nặng của Bác đã giúp người Tây Nguyên làm nên nhiều chiến thắng vang dội trên chiến trường.

"Ai thương ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên”

Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được khởi công năm 2009 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng hơn  2ha. Công trình gồm có Tượng đài Bác Hồ cao 10,8m, bệ tượng cao 4,5m được đúc bằng chất liệu đồng nguyên chất. Phù điêu phía sau có chiều dài 58m, cao 11m (khoảng 600 m2), với nhiều cánh sen cách điệu hình vòng cung phía sau và hai bên tượng Bác, thể hiện trên chất liệu đá tự nhiên. Trên bức phù điêu này là những hình ảnh cô đọng về truyền thống văn hóa, lịch sử đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Câu hát ấy trong bài hát "Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” cứ trở đi trở lại trong tâm thức của mỗi người con đất Việt nói chung và mỗi người con Tây Nguyên nói riêng. Cách trở những núi cùng sông cũng không thể khiến người Tây Nguyên thôi nhớ về Bác. Ngày đất nước thống nhất, bà con các dân tộc Tây Nguyên đã dựng Nhà trưng bày về Bác (hoàn thành năm 1984) với mong ước giản dị: Đã không được đón Bác vào thăm thì nay làm nhà rước Bác vào ở. Ngôi nhà ấy sau này đã trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, là công trình tưởng niệm về Bác ở khu vực Tây Nguyên. Bao nhiêu nỗi niềm nhớ Bác, bà con gửi vào những hiện vật được trưng bày tại đây. Trong số các hiện vật ở bảo tàng có Tượng Bác Hồ được bà con đúc thủ công tại làng Yít Phang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ (Gia Lai) với chất liệu đồng, dựa theo bức ảnh chụp Bác ở mặt trận Đông Khê; hay Tượng Bác Hồ được một người con của Tây Nguyên tạc bằng gỗ hương - một loại gỗ quý của núi rừng nơi đây.

Và, tối qua, trong không khí linh thiêng, trang trọng, trong niềm vui khôn xiết, bà Siu Klát (65 tuổi, làng Bạc I, xã Ia Phin, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã tâm sự: Mặc dù ở xa, tuổi đã cao, chưa có dịp thấy Bác nhưng lòng tôi rất phấn khởi. Hôm nay, khánh thành tượng tôi nhờ con cháu đưa mình ra Quảng trường để hoà chung niềm vui trong ngày đón Bác. Còn anh Nguyễn Tấn Vũ (nhân viên đội môi trường cây xanh TP. Pleiku) - một trong những người tham gia trồng, chăm sóc cây xanh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết từ 8 tháng nay thì vui vì được đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong sự kiện đưa Bác về với Tây Nguyên. Và, Tây Nguyên hôm nay đang "thay da đổi thịt” từng ngày, xứng đáng với niềm tin yêu Bác dành cho đất và người cao nguyên.
Nhóm PV-CTV

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/daidoanket.vn/Nguoi-Tay-Nguyen-tu-hao-don-Bac-Ho/9935934.epi


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage