Chùa Bửu Minh


GN - Tuổi đôi mươi của những người chiến sĩ ấy thật đẹp, thật ý nghĩa và lớn lao biết chừng nào. Họ bước qua những khó khăn gian khổ mà vẫn mỉm cười, không hao hụt niềm tin giống những người trẻ đang sống giữa thời bình.

Anh 1.jpg
Một Phật tử trẻ trong khóa tu “Về nguồn” chăm sóc bia tưởng niệm liệt sĩ - Ảnh: Vũ Minh Thái

Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), lúc 17 giờ bên thềm ngày 27-7-2019 có những bạn trẻ đang lúi húi với từng nắm hương ngút khói trên tay, đi qua từng ngôi mộ, lặng lẽ cúi người, khom lưng đọc từng cái tên trên mỗi tấm bia mộ, khẽ khàng cắm xuống một nén hương cháy đỏ. Cứ thế, cho đến khi cắm hết cả hơn chục nắm hương cho gần 250 ngôi mộ lặng câm trong nghĩa trang này - những ngôi mộ vừa được người ta dọn sạch cỏ dại và quét lên một lớp vôi mới trắng - như chiếc áo trắng tinh khôi cho tâm hồn và cuộc đời của những chàng trai, cô gái đã mang cả tuổi xuân đời mình hiến dâng cho độc lập, tự do của dân tộc.

Dưới chân bia tưởng niệm “Tổ quốc ghi công” ở giữa nghĩa trang, những thanh niên được xã phân công đang chuyển hoa tới - những bó hoa cúc lớn, cả vàng, cả trắng cùng với hàng trăm cốc nến được bày ra để chuẩn bị cho công việc thắp nến và đặt hoa cho từng ngôi mộ. Trăm người nằm lại nơi đây, sâu trong lòng đất mẹ này, họ là đồng đội của nhau. Dù đã quen thân hay xa lạ, dù chung một đơn vị hay khác chiến trường thì khi đã đi qua chiến tranh, may mắn được trở về quê mẹ mà an giấc bên nhau, thì hẳn đều muốn san sẻ cùng nhau mọi nỗi niềm - từ một ngọn nến, nhành hoa, nén hương thơm cho đến cả sự thành kính tưởng nhớ. 

Chợt có tiếng nhạc dạo vang lên từ phía mấy chiếc loa thùng người ta đang lắp đặt dưới chân đài tưởng niệm. Tiếng hát trong trẻo và đằm thắm của ca sĩ Anh Thơ vút lên:

“Khi chiếc lá xa cành

Lá không còn màu xanh

Mà sao em xa anh

Đời vẫn xanh rười rượi…

Có gì đâu em ơi,

Tình yêu là sự sống

Nên nắng hửng trong lòng

Mạch đời căng máu nóng…”.

Tôi nhận ra ca khúc ấy. Là “Tình em” của nhạc sĩ Huy Du. Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình dội lên nhiều xúc cảm như khoảnh khắc này - khi đang đứng lặng giữa bóng chiều nhập nhoạng dần tan và nghe những ca khúc về một thời mà bao thế hệ cha anh đã sống. Tôi đang nghe cùng những ngôi mộ chỉ lặng câm ánh lên màu vôi trắng bập bùng cùng sắc hồng lung linh của hàng trăm ngọn nến.

Ngỡ như các anh đang nương gió tìm về. Theo giọng hát. Theo ánh lửa ấm nồng tri ân. Họ đứng lặng im bên những tấm bia mộ ghi tên mình (có đôi tấm chỉ vẻn vẹn một dòng: Liệt sĩ vô danh),  lặng im nghe từng giai điệu...

Và như thế, tôi thấy mình đang ở thật gần với các anh, như đồng đội của các anh, đứng bên nhau và thưởng thức một ‘bữa tiệc âm nhạc” mà mỗi năm chỉ có một lần vào những ngày tháng 7 này. Để tưởng nhớ, dành cho những người lính. Để hát về nghĩa tình của đời lính.

Khoảnh khoắc này đây, lần đầu tiên tôi nghe bằng một cảm giác khác, một tâm thế khác: đằm lại nhiều hơn, thật lòng hơn, cùng niềm trân trọng tưởng nhớ. Để rồi thấy tuổi đôi mươi của những người chiến sĩ ấy thật đẹp, thật ý nghĩa và lớn lao biết chừng nào. Họ biết gạt bỏ mọi vướng bận cá nhân, bước qua những khó khăn gian khổ mà vẫn mỉm cười, không hao hụt niềm tin giống những người trẻ đang sống giữa thời bình. Như tôi. Như bạn bè tôi. Và thế hệ của các em 9x về sau…

Tuổi trẻ của tôi chật vật cùng nỗi lo cơm áo giữa thị thành. Để rồi như một cuộc chạy đua, tôi cứ thấy mình băng theo cái guồng quay ấy. Đêm về lặng lẽ thở than mệt mỏi, cô đơn, viết vài dòng chia sẻ trên trang blog mạng của mình. Đời quẩn quanh.

Tuổi trẻ của bạn bè tôi, của các em 9x đâu đó vướng mùi bia rượu, có những người hành động mang gương mặt quỷ dữ khiến cả xã hội phải rùng mình, xót xa - khi đứng trước vành móng ngựa, trong bộ đồ kẻ sọc kia là những gương mặt tuổi mười tám đôi mươi, thậm chí có khi còn mặc đồng phục học sinh, ngồi trên ghế nhà trường…

Cứ thế, “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” (thơ Chế Lan Viên) qua từng tháng ngày sống mòn và buông thả, không chỉ dửng dưng, vô tâm với cuộc đời mà còn coi rẻ tính mạng của chính bản thân mình, chối từ sự sống, hình hài cùng sự chăm nom, hy sinh hết lòng từ cha mẹ như một cách giải thoát khỏi những thất vọng và đổ vỡ trong tình yêu. Một thứ sụp đổ mà nếu như ai đó vượt qua rồi, nhìn lại thấy thật lãng xẹt và trẻ con - những người trẻ không nhận ra một điều giản đơn rằng: Bình minh mỗi ngày vẫn đến, như một ngôi nhà sẽ có rất nhiều ô cửa sổ - vẫn luôn mở ra những cơ hội mới, món quà mới dành tặng cho những ai đã đi qua mất mát mà không rơi rụng niềm tin, sự lạc quan trước cuộc đời.

Thì đây, hãy một lần không còn vướng bận với chuyện cơm áo gạo tiền, với những tính toan tẹp nhẹp đời thường, đứng trong một nghĩa trang liệt sĩ bên thềm ngày 27-7 nghe những ca khúc đi cùng năm tháng cùng anh linh của hàng trăm người chiến sĩ, như một đồng đội của các anh, đứng cùng các anh… Chắc chắn những “giấc mơ con” của “cuộc đời con” kia sẽ tựa dòng suối nhỏ được khơi nguồn đổ về biển lớn.

Để mang năm tháng tuổi trẻ của mình soi vào tuổi thanh xuân của các anh, vịn vào ngọn lửa lý tưởng của niềm tin, sự lạc quan trong các anh mà bước ra khỏi những vũng lầy quẩn quanh tẻ nhạt đời mình. Để gọi về sự mê say, đánh thức những tháng ngày tươi đẹp, bình yên trong ký ức đã đi qua mà hâm nóng cho thực tại. Có thể từ đó, con người ta sẽ sống đằm lại và thấy cần làm những điều có ý nghĩa hơn cho bản thân, cho cộng đồng - dù những điều ấy có thể chỉ thật bình thường - như việc đã thật lòng sống chậm lại và lắng nghe, thấy lòng mình rưng rưng cùng giai điệu của một ca khúc như “Bài ca không quên”.

Lương Đình Khoa

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage