sẻ chia đều có thể
làm từ thiện chứ không chỉ riêng các tôn giáo. Tuy nhiên, từ thiện trong
Phật giáo có ý
nghĩa đặc thù hơn, cần được hiểu đúng với nội dung của nó.
Từ thiện là những việc làm nhân từ,
phước thiện
hay những việc thiện xuất phát từ lòng nhân từ - Ảnh minh họa
Với ý nghĩa từ
thiện, Phật giáo có từ bố thí (cúng/ hiến/ cho/ tặng) nhưng nội hàm của từ bố
thí rộng hơn. Người thế gian không hiểu đầy đủ ý nghĩa của từ này, không biết hết
nội dung bố thí trong đạo Phật nên chỉ dùng từ này khi chia sẻ vật chất (chủ yếu
là cơm ăn, áo mặc, thuốc men...) cho người nghèo khó (bố thí chẩn bần). Hiện
nay, dường như người ta e ngại, kiêng kỵ dùng từ bố thí do hiểu chưa đúng ý
nghĩa của nó. Nghĩ rằng bố thí là ban cho người nghèo khó, người ăn xin ăn mày
(hành khất), nếu dùng từ đó sẽ khiến cho những người nhận mặc cảm tự ti và thêm
buồn cho thân phận, cho nên người ta thường dùng từ thiện thay cho bố thí.
Tuy nhiên, nội
dung bố thí trong Phật giáo khác với từ thiện của người thế gian và các tôn
giáo khác. Bố thí của Phật giáo có ba phần: Tài thí (chia sẻ, giúp đỡ về vật chất,
tiền bạc); Pháp thí (trao truyền đạo lý, Chánh pháp giúp xây dựng đời sống an lạc
hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, đời này và đời sau, hơn thế nữa là dứt
trừ gốc rễ, nguyên nhân những nỗi khổ niềm đau, chấm dứt luân hồi, sinh tử); Vô
úy thí (mang lại sự an ổn, không lo lắng, không sợ hãi cho người đang khổ não).
Chỉ phương pháp bố thí trong Phật giáo mới có đủ ba nội dung này.
Khi dùng từ từ
thiện, người ta dễ đánh đồng bố thí của Phật giáo hay từ thiện của Phật giáo với
từ thiện của thế gian và các tôn giáo khác là một. Nếu bố thí của Phật giáo
cũng giống như mọi hoạt động từ thiện khác, chỉ giúp đỡ, hỗ trợ giải quyết vấn
đề cơm ăn áo mặc, chỗ ở, thuốc men thì có gì đáng nói, vì nó cũng như các hoạt
động từ thiện, bảo trợ, an sinh xã hội, những việc này có nhiều cá nhân làm được,
nhiều tổ chức xã hội, tôn giáo làm được chứ đâu riêng Phật giáo.
Dĩ nhiên là
không phải dùng từ bố thí với ba ý nghĩa, nội dung (tài thí, pháp thí, vô úy
thí) với mục đích làm lạ, cho khác với thế gian, khác với các tôn giáo khác. Bằng
tuệ giác, Phật giáo thấy rằng việc giúp đỡ, chia sẻ về vật chất không giúp giải
quyết triệt để nguồn gốc mọi nỗi khổ niềm đau. Không ai có thể giúp đỡ mãi và
giúp đỡ được nếu như chính bản thân những người nghèo khổ khốn khó không nỗ lực
phấn đấu, hoặc không nắm bất cơ hội mà người khác mang đến cho họ để phấn đấu
vươn lên. Sự giúp đỡ quá nhiều sẽ có tác hại đối với một số kẻ lười biếng mang
tâm lý ỷ lại và không có ý chí phấn đấu. Từ thiện thiếu phương pháp, thiếu trí
tuệ sẽ làm sinh khởi lòng tham nơi người khác và tạo cơ hội cho kẻ xấu tạo nghiệp
ác bất thiện (như lợi dụng từ thiện để trục lợi hoặc quảng cáo, phô trương, đánh
bóng tên tuổi; bên cạnh đó một số không nhỏ lợi dụng lòng nhân từ của người thực
hành hạnh bố thí để lừa đảo, nhận tài vật từ thiện để dùng riêng một cách phi pháp, vô đạo đức
v.v…).
Nếu tìm hiểu
và nghiên cứu kỹ thực tế đời sống, cộng với những hiểu biết về giáo lý Nghiệp của
đạo Phật, chúng ta có thể rút ra kết luận: Nguyên nhân của bất hạnh khổ đau
trong hiện tại phần lớn là do quan niệm, hành vi, lối sống của con người. Mọi sự
giúp đỡ về vật chất đều trở nên không mấy lợi ích nếu như người ta có tư duy và
lối sống tiêu cực, chẳng hạn như cứ sống buông thả, biếng nhác, sa đọa trong rượu
chè, cờ bạc, không có sự nỗ lực, phấn đấu xây dựng cuộc sống; hoặc có những suy
nghĩ tiêu cực, sai lầm, lệch lạc về những giá trị sống.
Muốn giải quyết những vấn
nạn xã hội, những khó khăn của đời sống, nghèo khó và bất hạnh khổ đau của con
người, không chỉ cần cơm ăn áo mặc, các phương tiện vật chất, mà còn cần văn
hóa, giáo dục, cần được định hướng sống tốt, định hướng nghề nghiệp mưu sinh, cần
được giáo dục, đào tạo, cần học cách chung sống với nhau và biết tôn trọng những
giá trị đạo đức mang lại trật tự xã hội, an ổn và hạnh phúc cho con người v.v…
Một người bị nghèo khó, khốn khổ có thể do nguyên nhân đời trước hoặc quá khứ
lâu xa, cho dù thế, những hành động, việc làm và nhận thức tích cực trong hiện
tại quyết định người ấy sống hạnh phúc hay khổ đau, mức độ cảm thọ nhiều hay
ít.
Mục đích tối
hậu của bố thí trong đạo Phật là giúp chúng sinh giải quyết triệt để gốc rễ mọi
nỗi khổ niềm đau. Vì thế song hành với các hoạt động từ thiện (Tài thí) nhất định
phải là công tác giáo dục và hoằng pháp (Pháp thí). Phải có sự lồng ghép khéo
léo giữa từ thiện và hoằng pháp mới đầy đủ ý nghĩa bố thí. Không có hoằng pháp
thì từ thiện của Phật giáo thiếu sót và không khác gì từ thiện của thế gian.
Hiện nay xã hội
đang chung tay góp phần đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn,
bất hạnh, làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau trên cuộc đời. Các tôn giáo và nhiều cá
nhân, tổ chức tích cực thực hiện các hoạt động từ thiện khắp nơi từ trong nước
cho đến nước ngoài, đây là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, cũng có không ít
chương trình từ thiện không mang lại hiệu quả tốt mà còn dẫn đến nhiều hiện tượng
tiêu cực. Đơn cử riêng trong Phật giáo: Do không hiểu hết ý nghĩa, không nắm được
mục tiêu hướng đến của từ thiện Phật giáo, mà không ít cá nhân Phật tử quên đi
phần tu học Phật pháp để giải quyết triệt để nỗi khổ niềm đau cho chính mình và
giúp đỡ người khác; Nhiều cơ sở tự viện quên đi vai trò, trách nhiệm hoằng
dương Chánh pháp, bố thí Pháp để giải khổ cho chúng sinh và duy trì mạng mạch
Phật pháp - Họ đầu tư tất cả thời gian, công sức cho các hoạt động từ thiện,
nay đó mai đây vận động, lạc quyên, kinh doanh mua bán, mở dịch vụ để kiếm tiền
làm từ thiện, thay vì dành tâm huyết, thời gian, công sức tu học, trau giồi Giới-Định-Tuệ,
phát triển đạo đức phạm hạnh và sự thực chứng tự nội để làm nền tảng vững chắc
cho việc tự độ và độ tha; thay vì dành thời gian, công sức cho việc tổ chức
giáo dục Phật giáo và thực hiện các khóa tu cho Tăng Ni, Phật tử. Đây là vấn đề
mà Phật giáo cần phải xem xét lại để có sự điều chỉnh thích đáng.
Thiết nghĩ cần
phải xem xét lại, đánh giá lại các hoạt động mang danh nghĩa từ thiện.
Dĩ nhiên
là cần phải có kinh phí để đầu tư cho công tác Phật sự từ thiện, hoằng
pháp,
văn hóa, giáo dục, nhưng không vì thế mà một số tự viện, cơ sở Phật
giáo, quý
Tăng Ni tận lực kinh doanh, mở dịch vụ, tham gia các loại hình làm kinh
tế như
người đời. Ngay cả Phật tử, ngoài việc chăm lo xây dựng đời sống gia
đình và
đóng góp cho xã hội, chúng ta cũng cần dành thời giờ học Phật pháp và tu
tập,
trải nghiệm đời sống tâm linh, không nên đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền.
Suốt
ngày bận rộn với quá nhiều công việc và quan hệ đa chiều, trong đầu luôn
nghĩ đến
các hoạt động kinh doanh mua bán, nghĩ cách làm sao để kiếm lời, làm sao
để thu
hút nhiều khách hàng, các mối làm ăn, làm sao để duy trì các mối quan
hệ, làm
sao để giải quyết các rắc rối trong quá trình làm ăn, làm sao để không
thua lỗ
v.v…, như thế thì chắc chắn khó có sự bình an thanh thản tâm hồn, khó có
được sự trải nghiệm
tâm linh đích thực. Nếu không biết kiểm soát và hạn chế những ham muốn,
tham cầu, không biết sắp xếp thời gian và công việc hợp
lý, người Phật tử tại gia khó có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc
đúng nghĩa, nói chi đến việc học
tập và nghiên cứu Phật pháp, thực hành đời sống tâm linh. Việc học
và tu tập theo giáo pháp không thể thực hiện
một cách sơ sài, cẩu thả, thiếu nghiêm túc và cẩn trọng. Việc tu học cần
phải có sự đầu tư thời gian, công sức và nghị lực, quyết
tâm.
Khi cả thân và tâm đều bị ràng buộc, bị hoàn cảnh tác
động, chi phối, bị các mong muốn, khát vọng luôn lôi kéo, sai sử thì chúng ta
không thể nào an lạc, không thể thành tựu công phu tu tập. Khi không có công
phu tu tập, không có công đức thì phước báo có được từ các thiện sự chẳng là
bao và cũng chẳng mấy lợi ích. Tài sản to lớn nhất của người tu học Phật là tuệ
giải thoát, tức trí tuệ giúp chúng ta thoát khỏi mọi sự ràng buộc, chi phối của
phiền não khổ đau. Sự nghiệp to lớn nhất của người tu học Phật là tâm giải
thoát, tức cái tâm an lạc, tự tại. Có sự nghiệp đó, có các Thánh tài và sản tài
đó chúng ta mới bố thí, từ thiện mang lại lợi ích thực sự cho chúng sinh.
Phan Minh Đức