"Phật cười" 5 tấn
Những ai từng một lần đi qua con đường
Văn Cao ở thủ đô Hà Nội hẳn sẽ không khỏi trầm trồ, kinh ngạc khi được
"tận mục sở thị" bức tượng Phật di lặc khổng lồ bằng gỗ được đặt ngay
trước cửa hàng đồ gỗ Hưng Long.
Ông Phật ngồi thoải mái khoe cái bụng
to tròn nở nụ cười hiền hậu với chúng nhân qua lại. Chủ nhân của pho
tượng độc đáo này là anh Trần Đức Thuấn - Giám đốc Công ty TNHH Công
thương Hưng Long. Qua câu chuyện với chúng tôi, anh Thuấn cho biết anh
rất mê hình ảnh của ông Phật cười. Trong nhà anh hiện tại có đến cả
chục bức tượng Phật di lặc với đủ các chất liệu khác nhau như đồng, gỗ,
sứ, thạch cao…
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp với
nghề gỗ, anh Thuấn từng sang nhiều thành phố lớn của Trung Quốc để tham
khảo mẫu mã, sản phẩm của nước bạn. Anh thấy ở bất cứ cửa hàng lớn nào
của họ đều có một pho tượng lớn để cầu may mắn và thu hút sự chú ý của
mọi người. Từ đó anh nảy sinh ý định làm một pho tượng Phật di lặc
thật lớn để trưng bày ngay trước cửa hàng của mình.
|
Ông Trần Đức Thuấn bên bức tượng di lặc khổng lồ |
Về Hà Nội, ngay lập tức anh mời
nhiều thợ điêu khắc giỏi ở các làng nghề phía bắc về chế tác một ông
Phật cười có khối lượng lên đến gần 5 tấn. Bức tượng rất đẹp nhưng chỉ
tiếc là không liền khối, phải lắp ghép nhiều bộ phận lại với nhau.
Dẫu vậy bức tượng cũng đã thu hút được
sự quan tâm, hiếu kỳ của rất nhiều người qua đường khi ngự sừng sững
trước cửa hàng đồ gỗ Hưng Long. Ít lâu sau có vợ chồng một đại gia xứ
Thanh đi qua quá mê pho tượng đã nằng nặc đề nghị anh Thuấn bán lại để
họ mang về trưng bày ở đại sảnh khách sạn của họ ở Sầm Sơn. Vì chưa
thực sự hài lòng với bức tượng này nên anh Thuấn đã đồng ý bán.
Nửa năm sau, trong một lần đi mua gỗ,
anh được một số người dân chuyên đi đào gỗ rừng ở Gia Lai giới thiệu
một gốc cây đại thụ nặng hơn chục tấn mà họ vừa khai quật được từ lòng
đất. Nhìn khối gỗ khổng lồ này, anh Thuấn mừng như bắt được bảo vật và
hình dung ngay ra hình dáng của pho tượng Phật cười sẽ được tạc ra từ
bàn tay của những người thợ tài hoa.
Sau cuộc hành trình vất vả đưa gốc đại
thụ này về Hà Nội, anh Thuấn đã mời 6 nghệ nhân vừa có tâm, vừa có tài
về để bắt đầu chế tác pho tượng. Anh Thuấn kể: “Tôi rất muốn có một sự
phá cách, vì vậy tôi mời 6 nghệ nhân để mỗi người tạc một bộ phận theo
sở trường và cảm nhận tinh tế của tâm hồn họ. Gần 2 năm sau, bức tượng
mới hoàn thành. Tôi rất hài lòng với tỷ lệ, hình dáng, thần thái của
pho tượng. Đây đúng là sự hội tụ tinh hoa và tài năng của các nghệ
nhân".
Anh Thuấn cho biết, cũng có không ít
người thích pho tượng đến nài nỉ anh bán lại nhưng không được đáp ứng.
Anh chia sẻ: "Từ ngày đặt pho tượng ở đây, tôi thấy công việc kinh
doanh rất hanh thông, thương hiệu đồ gỗ Hưng Long được nhiều người biết
đến hơn. Hiện tại có những người trả đến vài tỷ tôi vẫn không bán. Bán
đi thì không biết tôi còn có cơ duyên lần hai tìm được một khối gỗ
tuyệt vời như vậy không. Vì thế tôi không thể bán nó".
Đam mê huyền thoại ngọc am
Con đường để Trần Đức Thuấn gắn bó tên
tuổi của mình với đồ gỗ cũng không ít gian truân. Từng trải qua nhiều
công việc kinh doanh khác nhau trong các ngành viễn thông, nội thất
gương kính, công nghệ thông tin… nhưng cuối cùng Thuấn lại chọn đồ gỗ
để quay về.
Sinh ra trong một gia đình có truyền
thống kinh doanh đồ gỗ cổ và chế tác đồ gỗ giả cổ tại đất Hà Nội, nhưng
bố đẻ và tất cả mọi người trong gia đình đều phản đối Thuấn dốc hết
vốn liếng vào gỗ, khi mà sản phẩm mỹ nghệ Đồng Kỵ đang chiếm lĩnh toàn
bộ thị trường trong Nam, ngoài Bắc.
Chấp nhận mang tiếng gàn dở, trong 5
năm trời, Thuấn đã đổ vào thương hiệu Hưng Long hơn 50 tỷ đồng để mua
lấy niềm tin "tốt gỗ, tốt cả nước sơn" trong lòng khách hàng. Không
những không thất bại, đến nay Thuấn còn tạo công ăn việc làm với thu
nhập cao và ổn định cho 200 nhân viên của Công ty Hưng Long.
Không bằng lòng với những sản phẩm
thông thường, đam mê với những huyền thoại về cây gỗ ngọc am, Thuấn đã
lặn lội lên tận vùng cao nguyên đá Hà Giang để theo chân người Mông bản
địa trèo đèo, lội suối đi tìm những khối gỗ ngọc am quý giá chìm sâu
trong lòng đất. Thuấn cho biết: "Gỗ ngọc am đã tuyệt chủng và hiện chỉ
mới được phát hiện duy nhất ở Hà Giang.
Theo tìm hiểu của tôi thì miền sơn địa
này khi xưa từng tồn tại một cánh rừng ngọc am vô cùng quý giá. Thời
Bắc thuộc, nhà Thanh cho quân sang khai thác, chặt thân cây mang về để
nấu dầu và làm bồn tắm, quan tài cho vua chúa.
Hơn một ngàn năm sau, khi cánh rừng
ngọc am bị tận diệt và quên lãng, những người dân tộc Mông ở Hà Giang
đi rừng ngồi hút thuốc lào chợt phát hiện ra mẩu đóm được tước từ một
gốc cây cụt trên mặt đất tỏa ra mùi thơm ngào ngạt khi bén lửa.
Thấy đặc biệt, nhiều người đào những
gốc cây này về bán cho người dưới xuôi. Mới đầu chỉ có vài nghìn đồng
một khối, về sau khi giá trị của loài gỗ này phát lộ, các tác phẩm nghệ
thuật hoặc các sản phẩm được làm bằng gỗ ngọc am đã được mua đi bán
lại với giá lên tới hàng tỷ đồng".
Đúng như giới thiệu của ông chủ Trần
Đức Thuấn, khi chúng tôi bước chân vào nơi trưng bày các tác phẩm ngọc
am của anh thì cảm nhận được một mùi hương rất nhẹ nhõm và thư thái.
Trong thớ thịt của gỗ ngọc am có các túi dầu thơm nên chỉ cần thời tiết
thay đổi, hoặc có sự tác động của ngoại lực thì sẽ tiết ra mùi thơm.
Người ta quan niệm loại dầu thơm này
rất tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết,
giúp tinh thần tỉnh táo và có thể xua được tà ma, đem đến sự thịnh
vượng cho gia chủ. Những truyền thuyết trên đã khiến ngọc am bị săn
lùng ráo riết.
Anh Thuấn tiếc nuối: "Đến nay nguồn gỗ ngọc am không còn nữa dù
nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng chỉ để đổi lấy một gốc
nhỏ ngọc am".
Theo Dân Việt