Chùa Bửu Minh

Tết đến là dịp để gia đình quây quần, vui vẻ bên nhau. Nhưng rất nhiều người vì công việc mưu sinh, vì những bươn chải, lo toan trong cuộc sống mà nhiều năm chưa thể đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.


Những ngày cuối năm, giữa dòng người đổ dồn về các khu vui chơi giải trí để thư giãn, thì những công nhân Xí nghiệp Môi trường vẫn đang miệt mài lùa chiếc chổi tre xuống mặt đường quét từng đống sỏi đá.

Đối với những công nhân vệ sinh, đón Tết ngoài đường đã trở thành quen từ nhiều năm nay. Tết là lúc cao điểm của công việc, phải tăng ca ngày đêm với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với ngày thường.


Tết luôn là thời gian cao điểm làm việc của các công nhân vệ sinh


Chị Hương công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ : “Ngày Tết, lượng rác tăng gấp 2-3 lần nên chúng tôi phải làm từ sáng đến tận khuya mới về. Đến nhà chỉ có thời gian ăn cơm, tắm giặt rồi lăn ra ngủ lấy sức, hôm sau lại đi làm tiếp".

Chị cho biết thêm, rác thế này chưa nhiều, Giao thừa xong cành cây, túi ni lông tràn khắp mặt đường. Năm ngoái vào đêm Giao thừa chị cùng các đồng nghiệp đều phải quét liền tay cho tới 2 giờ sáng mùng 1 Tết mới được về nghỉ. Năm nay chị không phải trực tối mùng 1, nhưng chị không được nghỉ, vẫn phải làm việc như ngày bình thường, nhưng không biết có về trước 5 giờ chiều ngày 30 không chị buồn rầu nói.

Cũng giống như chị Hương, đã mấy năm nay đêm Giao thừa nào chị Thanh cũng phải thức đêm túc trực đoạn đường Cầy Giấy. Chuyện chị việc vắng mặt những ngày giáp Tết đã trở nên bình thường với gia đình.

Chị cho biết để sắm được Tết cho gia đình chị đã chuẩn bị một tháng trước đó, bánh chưng, giò được đặt trước, đến Tết chỉ cần lấy về. Nhiều năm làm công nhân quét rác, chị đã quen thuộc với những cái Tết bận rộn như thế.

Không chỉ riêng những người giữ sự sạch đẹp cho thành phố mà không ít những người đi làm xa quê, cũng không có được cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Bạn Huệ, quê Phú Thọ đi làm xa quê đã 2 năm chưa về, Huệ tâm sự: “Đây là năm đầu tiên mình đón Tết xa quê. Hồi sinh viên cũng có về, nhưng từ ngày đi làm thì không dám về quê vì sợ mất việc. Giờ tết đến, thấy nhớ mấy đứa em và bố mẹ nhiều. Thấy bạn bè về quê hết mình cũng muốn về lắm, nhưng vì đường xa, đi lại tốn kém nên mình đành ở lại”.

Huệ vừa tốt nghiệp ra trường nên tìm được một công việc không hề đơn giản, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nuôi các em ăn học nên Tết đến ở lại đây làm thêm. Hơn nữa vì tính chất nghề nghiệp nên phải ở lại, nếu về tết người ta tuyển người khác, khi lên lại mất việc.

Đã mấy năm nay anh Viết Thắng chưa được đón Tết cùng gia đình, anh cho biết: “Anh làm bên Khách sạn nên những ngày nghỉ, Tết, lúc mọi người nghỉ ngơi thư giãn thì lúc đó công việc của anh bận nhất. Những ngày này lượng khách đến khách sạn tăng cao nên anh phải làm thêm giờ, nhiều năm nay anh đón giao thừa cùng các đồng nghiệp cơ quan. Không được đón Tết cùng gia đình buồn lắm, nhưng cũng dần quen rồi”.

Một bộ phận nữa đón tết muộn đó chính là những người bảo vệ. Ngày tết mọi người vui chơi bên gia đình còn họ thì đi bảo vệ các công trình thi công đang dang dở hay bảo vệ ở các hội trong dịp tết.

Còn rất nhiều người khác không có được cái Tết trọn vẹn bên gia đình, mỗi người một nghề, một lĩnh vực khác nhau như: Cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, lao công, thợ điện, những người lính còn trẻ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền nơi biên giới, hải đảo xa xôi.

Do tính chất đặc thù công việc, họ sẵn sàng gác niềm vui, hạnh phúc riêng để miệt mài lao động, làm việc. Những công việc thầm lặng của họ, giúp cho người dân được đón những cái Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi.

Kim Liên

http://www.anninhthudo.vn/Xa-hoi/Nhung-nguoi-don-Tet-muon/534803.antd


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage