Chùa Bửu Minh

(PGVN)

Chuyện tu hành khó như thế, mà công tác trụ trì lại càng khó hơn. Ta thử nhẫm tính, chùa chiền ngày nay mọc lên vô số, to lớn uy nghi nhưng được bao nhiêu ngôi chùa là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho phật tử muốn tu học thật sự?



 Đường tu thật lắm công phu

Lênh đênh cửa bể thần phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm


Hai câu thơ trên từ ngàn xưa truyền lại, đủ để thấy rằng tu không phải dễ. Nếu dễ thì chỉ vì người tu đến với chùa vì mục đích giải quyết khó khăn đời phàm, như thuở xưa trốn sưu trốn thuế, thời nay trốn nghĩa vụ quân sự, như người thất tình, kinh doanh thua lỗ phải trốn nợ nần v.v… và … Còn tu theo ý nghĩa chân chính hoàn toàn không phải dễ.

Nếu dễ, sao tôn giả A-na-luật phải chịu mù lòa vì khắc phục chứng buồn ngủ khi nghe đức Phật thuyết pháp? Nếu dễ, sao tôn giả A-nan theo Phật làm thị giả mấy chục năm trời, thuộc làu 3 tạng kinh điển do đức Phật thuyết pháp suốt 49 năm mà không được dự ngay vào hàng 500 đệ tử của đức Phật đã đắc quả A-la-hán để kết tập kinh điển lần thứ nhất trong hang Thất Phiệt?…

Đã là người xuất gia, mình phải nhớ: "Nhớ mình là thuộc dòng họ Thích, bỏ tục xuất gia, thân hình dị tục. Mỗi sáng thức dậy, mỗi tối đi ngủ, phải sờ đầu để nhớ mình đang sống cuộc đời tương chao dưa muối, mặc bộ quần áo hoại sắc để nhớ mình phải từ bỏ thói đỏm dáng, chải chuốt. Suốt một ngày đêm luôn phải giữ gìn oai nghi tế hạnh để xứng đáng được hưởng bát cơm ngàn nhà, làm ruộng phúc cho thí chủ. Dù hoàn cảnh hiện tại phải bon chen tất bật, mình phải nhớ giữ hạnh độc cư, viễn ly ngay chính trong tâm tưởng, đừng để báo chí loan tin người tu mà la cà nơi trà đình, tửu quán, hí viện phòng trà, làm những điều tê tiện, bẩn thỉu.

Đã là người xuất gia, mình phải nhớ 10 giới sa-di, 4 giới căn bản và 6 học pháp Thức-xoa-ma-na, 250 giới Tỳ-kheo hoặc 348 giới Tỳ-kheo ni để răn giữ mình và để Thích tử chúng ta khác với ngoại đạo tà giáo. Điều này chúng ta có thể thua sút hàng ngũ chức sắc Thiên chúa giáo. Họ không la cà nơi chợ búa, không chen lấn trên xe buýt, không đeo bám các đại gia, không buông thả nơi giải trí công cộng. Nói tóm lại, là người tu, mình phải luôn giữ màu cờ sắc áo, oai nghi tế hạnh để giáo hội được vinh danh, để bản thân mình được thăng hoa trong cuộc sống hướng thượng.

Nhưng có lúc chúng ta phải quên: "Quên mình là con nhà thế gia vọng tộc, quên mình có quá khứ học tập lẫy lừng, quên mình đã một thời vàng son về sắc đẹp, tài hoa v.v… Có quên được những điều đó, ta mới nhũn nhặn ôm bình khất thực vì nợ ơn đàn na thí chủ, để sống lục hòa với bạn đồng tu.

Trong kinh Na-Tiên Tỳ Kheo, khi vua Na-Lan-Đà trả lời là đến thăm ngài Na Tiên bằng xe, Ngài đã phân tích tỉ mỉ rõ ràng cho vua và binh sĩ theo hộ tống thấy rõ chẳng có cái gì là xe cả. Đó chẳng qua là một hợp thể giữa càng xe, bánh, trục, ngựa kéo… Khi tháo rã ra từng món  thì đâu có cái gì là xe.

Con người cũng thế thôi! Thân xác này là do tứ đại đất, nước, gió, lửa, tinh cha huyết mẹ và cái nghiệp của mình trong quá khứ hợp lại khi đủ duyên. Đến lúc giã từ cõi đời tạm bợ này thì cái gì thuộc đất trả về đất, thuộc nước trả về nước, thuộc gió trả về gió, thuộc lửa trả về lửa, chỉ riêng nghiệp thức theo ta như bóng theo hình. Chính vì lẽ đó mà ta phải quên mình là ai, để ra sức tự lực công phu tu tập mới mong đạt được quả vị giải thoát.

Người tu chân chính ít ai chường mặt ra xã hội để bon chen. Đi đâu thì “tiền hô hậu ủng”, nhóm đệ tử ruột rà bám riết như những chiếc đuôi dài vô tận. Từ đó giữa phật tử sinh ra ganh ghét nhau, đố kỵ nhau, theo dõi nhau, kích bác nhau, nói xấu nhau, chia rẽ nhau để tâng bốc sư phụ mình như các dòng con cả, con thứ… của một người đàn ông đa thê thời phong kiến.

Tu cần phải giữ mật hạnh, quay vào chớ đừng lộ ra. Xưa kia, có một vị Tăng  tu trong núi vắng. Một buổi sáng mang bình xuống núi khất thực. Vừa xuống đến chân núi đã có thí chủ đón lại cúng dường. Sáng hôm sau, Ngài vòng ngã khác khất thực cũng lại gặp cảnh như hôm trước. Thí chủ đặt thức ăn vào bình bát xong, hả hê kể lể: “Ngài Hộ Pháp thật là linh. Khi hôm Ngài mách sáng nay ra đây sẽ gặp vị Tăng đi khất thực! Quả đúng như lời!…” Vị lão tăng kia nghe xong lời thuật, lòng buồn rười rượi, tự than trách: “Té ra mình tu bao nhiêu năm mà chẳng được gì, để ông Vi Đà còn biết được bụng dạ mình!”… 

Ngài trở về am, từ đó quyết định không đi khất thực nữa mà ở lại trên núi vắng ăn rau trái qua ngày, miên mật công phu tu tập. Người xưa tu như thế đó, còn ngày nay trái lại, chúng ta được một khoe hai, được năm khoe mười để gieo rắc lòng tin nơi Phật tử. Chúng ta tu hời hợt, giống như trong việc tuần hoàn con người hít thở cạn cợt, lâu ngày máu huyết chỉ lưu thông vùng  thân mình, còn tứ chi thì thiếu máu, đâm ra tê nhức bải hoải. Cho nên đức Phật dạy pháp quán niệm hơi thở, đúng là cái trí của bậc Đại y vương.

Nếu có nghĩ ra được một chương trình gì ít có, lạ đời như “nhất bộ nhất bái” hay “tam bộ nhất bái” thì cồng kềnh đủ thứ phụ tùng, thị giả ủng hộ đi theo cả đội; huênh hoang dẹp đường, để lại biết bao hình ảnh phản cảm trên báo, trên đài, trên mạng. Trước đây, Hòa thượng Hư Vân là người tiên phong thực hiện hạnh này nhưng không phải vì mục đích cho người đời thán phục, mà vì cảm cái ơn mẹ hiền vì sinh ra Ngài mà phải thiệt thân. Một ít lương thực y áo, nhắm hướng Phổ Đà Sơn tam bộ nhất bái. Thời đó đường đi khó khăn, Ngài gặp bao nhiêu gian nan khổ nhọc vẫn không sờn lòng nên cảm đến Bồ tát Văn Thù, thị hiện cứu Ngài qua ba lần khổ nạn để tiếp tục cuộc độc hành trả hiếu.

Huênh hoang tự phụ là bệnh phổ thông của Tăng Ni thời nay. Ít ai chọn con đường tu hành chân chính để đi đến quả vị giải thoát mà chỉ muốn nổi danh với chùa to Phật lớn. Rồi vì để đạt được chùa to Phật lớn mà quanh năm suốt tháng bỏ chùa quê ra tỉnh chầu chực, gợi ý các phật tử đại gia cúng dường đủ thứ, nay làm chánh điện 10 tỉ, 20 tỉ, mai làm Quá đường 2 tỉ, 3 tỉ, nay đặt cái đại hồng chung vài ba tỉ, mốt đặt tượng Quán Thế Âm cao lớn năm sáu chục thước, đặt tượng Phật nhập Niết bàn đạt kỷ lục guiness.

Những kỳ quan đó, những kỷ lục đó…có chắc chắn ghi được Guiness trong Tứ quả Thánh đế trên lộ trình tu tập của mình chăng. Hay chỉ vì mãi lo chạy theo thành tích đó mà mình để phương trượng  mọt ăn bụi bám, bốn mùa mang đãi đi xin xỏ tịnh tài, tịnh vật, vắt kiệt tiền của, công sức của thí chủ, tạo nghiệp xấu xa, cho nên có người cho rằng nếu mình xuống được địa ngục, sẽ thấy Tăng Ni đọa trong đó không phải ít.

Đức Phật dạy làm việc gì cũng phải áp dụng nghệ thuật như ong hút mật hoa, mà không làm tổn thương hương sắc. Trong giới thứ 12 của 30 pháp Ni-tát-kỳ ba-dật-đề, đức Phật chế rằng: “Nếu Tỳ kheo ni, bát chưa đủ 5 lằn hàn, vì muốn tốt, sắm bát mới, phạm Ni-tát-kỳ ba-dật-đề để răn nhắc chúng ta thiểu dục tri túc.”

Ngày xưa, đức Bồ Tát Quán Thế Âm khi vân du đi tìm đạo tràng, thấy Phổ Đà Sơn là chỗ hành đạo lý tưởng, Ngài đã đáp xuống đó. Lúc ấy, ngọn núi này là căn cứ địa của Mảng xà vương. Khi biết Bồ Tát đến, Mảng xà vương không muốn giáp mặt, liền chui đầu xuống đất núi, chổng đuôi lên trời, giả làm một cây cổ thụ chết khô. Đức Quán Âm lên tiếng: “Ai là chủ nhân, xin cho gặp mặt”. Mảng xà vương im lặng. Bồ Tát biết mọi diễn biến trong tâm trí mảng xà vương, liền giả vờ vỗ vỗ vào thân cây kia, chặc lưỡi: “Chà! Cây này là gỗ quí đây, để mình chặt mang về làm đồ mộc!”. Mảng xà vương điếng hồn, lật đật hiện nguyên hình rắn độc, thi lễ Bồ Tát, sau đó, phân chia quyền hạn quản lý Phổ Đà Sơn.

Thế đó, Quán Thế Âm một mình đi tìm đạo tràng mà kết quả tốt đẹp nhẹ nhàng như thế và Phổ Đà Sơn ngày nay là một trong bốn đạo tràng danh tiếng của Trung Quốc cùng với Cửu Đài Sơn, Nga Mi Sơn, Tu Di Sơn…, là bốn đất thiêng về tâm linh cho phật tử bổn xứ và cả thế giới đến chiêm bái.

Chuyện tu hành khó như thế, mà công tác trụ trì lại càng khó hơn. Ta thử nhẫm tính, chùa chiền ngày nay mọc lên vô số, to lớn uy nghi nhưng được bao nhiêu ngôi chùa là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho Phật tử muốn tu học thật sự? Lục tổ Huệ Năng xưa kia đâu được vào trường lớp mà chỉ cần nghe  Ngũ tổ giảng kinh Kim Cang khi Lục tổ đi kiếm củi bán lấy gạo tiền nuôi mẹ. Chỉ một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà ngộ Phật đạo. Chỉ qua vài câu đối đáp mà Ngũ tổ nhận ngay ra bậc pháp khí. Đâu cần sàng tòa cao đẹp, chỉ miệt mài đeo đá giã gạo nơi nhà trù mà được Ngũ tổ dộng ba tiếng gậy vào thành cối để hẹn canh ba vào phương trượng Tổ sắp đặt kế hoạch trao truyền y bát, giã Thầy ra đi lánh nạn Thần Tú. Ngũ tổ muốn tiễn Lục tổ qua sông, Lục tổ đơn giản bạch Thầy: “ Lúc con mê thì Thầy độ, nay con ngộ, con tự độ”.

Ngày nay Học viện cao sang, phương tiện học tập đầy đủ, cử nhân thạc sĩ không thể đếm xuể mà thật sự được bao nhiêu tăng tài đúng nghĩa? Ngày nay học cho cao đa số chỉ để làm học giả, để khoe khoang học vị. Học xong bỏ chùa Thầy Tổ ở quê nhà, bám riết nơi thành đô hoa lệ, tranh hơn nào xe hơi đời mới, ti vi tủ lạnh, máy tính hiện đại, ăn mặc chải chuốt se sua, còn nhớ đâu: “Tam thường bất túc”? là lời mở đầu giản đơn nhất mà đức Thế Tôn đã thuyết dạy cho Thích tử chúng ta.

Chùa to Phật lớn, thật sự chỉ cần để cho người đời tham quan, chụp ảnh kỷ niệm, đạt kỷ lục Guiness. Còn ngôi chùa đúng nghĩa phải là nơi nghiêm túc kỹ cương, đặt nặng vấn đề công phu tọa thiền, tụng niệm, tu học Phật pháp, trên Thầy bao dung nắm bắt từng mật hạnh của môn đồ, dưới trò cung kính ân cần hầu Thầy, ghi nhớ từng lời dạy dỗ để không phụ ơn Thầy, ơn đàn-na thí chủ, để rồi tự mình thắp đuốc mà đi trên con đường tu học.

Cho nên đường tu thật lắm công phu. Mình phải luôn nhớ để tự gạn lọc tâm mình, bỏ dần thói hư tật xấu, như người xưa sửa mình bằng cách dùng đậu hai màu đen trắng: khi làm được điều tốt thì bỏ một hạt đậu trắng vào lọ này, khi làm điều xấu thì bỏ một hạt đậu đen vào lọ kia. Bao giờ đậu trắng chiếm đa số thì tâm mình mới thăng hoa.

Được tu thời chánh pháp, ai cũng có thể đắc đạo, nhờ đức Phật xét biết nhân duyên thời tiết căn cơ mà hóa độ. Nay thời mạt pháp, Phật và Thánh chúng đã xa rồi, người tu chúng ta phải hết sức nỗ lực, cần cầu tinh tấn mới mong lợi lạc.

Kinh Phạm Võng Bồ-Tát giới có nói: “ Nếu không có lòng sợ tội, thời tâm lành khó nẩy nở. Cho nên, trong kinh dạy: chớ xem thường những lỗi nhỏ mà cho là không hại, giọt nước dầu nhỏ mà lần đầy cả chum lớn. Lúc tạo tội chừng trong giây phút mà phải cả nghìn muôn năm chịu khổ nơi địa ngục. Một phen bị đọa lạc mất thân người thời muôn đời khó được lại”

Đi tu là mình tự nguyện, có ai ép uổng gì đâu cho nên mình đừng bỏ dở công trình, cũng đừng quá leo thang theo thời đại. Từng bước từng bước, vững chắc quyết tâm, luôn niệm Phật danh, dứt dần tật xấu. Như người đi trong sương, lâu dần thấm áo. Không ngại mình dốt vì như tôn giả Châu lợi Bàn Đà, một chữ vẫn quên nhưng lúc mở tâm, lau bàn thấy tấm giẻ sạch lại dần bị nhuốm bẩn mà Ngài ngộ ra, từ đó mở miệng là pháp tuôn như nước chảy.

Thời điểm này đang là mùa an cư kiết hạ, người tu Phật lại càng phải hết sức nỗ lực tu hành, hạn chế tối đa việc đi lại này nọ. Vì có người chê bai Thích tử mà quanh năm suốt tháng cứ  đi rong, trong khi ngoại đạo còn biết an cư ba tháng hạ để tránh giẫm đạp côn trùng nên đức Phật đã chế giới để ba tháng hạ chúng ta ở yên, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, làm món quà tinh thần dâng lên đức Thế Tôn. Nói cụ thể hơn, ba tháng an cư chính là để chúng ta nạp năng lượng cho một năm tu học. Công sức mình tu có đáng là bao mà lăng xăng đủ việc, năng lượng nào đủ giúp cho mình khỏi nửa đường gảy gánh. Vả lại, mình buông lung, xông pha không đáng trong ba tháng hạ chính là cái tội phá an cư, đâu phải chuyện nhỏ. Rồi đến khi mình giã từ cõi thế, cáo phó đăng mình bao nhiêu hạ lạp, giác linh mình có hổ thẹn không, mình có phải trả nợ không vì mình chẳng xứng đáng có một tuổi đạo cho trọn nghĩa.

Tác giả: TN. Diệu Huệ/Nguồn: Langadida.com

Nguon: http://phatgiao.org.vn/doi-song/201310/Nguoi-xuat-gia-can-phai-giu-mat-hanh-quay-vao-cho-dung-lo-ra-12504/


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage