Chùa Bửu Minh

GN - Cuộc sống đầy khó khăn và bất trắc này vẫn lẩn khuất đâu đó những câu chuyện như là cổ tích được viết nên từ tình người, từ sự bao dung, lòng nhân hậu… tất cả điều đó trở thành sức mạnh vượt qua nỗi đau để họ đi về phía mặt trời.


 Họ là những con người không cam chịu số phận của mình, dẫu rơi vào nghịch cảnh. Và, bằng trái tim đầy tình thương, họ bước qua khắc nghiệt của cuộc đời. Đó là chân dung ông Nguyễn Văn Câm và bà Trần Thị Nga ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Họ đã “dệt” nên câu chuyện cổ tích như thế...

Chạm vào nỗi đau, tình người tỏa sáng

Khi cơn bão dữ vừa quét qua miền Trung, tình cờ trên đường Trưng Nữ Vương, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), chúng tôi gặp một cảnh tượng rất xúc động. Một người đàn bà đã độ 60 tuổi mất cả hai chân, ngồi trên xe lăn cùng với một ông già cũng cùng độ tuổi đang cùng nhau xếp những thùng các-tông lại với nhau.

Vừa làm, lâu lâu hai ông bà lại mỉm cười với nhau, dù cho mồ hôi đã đổ đầy trên khuôn mặt họ. Hai người sống bằng nghề thu mua phế liệu trong một căn nhà nhỏ sát bên đường. Hỏi thăm những người xung quanh thì biết ông già bị câm. Người dân chung quanh vẫn hay gọi họ là “ông câm, bà cụt”. Nhưng tên của ông là Nguyễn Văn Câm, còn bà là Trần Thị Nga. Và, lạ nhất, họ không phải anh em, cũng không phải vợ chồng...

Xh.jpg
Ông Câm và bà Nga cùng tựa vào nhau mà sống

Thấy chúng tôi ghé lại, ông bà nghỉ tay để tiếp chuyện với khách. Thật ra, với người bình thường thì việc thu mua, làm đại lý phế liệu đã khó bởi khá nhiều công đoạn, với những người khuyết tật thì càng khó hơn. Bà không di chuyển được, ông thì sức khỏe yếu nên mọi sinh hoạt đều rất hạn chế. Nhưng với quyết tâm xây dựng một cuộc sống tự lực, vươn tới đủ ăn và hạnh phúc, họ gắng sức cùng nhau, bổ sung cho nhau trong công việc thường nhật ấy.

Có nghe được câu chuyện của hai người mới thấy được cuộc sống này vẫn còn nhiều điều kỳ diệu được viết nên bằng tình yêu thương của con người với con người. Ông Câm bị dị tật từ nhỏ nhưng không phải bẩm sinh mà do chiến tranh gây ra. Trước 1975, lúc ông vừa mới lớn thì đã bị một quả bom làm cho cơ thể bị thương nhiều chỗ. Bà con xóm giềng đã đưa ông vào một bệnh viện ở Đà Nẵng.

Sau mấy tháng điều trị, dù đã đi lại được nhưng ông hoàn toàn mất đi khả năng nghe và nói. Vừa câm, vừa điếc, mấy năm sau, ông được đưa về trại xã hội thị xã Tam Kỳ để nuôi dưỡng. Ở đây, mọi người không biết đặt cho ông tên gì, nên khi làm khai sinh, khai cho ông tên là Nguyễn Văn Câm. Cái tên gắn với nghiệp con người nặng mang đã đi suốt với ông từ dạo đó.

Bà Trần Thị Nga (60 tuổi) thì hoàn cảnh có khá hơn ông Câm một chút nhưng cũng mang những bất hạnh mà không ai muốn. Bà vốn quê ở thành phố Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bà vào huyện Tiên Phước, Quảng Nam làm công nhân cầu đường. Tai nạn bất ngờ đến với bà vào một buổi chiều, khi đi kiếm củi về nấu cơm cho anh chị em trong đội. Bác sĩ bảo bà giẫm phải một quả mìn có độ sát thương lớn, nhưng vẫn may vì chỉ bị giập nát 2 chân, còn toàn bộ phần trên cơ thể chỉ bị thương nhẹ ngoài da. Càng nghe bác sĩ bảo là “may” thì lòng bà càng đau như cắt.

Từ một cô gái 17 tuổi chưa có một mối tình nào trong đời, vốn hăng say lao động và đang ấp ủ những ước mơ về duyên phận, giờ trở nên tàn phế. Vì vậy, lúc ở bệnh viện, bà nhiều lần muốn quyên sinh để thoát khỏi kiếp tàn phế. Nhưng rồi, không hiểu sao bà vẫn sống được…

Duyên phận đẩy đưa khiến bà cũng về với trại xã hội thị xã Tam Kỳ, nơi ông Câm đang được nuôi dưỡng. Ngay từ lúc mới gặp, bà đã cảm nhận ông Câm với tình thương của người em đối với người anh. Sẻ chia với nhau trong lúc khó khăn, trong hoàn cảnh tật nguyền, dần dần họ hiểu nhau và gần nhau hơn. Bà bảo dường như kiếp trước đã là anh em ruột với ông Câm nên kiếp này cứ thấy như vậy, dù bản thân hai người không có họ hàng máu mủ gì.

Cứ thế, họ dìu nhau sống, đến khi trại xã hội Tam Kỳ giải tán, sát nhập vào với Trung tâm Xã hội thị xã Hội An (năm 1994). Bà Trần Thị Nga lúc ấy xin ra khỏi trại, ở lại Tam Kỳ để mưu sinh kiếm sống. Mảnh đất này đã gắn bó với bà từ lúc mất đi đôi chân, bây giờ bà không thể bỏ đi được. Rồi, không do dự, bà xin Ban Quản lý Trung tâm cho ông Câm về sống với bà trong ngôi nhà bà tự dựng nên.

Đưa nhau đi giữa biển đời chông chênh...

Hai người khuyết tật một nam, một nữ về sống với nhau. Hàng xóm xì xào to nhỏ. Ban đầu, họ cứ tưởng hai người là vợ chồng. Họ cười nhạo, bảo bà Nga cứ giả bộ, thấy ông Câm không nghe không nói được mà muốn lừa người xung quanh. Mặc miệng thế gian, bà và ông với chiếc xe lăn, miệt mài công việc mưu sinh qua từng góc phố. Dần dần, người ta cũng quen với cảnh ông đẩy bà đi mua phế liệu quanh những con phố ở Tam Kỳ.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Nga bảo: “Nói có trời đất, tui với ổng không phải vợ chồng mô. Chẳng qua tui thấy ổng tội quá, không thân không thích, tui mới nói ổng về ở cùng, nương tựa lẫn nhau. Tui còn làm lụng vài việc được, ổng thì lúc khỏe đẩy xe cho tui nhưng ban đầu chẳng ai tin hết. Thôi kệ, mình cứ sống với tâm thiệt của mình. Dần dần, họ cũng hiểu ra và quý mến bọn tui. Bây giờ, nhà nào có phế liệu, họ đều dồn lại, đem đến chỗ tui bán với giá rẻ chứ nhất định không bán cho ai khác nữa. Vậy là tui cũng mừng rồi...”.

Niềm vui ngày càng được nhân lên khi hai người sống trong tiếng cười vui vẻ, dẫu vậy buồn đôi lúc cũng vây phủ, bởi thân thể ông Câm vẫn còn mảnh bom. Lúc trái gió trở trời, ông lại đau yếu, nằm một chỗ, không làm gì được. Những lúc ấy, bà Nga phải quán xuyến mọi việc trong gia đình, tự mình lăn xe đi mưu sinh rồi cũng tự mình đi mua thuốc men, mua thức ăn về nấu cháo cho ông Câm. Nhìn ông quằn quại trong những cơn đau mà bà nhiều khi cũng như đứt từng khúc ruột. Bởi tự bao giờ trong thâm tâm bà đã coi ông là một người anh ruột thịt của mình.

Nhưng đến những lúc bà đau thì mới thật sự là khổ. Bởi ông đau bà còn đi mua bán, kiếm vài đồng vì bà biết giao tiếp với mọi người, vừa là cầu nối để ông và những người xung quanh hiểu nhau. Khi bà đau thì hai người chỉ biết nhìn nhau, ông không làm gì được cho bà.

Căn nhà chất đầy phế liệu nhưng cũng chất đầy tình nghĩa giữa hai con người khuyết tật chung một niềm tin về ngày mai. Trong câu chuyện, ông Câm ú ớ cười với chúng tôi và ra dấu với bà Nga. Bà bảo ông ấy muốn nói với chúng tôi là ông rất vui, rất hạnh phúc khi ở bên bà. Có bà, ông như có được một điểm tựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần. Trời còn không bạc đãi ông khi cho ông được biết, được sống với một người nhân hậu như bà.

 “Dịch” lời ông Câm nói mà bà Nga cứ rơm rớm nước mắt. Bà bảo nhiều khi thấy ông ráng sức đẩy xe đi, dù trong người mệt nhưng bà nói mấy ông cũng không chịu để bà đi bán một mình. Chỉ khi bệnh trở trời, ông mới nằm nhà, nhưng cứ thấp thỏm lo cho bà một mình ngoài đường, ngoài sá. Chính vì thế, bà càng thương ông hơn, càng cố gắng làm việc hơn để mong hai người có những ngày khấm khá hơn.

Sau một ngày làm việc hết sức, người ta thấy ông Câm đẩy bà Nga trên chiếc xe lăn, đều đều bước đi dạo trên những con phố Tam Kỳ. Lúc đó, trông họ thư thái và bình yên đến lạ. Nhìn họ cười với nhau, không ai nghĩ cuộc sống của họ đã và đang trải qua những ngày khó khăn cùng cực. Ông làm chân cho bà. Bà lại làm tai và làm tiếng nói cho ông. Hỗ trợ với nhau trong suốt chặng đường đời, họ khiến không ít người trầm trồ kính phục.

Như câu chuyện cổ tích được viết giữa đời thường, hai ông bà là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó của người khuyết tật, về lòng nhân hậu, bao dung trong sáng. Và từ đó, tôi nghiệm ra rằng, lẩn khuất đâu đây, vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Mong sao, cái đẹp ấy được nhân lên trong cuộc sống đầy bộn bề này…

Điếu Trần

http://giacngo.vn/tuthienxahoi/xahoi/2013/11/29/1AD009/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage