Chùa Bửu Minh

TẠ ƠN


Thích Minh Niệm

Nếu chúng ta luôn biểu lộ lòng biết ơn với nhau thì vết thương nào cũng chữa lành, khó khăn nào cũng vượt qua và đỉnh cao nào cũng vươn tới.





Vun đắp cội nguồn

Dạo đức truyền thống Việt Nam thường hay nhắc nhở câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Khi cầm trái cam lên, có bao giờ ta tự hỏi trái cam này từ đâu mà ra vậy? Ừ thì từ cây cam. Đó là cách trả lời rất đơn giản của ta. Nhưng sự thật là trái cam đang có mặt trên tay ta phải trải qua một quá trình sống gian nan không thua gì một kiếp sống của bất cứ sinh vật nào. Bắt đầu từ hạt cam, rồi phải hấp thụ vô số yếu tố của thiên nhiên thì nó mới trở thành cây và cho ra lá, ra hoa, ra trái. Rồi phải nhờ vào tình thương của nước, của gió, của mặt trời, của khoáng chất và đặc biệt là của người trồng trọt thì trái cam mới trở thành thực phẩm bổ dưỡng cho ta hôm nay. Mặc dù trong câu tục ngữ ấy chỉ nhắc ta hãy nhớ đến công sức của người đã trồng cây, nhưng kỳ thực là muốn khơi dậy lòng biết ơn trong ta với tất cả những điều kiện đang không ngừng nuôi dưỡng ta.

Cũng như câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là nhắc nhở ta mỗi khi mở vòi nước ra để uống hay tắm rửa, hãy dừng lại và tự hỏi rằng nước từ đâu tới đây cho ta quá nhiều tiện ích đến như vậy. Đừng tưởng có tiền trả mỗi tháng là ta có quyền phung phí, hay xem sự có mặt của nước là hiển nhiên. Một ngày không có nước thì ta sẽ sống ra sao? Và hiện tại nguồn nước sạch trên thế giới đang dần cạn kiệt cũng vì lối sống quá tham lam và vô trách nhiệm của con người mà ta có bao giờ quan tâm hay có ý thức trách nhiệm bảo vệ?

Thấy nước mà chẳng thấy nguồn, cũng như thấy trái mà chẳng thấy kẻ trồng cây thì đó là cái thấy cạn cợt, thiếu hiểu biết. Chỉ có người thiếu hiểu biết mới tự cho mình là cá thể biệt lập, mới dám tuyên bố là mình không cần ai mà vẫn tồn tại được. Nhưng ngay cả một hạt điện tử bé tí đến nổi không thể nhìn thấy bằng mắt mà cũng phải chấp nhận nguyên tắc liên kết để thành lập nữa kia mà. Vì thế chủ nghĩa cá nhân chính là sự sai lầm trầm trọng nhất của con người. Theo kinh nghiệm của những bậc trí tuệ và đức hạnh thì một trong những cách phá vỡ nhận thức sai lầm ấy để tạo ra thế cân đối và bền vững cùng đất trời và vũ trụ chính là lòng biết ơn.

Lòng biết ơn là thái độ rung cảm chân thành trước một sự hiến tặng, được ghi khắc sâu đậm trong tâm và có ý muốn đền đáp bằng cách này hay cách khác trong tương lai. Năng lượng biết ơn khi được phát sinh, không những tạo nên sự điều hòa trong các mối liên hệ, mà còn có công năng đánh thức những hạt giống cao quý trong tâm hồn, và đốt cháy những năng lượng độc hại do ta vô tình lầm lỡ gây ra trong quá khứ. Chỉ cần duy trì ý niệm biết ơn là ta đã thừa hưởng rất nhiều rồi, huống chi khi ta biến nó thành hành động cảm ơn hay tạ ơn thì năng lượng ấy sẽ lớn mạnh gấp bội, khiến kẻ đền đáp và người tiếp nhận đều được an vui và hạnh phúc.

Vậy trước khi cảm ơn một người nào, ta cần phải có ý niệm biết ơn sâu sắc trong lòng. Đừng tập thói quen nói ra lời cảm ơn một cách dễ dãi như một phong cách lịch sự để mưu cầu người khác có thiện cảm hay đánh giá cao về mình. Ít nhất ta phải chọn được nơi trang nghiêm và thể hiện được lòng thành khẩn của mình qua cách cẩn trọng trong từng lời nói. Một cái chắp tay, một cái cúi đầu, một nụ cười rạng rỡ, một món quà tinh ý đều góp phần tạo nên năng lượng cảm ứng cho đối phương. Đừng đợi đến dịp lễ rồi mới rộn ràng sắm sửa quà cáp, không khéo ta sẽ rơi vào hình thức như để trả nợ cho xong. Vì vậy ta không nên chú trọng đến giá trị của những món quà, và cũng đừng tập cho đối phương thói quen đánh giá tấm lòng qua giá trị vật chất. Nếu ta dồn hết năng lượng để tìm kiếm những món quà đắt tiền thì ta sẽ không còn tự tin xuất hiện trước mặt người kia bằng cả con người vốn rất tuyệt vời của mình.

Ở Mỹ, bây giờ người ta đón nhận ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) không còn ý nghĩa như hồi xưa nữa. Tuy tổ chức rất long trọng nhưng chủ yếu để xây dựng các mối quan hệ cho công việc hay thỏa mãn ăn uống vui chơi, nên họ dành hết thời gian để chuẩn bị tiệc tùng và lăng xăng với việc biếu tặng quà cáp, mà chẳng mấy ai quan tâm đến việc thể hiện lòng biết ơn, ngay cả với người thân yêu đang sống bên cạnh. Người Việt Nam tuy có nhiều cách thể hiện lòng biết ơn, nhưng chưa có một ngày chính thức để mọi đối tượng cùng thực tập như một phong tục cao quý. Thiết nghĩ ngày giỗ tổ Hùng Vương, mồng 10 tháng 3 Âm lịch, là một trong những ngày trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam, nên ta có thể chọn ngày ấy làm ngày tạ ơn những bậc tiền nhân trong quá khứ và các bậc ân nhân trong hiện tại. Ngày giỗ cũng là ngày tạ ơn thì ý nghĩa sẽ rất lớn lao.

Ngày Tạ Ơn của Việt Nam

Ta có thể chọn một món quà nho nhỏ và ý nghĩa để tặng nhau, nhưng hay nhất là tặng một đóa hoa tươi thắm để gửi gắm ước mong liên hệ tình cảm của đôi bên sẽ mãi luôn tươi đẹp. Ta hãy chọn hoa hồng vì từ lâu nó đã trở thành biểu tượng của tình thương yêu, nhưng nên chọn màu vàng để nói lên sự đong đầy và tỏa sáng. Sau này, dù ở nơi đâu hay vào bất cứ lúc nào, chỉ cần tặng nhau đóa hoa hồng vàng thì ta biết đó chính là dấu hiệu tạ ơn của người Việt Nam.

Để ngày lễ Tạ Ơn được thể hiện thật ý nghĩa, ta nên hạn chế tiệc tùng, mua sắm hay đi chơi xa. Hãy dành trọn ngày hôm ấy cho mục đích chính, đó là thể hiện lòng biết ơn với những đối tượng có ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Ta nên tổ chức buổi họp mặt gia đình. Nếu đang ở xa gia đình thì ta cũng có thể tham dự cùng với gia đình của người bạn thân nào gần đó. Hãy đem hết tài năng ra để thiết kế một buổi “ngồi lại với nhau” sao cho thật nhẹ nhàng và ấm cúng. Cắm một bình hoa thật xinh và thắp vài ngọn nến. Nên tắt hẳn ti vi và điện thoại. Thực tập im lặng hoặc chỉ nói khẽ khi cần thiết trong 15 phút đầu, vì không gian yên tĩnh sẽ khiến cho năng lượng trong phòng được quy tụ mạnh mẽ, và như thế mọi người sẽ cảm nhận rõ nét sự hiện diện quý giá của nhau hơn. Trước đó ta có thể ăn vài món thật gọn nhẹ, hoặc uống vài chén trà. Rồi ta ngồi sát lại với nhau thành vòng tròn, từng người nhẹ nhàng bước tới bình hoa hồng vàng ở giữa để chọn một đóa và ngồi xuống trước mặt người nào mà mình muốn tạ ơn. Nếu có nhiều đối tượng cần tạ ơn thì ta có thể lấy thêm hoa. Im lặng vài giây rồi hãy bày tỏ.

“Thưa ba, con rất hãnh diện là con của ba, về những gì ba đã sống cho mọi người và cho chúng con. Ba đã trao cho con nghị lực và niềm tin mạnh mẽ về giá trị chân thật của cuộc sống.”

“Mẹ ơi, con vô cùng biết ơn mẹ vì mẹ đã cho con một kho tàng yêu thương vô giá, trong những lúc khó khăn nhất chính là lúc con nhớ đến lòng bao dung độ lượng của mẹ nhiều nhất.”

 “Con yêu quý, ba mẹ cảm ơn con vì con đã tiếp nối ba mẹ một cách xứng đáng. Ba mẹ thật tự hào về con.”

“Anh xin tạ ơn em vì em đã hết lòng nâng đỡ anh, cho anh rất nhiều niềm vui và hạnh phúc trong đời sống vợ chồng.”

“Em cũng xin được tạ ơn anh về những gì mà anh đã mang đến cho cuộc đời em, dù có những lúc em cũng khổ vì anh nhưng anh chưa từng bỏ mặc em.”

“Thưa chị, chị đúng một người chị tuyệt vời của em, luôn lắng nghe và thấu hiểu em. Em rất thương và rất biết ơn chị.”

“Chị cũng biết ơn em vì em đã phụ giúp chị rất nhiều việc trong gia đình, đặc biệt là sự hồn nhiên tươi vui và nụ cười dễ thương của em.”

Nếu còn thời gian, ta có thể kể cho nhau nghe về tình thương và đức hy sinh của những bậc ân nhân đã đi qua đời mình, dù họ đang có mặt ở đây hay ở nơi xa. Thỉnh thoảng hãy hát chung vài bài cho không khí thêm chan hòa và đầm ấm.

Ta cũng có thể nói ra những lời chân thành ấy với thầy cô hay học trò, với người chủ hay nhân viên, với bạn bè thân thích hay cả những kẻ đối nghịch với mình. Nếu ta thấy được nhờ người kia tạo nên những nghịch duyên như thách đố mà ta đã cố gắng vươn lên và trở thành vững vàng như hôm nay, thì ta cũng nên bày tỏ lòng biết hơn họ. Biết đâu, nhờ năng lượng thành khẩn ấy mà những khối nghi kỵ, giận hờn hay cố chấp trong nhau sẽ tan rã. Như vậy, ngày lễ Tạ Ơn sẽ trở thành ngày đặc biệt để mọi người thực tập tha thứ và xích lại gần nhau hơn. Ngày ấy chắc chắn ai nấy cũng sẽ rất hạnh phúc và thấy cuộc đời đáng yêu hơn vì cõi lòng ngập tràn năng lượng thương yêu. Nếu không thể đến trực tiếp thì ta cũng có thể gọi điện thoại hay viết thư, nhưng người kia sẽ hạnh phúc hơn nếu thấy được nụ cười và ánh mắt ta trong lời tạ ơn đó.

Ta hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, ở chính nơi không gian nhỏ của gia đình mình, nếu ta thật sự thấy được giá trị thiết thực của ngày lễ Tạ Ơn. Những chuyển biến tốt đẹp sau ngày thực tập ấy sẽ mau chóng lan tỏa đến khắp mọi nơi và chẳng bao lâu sẽ được chấp nhận là ngày lễ chính thức của dân tộc. Nếu người Việt Nam nào cũng luôn biểu lộ lòng biết ơn nhau thì vết thương nào cũng chữa lành, khó khăn nào cũng vượt qua và đỉnh cao nào cũng vươn tới. Đỉnh cao nhất của dân tộc thuộc dòng giống Lạc Hồng chính là tình huynh đệ vững bền mà không có bất cứ chủ thuyết hay thế lực nào có thể chia cắt nổi. Tinh thần này sẽ góp phần soi sáng cho đức tin của nhân loại rằng sức mạnh tình thương có thể xua tan mọi bóng tối khổ đau trên thế gian này.

Tạ ơn người hiến tặng
Hạnh phúc lẫn thương đau
Để sớm mai thức dậy
Còn nhớ gọi tên nhau.

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-168_4-15304_5-50_6-3_17-183_14-1_15-1/ta-on-thich-minh-niem.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage