Chùa Bửu Minh

Hàng năm, vào tuần thứ hai của tháng tư âm lịch, hầu hết các tăng ni, phật tử trên thế giới đều long trọng tổ chức lễ Phật đản. Có người thắc mắc tại sao Phật giáo dùng danh từ đản sinh, ít dùng giáng sinh, để chỉ sự kiện Đức Phật ra đời?


1. Về nghĩa từ nguyên của chữ đản (誕), theo Cao Thụ Phiên, Hình-âm-nghĩa đại tự điển, tr.1665, đản là chữ được cấu tạo theo phép“Hình thanh” và “Hội ý” của Lục thư. Chữ Tiểu triện đản viết theo bộ ngôn, âm diên (誕  <--- 言 + 延), vốn được hiểu là “nói càn bừa cho thành to lớn”, tức là lời nói bừa phóng đại sự việc không có thực. Lại dùng chữ diên, nghĩa là “dài”, tức ý nói duỗi ra cho dài ; đản là hư trương không đúng sự thực, cho nên viết theo âm diên [= kéo dài].

Trong Thuyết văn giải tự chú, tr.99, Mao Hanh  (毛亨) và Mao Trành (毛 萇), hai nhà chú giải cổ văn nổi tiếng thời thượng cổ đều giải thích nghĩa của chữ đảnsự to lớn (毛 傳 皆 云 誕, 大 也 Mao truyện giai vân đản, đại dã, nghĩa là Mao truyện đều cho rằng đản là to lớn).

2. Ngoài những nghĩa trên, trong các thư tịch cổ của Trung Quốc, đản còn có nghĩa là “sinh ra, ra đời ; ngày sinh”, thí dụ:

- 誕 靈 物 以 瑞 德 Đản linh vật dĩ thụy đức (Sinh vật linh để ban cho phước lành) - [Tấn thư, Viên Hoằng truyện]

- 子 生 曰 降 誕 Thiên tử sinh viết giáng đản, (Vua ra đời gọi là giáng đản) - [Ngọc Thiên]

- 昔 文 王 一 妻 誕 致 十 子Tích Văn Vương nhất thê đản trí thập tử. (Xưa, một bà vợ của vua Văn Vương đã sinh tới mười đứa con) - [Hậu Hán thư]

Lễ Phật đản Tổ đình Long Thiền, Biên Hòa

3. Về chữ đản trong kinh điển nhà Phật, theo Phật Quang Đại Từ Điển:

- "Đản sinh Phật (tr.5918)" là tượng Đức Thích Tôn/ Đức Phật ra đời, còn gọi là đản sinh tượng, đản Phật tượng, Phật giáng sinh tượng, quán Phật tượng (“誕 生 佛”: 即 釋 尊 生 之 像o 又 作 ‘誕 生 像’, ‘誕 佛像’, ‘佛 降 生 像’, ‘灌 佛 像’ - Đản sinh Phật: Tức Thích Tôn sinh chi tượng. Hựu tác đản sinh tượng, đản Phật tượng, Phật giáng sinh tượng, quán Phật tượng.)

- "Đản sinh kệ (tr.5919)" là bài kệ bốn câu do Đức Thích Tôn/ Đức Phật lúc ra đời tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất nói ra. (誕 生 偈”: 指 釋 尊 誕 生 時, 右 手 指 天, 左 手 指 地 所 說 之 四 句 偈 - Đản sinh kệ: Chỉ Thích Tôn đản sinh thời, hữu thủ chỉ thiên, tả thủ chỉ địa sở thuyết chi tứ cú kệ.)

Bài kệ đản sinh bốn câu được ghi chép khác nhau trong kinh điển như sau :

a. Trường A-hàm:  “天 上 天 下, 唯 我 為 尊; 要 度 眾 生, 生, , ,死” o "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sinh, sinh, lão, bệnh, tử - Trên trời dưới đất, chỉ có ta là chí tôn. Nên ta phải cứu độ cho chúng sinh thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết".

b. Tu hành bổn khởi kinh: “天 上 天 下, 唯 我 為 尊; 三 界 皆 苦, 吾 當 安 之” o  "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, ngô đương an chi. - Trên trời dưới đất, chỉ ta là bậc chí tôn. Ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều là khổ, nên ta làm cho họ được an lành."

c. Đại Đường Tây vực ký: “天 上 天 下, 唯 我 為 尊; 今 兹 而 往, 生 分 已 盡” o "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, kim tư nhi vãng, sinh phần dĩ tận. - Trên trời dưới đất, chỉ có ta là chí tôn. Từ nay về sau, phần sinh của ta đã đoạn tận."

Ngày nay, thường dùng là bài kệ đản sinh được ghi trong Tu hành bổn khởi kinh.

Tắm Phật tại chùa Phúc Lâm

4. Thêm vài thí dụ khác trong từ điển có chữ đản, với nghĩa: sinh; ngày sinh.

+ Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh :

- 誕 辰 đản thần: ngày sinh. 誕 生 đản sinh: ra đời, sinh ra.

- 誕 生 節 đản sinh tiết: Ngày Thiên Chúa giáng sinh, lễ Nô-en.

+ A New Practical Chinese-English dictionary, Liang Shih-chiu. Taipei, Taiwan:

誕 生 [đản sinh]: birth. 誕 日 [đản nhật]: birthday. 誕 生 地 [đản sinh địa]: birthplace (nơi sinh)

+  A New Complete Chinese-English Dictionary. Taipei, Taiwan :

- 誕 日[đản nhật] or 誕 時 [đản thời] or 生 誕 [sinh đản]: a birthday.

- 誕 辰 [đản thần] or 壽 誕 [thọ đản]: a birthday.

- 五 瘟 聖 誕 [Ngũ ôn thánh đản]: birthday of a Taoist priest who died in battle (Ngày vía của tu sỹ Lão giáo tử trận)

- 孔 子 先 師 聖 誕 [Khổng Tử tiên sư thánh đản]: birthday of Confucius (ngày sinh đức Khổng Tử)

- 玉 皇 上 帝 聖 誕 [Ngọc hoàng Thượng đế thánh đản]: birthday of Yuhwang, a Taoist deity (Sinh nhật Ngọc Hoàng Thượng Đế, một vị thần trong Lão giáo)

- 耶 穌 聖 誕 [Da-tô thánh đản]: Christmas (Lễ Noel)

Tác giả hát bài "Bên dòng A-nô-ma" mừng Phật đản PL.2556

5. Qua trích dẫn trên, việc Phật giáo dùng từ đản/ đản sinh trong danh từ "Phật đản/ Phật đản sinh", ít dùng "Phật giáng sinh" với nghĩa: 1. nói rộng ra/ loan truyền cho nhiều người biết, 2. to lớn, và 3. ngày sinh/ sinh nhật để chỉ cho sự kiện Đức Phật sinh ra đời là lối dùng chữ mang tính tu từ, vốn đã có trong các thư tịch cổ, bao hàm trọn vẹn ý nghĩa xuất hiện trên đời của Đức Phật - đấng giáo chủ một tôn giáo lớn trên thế giới, mà Bộ kinh Tăng Chi đã mô tả:

"Một người này, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Người ấy là ai ? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời là sự xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Người ấy là ai ? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác."

>>> Bài viết này còn được đăng trên báo điện tử Kiến Thức với tiêu đề:

Vì sao dùng từ Đản sanh khi đức Phật ra đời

Quần Anh

http://chuaphuclam.com/index.php?/tin-nong/y-nghia-chu-dan-trong-danh-tu-phat-dan.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage