Chùa Bửu Minh

NEPAL QUÊ HƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT


Nhất Thanh – Thích Nguyên Hiền | Tap Chí Văn Hoá Phật Giáo số 3


nepal-que-huong-dat-phatVới tất cả những ai kính ngưỡng Đức Phật, bậc Thầy đã mở cánh cửa vĩnh cửu ra cho tất cả chúng sinh, hay chỉ cảm mến đạo Phật thôi, hẳn cũng mong ước một lần được đến những nơi mà dấu chân Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đã lưu lại. Rất nhiều người đã lên đường, và chuyến đi đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm thức, trong đời sống, khó diễn tả thành lời. Nhiều người đã viết ra một phần những cảm nghiệm và suy tư ấy. “Mùi hương trầm” của Nguyễn Tường Bách, “Hành hương đất Phật” của Trần Trọng Thức… Ai cũng thấy con đường hành hương về đất Phật lịch sử không phải là những chặng đường đầy hoa tươi cỏ lạ và tiện nghi, biết thế nhưng ai cũng ao ước được một lần lên đường, bởi dẫu gian nan nhưng cuộc sống của mình hôm nay sẽ an lành hơn…

VƯỜN SƠ SANH CỦA ĐẤNG TỪ PHỤ.

Rời phi trường Kathmandu sau chuyến chinh phục đỉnh Everest mới hơn 10 giờ sáng, kể còn khá sớm. Mình vội vã đi taxi tìm về trạm xe buýt đi Sonauli. Mọi việc có vẻ suôn sẻ. Khoảng 11 giờ, chuyến xe buýt khởi hành. Hôm trước sang Kathmandu vào ban đêm nên chẳng biết trời trăng mây gió gì. Đoạn đường suốt từ Kathmandu về Sonauli là đèo. Thay vì khi đi là lên đèo thì bây giờ xuống đèo. Cảm giác từ sườn núi Hymalaya trở về với hạ giới, hai bên đường chập chùng núi non hiểm trở. Những bậc cấp ruộng lúa cứ nối nhau trên sườn núi. Bên tê là bạt ngàn những cánh rừng thông thơ mộng, kế bên là vực thẳm cheo leo. Xe mới ở sườn núi bên này, qua một cái cua đã nhảy qua sườn núi bên kia. Tài xế Ấn Độ là số một thế giới. Chỉ cần một chút sơ sẩy là cả năm mươi mấy mạng rơi tõm xuống vực. Vực sâu không phải là cỏ lá mịt mùng. Dưới ấy là một dòng sông. Dòng sông chảy vòng theo quốc lộ. Đá sỏi gập ghềnh, bọt trắng tung cao. Vài chiếc xuồng con thả theo dòng nước qua những chân cầu bắc ngang hai sườn núi. Cầu treo, “lắt lẻo cầu tre”. Chưa bao giờ mình thấy cảnh đẹp như thế. Ở Việt Nam có vô vàn cảnh đẹp. Nói chung đẹp hơn Ấn Độ nhiều. Đất nước mình có bờ biển trải dài theo đất nước. Đèo Cả, đèo Hải Vân, đèo Ngang, xứ Nghệ, đâu đâu cảnh cũng đẹp như tranh. Nhưng con đường từ Kathmandu về lại Ấn Độ còn đẹp và ấn tượng hơn vì chỉ toàn đèo là đèo. 

1h30 pm, xe dừng lại ăn cơm. Trên xe ngoài mình ra còn một ông Tây nữa là 2 người “ngoại quốc”. Dân Népal lịch sự và sạch sẽ hơn dân Ấn Độ, nhưng văn hoá thì không khác gì mấy, nhất là văn hóa ẩm thực. Cũng Chapati, cũng Chai, cũng cơm nấu rời rạc nguội ngắt ăn với Dal, cari cay xé miệng và nồng nặc mùi masala. Mình thèm một gói mì ăn liền khi thấy một anh chàng Népal mua một gói nhưng anh ta xé bao mì và ăn khô như ăn một mẩu bánh. 20 Rs một gói mì, bằng cả 5000 đồng Việt Nam. Quá đắt! Hỏi xin nước sôi để chế mì thì họ không có, thậm chí không biết cách chế mì như ở Việt nam, đành trả lại và ăn món cơm Ấn Độ cùng một chai Pepsi làm canh vậy. 

9 giờ đêm ngày 10 tháng 10 ấy xe mới đến Sonauli, chính xác là đến Shidharta bus past. Đây là một trạm xe buýt lớn đặc biệt lấy tên thái tử Tất-đạt-đa, đứa con vĩ đại của xứ sở tâm linh. Lội bộ ra đường, nghe nói về Sonauli phải 3 cây số nữa bằng reachard (một dạng xe lôi giống ở Miền Tây Nam bộ Việt Nam trước đây). Ồ! Mình chưa về Ấn Độ, mình chỉ muốn trở lại Lumbini, nghĩa là phải ngủ lại đêm ở đây để hôm sau đi ngược lại. Thị trấn Berewa nhỏ bé, tối tăm như mực. Mình mang ba lô lên vai lội ra đường, thấy một khách sạn lớn: Asoka Hotel. Lại là tên một vị vua có công hoằng dương Phật Pháp vĩ đại của Ấn Độ. Nhìn bề thế của khách sạn, mình nghĩ đây không phải là chỗ thích hợp cho mình, chí ít đó cũng là khách sạn có 2-3 sao. Nhân viên khách sạn ra tận đường cái mời gọi, mình giả lơ bỏ đi, chủ ý tìm một guest house. Đi xuống rồi lại đi lên, cứ qua khỏi khách sạn độ vài trăm thước thì đường tối đen như mực, không dám đi tiếp, trong khi không thấy một guest house nào. Hỏi phòng rẻ nhất của Asoka hotel cũng phải 300 Rs trở lên. Nài nỉ mãi người ta mới chịu giá cho căn phòng 100Rs Nepal nhờ hôm ấy vắng khách. Ồ quá tuyệt. Căn phòng khá sạch, đẹp và rộng rãi, có cửa nhìn ra đường và cửa nhìn ra Shidharta bus past, phía trước có lan can hẳn hoi. Mình lợi dụng nước nóng tắm giặt thật thoải mái. Nghe bụng đói cồn cào. Xuống căn tin gọi noodleesoup, ăn xong rồi lên phòng, lầu 3, ra balcon ngắm thị trấn về đêm, sau đó vào phòng đánh một giấc tới sáng trắng. 

Ngày 11 tháng 10, khỏe khoắn sau một đêm ngủ khách sạn, bèn lên đường vào lại Lumbini. Chuyến xe bus vào Lumbini nằm trơ vơ không một người khách. Đợi mãi rồi họ mời mình lên xe, chỉ duy nhất một hành khách là mình, họ chạy đến một ngã tư cách đó vài cây số và lại đậu tiếp, phải hơn 2 tiếng đồng hồ thì khách mới đông. Xe vào Lumbini, một đoạn đường 20 cây số mà xe ngừng phải trăm lần cho hành khách lên xuống. Trời đứng bóng mình mới đến được Lumbini, quyết định đến Việt Nam Lâm Tỳ Ni Phật Quốc Tự, mình đi bộ vào. Nắng, đói và mệt. Giữa đường bỗng có một chiếc Mahindra Belero dừng lại, người lái là một vị sư Thái Lan mời mình lên xe sau khi hỏi mình đi đâu. Cử chỉ thân thiện khiến dễ mến, mình lên xe và nói rằng muốn vào chùa Việt Nam. Sư hỏi mình có biết Dr. Lam(1) không? Mình nói mình chỉ nghe nói chứ chưa gặp. Sư tận tình chở mình đến cổng rồi quay xe đi ra. Chà! Cửa Việt Nam Phật Quốc Tự đóng khóa kỹ lưỡng. Các anh chàng Népal đang làm công tại đây không chịu mở cửa mà phải đợi bằng được sư cô ra. 5 phút sau, sư cô Huệ Đức ra hỏi, mình phải trả lời thật khéo léo để xin tá túc lại vài hôm chiêm bái nơi Phật đản sanh. Mình được đón tiếp và đưa vào phòng như một… khách du lịch đi thuê khách sạn, nghĩa là quá tận tình khiến mình e ngại… cho túi tiền của mình. Một bữa cơm trưa được dọn lên, một anh chàng Việt Nam ở Úc đến đây công quả, tên Phụng Trinh bưng cơm lên mời. Từ lúc ấy đến chiều không thấy bóng ai nữa cả. Ăn xong không biết để chén bát đi đâu. Đi ra đi vô rồi quyết định lội ra Lâm-tỳ-ni lễ Phật. 

Vào thời vua Tịnh Phạn, Lâm-tỳ-ni (Lumbini) là một khu vườn đầy hoa tươi cỏ lạ. Trong vườn đầy cây xanh bóng mát. Hoàng hậu Maya trên đường từ Ca-tỳ-la-vệ về lại quê bà là Devadaha đã dừng chân thưởng ngoạn và đản sanh Thái tử tại đây. Lâm-tỳ-ni cũng từng là nơi chiêm bái của các ngài Pháp Hiển và Huyền Trang. Hai tác phẩm Phật Quốc Ký và Đại Đường Tây Vực Ký của hai Ngài vẫn còn ghi chép rất rõ về vị trí cũng như cảnh vật ở đây vào thế kỷ thứ V và VII. Nói chung từ lâu nó cũng đã hoang tàn đổ nát. Ở đây có một trụ đá do vua Asoka (A-dục) dựng nên. Trên trụ đá ngày nay vẫn còn thấy hàng chữ “Sau hai mươi năm lên ngôi, vua Priyadasi, người được chư thiên yêu mến, đã thân hành viếng thăm và cúng dường cũng như lễ bái nơi đây, bởi vì Đức Phật, Thánh nhân dòng họ Thích, đã được sanh ra nơi đây”(2). Ngoài ra còn có hàng chữ “dân làng Lumbini được giảm thuế và chỉ đóng một phần tám thuế lợi tức mà thôi”(3). 

Vườn Lâm-tỳ-ni đã hoang tàn đổ nát sau khi Ấn Độ bị Hồi giáo đánh chiếm vào thế kỷ thứ IV. Năm 1895, ông Fuhrer, một nhà khảo cổ người Đức đã phát hiện ngôi vườn này qua tàn tích của trụ đá vua A-dục, nhân một cuộc du ngoạn dưới chân một ngọn đồi thuộc rặng núi Churia.

Hoàng hôn trên xứ Capilavastu. Đó là tên mà mình sẽ đặt cho buổi chiều tại nơi Đức Phật đản sanh này, đó có lẽ là tên bức ảnh mình đã chụp được bên cạnh Chineses Temple. Một buổi chiều tuyệt vời. 

Nha nhẩn quanh trụ đá của vua A Dục, quanh những nền gạch, cố gắng mà vẫn không nói lên được thời gian cổ độ của chúng, mình đến ngồi dưới một gốc cây, trên thảm cỏ xanh non, ngắm nhìn về trụ đá A Dục. Chiều xuống, mặt nước trong hồ nhỏ trong xanh, nơi tương truyền là chỗ tắm Thái tử Tất-đạt-đa lúc sơ sinh, cạnh một cội Bồ-đề bóng mát. Mình hít thở thật sâu để tập trung tâm ý,  gạn lọc bằng hết những lăng xăng của ý thức ruổi rong, trở về với thực tại bên vườn Lâm-tỳ-ni lịch sử. 

Đã qua hết mọi nẻo đường
Một hôm về đứng giữa vườn sơ sinh”. 

“Con đã đi qua vạn ngả đường trần, con đã qua địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, con đã đi qua cõi A-tu-la, cõi trời, bao nhiêu cõi mộng từ vô lượng kiếp. Kiếp này con được làm người, con đã đi qua bao vui buồn nhân thế, bị đời sống bao phen đẩy đưa bởi sự tỵ hiềm ganh ghét. Con đã tìm về chính mình, và bây giờ con đang trở về con người thật của mình. Vườn sơ sinh của Đức Từ phụ. Hay vườn sơ sinh của tâm hồn hài nhi tóc bạc? Ôi! Trong vạn kiếp sơ lai, đã được mấy lần con về giữa vườn sơ sinh đầy mầu nhiệm này. Kính lạy Đức Bổn Sư! Kính lạy đức Bổn Sư! Bây giờ con đang hạnh phúc quá! Chưa ở đâu đẹp như chốn này, chưa ở đâu thanh bình như xứ sở Lumbini này!”.

Mình đã ngồi dưới ánh hoàng hôn như thế rất lâu, mãi khi đến trời tối hẳn. Trước đây Nhóc Con đã đến Lumbini và nghe ra một niềm cảm khái đầy chín chắn trong tiếng gió rì rào. Cô bé ấy thật tinh tế, chỉ quỳ tại Lumbini nửa tiếng đồng hồ mà nghe ra được sự nhiệm mầu. Mình đã đến Lumbini cùng phái đoàn hôm trước, gần như chẳng có một cảm xúc gì ngoài sự cảm khái cảnh điêu tàn. Tâm thức mình còn vụng về quá. Lumbini sở hữu xung quanh mình một khoảng rừng bao la bát ngát, dòng sông nhỏ len lõi giữa những hàng liễu rủ bao quanh. Hãy đừng xây cất thêm một cái gì nữa cả. Vườn sơ sinh không cần một tòa kiến trúc tầm vóc nào, hãy để cho cái nguyên thủy được sống trọn vẹn với bản lai của nó. Người ta đang xây một ngôi đền lớn sát trụ đá vua A Dục. Rồi một trăm năm sau, một nghìn năm sau, liệu tòa kiến trúc kia có trường tồn mãi với thời gian hay không? Hay nó sẽ biến thành nỗi gai chướng trong mắt một bạo chúa, một hôn quân hay những kẻ cuồng tín ngoại đạo hung tàn. Để rồi ai đó sẽ không nhận ra chốn sơ nguyên trên đường trường mộng. Mình đã may mắn không bị những tác phẩm của con người che mắt nên đã thực sự tiếp xúc với buổi chiều tuyệt vời trên xứ sở Capilavastu. 

Mặt trời trên xứ sở Népal đỏ ối, to và tròn vành vạnh, cứ lặn xuống dần, xuống dần giữa những tiếng chim gọi bầy, giữa những cánh cò lượn đảo xa xa, giữa khoảng lặng tuyệt trù của dòng sông tâm thức.

THÀNH CA-TỲ-LA.

Sáng hôm sau mình quyết định thuê xe đi tìm thành Ca-tỳ-la-vệ. Đầu tiên là đến nơi đản sanh của Phật Câu Lưu Tôn. Gotihawa, người ta gọi nơi này như thế. Băng qua mấy thôn làng nghèo rớt mồng tơi, băng qua mấy khoảng ruộng khô cằn, mấy dòng suối cạn kiệt là đến Gotihawa. Nơi đây chỉ là một trụ đá của vua A Dục bị gãy nằm giữa một cái ao nhỏ đã được rào lại, nước trong ao đầy những bèo xanh và nòng nọc. Trụ đá cao chỉ khoảng 3,4m, đầu trụ nhọn, chu vi khoảng 2,6m. Hình như dân ở đây đã xem trụ đá A Dục như một cái Linga giữa khoảng ao Joni vuông vức. Mình xúc động trước những trụ đá này, vì đây là nơi đản sanh phật Câu Lưu Tôn, nhà khảo cổ Carllyle đã xác minh như thế, có cái gì vừa như thật vừa như mộng ở cái xứ sở nghèo xơ xác này. Các phụ nữ đội bánh phân bò khô trên đầu đi về những thôn làng hẻo lánh. Một xứ sở bị lãng quên. Thời quá khứ là thời nào mình chẳng biết, từ Phật quá khứ Câu Lưu Tôn  đến Phật Thích-ca là bao nhiêu số kiếp? Chỉ có Phật mới trả lời được câu hỏi này. Vậy mà nơi đản sanh của Ngài vẫn còn lưu dấu giữa đồng ruộng hoang liêu. Ngày xưa Trần Tử Ngang lên đài U Châu cảm khái cái mênh mang của đất trời mà rưng rưng giọt lệ. Mình đứng đây giữa đất trời này, nơi đản sanh của một vị Phật quá khứ. Hỡi thời gian bất tận, bao nhiêu vật đổi sao dời giữa xứ sở thiêng liêng?

9h 45, anh tài xế chở mình đến một nơi khác cách đó chừng 6km về hướng Bắc, Niglihawa, nơi đản sanh Phật Kanakamuni. Một trụ đá nằm lăn lóc bên cạnh một chân trụ gãy nghiêng nghiêng. Trụ đá to, đường kính chừng 70 cm, trên có khắc các dòng chữ Pramit, vài họa tiết hình chim bay, lại là nơi đản sanh của một vị Phật quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam-mô Câu-na-hàm Mâu-ni Phật. Các Ngài đã thị hiện hết ở xứ sở Ấn Độ này, sao chúng sanh vẫn còn chìm đắm trong vô minh và đói khổ? Mình đứng tưởng niệm công đức của vua A Dục, người cho dựng trụ đá này. Mình tưởng niệm công đức của ngài Huyền Trang, nhờ tác phẩm Đại Đường Tây Vực Ký đầy công phu và chính xác mà các nhà khảo cổ đã tìm ra nơi này. Người Tây phương đã có công đức lớn với Phật giáo, để ngày nay di chỉ ngàn đời xác tín được một niềm tin. Mình đã chịu chi thêm 200 Rs nữa để anh tài xế khó tính chở mình đến Sagarhawa, dòng sông mà vua Tỳ Lưu Ly đã tàn sát dòng họ Sakya, dòng họ Thích của Đức Phật. Nơi đây chỉ là một lòng hồ rộng, vài nền tháp cũ và đầy những cỏ may rậm rạp dưới những mảnh rừng thấp thoáng xa xa. Hôm nay được đến nơi quê hương của Phật, lòng hưng phấn lạ thường nên cứ chạy qua chạy lại giữa cỏ hoa, để khi chiều về gở cỏ may bám đầy 6 vạt áo nhật bình và hai cái ống quần tơi tả. 

Điểm quan trọng nhất của chuyến đi là đến thành cổ Ca-tỳ-la-vệ. Những nền gạch cổ hiện ra, thật quá xúc động! Đây là cổng thành phía Tây, nơi Thái tử Tất-đạt-đa đi ra chứng kiến cảnh vô thường lão bệnh. Đây là cổng thành phía Đông, nơi Thái tử từ biệt vợ con ra đi trong đêm mồng 8 tháng 2 lịch sử cùng Sa-nặc và con ngựa Kiền Trắc. Đây là những nền móng cung điện đền đài, kia là nơi vua Tịnh Phạn thường ra tế lễ, chỗ nọ là chỗ Thánh Mẫu Ma-gia thường ra bố thí cho dân nghèo. Lội qua những khoảng ruộng khuất phía sau khoảng rừng lau rậm rạp là đến nơi mộ tháp của vua Tịnh Phạn, cạnh bên là nấm đất nơi an táng hoàng hậu Ma-gia. Quá đỗi điêu tàn, quá đỗi tịch liêu. Ngày xưa là cung điện đền đài lăng tẩm, bây giờ là lau cỏ khô cằn dưới cái nắng như thiêu. Không có du khách viếng thăm, không còn người gác cổng, không có hoa chăm cỏ xén, chỉ có gạch ngói hoang tàn giữa sự lãng quên. Rồi đây con người sẽ tiếp tục lãng quên trong sự hờ hững ngàn đời. 

Về lại Lâm-tỳ-ni Việt Nam Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật như chính người sáng lập ra nó muốn gọi như thế. Đó là một ngôi chùa xây dựng mãi chưa xong, kiến trúc chẳng có gì gọi là đẹp ngoài ý tưởng muốn đem hết văn hoá Việt Nam nhốt trong khu vườn nhỏ bé này. 180 căn phòng đã hoàn tất khá tươm tất, có vẻ như là khách sạn, còn chính điện thì dở dang nằm cao cho bằng những ngôi chùa xung quanh. Muốn leo lên chánh điện này thì phải leo lên một tam cấp bằng 3 tầng lầu, dốc dựng ngược. Trước chánh điện là một đoạn cầu được tạo theo mẫu bản đồ Việt Nam nối dài ra tới cổng tam quan. Chỉ có cổng tam quan là tàm tạm được, còn mọi thứ đều trông có vẻ kỳ kỳ. Kiến trúc Việt Nam đơn giản nhẹ nhàng, đâu phải cứ bản đồ Việt Nam hay Chùa Một Cột mới là kiến trúc Việt Nam. 

Dầu sao thì mình cũng tạo được mối thiện cảm với ngôi chùa này qua sư cô Huệ Đức, một sư cô Việt Nam qua Úc rồi nghe lời kêu gọi của Thầy Huyền Diệu mà qua coi sóc để xây dựng ngôi chùa này, đến nay đã 5 năm. Cô biết nói cả tiếng Népal, điều khiển mấy chục người Népal làm việc thật đâu ra đấy. Sư cô còn độ được một anh chàng đệ tử người Népal, mỗi tối mỗi khuya hô Đại hồng chung bằng tiếng Népal trông rất dễ thương.

Ở Lâm-tỳ-ni 3 ngày, mình lên đường về lại Ấn Độ. Qua biên giới, lần đầu tự mình làm thủ tục visa, kể cũng khá đơn giản. Đón xe bus về Gorakhpur, rồi lại đi xe jeep về Kushinaga, nơi Phật nhập Niết-bàn. 

Nhất Thanh – Thích Nguyên Hiền | Tap Chí Văn Hoá Phật Giáo số 3


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage