Nhà vườn là một nét tiêu biểu độc đáo của Huế. Từ xưa đến nay, người Huế vốn dĩ rất gắn bó với thiên nhiên.
Nhà vườn An Hiên tọa lạc tại thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, với diện tích 4608m 2 . Trước năm 1895, nguyên là Phủ của Công chúa thứ 18 con vua Dục Ðức. Sau 1895 nhường lại cho ông Phạm Ðăng Thập, con trai của một Ðại thần thời Gia Long. Năm 1920 Phủ nhường lại cho ông Tùng Lễ. Năm 1936 Phủ lại qua tay Tuần vũ Nguyễn Ðình Chi. Ông Tuần Vũ mất, bà Ðào Thị Xuân Yến (Vợ Tuần Vũ), người con gái áo trắng cài khăn nguyệt bạch, năm 1927 đã cầm đầu cuộc bãi khóa chống thực dân Pháp của nữ sinh Ðồng Khánh, sau đó là Hiệu trưởng trường Ðồng Khánh thừa kế. An Hiên vì vậy gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của vị chủ nhân, một nhà hoạt động chính trị xã hội tích cực, một nhân sĩ yêu nước có nhiều công lao đóng góp với quê hương Huế. |
Cổng nhà vườn xây theo hình vòm cổ kính, nóc mái trang trí hình hổ phù, hai bên có hoa văn cách điệu. Chính giữa cổng, ở mặt ngoài, bên dưới mái là bức hoành cuốn thư đắp nổi ốp tường, biển ngạch đề hai chữ Hán: An Hiên khảm sành hai màu xanh trắng trên nền tường đen. Phía trên hai bức hoành còn có hai con dơi nằm đối xứng sãi cánh nhìn xuống cổng. Sát dưới bức hoành là hình hổ phù nhiều màu sắc, dáng thanh thoát, nhẹ nhàng đặt nằm trong hình bán nguyệt. Vườn An Hiên đã được các nhà văn mô tả một cách tinh tế, sắc sảo có một không hai. Vườn có nhiều loại hoa, mỗi thứ một ít nhưng đủ loại, dân dã có các loại nhài, lý, thạch lựu, mặt trời, tường vi và các giống hồng bản địa; quí phái như các loại thổ lan và phong lan; và bên cạnh những khóm hồng hiện đại nhập giống từ các hãng vườn GauJard và Meilland ở châu Âu, người ta còn có thể nhìn thấy một bụi hoa sim dại. Ðặc biệt có cây Trà Mi do Hội hoa Nhật Bản tặng. Vườn sum suê cây trái ngọt ngào quanh năm: Măng cụt, sầu riêng, hồng vải thiều, và có cả cây hồng xiêm Tiên Ðiền được ông Nghè Mai, chắt nội đại thi hào Nguyễn Du mang từ huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh vào tặng ông bà Nguyễn Ðình Chi. Ðây là loại hồng quí hiếm, hàng năm ra quả vào tháng 7, trái không hột, mùi thơm ngon. Nhà vườn An Hiên, nét văn hoá đặc sắc góp phần tôn vinh vẻ đẹp cho Huế, bước chân vào đây ai cũng cảm thấy như được sống trong một vũ trụ thu nhỏ, một thế giới hữu tình riêng biệt, êm đềm, thư thái, nếp nhà, nếp vườn quy củ mà nên thơ, thanh bình và yên tĩnh. Khu vườn có sữc hấp dẫn như một cuốn sách hay chưa đọc hết. Vườn An Hiên, xã Hương Long, Điên thoại: 523647
Lạc Tịnh Viên do nhà thơ Hồng Khẳng sáng lập vào năm 1889 trên lô đất có diện tích 2.070m2 ở làng Dương Xuân xưa, nay là số 65 Phan Ðình Phùng - Huế. Lạc Tịnh Viên có khuôn viên đẹp, thoáng mát. Con đường dẫn vào nhà hai bên là hàng hoa dâm bụt, rồi những khóm hoa hồng, nguyệt quế, mai tứ quý,... trồng đối xứng nhau. Dưới các gốc cây đặt những bộ bàn ghế nhỏ để ngồi ngắm cảnh, uống trà. Ði hết con đường từ cổng vào là bức bình phong được xây dựng theo hình cuốn thư cách điệu, cấu trúc tổ ong hình lục giác đều, tạo nên sự thông thoáng, làm cho sân nhà bớt sự ngăn cách. Trong khuôn viên Lạc Tịnh Viên có 4 ngôi nhà xây gần kề nhau, mỗi nhà có một tên riêng, mang một ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với quan hệ thực tại của chủ nhân. Nhà Nhân Hậu: bốn bề thông thoáng không có vách ngăn, chung quanh có nhiều bồn hoa và chậu cảnh, dùng làm nơi tiếp khách, thưởng ngoạn trăng hoa và là nơi phát chẩn giúp đỡ người nghèo. Nhà Hy Trần Trai: nằm ở vị trí trung tâm khu vườn. Trong nhà trang trí nhiều câu đối. Tòa nhà chính có 59 cột bằng gỗ lim, lợp ngói liệt. Trên xà, rui được các bàn tay tinh tế của những nghệ nhân điêu khắc tài ba chạm trỗ, nổi bật các hình ảnh như rồng, chữ thọ, tú quý, bát bửu,... Nhà Vấn Trai: là nơi làm việc, nghỉ ngơi Nhà Di Tâm Thích Thể Ðường: là nơi sinh hoạt học hành của con cháu. Tất cả 4 ngôi nhà đều mang dáng dấp cổ kính, từ kiểu kiến trúc đến các vật dụng, vật trang trí, được sắp xếp theo một kiểu riêng biệt, tạo cho du khách một ấn tượng về sự nho nhã, thanh tao,làm ta liên tưởng đến những bước đi khoan thai,nhẹ nhàng , lời nói như thơ, êm dịu dễ nghe... Vì thế khi ta bước ra khỏi cổng Lạc Tịnh Viện, chạm phải sự trần tục đời thường, đột nhiên con người ta muốn quay ngoắt trở lại với bước vào nội thất Lạc Tịnh Viên, để tìm lại nếp sống văn hoá, hiếu học, cung cách ứng xử của những quý tộc thời Nguyễn xa xưa còn vương lại. Vườn Lạc Tịnh, số 33 đường Phan Đình Phùng, Điên thoại: 833237 Nhà vườn Ngọc Sơn Công Chúa Ngọc Sơn Công chúa là con gái của vua Ðồng Khánh. Khi công chúa hạ giá, vua Ðồng Khánh cấp cho một khu đất rộng 2.370m2 để lập phủ. Khuôn viên vườn có bình phong, non bộ, hồ sen. Nhà vườn Ngọc Sơn Công chúa được xây dựng tương đối sớm và được các thế hệ con cháu bảo quản hầu như còn nguyên vẹn. Toàn bộ mặt bằng khuôn viên được quy hoạch một cách bài bản, theo nguyên tắc phong thủy của người phương Ðông, có các yếu tố: tiền án (bình phong), minh đường (hồ nước), thế rồng chầu hổ phục,... Ngôi nhà chính xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống. Bước vào nhà ta cảm nhận đượcvẻ trang nghiêm, cổ kính khác hẳn với những gí đang diễn ra ngoài cuộc sống đời thường. Toàn bộ ngôi nhà thể hiện được cuộc sống tao nhã, tâm hồn trong sáng và yêu nghệ thuật của chủ nhân. Ngôi nhà chính quay lưng ra đường cũng có thể là chọn hướng cho bổn mạng chủ nhân, đồng thời cũng tránh xa không khí sôi động, ồn ào của cuộc sống đô thị. Ở đây sự hòa quyện giữa 3 yếu tố Kiến trúc - Con người - Thiên nhiên đã đạt đến độ tinh tế, nó có sự cuốn hút kỳ diệu đối với ai đã từng một lần đến nơi này. Nhà vườn Ngọc Sơn Công Chúa, số 29 đường Nguyễn Chí Thanh, Điện thoại: 525411 Tỳ Bà Trang Nhắc đến Tỳ Bà Trang, người dân xứ Huế, người dân Sàigòn thường nhắc đến ông Nguyễn Hữu Ba và ngược lại khi nói đến ông Nguyễn Hữu Ba người ta lại kể về Tỳ Bà Trang. Ông sinh thành trên quê hương Triệu Phong (Quảng Trị). Lớn lên ông vào Huế học và thành tài. Ông xây dựng Tỳ Bà Trang vào năm 1949. Từ khi Tỳ Bà Trang ra đời đến nay là khoảng thời gian chứng kiến sự thành đạt liên tiếp trong cuộc đời của Giáo sư Nguyễn Hữu Ba - Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế - Giám đốc Trường Quốc gai Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn - Ủy viên Ủy ban UNESCO,... Tỳ Bà Trang có diện tích 1000m2 , ra đời tuy muộn so với các khu nhà vườn khác, nhưng nét nổi bật đặc biệt là Tỳ Bà Trang được coi như một Bảo tàng nhạc học truyền thống Huế nói riêng và ba miền Trung - Nam - Bắc nói chung. Khi đặt viên gạch đầu tiên để hình thành Tỳ Bà Trang, chủ nhân chưa đặt yếu tố vườn lên hàng đầu mà tâm niệm nguyện ước phục hưng nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, một loại hình văn hóa phi vật thể mà cha ông ta đã sáng tạo, vun đắp. Tuy nhiên, chủ nhân, một nghệ sỹ thực tài, sống chết với âm nhạc, nhưng tâm hồn ông bao giờ cũng tồn tại trong tâm thức những yếu tố liên đới thành một mạch dài: thi, ca, nhạc, rượu, trăng, non bộ, cây kiểng. Vì lẽ đó ngoài xem bảo tàng âm nhạc, du khách thưởng ngoạn thêm một nghệ thuật kiến trúc kiểu vườn Huế, một kiểu kiến trúc hài hòa giữa hai yếu tố vườn truyền thống kết hợp với vườn hiện đại. Và Tỳ Bà Trang - một địa chỉ văn hóa không thể thiếu được trong chuyến du lịch đến Huế. Tỳ Bà Trang, số 51 đường Ông Ích Khiêm, Điện thoại: 524254 Tịnh Gia Viên Chủ nhân ban đầu của khu vườn 850m2 này là một công chúa, cách bây giờ là bốn đời. Sau đó vườn được sang lại cho một vị bộ Công dưới triều Nguyễn. Năm 1979 khu vườn lại về với ông Nguyễn Hữu Vấn, một nhạc sĩ, cháu ruột, gọi giáo sư Nguyễn Hữu Ba chủ nhân Tỳ Bà Trang bằng chú. Cũng là cung cách nghệ sĩ như ông chú, nhưng Nguyễn Hữu Vấn lại có niềm đam mê hoa lá cây kiểng hơn nhiều. Bước vào Tịnh Gia Viên ngoài hòn non bộ lớn, xây dựng rất công phu đẹp mắt, là một vườn cây kiểng trên vài ba trăm chủng loại khác nhau. Do bàn tay khéo léo của chủ nhân, nên mỗi cây kiểng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, một vẽ rất riêng như gốc mai 150 năm, gốc vạn tuế 200 năm. |
Ngoài những nét đặc sắc trên, Tịnh Gia Viên còn là địa chỉ ẩm thực chay mặn có tiếng trong năm bảy năm trở lại đây. Ðến với Tịnh Gia Viên, ngoài sự cuốn hút vườn hoa, cây kiểng, du khách không khỏi ngạc nhiên khi thưởng thức những món ăn ngon mang bản sắc Huế, tuyệt vời về hình thức và phong vị do bà Tôn Nữ Thị Hà trình bày, chế biến. Có thể nói Tịnh Gia Viên là một địa chỉ kết hợp được hai yếu tố, hai sắc màu văn hóa là văn hóa cây kiểng và văn hóa ẩm thực - một cách thú vị nhất so với các nhà vườn khác. Tịnh gia viên, số 20/3 đường Lê Thánh Tôn, Điện thoại: 522243, Fax: 823473 Vườn Ý Thảo Chủ nhân Vườn Ý Thảo là những công chức trong ngành văn hoá Thừa Thiên Huế, diện tích vườn nhà khoảng 1300m2 và ra đời từ 5 thập niên trước đây. Chính giữa nhà từ cổng vào là một Giả Sơn xếp từ những tảng đá tạo thành bình phong. Hai bên là hai cụm Giả Sơn bố trí theo thế Thanh Long -Bạch Hổ biến tấu. Cụm đá Thanh Long gắn với hồ nước, cụm đá Bạch Hổ gắn với khối cây nhỏ tượng trưng cho vạn Tùng Mai. 5 cụm Giả Sơn rãi rác trên thảm cỏ trong vườn tượng trưng cho Ngũ nhạc - năm ngọn núi danh tiếng của Phương Ðông. Toàn bộ cây trong vườn là bộ sưu tập công phu, chăm sóc di dưỡng cần mẫn của chủ nhân. Có lẽ cái quí hiếm nhất nhà Vườn Ý Thảo là 2 bộ sưu tập đặc trưng mỹ thuật của Huế: Bộ sưu tập trên 200 món đồ sứ men lam Huế qua các thời đại Lê - Trịnh, thời đại chúa Nguyễn ngót trên 300 năm qua. Hấp dẫn Quý khách có lẽ bởi dáng dấp của các đồ vật, bởi niên hiệu xa xưa được ghi bằng chữ Nôm (chữ cổ Việt Nam) và chữ Hán.... Bộ sưu tập tranh gương Huế gồm tranh gương Xà Cừ, tranh chân dưng bà chúa, tranh trích tuồng, tranh tứ bình Cầm Kỳ Thi Hoạ, Bát Tiên... Là những cổ vật quý hiếm. Giá trị bây giờ gấp ngàn lần giá trị thực xưa kia. Ðến với Ý Thảo chắc chắn Quý khách không muốn quay gót nhanh chóng như những nơi khác, nếu Quý khách là nhà nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật thì vài ba lần lui tới Ý Thảo chưa phải là lần cuối cùng. Đặc biệt, từ Festival Huế 2000 đến nay, vườn Ý Thảo còn là nơi đón khách đến tham quan, tổ chức những bữa ăn gia đình, những bữa tiệc chay và mặn mang đậm sắc thái Huế. Vườn Ý Thảo, số 3 đường Thạch Hãn, Điện thoại: 523018,
Nguon: http://kientruc-vn.org/nhavuonhue.htm
|