Chùa Bửu Minh

Có một điều may mắn cho Phật giáo Việt Nam là ngôi chùa trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngôi chùa lớn, đẹp Hà Nội, tọa lạc tại khu trung tâm thủ đô, đem lại diện mạo kiến trúc Phật giáo cho thủ đô Hà Nội.



Việc chọn lựa, kiến tạo chùa Quán Sứ từ một ngôi chùa nhỏ, mục nát thành ngôi chùa trung tâm của thủ đô, trụ sở Hội Phật giáo Bắc kỳ trước 1945, tiêu biểu cho diện mạo Phật giáo thủ đô, là một bài học lớn cho việc xây dựng diện mạo kiến trúc cho Phật giáo TPHCM. 

Trong việc giữ gìn, xây dựng chùa Quán Sứ, một trong những yếu tố quan trọng mà liệt vị tổ sư và cư sĩ tiền bối hữu công trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo tính đến, là vị trí thuận lợi của ngôi chùa, cũng như diện tích khá lớn của khuôn viên đất. Chùa Quán Sứ là một thành công tiêu biểu trong việc xây dựng tư viện dưới ánh sáng của quan điểm chấn hưng Phật giáo, chú trọng vị trí trung tâm, khu đông dân cư để xây dựng chùa chiền, thay vì lánh về nơi vắng vẻ, hoang vu, rừng núi như trước.

Thành quả xây dựng chùa Quán Sứ như là một biểu hiện của quan điểm chấn hưng Phật giáo có thể so sánh với kết quả xây dựng các chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn những năm sau đó, với xu hướng ngày càng tiến dần vào khu trung tâm thành phố.

Sách “Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20”, tác giả Nguyễn Quốc Tuấn, nhà xuất bản Từ điển Bách khoa 2012 viết như sau về việc chọn chùa Quán Sứ là chùa trung tâm của công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc.

Sư Trí Hải được nói đến ở đây là vị tôn đức có công đầu trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung: “Thỉnh thoảng Thượng tọa Thái Hòa đưa sư Trí Hải vào thăm chùa Quán Sứ, Hà Nội, vị trụ trì chùa bấy giờ là sư thầy Nguyễn Thị Đoan. Một hôm sư thầy cho biết: “chùa này sắp phải chuyển sang bên Gia Lâm, ở đây sở Đốc lý đã xây tường bao xung quanh và lấp các ao rãnh, đổ đất để làm vườn hoa. Các vị có cách nào giữ lại được, chúng tôi xin cúng lại để làm việc Phật ở trên này cho tiện. Chùa tuy cũ nhưng là một nơi cổ tích, đất rộng ngót một mẫu ta (3.400m2), hai mặt đều là đường phố, lại gần ngay nhà Đấu Xảo và gần ga Hàng Cỏ đi lại rất thuận tiện, nếu để mất thì hoài”.

Hai nhà sư phân vân: “mình làm việc cho toàn thể Phật giáo mà nay chọn nơi chùa đổ nát này, nhất là chùa của sư bà nhượng lại cho rất dễ cho người đối lập dèm pha kiếm chuyện…”

Họ liền đem chuyện này bàn với các cư sĩ, ai nấy đều hoan hỷ, nhất là Sở Cuồng Lê Dư, bấy giờ đương làm việc ở phủ Toàn quyền. Ông nói: “chùa Quán Sứ chính là nơi cổ tích lịch sử của nước nhà, chúng ta có bổn phận phải duy trì, không thể để mất chốn di tích ấy được”. Mọi người nhất trí nhận chùa.

Tuy nhiên, về pháp lý phải làm thế nào cho hợp pháp mới giữ được. Muốn vậy, phải là người làng có quan hệ với chùa. Chùa khi ấy thuộc làng An Tập, trong làng chỉ còn có hai nhà chú cháu ông Quán Năng nên không đủ người thành lập hội đồng làng. Họ bàn nhau để các ông Lê Dư, Văn Quang Thùy, Nguyễn Văn Canh, v.v… nhập tịch vào làng An Tập, trở thành dân làng ấy rồi đem ra sở Đốc lý chứng nhận xong mới cùng sư bà làm giấy nhượng lại chùa cho Tùng thư.

Trong giấy làm ủy quyền cho ông Lê Dư làm quản lý và sư Trí Hải từ chùa Mai Xá, Lý Nhân, Hà Nam lên làm chủ trông coi mọi việc trong chùa để mở mang Phật giáo cho được hưng thịnh, hạn sau một năm nếu không làm thành việc gì thì phải hoàn lại chùa cho sư thầy ở trước.

Nhờ sự giúp đỡ của ông Lê Toại (đang làm việc tại sở Đốc lý, Hà Nội), thảng năm Giáp Tuất (1934), Tùng thư đã làm xong giấy tờ. Ngày Phật đản năm đó, Tùng thư làm lễ nhập tự và chuyển trụ sở từ Hà Nam lên chùa Quán Sứ, số 73 phố Richaud (nay là phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chùa tuy cũ nát nhưng nhiều cây cối um tùm mát mẻ, nhất là vừa được sở Đốc lý đổ đất xây tường xung quanh làm lối đi như kiểu vườn hoa. Chùa lại ở gần ga xe lửa nên đi lại rất thuận tiện.

Mùa hè cùng năm, ngày nghỉ cũng như các buổi tối luôn luôn có các cư sĩ đến chơi và bàn bạc về việc lập Hội nên công việc Tùng thư coi như tạm ngừng hoạt động, chỉ có sư Trí Hải xuất bản được cuốn Nhập Phật Nghi Tác”.

Tùng Thư là tên gọi tắt của Phật học tùng thư, một tổ chức tiền thân của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Sau đó không lâu, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập: “Ngày 6 tháng 11 năm 1934, thống sứ Bắc kỳ ký nghị định số 4283 cho phép thành lập Bắc kỳ Phật giáo Hội, hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, số 73 phố Richaud”.

Tại TPHCM, trung tâm mở rộng của thành phố là khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn đang trong tình trạng chuẩn bị xây dựng. Khu ven sông Sài Gòn, nhìn thấy từ quận 1 hiện vẫn còn là đất trống, có thể điều chỉnh quy hoạch. Đây là cơ hội tốt để Phật giáo TPHCM đưa việc xây chùa vào khu trung tâm thành phố theo tinh thần chấn hưng Phật giáo.

Đối với TPHCM, có lẽ đây là cơ hội cuối cùng để xây dựng chùa ở khu trung tâm thành phố. Nếu mai kia, khu đô thị mới Thủ Thiêm đã xây dựng xong, thì có lẽ không còn cơ hội nào nữa cả. Cũng như nếu gần một thế kỷ trước, chư vị tôn đức và cư sĩ tiền bối không ra sức gìn giữ và xây dựng lại chùa Quán Sứ trong những năm sau đó, thì giờ này tại trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ có những chùa nhỏ, không phù hợp để giữ vai trò trụ sở trung ương của GHPGVN.

MT


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage