Chùa Bửu Minh

Apprendre la mort pour mieux vivre
Lama Denys Rinpoché
Hoang Phong chuyển ngữ
 

 

 

Lời giới thiệu của người chuyển ngữ

 


Dưới đây là một bài giảng ngắn của Lạt-ma Denys Rinpoché, một nhà sư người Pháp. Ông sinh năm 1949, tu tập theo Phật giáo Tây Tạng từ lúc còn trẻ, vị Thầy chính thức của ông là nhà sư nổi tiếng Kalu Rinpoché (1905-1989), ngoài ra ông còn được thụ giáo thêm với rất nhiều vị Thầy lỗi lạc khác như Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, Dudjom Rinpoché, Kangyr Rinpoché, Pawo Rinpoché X, Dilgo Khyentsé Rinpoché, Karmapa XVI, v.v. Hiện ông trụ trì một ngôi chùa Tây Tạng tại Pháp và cũng là chủ tịch danh dự của Tổng hội Phật giáo Âu Châu.

            Các bài viết cũng như bài giảng của ông rất cô đọng, thiết thực và sâu sắc, dung hòa và kết hợp thật tuyệt vời các truyền thống Phật giáo Tây Tạng và tinh thần khoa học và duy lý của Tây Phương. Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp của bài giảng này trên trang mạng: http://ciret-transdisciplinarity.org/bulletin/b19c20.php. 

Điều chủ yếu nhất chính là hiện tại

            Nguyên lý tương liên là nguyên tắc căn bản nhất trong Phật giáo, chi phối tất cả mọi sự vật, khiến chúng luôn ở trong một tình trạng tương kết với nhau và thường xuyên chuyển đổi. Bản chất luôn chuyển động và tạm thời đó của tất cả mọi sự hiện hữu được gọi là "vô thường". Sự thực đó mang giá trị toàn cầu, tác động đến toàn thế giới kể cả con người và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhờ vô thường nên sự sinh, cái chết  và sự hiểu biết mới có thể xảy ra được; vô thường cũng chính là lý do khiến chúng ta chết (câu trên đây nêu lên một tầm nhìn thực tế về sự hiện hữu và một khía cạnh thật tích cực của vô thường: đó là sự hiểu biết. Nhờ vô thường sự hiểu biết mới có thể xảy ra và thăng tiến được, nếu không thì u mê sẽ vẫn mãi mãi là u mê).

            Thông thường chúng ta không mấy khi chú ý đến tác động của vô thường, nhất là đối với bản thân mình. Cái ngã ("cái tôi") có xu hướng che giấu bản chất vô thường của nó, tức là hiện thực về cái chết của chính nó, một hiện thực không tránh né được cũng không biết trước được ("cái tôi" hay "cái ngã" cũng không thoát khỏi nguyên lý vô thường của vạn vật, cũng đổi thay và chết, nếu xem nó là "linh hồn",thì cái "linh hồn" ấy cũng sẽ vô thường như tất cả mọi hiện tượng khác).  

            Khi nào ý thức được thật minh bạch vô thường cũng hàm chứa các khía cạnh tích cực thật tuyệt vời, thì điều đó trước hết cũng đã giúp mình buông bỏ dễ dàng những gì bên ngoài (bởi vì chúng chỉ là phù du), và nhờ đó mình cũng sẽ tạo được một cuộc sống phóng khoáng, hài hòa và ít xung đột hơn. Nếu ý thức được vô thường và chuẩn bị cho cái chết của mình, và nhất là thành thực chấp nhận sự hiện thực của nó, thì nhất định chúng ta sẽ cảm thấy ít bám víu hơn và tạo được cho mình một cuộc sống tròn đầy và phong phú hơn. Khi thời điểm không tránh khỏi được xảy đến, thì khi đó mình cũng sẽ không quá kinh hoàng như trong trường hợp không chuẩn bị trước. Tập ý thức thật mạnh về hiện thực của cái chết đối với bản thân mình không phải là một hình thức luyện tập khiếp đảm, ít nhất cũng không phải là một hình thức yêu thích những sự đau đớn (masochistic), mà chỉ là một cách giúp mình biết sắp xếp lại các mục đích ưu tiên trong cuộc sống, hầu giúp mình biết tập trung vào những gì thiết thực trong hiện tại. Đấy chính là ý nghĩa của việc tìm hiểu cái chết với tất cả sự ý thức đúng đắn về vô thường, sự tìm hiểu đó thật hết sức cần thiết hầu giúp mình biết sống một cách tốt đẹp hơn trong những giây phút của hiện tại này (Lạt-ma Denys mỗi khi nói đến sự ý thức về vô thường đều nhấn mạnh đến tính cách "đứng đắn" và "đích thật" của sự ý thức đó, bởi vì nhiều người khi ý thức được sự tạm bợ của thế giới này thì tìm đủ mọi cách tận hưởng những thứ phù du trong cuộc sống, thế nhưng đấy chỉ là cách mang lại thêm cho mình đủ mọi thứ khổ đau và đổ vỡ, và tự mình tàn phá kiếp sống quý giá này của mình mà thôi. Hãy nhìn vào vô thường qua các khía cạnh tích cực của nó).   

Sống hài hòa với cái chết

            Khả năng đón nhận cái chết trong sự hài hòa tùy thuộc vào phong cách sống trong suốt cuộc đời đang sắp kết thúc của mình. Cái chết cũng tương tự như một cuộc thi, một hình thức kết quả mang lại từ sự sống, và thật ra thì đấy cũng là cơ hội cuối cùng để chứng tỏ kiếp sống đúng đắn của mình (nhắm mắt chính là dịp sau cùng để nhìn lại kiếp người của mình, do đó mình cũng nên chuẩn bị ngay từ bây giờ hầu cái nhìn sau cùng đó sẽ mang lại cho mình một sự hãnh diện hay ít nhất cũng là một nụ cười thanh thản trên môi).  

            Nếu muốn đối mặt với cái chết một cách tốt đẹp thì điều hết sức quan trọng là phải tìm hiểu nó ngay từ bây giờ, bằng cách nhìn thẳng vào bản chất vô thường của bản thân mình. Ngay trong lúc này nếu biết thành thực ý thức về cái chết, bằng cách làm quen với sự hiện thực của nó, thân thiện với nó, thẳng thắn chấp nhận nó, thì sau này mới mong vượt thoát tình trạng chỉ biết ngoảnh mặt đi và sợ hãi mà nó sẽ tạo ra cho mình nếu mình không chuẩn bị trước. Suy tư về ý nghĩa của sự sống và cái chết tự nó cũng đã là một sự giải thoát thật sâu xa.   

            Ở cấp bậc cao nhất, việc tìm hiểu cái chết chính là tâm điểm của tất cả các truyền thống tâm linh (thật hết sức hiển nhiên bởi vì tất cả các tín ngưỡng đều phát sinh từ sự bám víu vào sự sống, phản ảnh bản năng sợ chết của con người), nói chung là cách tìm hiểu xem cái chết của mình - hay cái ngã của mình - sẽ xảy ra như thế nào? Tâm điểm của vấn đề này thật ra cũng chỉ xoay quanh một thắc mắc chủ yếu nhất: "Vậy thì ai sống và nhất là ai chết?". Giải đáp hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm về bản chất của tri thức - có nghĩa là đối với những người chủ trương duy vật thì cái gì sẽ cùng chết với thân xác, và đối với những người chủ trương duy tâm thì cái gì sẽ tiếp tục tồn tại sau cái chết vật chất. Khi nào quán nhận được chỉ có bản thể "siêu cá nhân" (supra-individual) của tâm thức là sống còn (tồn tại sau cái chết) và chỉ có cái tôi (hay cái ngã) là chết, và đồng thời cũng quán thấy được bản chất đích thật của những thứ ấy và cả các đặc tính ảo giác của chúng, thì đấy sẽ là cách mang lại cho mình một sự giải thoát tối thượng, kể cả đối với cái chết. Đối với một người nào đó khi cái tôi của mình đã chết, đồng thời cũng nhận biết được bản thể của tâm thức mình đã vượt thoát khỏi mọi sự biến động, thì người này nào còn biết sợ hãi một thứ gì khác nữa?

Sự sống vận hành theo từng chu kỳ

            Sự sống theo quan điểm Phật giáo không diễn tiến theo một đường thẳng, cũng không bắt đầu từ một khởi điểm và sau một hạn kỳ nhất định nào đó thì sẽ dừng lại bằng cái chết như là một sự chấm dứt vĩnh viễn. Sự sống mang tính cách chu kỳ: cái chết chỉ là sự kết thúc của sự sinh. Cái chết sẽ không thể nào xảy ra được nếu không có sự sinh [xảy ra trước nó], cũng vậy không thể nào có sự sinh mà lại không có cái chết [xảy ra trước đó], cả hai [sự sinh và cái chết] đều là các điều kiện tối cần làm hiện ra sự sống, cả hai đều là các thành phần bất khả phân của sự sống đó. 

            Sự sinh và cái chết cũng chỉ là các giai đoạn (passage) hay các sự chuyển tiếp (transition) mà Phật giáo Tây Tạng gọi là "bardo" [1] (xem ghi chú của tác giả bên dưới), nghĩa từ chương của chữ này là "trung gian" hay "chuyển tiếp", có nghĩa là các giai đoạn tiếp nối nhau trong chu kỳ của sự sống, điều này cũng cho thấy tất cả chúng ta luôn ở trong tình trạng "tạm thời" (transit), thường xuyên chuyển đổi từ hết thể dạng tri thức này sang thể dạng tri thức khác. 

            Quan điểm trên đây được giải thích trong một trước tác nổi tiếng - Quyển sách Tây Tạng về cái chết/Bardo Theudreul - mô tả thật tỉ mỉ quá trình của cái chết và sự tái sinh dựa vào các hình ảnh biểu trưng mang nặng tính cách bí truyền (esoteric). Quá trình đó nêu lên các thể dạng "biến đổi" hay "hoán chuyển" của tâm thức, không những [ở cấp bậc thu hẹp] từ khoảnh khắc tri thức này sang khoảnh khắc tri thức khác, mà còn [ở các cấp bậc rộng lớn hơn] từ thể dạng hiện hữu này sang thể dạng hiện hữu khác [2] ("Quyển sách Tây Tạng về cái chết" được xem là trước tác của nhà sư Padmasambhava/Liên Hoa Sinh, thế kỷ thứ VIII).

            Xin lưu ý là các sự hoán chuyển đó sẽ đưa đến sự "tái sinh" (renaissance) mả người ta thuờng gọi sai là "đầu thai" (reincarnation). Sự tái sinh không dựa vào bất cứ một thực thể hay một "linh hồn" [3] mang tính cách vững chắc và trường tồn nào làm nền tảng cho sự tái sinh đó (trái lại "đầu thai" được hiểu như là sự hiển hiện trở lại của một cá thể mang theo với nó "linh hồn" của chính nó trong kiếp sống trước, Phật giáo không chủ trương một sự tiếp nối theo mô hình đó, bởi vì tất cả đều biến đổi trong thế giới hiện tượng, kể cả "linh hồn", chẳng hạn trong cùng một kiếp sống "linh hồn" của một người lớn tuổi sẽ không còn giống với "linh hồn" của chính người này lúc ấu thơ). Hơn nữa và cũng thật hết sức quan trọng là các khái niệm này (sự tái sinh) dù không được kiểm chứng cụ thể nhưng không phải vì thế mà bắt buộc tất cả chúng ta đều phải có một niềm tin (để chấp nhận hiện tượng tái sinh), bởi vì mỗi người tùy khả năng hiểu biết của mình có thể chấp nhận hay không chấp nhận quan điểm trên đây, và cả các hình thức ứng dụng rút tỉa từ quan điểm đó (chúng ta không bắt buộc phải tin hay không tin vào sự tái sinh, bởi vì điều đó đòi hỏi phải có một khả năng hiểu biết sắc bén, chỉ có các thể dạng lắng sâu trong thiền định mới có thể giúp mình cảm nhận được các hiện tượng tái sinh một cách minh bạch. Ở cấp bậc thông thường thì sự kiện "tin" hay "không tin" vào sự tái sinh sẽ ảnh hưởng đến cung cách hành xử của mình trong cuộc sống. Chẳng qua vì sự chọn lựa giữa hai quan điểm đó sẽ có thể hoặc khiến mình trở thành một con người biết hướng vào đạo đức để vạch ra cho mình một hướng đi hầu chuẩn bị cho mình một kiếp sống khác tốt đẹp hơn trong tương lai, hoặc trở thành một con người chỉ biết sống buông thả, vô trách nhiệm đối với mình và kẻ khác, không cần biết đến các hậu quả do tư duy và hành động của mình sẽ mang lại cho mình, bởi vì mình cho rằng tất cả sẽ chấm dứt sau khi chết). Điều quan trọng sau cùng là các sự hiểu biết về quá trình hoán chuyển từ thể dạng tri thức này sang thể dạng tri thức khác, từ khoảnh khắc này sang khoảng khắc khác - có nghĩa là các mô hình chuyển tiếp của các sự cảm nhận sau khi cái chết vật chất xảy ra - rất có thể sẽ vẫn còn tiếp tục thuộc vào lãnh vực giả thuyết [trong lâu dài]. Thật vậy, chỉ khi nào quán thấy được bản chất sâu kín của tâm thức mình thì khi đó mình mới có thể xác nhận dứt khoát được các điều đó (như đã nói đến trên đây, chỉ có sự suy tư lâu dài và các thể dạng lắng sâu trong thiền định mới có thể giúp mình quán thấy được các nguyên nhân nào đã đưa đến sự hiện hữu này của mình, cũng như  các yếu tố nào và các giai đoạn trung gian nào sẽ đưa mình đến một sự tái sinh mới).   

            Dầu sao các khảo cứu trong thế giới Tây Phương về vấn đề này cũng đáng quan tâm. Dù các khảo cứu này được thực hiện trong tinh thần khoa học thế nhưng kết quả mang lại đều phù hợp với những điều chỉ dạy theo truyền thống và các kinh nghiệm lâu đời nêu lên trong quyển sách Bardo Theudreul/Quyển sách Tây Tạng về cái chết (trong Phật giáo Tây Tạng có một phép luyện tập thiền định giúp người hành thiền theo dõi quá trình của cái chết và cả sự tái sinh xảy ra tiếp theo sau đó. Các nhà sư cao thâm nhờ phép luyện tập này có thể khởi động quá trình của một cái chết giả tạo/simulation và sau đó có thể trở lại sự sống bình thường của mình. Nhờ đó họ có thể biết được những gì xảy ra sau cái chết vật chất. Dầu sao quá trình của cái chết cũng chỉ xảy ra một cách tuần tự, "năng lực" hay "khả năng cảm nhận" của ngũ giác và tâm thức "tan biến"/"suy yếu" dần dần cho đến khi hoàn toàn ngưng hoạt động. Do đó cái chết diễn tiến - ít nhất là trong các điều kiện bình thường - theo một quá trình tuần tự, tức không "đột ngột" theo cách định nghĩa của Y khoa Tây Phương căn cứ vào một số tiêu chuẩn bên ngoài chẳng hạn như tim ngừng đập và máu huyết ngưng lưu thông, cơ thể không còn phản ứng, nếu có máy móc đo đạt thì có thể xác định thêm một yếu tố nữa là sự ngưng hoạt động của não bộ. Dầu sao thì cách định nghĩa này của Y khoa Tây Phương về cái chết cũng thật hết sức thô thiển, thiếu hẳn sự tinh tế). Cách nay nhiều năm, các công cuộc khảo cứu của Bác sĩ Moody [4] (Expériences de Mort Imminente/Các cảm nhận cận tử), và của Ian Stevenson [5] (giáo sư Tâm thần học) về các trường hợp nhớ lại các kiếp sống quá khứ đã tạo được nhiều tiếng vang.

            Biết ý thức một cách thành thực về cái chết sẽ mang lại cho mình một sự tự do trong nội tâm, tức một thái độ biết buông bỏ hầu giúp mình xác định lại nhưng gì ưu tiên trong cuộc sống dựa vào các tiêu chuẩn thiết thực hơn. Người ta nhận thấy những người từng tiếp cận với cái chết qua các thể dạng E.M.I (tức các Cảm nhận cận từ/Experiences de Mort Imminente/Near Death Experience) thường biến cải cuộc sống của mình sau đó theo một chiều hướng tích cực hơn.

Các cảm nhận trong lúc xảy ra chết

            Các điều chỉ dẫn trong Quyển sách Tây Tạng về cái Chết [6] nêu lên quá trình diễn tiến của cái chết qua một số dấu hiệu bên ngoải (trên thân xác), bên trong (thuộc tâm thức) và cả các dấu hiệu sâu kín hơn nữa (các thể dạng tinh tế của tri thức và các sự vận chuyển của khí lực), liên quan đến sự hòa tan của các năng lượng nâng đỡ tri thức, hoặc làm cho tri thức tan biến (khi cái chết xảy ra). Nhiều thể dạng cảm nhận cũng như các sự nhận thức liên quan đến các thể dạng trung gian bardo trong lúc quá trình của cái chết đang diễn tiến (nêu lên trong Quyển sách Tây Tạng về cái chết) khá tương đồng với các câu chuyện do những người từng trải qua giai đoạn cận tử E.M.I thuật lại, chẳng hạn như cảm giác bị hút sâu vào một đường hầm chan hòa ánh sáng, v.v., các cảm nhận này có thể xem như trùng hợp với "thành phần gió (khí, hơi thở...) bị hòa tan" nêu lên trong giai đoạn trung gian bardo khi quá trình của cái chết đang diễn tiến, bởi vì trong giai đoạn này sẽ hiện lên một sự cảm nhận trong suốt, rạng rỡ và sáng ngời, và đó cũng là các cảm nhận đầu tiên trong số các cảm nhận về ánh sáng trong lúc chết (có nhiều thứ cảm nhận về các thể loại ánh sáng khác nhau, cảm nhận đầu tiên trên đây vẫn còn ở giai đoạn cận tử và "người chết" trong giai đoạn này vẫn còn có thể "hồi tỉnh" lại. Sự "hồi tỉnh" này từng xảy ra với một số người và các cảm nhận do họ thuật lại khá giống nhau).

            Qua góc nhìn của Phật giáo, các cảm nhận trên đây rất gần với bản chất [nguyên sinh] của tâm thức, gọi là "ánh sáng trong suốt" (claire lumière/clear ligths). Các sự "nhận biết trong sáng" đó (trong nguyên bản là chữ aperception, thế nhưng chữ "a" lại viết rời ra khỏi chữ "perception" (a-perception). Tiền ngữ "a" trong các ngôn ngữ Tây Phương mang ý nghĩa phủ định, do đó cách viết trên đây của Lạt-ma Denys rất có thể là để nói lên một sự cảm nhận (aperception) nhưng cũng vừa là một sự phi-cảm-nhận (a-perception). Phi-cảm-nhận là một thể dạng nhận thức vượt lên trên khái niệm, do đó rất "trong sáng" không bị vướng mắc vào các sự hiểu biết thông thường và quy ước. Chữ aperception dịch sang tiếng Anh là apperception, do đó nếu viết theo cách của Lạt-ma Denys thì chữ apperception có thể viết là ap/apo-perception) mang tính cách rạng ngời và phúc hạnh. Sự tan rã của tri thức cá nhân, tức cá tính (individuality) của một cá thể, cũng tương tự như là tháo gỡ một tấm màn che làm lộ ra bản chất tự tại, rạng ngời và phúc hạnh của tâm thức (dưới góc nhìn này thì không có gì đáng để phải sợ hãi và khiếp đảm khi cái chết xảy ra. Kinh hoàng và sợ hãi là do mình tự tạo ra cho mình trong lúc hấp hối, chẳng qua vì trước cái chết mình quá bám víu vào sự sống, nhất là thương tiếc những gì mà mình phải bỏ lại phía sau).  

            Các thể loại cảm nhận trên đây có cùng một mẫu số chung: đó là tính cách xuyên văn hóa (transcultural) của chúng (có nghĩa là các cảm nhận xảy ra trong quá trình của cái chết không bị ảnh hưởng gì bởi truyền thống văn hóa, giáo dục và "màu sắc" địa phương, và do đó đều giống nhau giữa tất cả mọi người) bởi vì chúng trực tiếp phát sinh từ bản chất [gần như nguyên sinh] của tâm thức, và cũng có nghĩa là từ cấu trúc [sâu kín] của tri thức, kể cả các dạng thể hòa tan (liên quan đến các cấp bậc suy thoái của lục giác, trước khi chúng hoàn toàn tan biến và mất hết khả năng). Thật hết sức rõ ràng các cảm nhận này không liên hệ gì đến tín ngưỡng cũng như truyền thống văn hóa của mỗi cá thể (có nghĩa là đối với một người Á Châu hay một người Tây Phương, một người bình dị hay là có trình độ học vấn cao, hoặc là nam giới hay nữ giới, là một đứa bé hay một người trọng tuổi, thì các cảm nhận của họ trong lúc chết đều giống như nhau). Tuy nhiên cũng thật đáng lưu ý là hầu hết các câu chuyện do những người từng trải qua giai đoạn cận tử thuật lại đều đã bị khái niệm hóa bởi "vốn liếng" (background) văn hóa và tín ngưỡng có sẵn của họ. Chính vì thế nên các kinh nghiệm cảm nhận này, dù chỉ là quá trình tự nhiên [của cái chết], nhưng đã bị choàng lên thêm các sự diễn đạt xuyên qua một mạng lưới khái niệm và phóng tưởng, liên quan đến văn hóa và tín ngưỡng của mỗi người (các câu câu chuyện cận tử khó tránh khỏi sự chủ quan, điều này cũng dễ hiểu bởi vì "cận tử" chỉ là giai đoạn mới khởi đầu của quá trình cái chết, sự vận hành của nghiệp có thể bất thần làm cho quá trình này đổi hướng, hoặc vận hành khác hơn khiến người "cận tử" có thể "hồi sinh" trở lại. Trong giai đoạn này, dù những người "cận tử" được xem như đã chết theo tiêu chuẩn y khoa, nhưng các khả năng tâm thức và ngũ giác của họ chỉ mới bắt đầu tan biến, năng lượng chưa bị "hòa tan" hết, do đó họ còn tiếp tục cảm nhận, và các cảm nhận này vẫn còn chịu ảnh hưởng từ các sự hiểu biết quy ước mang tính cách khái niệm có sẵn từ trước của họ).  

            Các điểm trùng hợp [giữa các câu chuyện cận tử trên đây] từng làm chủ đề cho một số luận án Y khoa, có một khảo luận tóm lược các các luận án này có thể giúp quý vị nào muốn tìm hiểu thêm [7].

Các lời khuyên theo truyền thống trong khi tiếp cận với cái chết

            Trong khi cái chết xảy ra, ngoài các cảm nhận xảy ra trong lúc hấp hối (tức chưa chết hẳn) như đã được mô tả trên đây và các sự đau đớn trên thân xác do bệnh tật gây ra, người hấp hối còn phải đối đầu với đủ mọi thứ ảo tưởng (fantasies/tưởng tượng, ảo ảnh, ảo giác). Người này cảm thấy các nỗi niềm cay đắng của cuộc sống nói chung cũng như trong kiếp người của mình nói riêng, vụt hiện lên trở lại. Trước đây các nỗi khổ đau này thường bị che lấp bởi các mối quan tâm trong cuộc sống thường nhật, thế nhưng trong lúc hấp hối, dù thân xác yếu đuối nhưng tâm thức vẫn mạnh, các ảo tưởng (fantasies/các sự bám víu, tức giận, tiếc nuối, hối hận, đau buồn, hy vọng, v.v.) theo đó cũng trở nên gay gắt hơn.  

            Điều căn bản và chủ yếu nhất (trong nguyên bản là chữ leitmotiv) được nhắc đi nhắc lại trong Quyển sách Tây Tạng về cái chết là: "Hãy xem tất cả những gì hiện lên với mình chỉ là các phóng tưởng của tâm thức mình, hãy nhận diện chúng chỉ toàn là ảo giác, tương tự như một giác mơ" (xin mạn phép tô đậm câu này, vì đây cũng là chủ đích/leimotiv của toàn bộ "Quyển sách Tây Tạng về cái chết").

            Thật vậy, nếu biết chấp nhận những gì mà mình trông thấy trong một giấc chiêm bao - dù là những điều đáng để mà tiếc nuối đi nữa - cũng chỉ là ảo mộng (onérique/oneiric), hoặc chấp nhận những gì hiện lên với mình trong lúc hấp hối và cả trong giai đoạn trung gian bardo cũng toàn là các thứ phóng tưởng tâm thần, thì đấy chính là cách tự che chở mình trước tình trạng điên loạn, sợ hãi và khổ đau do chúng gây ra.

            Nhận biết được bản chất không thật của các ảo tưởng (fantasies) ấy chính là cách giúp mình phát huy một thái độ chấp nhận, buông bỏ với tất cả sự nhẹ nhàng, và đấy cũng là cách giúp mình thoát ra khỏi chúng (bất cứ một sự bám víu nào trong lúc hấp hối cũng sẽ khiến mình quay lại với thế giới hiện tượng này. Hãy buông bỏ tất cả, từ oán hận đến cả thương yêu, tất cả những gì chung quanh và cả thế giới. Hãy ra đi với hai tay không, nhẹ nhàng và thư thái).

            Đối với con người ngày nay đã đánh mất các truyền thống lâu đời của mình, thì thật hết sức quan trọng là phải gợi lên với họ một mô hình giáo dục nhân bản hơn, nhưng không nhất thiết là phải dựa vào các ý niệm tín ngưỡng, mà chỉ cần nêu lên với họ một sự ý thức cốt lõi hơn về những gì thiết thực và quan trọng nhất trong cuộc sống nói chung, trong đó kể cả cái chết.

Kết luận: hướng đến một cái chết an bình, bảo toàn được nhân phẩm và sự sáng suốt

            Chấp nhận cái chết và hòa nhập nó vào sự sống chính là cách mang lại cho mình một cuộc sống ý nghĩa hơn trong hiện tại. Nếu biết chuẩn bị [cái chết] một cách đúng đắn phù hợp với hoàn cảnh của mình hầu tạo ra cho mình một thái độ êm thắm và sáng suốt, thi cái chết cũng chỉ là một sự kết thúc tự nhiên của sự sống và cũng sẽ trở thành một dịp lễ hội cuối cùng mà mình được thừa hưởng với tất cả sự thanh thản, trong sáng, bảo toàn được nhân phẩm, tương tự như được hòa nhập vào một khung cảnh thiêng liêng.

            Sư chăm lo của những người chung quanh tất nhiên là quan trọng, thế nhưng đấy cũng chỉ là giữa tình người với nhau, bởi vì ngoài những thứ ấy ra còn một chiều sâu khác nữa thật hết sức thiêng liêng (chiều sâu đó chỉ có mình mới tạo được cho mình từ bên trong chính mình mà thôi).

Chú thích của tác giả

[1] Trong chữ bardo, tiền ngữ "bar" có nghĩa là "ở giữa" và hậu ngữ "do" có nghĩa là "hai", chữ bardo do đó có nghĩa là "một thứ gì ở giữa hai thứ khác". Điều này cho thấy tâm thức chúng ta - tức là những gì đang là chính mình - cũng chỉ là một sự chuyển tiếp liên tục. Tâm thức không phải là một thực thể cố định mà là một quá trình năng động, liên tục biến đổi. Dưới góc nhìn đó, qua từng khoảnh khắc một chúng ta luôn ở trong tình trạnh "trung gian" và đang chuẩn bị để "chuyển sang" một thể dạng khác.

 [2] Quá trình hoán chuyển mang tính cách chu kỳ này, theo truyền thống được biểu trưng bởi một biểu đồ gọi là "Bánh xe của sự sống", nêu lên các thành phần cấu tạo ra tri thức với các đặc tính của cái ngã cùng với các giai đoạn chuyển đổi của nó, tương quan với các thể dạng hiện hữu khác nhau.

Bánh xe của sự sống

Bánh xe của sự sốngBiểu đồ này bắt nguồn từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế, nhằm giải thích về "12 mối dây trói buộc" (thập nhị nhân duyên). Vào thời bấy giờ chưa có chữ viết trong thung lũng sông Hằng, các hình ảnh tượng trưng trong biểu đồ có thể giúp bất cứ ai cũng có thể hiểu được, (biểu đồ trên đây và các lời giải thích này là do người chuyển ngữ thêm vào) 

 [3] Giáo lý Phật giáo không dựa vào khái niệm về linh hồn với tư cách là một thực thể hàm chứa một sự hiện hữu vững chắc, trường tồn và bất diệt. Qua góc nhìn của nguyên lý tương liên và hiện tượng vô thường, linh hồn dưới hình thức một thực thể toàn vẹn (integrate, nhất thể, đồng nhất, độc lập) chỉ là một ảo giác: các cảm tính hay cảm nhận liên quan đến sự trường tồn làm nền tảng cho khái niệm linh hồn đó thật ra cũng chỉ là "cái ngã", có nghĩa là "cái tôi" mang tính cách cá nhân.  

[4] R.Moody, La vie après la vie (Sự sống phía sau sự sống), Robert Laffon, Paris, 1977. Và quyển Lumières nouvelle sur la vie après la vie (Các khám phá mới về sự sống phía sau sự sống), Robert Laffon, Paris, 1978 (hai quyển sách này đã được dịch sang nhiều thứ tiếng).

[5] L/ Stevenson, Twenty cases suggestive of reincarnation (Hai mươi trường hợp cho thấy có có sự tái sinh), 2nd Ed. Rev. and enlarged (tái bản lần thứ hai, sửa chữa và khai triển thêm). University Press of Virginia. Charlottesville. U.S.A. 1974.

 [6] Bardo Thodrol (Quyển sách Tây Tạng về cái chết), traduction par F. Fremantle et Chögyam Trungpa Rinpoché (bản dịch của F. Fremantle và Chögyam Trungpa Rinpoché), Courrier du Livre, Paris, 1980 (có nhiều bản dịch khác nhau của quyển sách này sang các ngôn ngữ Tây Phương, trong số này bản dịch trực tiếp từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Pháp của Philippe Cornu là đầy đủ và được giải thích rõ ràng nhất, gồm 1054 trang trong ấn bản pocket, Meta-Editions, 2009; 780 trang với khổ lớn. Bản dịch này được trích từ luận án tiến sĩ triết học của ông).

 [7] - Elizabeth Schnetzler et Frédéric Schmitt, Expériences de l'imminence de la mort (Các kinh nghiệm cận tử), Thèse présentée à l'Université scientifique de Grenoble (Luận án trình bày tại Đại học Khoa học tỉnh Grenoble), 1983.

- Pierre Dayot, Expériences de l'imminence de la mort - Approche traditionnel ("Các kinh nghiệm cận tử" - qua góc nhìn của các truyền thống tín ngưỡng) Thèse présentée à l'Université scientifique de Grenoble (Luận án trình bày tại Đại học Khoa học tỉnh Grenoble), 1984.

- Résumé des deux thèses: in Jean-Pierre Schnetzler et Isabeth Eysserie, Le voyage dans l'au-delà et les expériences de la mort imminente (E.M.I) "Itinéraires Imaginaire" (Tham luận tóm lược hai luận án trên đây, mang tựa "Cuộc hành trình trong thế giới bên kia và các kinh nghiệm cận tử" của hai tác giả Jean-Pierre Schnetzler và Isabeth Eysserie, đăng trong tập san "Itinéraires Imaginaires"/Những cuộc hành trình giả tưởng"), ELLG (Editions des Langues et des Lettres de Grenoble), 1986.

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Phàm những gì mà mình không hiểu đều có thể khiến mình sợ hải, chẳng hạn như sợ ma. Khi nào hiểu được ma chỉ là các phóng tưởng tâm thần của chính mình thì mình sẽ hết hoặc "bớt" sợ hơn. Bước vào một gian nhà lạ, tối om, không biết chỗ bật đèn ở đâu, tất nhiên mình cũng cảm thấy sờ sợ, tìm được chỗ bật đèn thì mình sẽ vững tâm và "bớt" sợ hơn

            Cũng vậy cái chết và những gì phía sau nó là cả một sự bí mật to lớn mà con người đành phải bó tay. Ngoài các việc cầu xin và lễ bái, Y khoa là phương tiện cụ thể và tương đối hiệu quả hơn cả có thể giúp con người tạm thời đương đầu với cái chết. Thế nhưng khi đã hết thuốc chữa thì Y khoa cũng phải chịu thua, bác sĩ ký giấy chứng nhận để làm thủ tục khai tử. Sau đó là bổn phận của những người tu hành, nếu thân nhân muốn biết người quá cố có được siêu thoát hay không và đi về đâu thì cứ hỏi họ. Nếu là một nhà sư Tịnh Độ thì sẽ trả lời rằng người quá cố đi về hướng Tây, nếu là giáo sĩ của một tín ngưỡng Độc Thần thì sẽ trả lời rằng linh hồn người chết lên Trời. Tuy trả lời như thế nhưng đôi khi chính những người tu hành cũng không thể quả quyết là có đúng thật như thế hay không, bởi vì họ chỉ làm tròn bổn phận của mình do tôn giáo của mình chỉ dạy và giao phó. Chỉ vì không ai hiểu được những gì xảy ra sau cái chết nên tất cả mọi người đều sợ hãi, đôi khi kể cả những người tu hành. Bài giảng ngắn trên đây của Lạt-ma Denys là nhắm vào chủ đích giúp chúng ta "bớt" sợ.   

            Tất cả các vị sáng lập tôn giáo đều lớn lên nhờ dòng sữa mẹ và thức ăn do con người làm ra. Từ thuở ấu thơ cho đến lúc khôn lớn họ được hưởng sự giáo dục của cha mẹ và con người, nhưng sau đó thì lại tự xem mình khác với con người, giữ những vị thế cao hơn con người, nhận lãnh những sứ mạng thiêng liêng. Thế nhưng sau khi chết thì tuyệt nhiên không thấy một vị nào quay về với con người trên địa cầu này - dù chỉ là một lần - để chứng mình với họ những điều mà mình từng thuyết giảng cho họ trước đây, hay ít ra cũng để thuật lại với họ những gì chính mình trông thấy tận mắt trong các cõi mà mình từng hứa hẹn với họ khi mình còn là con người, cùng sống chung với con người trên hành tinh này.

            Thật vậy hầu hết những điều mà các vị sáng lập tôn giáo thuyết giảng cũng chỉ là những lời khuyến dụ, dọa nạt và hứa hẹn, nói cách khác thì đấy cũng chỉ là các phóng tưởng tâm thần rất con người để nói lên với con người, có nghĩa là những gì liên quan đến sự bám víu của con người vào sự sống thế thôi. Nay thì các vị ấy an nhiên trong các cõi hạnh phúc ở những nơi thật xa với hành tinh này, vì thế thiết nghĩ tốt hơn hết con người nên lo cho con người, thương yêu nhau và đùm bọc lấy nhau, bởi vì chiến tranh tôn giáo mà các vị ấy để lại cho con người thật hết sức khủng khiếp!  

               Bài giảng của Lạt-ma Denys trên đây nêu lên một tầm nhìn rất thực tế và vô cùng giản dị, không khuyên chúng ta trực chỉ hướng Tây, cũng không tìm đường lên Trời, mà chỉ đơn giản nhìn thẳng vào cái chết để tìm hiểu nó, bởi vì khi đã hiểu được nó thì mình sẽ không còn sợ hãi nó nữa.

            Thế nhưng tìm hiểu nó thì lại là cách tìm hiểu chính mình, bởi vì cái chết là của mình, ẩn nấp và chờ đợi mình từ bên trong chính mình. Khi nhìn thật sâu vào chính mình và hiểu được mình là gì thì mình cũng sẽ hiểu được những gì sẽ chết: đó là "cái tôi" hay "cái ngã" và các thứ cấu hợp mà nó ẩn nấp phía sau để điều khiển mình. Khi nào "cái tôi" hay "cái ngã" ấy chết thì sẽ không còn một "chủ nhân ông" nào mượn tay các thứ cấu hợp để chỉ huy và sai khiến mình, các thứ cấu hợp tạo ra thân xác mình cũng sẽ không còn đủ sức để mê hoặc mình nữa, và vào một ngày đẹp trời nào đó chúng cũng sẽ đi theo cái tôi của chúng trước đây.

            Khi nào ý thức được điều đó thật sâu xa tức là phải làm thế nào để "cái tôi" phải chết, thì khi đó mình mới có thể sống thanh thản và yên vui trong hiện tại được. Khi "cái tôi" bên trong chính mình đã chết và các thứ "cấu hợp" chuyển tải nó cũng sẽ ra đi một ngày nào đó khi chúng muốn, thì sẽ không còn một "chủ nhân ông" nào sai khiến mình, không còn một thứ gì khác có thể khiến mình phải bận tâm, lo lắng và sợ hãi, cũng không còn một thứ ảo giác nào có thể lừa phỉnh mình nữa. Đạt được sự hiểu biết đó cũng chẳng khác gì như hiểu được ma là gì hay tìm thấy chỗ bật đèn trong một gian nhà tối. 

            Thế nhưng thông thường thì người ta lại không chọn cách tiếp cận trên đây mà chỉ bám víu vào thân xác mình cùng các thứ ảo giác và lừa phỉnh hiện lên bên trong tâm thức mình và tìm mọi cách để bảo vệ chúng, để rồi một lúc nào đó bất chợt chạm trán với một bức tường kín mít hiện ra sừng sững trước mặt mình. Đó là bức tường thật kiên cố của cái chết mà tất cả mọi người đều mong muốn vượt qua, thế nhưng suốt trên dòng lịch sử nhân loại chưa có một người nào thành công, kể cả các vị sáng lập tôn giáo. Lối thoát duy nhất là viễn ảnh của thiên đường hay cõi cực lạc mà con người tạo dựng ra để che bớt bức tường và đánh lừa chính mình.   

            Người ta nghĩ rằng thiên đường ở trên đầu tường, nếu muốn trèo lên thì phải bắc thang,  thế nhưng thay vì giữ thang cho chặt để thay nhau trèo thì lại nhìn trước, ngó sau..., xô thang của nhau, khiến gây ra hận thù và ẩu đả suốt hàng ngàn năm nay từ các thời kỳ thời Trung cổ, và dường như ngày nay vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy một sự dàn xếp ổn thỏa. Cõi cực lạc trái lại không ở trên đầu tường mà ở vào hướng Tây, thế nhưng khi giáp mặt với bức tường thì lại không biết hướng Tây ở vào phía tay phải hay tay trái, do đó chỉ biết tụng niệm để chờ người khác đến "tiếp dẫn" mình. Cũng lạ, không có một tôn giáo nào đề nghị đào hầm chui qua phía bên kia bức tường, có thể là vì các vị sáng lập tôn giáo nghĩ rằng bên trong đường hầm thì tối đen, nóng bức và nhất là rất "nguy hiểm". Thật hết sức rõ ràng tất cả những gì trên đây chỉ là các phóng tưởng tâm thần, phản ảnh từ sự sợ hãi và các uớc mơ rất "thật thà" và "dễ thương" của con người mà thôi.

            Giáo Huấn của Đức Phật không phải là một tôn giáo, chính chúng ta đã mượn Giáo Huấn của Ngài để sáng chế ra tôn giáo. Ngài chỉ là một con người vạch ra một hướng đi giúp con người loại bỏ khổ đau của mình, từ các thứ khổ đau lộ liễu do vô thường gây ra cho đến các thứ khổ đau thật sâu kín ẩn chứa bên trong tâm thức mình. Vậy nếu loại bỏ tất cả các màu mè tôn giáo và các hình thức tín ngưỡng ra thì cốt lõi của Giáo Huấn Phật giáo là gì?

            Kinh Cula-Malunkya Sutta (Bài kinh về về các câu hỏi vô ích của Malunkya, Trung Bộ Kinh, MN 63) [8] là một bài kinh rất quan trọng, nêu lên quan điểm của Đức Phật về các vấn đề triết học siêu hình. Đức Phật thuyết giảng bài kinh này khi Ngài đang tạm trú tại tịnh xá của vị Anathapindika/Cấp Cô Độc trong khu vườn Jatavana/Kỳ Viên, gần thị trấn Savatthi/Xá Vệ. Lúc đó có một đệ tử hay thắc mắc về đủ mọi thứ đã tìm đến Đức Phật để bày tỏ cả một lô các thắc mắc của mình, chẳng hạn như:

- "Vũ trụ có trường-tồn bất-diệt hay không?                                                                                      
- Vũ trụ không trường-tồn bất-diệt?
- Vũ trụ đồng thời vừa trường-tồn bất-diệt, vừa không trường-tồn-bất-diệt?
- Vũ trụ không-trường-tồn-bất-diệt nhưng cũng không phải là không-trường-tồn-bất-diệt?"

- "Con người (être/being/sinh linh) có-hiện-hữu sau khi chết hay không?

- Con người không-hiện-hữu sau khi chết?
- Con người vừa hiện-hữu nhưng cũng không-hiện-hữu sau khi chết?
- Con người không-hiện-hữu nhưng cũng không-phải-là-không-hiện-hữu sau khi chết?"
 

            Chữ con người hay sinh linh trong các câu trên đây được dịch từ chữ tathagatha trong bản kinh gốc bằng tiếng Pa-li, kinh sách Hán ngữ gọi là Như Lai. Chữ tathagata có nghĩa "chỉ là như thế", "đến đây là như thế" (suchness/ainsité), Đức Phật thường tự xưng mình là Như Lai với ý nghĩa đó, tức chỉ là "một con người đơn giản là như thế, không từ đâu đến và cũng sẽ chẳng đi về đâu cả", Ngài chỉ là một con người như tất cả mọi con người khác, khiêm tốn và giản dị. Trong trường hợp của bài kinh Cula Malunkya Sutta trên đây thì chữ tathagata mang ý nghĩa bao quát hơn là một "sinh linh " hay "con người" nói chung.

            Trước các câu hỏi trên đây của người đệ tử Malunkyaputta, Đức Phật chỉ giữ sự yên lặng. Các câu hỏi đó đối với Ngài là vô ích và đặt sai: vô ích vì không giúp được gì cho con người trước những khổ đau đang đày đọa họ; đặt sai vì chỉ là các cạm bẫy của sự hiểu biết nhị nguyên và quy ước, phản ảnh từ các sự lo sợ sâu kín của con người mà thôi. Một câu hỏi đặt sai sẽ tạo ra các thắc mắc khác, và sau đó là các cuộc tranh cãi bất tận, có thể đưa đến các hậu quả khôn lường. Một sự cố chấp đưa đến ẩu đả, một sự bám víu ngây thơ đưa đến những sự ước mơ thật thà: chẳng hạn như tin rằng phương Tây có cõi cực lạc và trên trời có cõi thiên đường.  

            Sở dĩ Đức Phật không khẳng định về sự hiện hữu hay không hiện hữu của con người sau khi chết, ấy là để bảo vệ con người mà thôi. Chẳng phải chỉ vì tin vào các điều viễn vông đó mà ngày nay con người vẫn còn tiếp tục ẩu đả nhau hay sao? Phía sau sự yên lặng của Đức Phật dường như che dấu một sự quán thấy thật xa.

            Sự yên lặng đó của Đức Phật là cách không những tránh cho người đệ tử của mình mà cho cả chúng ta hôm nay, không rơi vào cạm bẫy của các sự biện luận và tranh cãi, phản ảnh sự thúc dục của các thứ bám víu sâu kín và dai dẳng của bản năng. Sự yên lặng đó không có nghĩa là một sự ngăn cấm độc đoán, cũng không phải là một cách lấp liếm những gì mà mình không hiểu, mà đúng hơn là chỉ vì khả năng hiểu biết hạn hẹp còn vướng mắc bởi khái niệm và quy ước của con người. Giáo Huấn của Đức Phật là phi-tín-ngưỡng, thế nhưng con người thì lại cứ khăng khăng khoác lên Giáo Huấn của Ngài chiếc áo của tôn giáo. Vậy bên trong chiếc áo khoác đó, Giáo Huấn của Đức Phật là gì?

            Bài kinh nêu lên các thắc mắc của người đệ tử Malunkyaputta dưới bốn hình thức đối nghịch: "có", "không", "vừa có cũng vừa không", "không hẳn là có nhưng cũng không phải là không có", đưa chúng ta vào một tình trạng bất định hướng của sự lý luận, không có một hệ thống quy chiếu hay lô-gic nào hầu có thể dựa vào đó để suy luận. Sự bất định hướng đó phản ảnh thể dạng Trống Không của sự hiểu biết quy ước dựa vào khái niệm, và đấy cũng chính là nền tảng của học thuyết Trung Đạo do Long Thụ nêu lên bảy thế kỷ sau đó, tức là vào thế kỷ thứ II sau Tây lịch. Trung Đạo có nghĩa là không phải có cũng không phải không, không phải bên này cũng không phải bên kia, không vướng mắc vào một sự khẳng định nào cả. Vị thế "ở giữa" và "không vướng mắc" đó cũng chính là Tánh Không hay sự Trống Không của mọi hiện tượng, một vị thế "đứng ra bên ngoài" tất cả mọi hiện tượng. Tánh Không hay sự Trống không đó không có nghĩa là một sự trống rỗng, một hình thức phủ nhận hay khước từ sự hiểu biết, mà đúng hơn là một thể dạng đầy ắp, tinh khiết và trọn vẹn của sự hiểu biết đích thật. Sự hiểu biết đó vượt lên trên các khái niệm nhị nguyên, phiến diện và đối nghịch. Qua học thuyết Trung Đạo trên đây, lần đầu tiên người ta đã khoác lên cho Giáo Huấn của Đức Phật một chiếc áo rộng "thùng thình" của triết học siêu hình (metaphysic), trước khi thêu thùa và nhuộm thêm các màu sặc sỡ khác để biến nó trở thành chiếc áo của Đại Thừa.

            Sáu thế kỷ sau đó tức là vào thế kỷ thứ VIII, Quyển sách Tây Tạng về cái chết do đại sư Padmasambhava trước tác đã "chọc thủng" bức tường ngăn cách giữa sự sống và cái chết. Phật giáo Tây Tạng nói chung nhờ vào các phép thiền định đã "thâm nhập" vào quá trình của một cái chết giả tạo (simulation) và cả sau đó là quá trình của sự hình thành hay tái sinh. Ngày nay các khoa học gia thuộc các ngành Tâm lý học và Y khoa cũng đang phân tích và tìm hiểu các cảm nhận xảy ra trong lúc cận tử. Nếu Lạt-ma Denys cho rằng các câu chuyện cận từ này đều bị ảnh hưởng bởi vốn liếng văn hóa và tín ngưỡng của người cận tử, thì những gì nêu lên trong Quyển Sách Tây Tạng về cái chết cũng vậy, cũng có thể đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các kinh nghiệm riêng của chính người hành thiền hay chăng?     

            Trong giai đoạn cận tử người chết chỉ mới "hấp hối" tức chưa "chết hẳn" do đó tâm thức và các giác quan của người này tuy đã suy giảm nhưng vẫn còn hoạt động, nhờ đó tâm thức vẫn còn tiếp tục ghi nhận các ảo giác và các phóng tưởng tâm thần để thuật lại sau khi "hồi tỉnh". Chẳng hạn như trường hợp một người ngủ chập chờn hay nửa thức nửa ngủ, tâm thức và các cơ quan cảm giác vẫn tiếp tục hoạt động, dù chỉ ở một cấp bậc nào đó, vì thế khi thức giấc người này vẫn nhớ lại được những gì hiện lên trong khi ngủ, thậm chí đôi khi còn có cảm giác dường như những thứ ấy là thật. Trái lại, trong một giấc ngủ thật sâu, tâm thức và các giác quan đều lắng vào trong tình trạng nghỉ ngơi, vì thế dù các ảo giác phát sinh từ nghiệp tồn lưu trên dòng tri thức vẫn tiếp tục hiện lên, nhưng tâm thức không ghi nhận được chúng, do đó dù nằm mơ "thấy" rất nhiều chuyện nhưng khi thức giấc thì không nhớ gì cả, hoặc chỉ nhớ thoang thoáng một vài chuyện thế thôi. Ngoại trừ trường hợp "trông thấy" những cảnh tượng kinh khiếp hay "ác mộng", thì các cảnh tượng này sẽ có thể "đánh thức" đột ngột các các cơ quan cảm giác của người ngủ mê, khiến người này hoảng sợ và thức giấc.

            Tóm lại quá trình lắng sâu vào giấc ngủ say và quá trình thức giấc cũng khá tương tự với quá trình của cái chết và quá trình của sự tái sinh, sự khác biệt căn bản nhất là giữa quá trình của cái chết và của sự tái sinh là một khoảng trống bardo hoàn toàn "im bặt", bởi vì trong giai đoạn này tâm thức và năng lượng của ngũ giác đã hoàn toàn tan biến hết không còn khả năng ghi nhận bất cứ những gì xảy ra. Sự khác biệt thứ hai là quá trình lắng sâu vào giấc ngủ và quá trình thức giấc xảy ra quá nhanh, không tuần tự như các quá trình của cái chết và sự tái sinh, do đó chúng ta có cảm giác là các quá trình này xảy ra đột ngột, thế nhưng thật ra khá phức tạp, dường như chỉ có các nhà sư Tây Tạng cao thâm mới có thể phân tích và nhận biết được các thể dạng bardo trong lúc lắng vào giấc ngủ và trong khi tỉnh giấc, các thể dạng này dường như cũng tương tự như các thể dạng hiện lên trong các quá trình của cái chết và sự tái sinh. Một cách tổng quát, quá trình của cái chết hay của giấc ngủ cũng vậy, gồm hai giai đoạn: trước hết là giai đoạn "hoà tan" hay "tan biến" của các khả năng cảm giác (ngũ giác và tâm thần), tiếp theo sau đó là giai đoạn của sự hình thành hay là sự tỉnh giấc. Đối với trường hợp của cái chết thì trong giai đoạn thứ nhất, sau khi các khả năng của các cơ quan cảm giác tan biến hết thì sẽ không còn bất cứ một sự cảm nhận nào có thể xảy ra được, chỉ có dòng tri thức mang các vết hằn của nghiệp là tiếp tục luân lưu. Khi dòng tri thức này và các vết hằn của nghiệp mà nó chuyển tải gặp được các điều kiện thích nghi và phù hợp, chẳng hạn như sự kết hợp giữa một tinh trùng và một noãn cầu, thì một sự tương kết có thể xảy ra đưa đến sự hình thành của một bào thai, đánh dấu giai đoạn thứ hai là sự tái sinh. Đối với giấc ngủ thì giản dị hơn, các cơ quan cảm giác và tâm thức chỉ tạm thời lắng xuống và nghỉ ngơi.     

            Sau một giấc ngủ say tâm thức hoạt động trở lại và chúng ta có thể nhớ lại được những gì từ trước. Trái lại trong quá trình của cái chết, trong giai đoạn bắt đầu từ lúc tâm thức và các cơ quan giác cảm đã hoàn toàn tan biến đến lúc não bộ và các giác quan của bào thai được hình thành và bắt đầu hoạt động, là một "khoảng trống", không có một sự cảm nhận nào được ghi nhận, "Khoảng trống" này đánh dấu một sự "đứt đoạn" hay "im bặt" giữa hai chu kỳ của sự sống. Trong một vài trường hợp thật hiếm hoi, một số nguời có thể nhớ lại một vài sự kiện trong kiếp sống trước của mình. Sự nhớ lại này có thể là đã đưọc dựa vào các vết hằn của nghiệp do dòng tri thức chuyển tải, nhưng dường như chưa có ai ghi nhận được những gì xảy ra trong giai đoạn "trống không" và "im bặt" giữa hai giai đoạn "tan biến" và "hình thành" của quá trình của cái chết, bởi vì lục giác đã hoàn toàn tan biến hết trong giai đoạn này, ngoại trừ trường hợp các nhà sư Tây Tạng thật cao thâm mượn phép thiền định về cái chết mới có thể cảm nhận được những gì xảy ra trong giai đoạn này.

            Dầu sao những điều trình bày trên đây, dù được dựa vào một số hiểu biết trong Phật giáo Tây Tạng, cũng chỉ là giả thuyết với mục đích duy nhất là giúp một số người thường hay quá thắc mắc về cái chết của mình có thể đã khiến mình quên đi một điều quan trọng hơn rất nhiều là phải sống trọn vẹn và xứng đáng hơn kiếp nhân sinh này của mình. Lạt-ma Denys qua bài giảng trên đây cũng chỉ nhằm vào mục đích đó. Trở lại với bài kinh Cula-Malunkya Sutta thì Đức Phật đã nêu lên quan điểm của mình như thế nào?  

            Malunkyaputta yêu cầu Đức Phật chỉ cần trả lời các câu hỏi của mình là "có" hay là "không" là cũng đủ, nếu không thì mình sẽ quay lại cuộc sống thế tục, không tu tập theo Đức Phật nữa. Vậy trước những lời van nài, thách đố và mặc cả đó, Đức Phật đã trả lời người đệ tử của mình như thế nào?  

            "Này Malunkyaputta, mặc dù có một quan điểm theo đó con người hiện hữu sau khi chết và có một quan điểm [khác] theo đó con người không hiện hữu sau khi chết [...], thế nhưng trước nhất phải hiểu rằng có sinh, có già, có chết, có khổ đau, có than khóc, có đớn đau, xót xa và tuyệt vọng. [Đối với] Ta, Ta [chỉ] giảng về sự chấm dứt những thứ ấy trong thế giới này, trong chính sự sống này. Vì thế, này Malunkuyaputta, hãy giữ lấy trong tâm những gì Ta giảng, đúng như Ta đã giảng, và những gì Ta không giảng, đúng như Ta không giảng…"

            Trên đây là quan điểm của Đức Phật: những gì cấp bách nhất là phải giải quyết các khổ đau của mình ngay trong kiếp sống này, trong thế giới này, bởi vì khổ đau này sẽ đưa đến đến khổ đau khác, tạo ra một sự xoay vần bất tận. Khi nào cắt đứt được sự lôi kéo và xoay vần đó thì tất chúng ta sẽ hiểu được những gì phía bên kia cái chết. Ngoài ra Đức Phật cũng dặn dò người đệ tử rất hay thắc mắc của mình là "chỉ nên giữ trong tâm những gì Ngài giảng, đúng như Ngài đã giảng, và những gì Ngài không giảng, đúng như Ngài không giảng". Thật vậy, có nhiều điều mà Đức Phật không giảng cho Malunkyataputta bởi vì những thứ ấy cũng chỉ là các cạm bẫy đánh lừa người đệ tử của mình vẫn còn vướng mắc trong các sự hiểu biết thô thiển, mang nặng tính cách quy ước và khái niệm mà thôi. Nhìn vào thế giới ngày nay thì chúng ta sẽ hiểu ngay tại sao các sự hiểu biết ngây thơ, nông cạn và thật thà lại có thể gây ra gây ra những cảnh bạo lực thật kinh hoàng.

            Thật ra sự sống và cái chết kể cả niết-bàn đều ở phía bên này bức tường. Thế giới hiện tượng chỉ là một, không có bức tường ngăn cách nào trong thế giới đó cả. Mọi hiện tượng đều chuyển động xuyên qua không gian và thời gian, các sự phân chia và ngăn cách chỉ là các khái niệm, các phóng tưởng tâm thần. Trong thế giới hiện tượng chỉ có hiện tượng, toàn là hiện tượng. các hiện tượng có thể hữu hình hay vô hình, tất cả đểu tùy thuộc vào khả năng cảm nhận của con người và của mỗi cá thể. Đối với năm thứ cấu hợp tạo ra con người của chính mình cũng vậy, trong số này chỉ có một thứ cấu hợp là hữu hình tức là thân xác, bốn thứ kia là vô hình: cảm giác, sự nhận thức, sự tạo nghiệp và tri thức, nói chung là các tư duy, xúc cảm và tác ý. Sở dĩ chúng ta cảm nhận được các thứ thứ vô hình này -, tư duy, xúc cảm, tác ý - tương đối dễ dàng là vì chúng trực tiếp hiện lên bên bên trong tâm thức mình. Trái lại đối với các hiện tượng vô hình thuộc thế giới bên ngoài thì thật hết sức khó cho chúng ta nhận biết được chúng, bởi vì não bộ và tâm thức chỉ có thể tiếp xúc với với các hiện tượng vô hình thuộc môi trường bên ngoài qua trung gian của ngũ giác mang khả năng rất giới hạn. Do đó dù trong thế giới các hiện tượng vô hình cũng hết sức phong phú và đa dạng thế nhưng chúng ta không cảm nhận được hết, vì vậy các hiện tượng này cũng có thể xem là "siêu-vô-hình" hay "siêu-cảm-nhận", tức là vượt khỏi khả năng nhận thức của mình. Sự mù tịt đó có thể khiến chúng ta tưởng tượng ra mọi thứ dị đoan đủ loại. 

            Điều này cho thấy nếu muốn đi xa trong việc tu tập thì phải mượn phép thiền định để hướng thật sâu vào bên trong tâm thức mình, bởi vì nếu chỉ biết nhìn vào thế giới bên ngoài để tìm hiểu các hiện tượng vô hình mà mình mù tịt, thì đấy chỉ là các phóng tưởng tâm thần xuyên qua các sự bám víu bản năng của mình, chẳng hạn như tưởng tượng ra thiên đường ở trên Trời hay cõi cực lạc ở hướng Tây. Bám víu vào chúng cũng chẳng khác gì như rơi vào một mê hồn trận không lối thoát. Hãy nhìn vào hiện trạng bế tắc trong lãnh vực tín ngưỡng ngày nay trên thế giới sẽ hiểu được điều đó.

            Đức Phật không thuyết giảng những chuyện trên trời và những gì bên kia cái chết, mà chỉ giảng cho chúng cách làm cho các thứ khổ đau của mình phải chấm dứt. Ý thức được điều đó một cách nghiêm chỉnh sẽ khiến chúng ta phải thận trọng, phải phân biệt thật rõ ràng những gì Đức Phật giảng và những gì Ngài không giảng. Lạt-ma Denys cũng vậy, cũng chỉ khuyên chúng ta tìm hiểu cái chết để chấp nhận nó và sống với nó, điều đó không có nghĩa là mình đã chết trong khi còn đang sống, mà chỉ là cách khiến cho "cái tôi" của mình chết, hầu giúp mình được sống thảnh thơi, trọn vẹn và xứng đáng trong thế giới này, ngay trong kiếp sống này.  

 

Chú thích

[8] Bản kinh này nêu lên tính cách thực dụng trong toàn bộ Giáo Huấn của Đức Phật, đặt sang một bên các vấn đề triết học siêu hình và thuần lý. Độc giả có thể tham khảo các bản dịch khác nhau của bài kinh này trong nhiều sách và trang mạng. Sau đây là một vài bản dịch tiêu biểu:

Tiếng Pháp:

- Cula-Malunkyovada Sutta: Les courtes instructions à Malunkyata

http://www.canonpali.org/tipitaka/suttapitaka/majjhima/mn063.html

- Môhan Wijayaratna: Sermon du Bouddha: Malunkyata Sutta, Les questions inutiles, tr.113-117, nhà xuát bản Cerf, 1988.

Tiếng Anh:

- Cula-Malunkyovada Sutta: The Shorter Instructions to Malunkya

(translated from the Pali by Thanissaro Bhikkhu, 1998)

https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.063.than.html

- Cula-Malunkyovada Sutta. The Questions Of Malunkyaputta

(translated from the Pali by E. J. Thomas, M.A. Originally Published by John Murray,  lbermarle Street, W. London, 1913)

http://obo.genaud.net/dhamma-vinaya/thom/mn/mn.063.thom.htm

- Cula Malunkya-putta Sutta. The Shorter Discourse to Malunkya-putta (trang 49-65)

(translated by Pia Tan, 2003)

http://dharmafarer.org/wordpress/wp-content/uploads/2009/12/5.8-Cula-Malunkyaputta-S-m63-piya.pdf

(bản dịch này của Pia Tan rất chi tiết, chính xác và dễ hiểu, nhất là được tra cứu rất cẩn thận. Chữ Pa-li tathagatha trong bài kinh được giải thích rất rõ [xem phân đoạn 3 (tr.51-53) và các chú thích cuối trang/footnotes số 9 (tr.50), số 22 (tr. 51), số 30 (tr.52). Có thể xem bản dịch này như là một trong các bản dịnh mẫu dùng vào việc dịch thuật kinh điển Pa-li].

Tiếng Việt:

- Tiểu kinh Màlunkyà (Cula Malunkyà Sutta)

(Hòa thượng Thích Minh Châu Việt dịch, Bình Anson hiệu đính, 2004)

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung63.htm

(bản Việt dịch trên đây còn quá nhiều thuật ngữ tiếng Hán; ngoài ra văn phạm, cú pháp và cả cách hành văn rất gần với Hán ngữ, có thể khó hiểu cho một số người đọc).

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 04.12.17

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Bài đọc thêm:
Tạng Thư Sống Chết (Sogyal Rinpoche - Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch)
Tử Thư Tây Tạng (Sogyal Rinpoche Dịch giả : Nguyên Phong - Nguyên tác : Bardo Thodol Chenmo)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage