Chùa Bửu Minh

Phật tử tại gia ở chung đụng với quần chúng, hoàn cảnh sinh sống cũng như họ, nếu thực hiện được đạo đức mới đáng cho quần chúng chú ý.


Nếu mỗi Phật tử tại gia đều sống gần giống lời Phật dạy, Phật giáo tự nhiên phổ khắp quần chúng.

Bởi vì nhân tình bao giờ cũng xu lợi, muốn khuyên bảo làm việc gì phải thấy lợi ích hiển nhiên họ mới làm.

Chúng ta kêu gọi khuyên nhủ quần chúng hướng về Phật giáo nhưng điều kiện lợi ích chưa đủ chứng tỏ, đừng hòng quần chúng chịu theo.

Do đó, người Phật tử tại gia phải áp dụng Phật giáo xây dựng gia đình mình được êm ấm hạnh phúc là chứng cứ xác thực để quần chúng lấy đó làm tiêu chuẩn hướng về Phật giáo.

Hình dáng từ bi, nhẫn nhục, hỷ xả v..v.... đều biểu lộ qua con người Phật tử, ấy là bài thuyết pháp sống linh động và rất hiệu quả.

Nếu Phật tử chỉ học giáo pháp bằng lý thuyết suông, không làm sống dậy một điểm nào qua con người mình, người ấy không phải chân chính Phật tử.

Vì cá nhân họ không biết dùng Phật giáo để tu tập, lại là mục tiêu cho quần chúng khinh thường Phật giáo.

Giả sử có những vị giảng sư giảng rất hấp dẫn linh động, đã khô cổ, khan giọng kêu gọi quần chúng quy y Tam bảo, chỉ gây hào hứng nhất thời cho quần chúng chứ không mong kết quả, nếu rải rác bên cạnh quần chúng có các gia đình đã quy y Phật giáo đôi ba năm mà hành động, cử chỉ, tâm tính năm này không khác năm xưa, sự rầy rà, giận dỗi, ghét, oán, thì cũng hệt mọi gia đình khác.

Quần chúng thấy quy y Phật giáo cũng bằng thừa, không lợi ích gì cho gia đình, cho xã hội, như gia đình anh A, chị B đã quy y Phật giáo nhan nhản trước mắt kia mà thôi.

Đó chính là Phật tử tự đưa Phật giáo đến chỗ vô dụng đối với quần chúng.

Khi quần chúng thấy sự có mặt của Phật giáo là thừa thãi, thử hỏi Phật giáo còn có thể sống được không?

Ảnh hưởng sâu đậm to tát nhất đối với quần chúng là hình ảnh cá nhân và gia đình của các Phật tử tại gia. Phật giáo sẽ phổ biến khắp quần chúng, khi nào Phật tử tại gia biết áp dụng Phật giáo vào nếp sống gia đình. Phật giáo rất linh động hữu ích khi cá nhân Phật tử biết thực hiện theo lời Phật dạy.

Trách nhiệm truyền bá Phật giáo trong quần chúng phần lớn do cư sĩ.

Cư sĩ là hình ảnh gần gũi thiết thực nhất với quần chúng cho nên các vị Bồ tát đa số hiện thân cư sĩ, như Đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ hiền, Dược Vương v..v...

Các Ngài muốn gần gũi thân thiết để hóa độ quần chúng nên phải mang hình thức giống họ.

Tinh thần Đại Thừa Phật giáo là tích cực lợi tha, mang nước từ bi chan rưới khắp quần chúng nên hình dáng Cư sĩ rất cần thiết thích hợp. Phật tử tại gia phải ý thức trách vụ quan trọng to tát của mình gắng thực hiện cho được phần nào nhiệm vụ.


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage