Chùa Bửu Minh

TUỔI GIÀ THỬ ĐỌC “THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ”

Hai Trầu (Houston)

 

Thi sĩ Đỗ Nghê và Hai Trầu bên hồ sen Kỳ Hòa (Sài Gòn) sau cơn mưa chiều, ngày 06 tháng 6-2017. (Hình do chị HT chụp)

 

 

 

 

 

Nhớ có lần, khoảng tháng 5 năm 2013, tôi bắt đầu làm quen với thi sĩ Đỗ Nghê (Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc) qua trao đổi trên trang nhà Dutule.com, tôi có hỏi:

Bài thơ đầu tiên bác sĩ gởi đăng ở tạp chí nào? … Bác sĩ có làm thơ tình lãng mạn không, nếu có, xin bác sĩ cho bạn đọc được đọc một bài mà bác sĩ ưng ý nhứt nhe bác sĩ?

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:

(…)

Những bài thơ học trò thôi không nhắc, thí dụ kiểu: “Những bước chân mềm trên cát thơm/ Em đi sa mạc rợn trong hồn?/ Buổi chiều lên đọng hai vành mắt/ Màu áo hôm nào làm sao quên…” Bài thơ đầu tiên đăng trên báo Bách Khoa năm 1960, ký với một cái tên tắt. Tuy biết ông Ngu Í cậu mình làm ở đó nhưng tôi giấu ông. Khi báo đăng, tôi mới nói. Ông ngạc nhiên và khen ngợi. Sau đó tôi lấy bút hiệu Đỗ Nghê và đăng nhiều thơ trên Bách Khoa, Mai, trong Ban biên tập báo Tình Thương (với Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Trần Mộng Lâm…) rồi ở trong nhóm chủ trương bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức (Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương…)

Năm 1967, đang là sinh viên y, tôi in tập thơ đầu tay: Tình Người và sau đó là các tập Thơ Đỗ Nghê (1974), Giữa hoàng hôn xưa (1993), Vòng quanh (1997), Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)… (1)

 

Thế rồi từ đó, thỉnh thoảng tôi có thư từ liên lạc qua lại với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và một hôm có duyên may, tôi từ dưới quê Lấp Vò lên Sài Gòn và gặp được anh lần đầu vào một buổi chiều tháng 6-2017 bên hồ sen Kỳ-Hòa khi cơn mưa vừa dứt hột. Lần đó, tôi thấy mình vốn đã già quá mạng và ngồi nghe anh nói chuyện về thở và thiền mình mới thấy đọc thơ Đỗ Nghê mình phải thiệt là già mới thấu hiểu phần nào cái thâm thúy trong tập bản thảo “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” . Chính vì vậy mà tôi mới mạo muội đặt tựa cho bài viết này là “Tuổi Già Thử Đọc “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” “.

Còn khi nào thì mới gọi là tuổi già? Đó có lẽ, theo tôi là một câu hỏi hơi khó trả lời. Riêng tôi thì, tôi có cảm tưởng là mình nay đã già lụ khụ nhiều rồi, không còn hăng hái như hồi mình còn nhỏ, ít quan tâm tới những gì cao siêu nên có thể có những hiểu biết cùng sự lãnh hội không được thấu đáo qua những vần thơ ẩn mật của một tác giả già giặn như thi sĩ Đỗ Nghê qua tập bản thảo “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” này, nhưng tôi cứ thử lần mò xem sao!

 

Mở trang đầu “Thơ Ngắn Đỗ Nghê”, tôi bắt gặp bài thơ “Trái Đất”, quả đúng như cái tựa sách, thì bài thơ này ngắn thật, chỉ vỏn vẹn có ba câu và mỗi câu chỉ có hai chữ, dưới bài thơ  tác giả ghi: Boston, 1993:

 

Giữa đêm

Thức giấc

Giữa ngày…”

 

(Trái đất, Boston 1993)

 

Nhờ tác giả ghi Boston, tôi mới lần mò ra bài thơ thật ngắn này nó gói ghém cả một vũ trụ. Chừng như năm 1993, năm tác giả sáng tác bài thơ này là lúc anh đang có mặt ở Boston (Hoa Kỳ) cho một khóa tu nghiệp về y khoa ở trường Đại học Harvard. Người đọc không cần phải tưởng tượng nhiều như hồi còn trẻ mà chỉ cần có chút tưởng tượng như người ở tuổi già, người ta có thể vẽ được một bức tranh với một bóng người ngồi giữa đêm khuya mà ở một góc đối diện phía bên kia biển Thái Bình Dương là mặt trời đang ở trên đỉnh đầu. Vì Boston đang giữa đêm thì Sài Gòn mặt trời đang đứng bóng, giữa ngày. Cái mà tôi thích nhất trong bài thơ này là thi sĩ Đỗ Nghê đã gợi được hình ảnh con người trong vũ trụ bao la này. Hình ảnh đó gói gọn trong hai chữ “thức giấc”. Ai thức giấc đây? Hẳn phải là tác giả và tác giả chính là sự hiện hữu của một con người bằng xương bằng thịt; còn trái đất thì có ngày và đêm. Và chính con người mới biết thế nào là thức giấc, thế nào là giữa đêm và thế nào là giữa ngày ! Bài thơ chỉ sáu chữ mà gom được trời, đất và con người vào cùng một vũ trụ! Nếu không có con người giữa trời và đất, tôi tin là trái đất này, vũ trụ này mất đi phần nào cái hấp dẫn vốn làm cho mọi sinh vật trên trái đất này kể cả loài người luôn luôn muốn sống!

 

Tôi mê cái ý tưởng của nhà nghệ sĩ gởi gấm nỗi lòng của mình vào thiên nhiên, vũ trụ ấy, và đặc biệt những câu thơ Đỗ Nghê làm ở nơi mà bên này là “giữa đêm”và bên kia đại dương  bao la là “giữa ngày”,  nên tôi mới lần mò tìm thêm nhiều bài nữa. Chẳng hạn bài Thu. Những năm tháng tác giả viết về mùa Thu ở Boston cùng những nỗi niềm của kẻ xa nhà, cùng thời điểm ấy tôi cũng có mặt ở Boston, nên tôi mới thấy thấm thía những chữ mà tác giả đã dùng, anh đã chẳng những ghi lại được những giây phút của một chiều thu nghe tiếng quạ kêu rồi chợt giật mình nỗi xa nhà để biết tê tái trong lòng mà thốt nên lời, làm nao nao trong lòng đã đành mà còn làm cho người đọc già như tôi cũng nao nao buồn nhớ những năm tháng cách nay hơn hai mươi lăm năm mình cũng bồi hồi nỗi nhớ nhà như vậy!

 

Chiều thu

Nghe tiếng quạ

 

Giật mình

Nỗi xa nhà

 

Nhớ sao

Mà nhớ

 

Quá!

 

(Thu, Boston 1993)

 

Đúng rồi, thi sĩ ơi! Nhớ sao mà nhớ quá đi thôi!

Chưa hết, tác giả khắc họa mùa Thu xong rồi, anh lại diễn tả tiếp về mùa Đông ở Boston. Bạn có bao giờ tận mắt nhìn thấy mùa Đông ở Boston lần nào chưa? Bạn có bao giờ đứng nhìn tuyết rơi bay bay trong tiết trời giá lạnh ở Boston lần nào chưa? Và bạn có bao giờ nhìn ngắm những thân cây ở Boston vào mùa Đông lá rụng trơ cành không? Vâng thưa bạn, bạn thử đọc mấy câu thơ của tác giả Đỗ Nghê ghi lại, bạn sẽ cùng cảm với nhà thi sĩ về mùa Đông lạnh lẽo ấy:

 

Còn cây

           trơ lại với cành

Với linh hồn lá

           ngập ngừng trút qua…

 

(Đông, Boston 1993)

 

Vâng mùa Đông ở Boston ngày dài lắm, nhưng dưới cái nhìn của nhà nghệ sĩ, thi sĩ Đỗ Nghê  không như chúng ta, những người ở tuổi già muốn kể chi li về những rừng cây với cành nhánh khẳng khiu trụi lá trơ cành mà anh còn muốn đi xa hơn cái cảm xúc của người thường là chỉ thấy cái thực ngoài đời của cảnh vật, nhà nghệ sĩ muốn chia sẽ cùng người đọc cái lạnh, cái buồn, cái cô đơn không những của những cành cây trụi lá mà anh còn muốn nói lên giùm linh hồn những chiếc lá rừng bay bay đâu đó vào những ngày mùa Thu mà chừng như là cũng không đành rời bỏ cành nhánh một thời nuôi sống đời lá những ngày nắng ấm ngày nào! Lá rụng về cội, đã đành rồi, nhưng lá đâu phải tự ý mình muốn rụng hồi nào đâu? Chính vì vậy mới “ngập ngừng trút qua” Những chữ “linh hồn”, “ngập ngừng” quả là những chữ làm cho câu thơ thêm thần sắc, tuyệt diệu!  .

 

Cây khẳng khiu bên bờ hồ Weymouth, Boston với đàn vịt trời trên mặt hồ đóng băng. (Hình do chị Lộc Tưởng chụp)

 

Bạn có thể nhìn thấy những cành cây khẳng khiu trụi lá vào mùa lá rụng nhưng bạn có lần nào đi dưới tuyết giữa phố Tàu của thành phố Boston chưa?

 

Tuyết bay

Bay  nhẹ

Phố tàu

 

Gió co

Ro lạnh

Phố

Đìu hiu

Theo.

 

(Tuyết, Boston, 1993)

 

Tôi có cảm tưởng những chữ “giật mình”, “nỗi xa nhà” ở bài Thu; “ linh hồn lá”, “ngập ngừng” trong tiết trời mùa Đông; cùng “ co ro” và “đìu hiu” trong bài Tuyết này là những chữ dùng mà tôi thấy giản dị nhưng không đơn giản, không dễ dàng chút nào với người đọc nhà quê già như tôi.

 

Ngoài đặc điểm là trong tập bản thảo “Thơ Ngắn Đỗ Nghê”, tác giả tập trung nhiều bài thơ ngắn đã đành, mà dường như tác giả còn muốn cho người đọc có dịp nhìn ngắm lại những hiện tượng thiên nhiên thường xảy ra trong trời đất mà vì quen quá, hoặc xảy ra thường quá, không phải mỗi ngày mà dường như lúc nào cũng có thể xảy đến, ai cũng thấy nhưng ít ai để ý hoặc không màng tới. Chẳng hạn như những lượn sóng bạc đầu cao vòi vọi nhiều khi giận dữ nỗi trận ba đào, nhưng sóng quên mình vốn là nước. Mà đã là nước thì phải ở chỗ trũng, chỗ thấp, phải biết cái yếu cái mềm của mình:

 

Sóng

Quằn quại

Thét gào

 

Không  nhớ

Mình

Là nước”

 

(Sóng)

 

Ai ai trong chúng ta, có lẽ cũng đã hơn một lần thấy sóng biển đập vào vách đá nơi Đèo Cả, nơi Hòn Chồng (Nha Trang) hay sóng trên dòng sông Hậu làm chòng chành ghe xuồng vùng Vàm Cống (Long Xuyên), Cái Vồn, Cái Côn (Cần Thơ) vào những ngày mưa dông bão táp vùng gió mùa; nhưng mấy ai nghĩ sóng “không nhớ mình là nước” như câu thơ của thi sĩ Đỗ Nghê! Chỉ vỏn vẹn chừng ấy chữ, nhưng tác giả đã gởi đi một thông điệp về căn nguyên của mỗi người, của chính mình!

 

Và sự có mặt của “nước” cũng như sự có mặt của con người là sự có mặt ngẫu nhiên, bất định. Không ai có thể trả lời một cách chính xác nước từ đâu đến và nước trôi về đâu? Và hỏi về nguồn cội của một người cũng là một câu hỏi không dễ trả lời và có thể cũng làm đau lòng nhiều người vì nó dễ chạm vào chỗ yếu nhứt, chỗ riêng tư nhứt của mỗi người, nên thi sĩ Đỗ Nghê có lời khuyên rất nhẹ mà tha thiết biết bao!:

 

Ai người nỡ hỏi

Nước đến từ đâu

Ai người nỡ hỏi

Nước trôi về đâu…”

 

 Nước

(Paris, 1997)

 

Còn bàn về “vũ trụ”, về “đất” , tác giả cũng gợi cho chúng ta thấy được, biết được vũ trụ vốn biến hóa giữa có và không, giữa không và có:

Nhẹ như không có

Có mà như không…

(Vũ trụ)

 

Và con người vốn từ đất từ bùn:

 

Đất động ta cũng động

Sóng thần ta cũng sóng

Giật mình chợt nhớ ra

Vốn xưa ta là đất”

(Đất)

 

Nhớ có lần, tôi cũng có viết về “nỗi lòng của đất” với câu mở đầu rất thật lòng:

Tôi là đất. Tôi là bùn. Bạn ơi! Bạn có bao giờ nghĩ rằng tôi đã làm đuợc những gì cho bạn không? “(…) Và câu kết :“Tôi là bùn. Tôi là đất. Bùn là bản thể của tôi lúc tuổi chưa già và đất là hình tướng của tôi khi bùn bị va chạm vào dòng đời của vũ trụ với những vòng quay đến chóng mặt. Bạn ơi, dường như đất là nơi chốn để bạn bắt đầu một đời sống và đất cũng là nơi chốn để bạn trở về sau một đời sống.”  (2)

 

Tóm lại, ngoài những bài thơ vừa dẫn, trong tập bản thảo “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” , còn có thêm những bài như “Biển mặn”, “Viết tên lên cát”, “Biển vắng” có thể nói đó là một kết hợp về sự liên đới giữa cát giữa biển và giữa trái đất với con người một cách khắng khít không rời!

“Thơ Ngắn Đỗ Nghê” với chừng ấy những bài thơ tôi vừa lược dẫn, kể cũng đã gói ghém khá nhiều ý thơ mà tác giả muốn chia sẻ cùng người đọc, nhưng sẽ còn thiếu nếu chúng ta quên những bài thơ ngắn khác như  “Món quà”, “Không tên”, “Lá”, “Nỗi nhớ”, “Quấn quít”… những bài thơ rất hàm súc, nhưng tôi muốn bạn, những bạn đọc rất gần gũi và ái mộ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc  nên tìm đọc  “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” thì chắc sẽ thú vị hơn!

 

Nhưng ở đây tôi muốn thưa cùng bạn bài thơ “Mới Hôm Qua Thôi” mà với tuổi già như tôi nếu đã đọc qua mà không nhắc lại, tôi nghĩ quả là mình quá thiếu sót nếu không muốn nói là người già sợ những câu thơ trong bài thơ này như một thực tế mà mình cố tình không dám chạm mặt. Và thi sĩ Đỗ Nghê đã vẽ lại bức tranh rất thật này nơi một nhà dưỡng lão mà có lẽ đã một lần anh chứng kiến cảnh người già “mới hôm qua thôi”!

Xin mời bạn:

 

 

Mới hôm qua thôi

 

Đàn ông

Đàn bà

Không nhìn

Không nói

 

Họ ngồi đó

Gục đầu

Nín lặng

Ngửa cổ

Giật nhẹ tay chân

 

Có người

Trên chiếc xe lăn

Chạy vòng vòng

Có người

Trên chiếc xe lăn

Bất động

 

Họ ngồi đó

Hói đầu

Bạc trắng

Móm sọm

Nhăn nheo

 

Mới hôm qua thôi

Nào vương

Nào tướng

Nào tài tử

Nào giai nhân

Ngựa xe

Võng lọng

 

Mới hôm qua thôi

Nào lọc lừa

Nào thủ đoạn

Khoác lác

Huênh hoang

 

Mới hôm qua thôi

Nào galant

Nào quý phái

Nói nói

Cười cười

Ghen tuông

Hờn giận

 

Họ ngồi đó

Không nói năng

Không nghe ngóng

Gục đầu

Ngửa cổ

Móm sọm

Nhăn nheo

 

Ngoài kia

Tuyết bay

Trắng xóa

Ngoài kia

Dòng sông

Mênh mông

Mênh mông…

 

Montreal, 1993

 

Bài thơ tác giả ghi: Montreal, 1993. Chắc thi sĩ sáng tác cùng năm với những bài thơ về mùa Thu, mùa Đông, về Tuyết ở phố Tàu thành phố Boston, cũng 1993, khi anh có dịp qua Canada vì từ Boston qua Montreal, đường tuy dài nhưng bạn đi qua đó không phải trở ngại gì nếu bạn muốn đi chơi cho biết.

Đọc bài thơ “Mới hôm qua thôi”, tác giả dưới con mắt của một vị thầy thuốc và dưới con mắt của một nhà nghiên cứu về đạo Phật, và dưới con mắt của một người thương người cùng chất lãng mạn của một nghệ sĩ, thi sĩ Đỗ Nghê nắm tay chúng ta và anh đã dắt chúng ta đi qua một dòng sông đời trôi qua mấy mươi năm rồi với biết bao gian truân, vinh nhục, được và mất rồi ra chỉ còn là “mênh mông” với “ mênh mông…” thôi!!!. Chẳng còn lại gì! Chẳng còn lại chút gì!

 

Thưa bạn,

Trong tập bản thảo “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” còn nhiều bài nữa rất đời mà cũng rất lãng mạn nữa. Nhưng tôi thấy bài thơ “Về thăm quê” hết sức ngắn mà theo thiển ý của tôi thì tôi nghĩ ý thơ trong bài này vô cùng thâm thúy.

 

Lâu không về thăm quê

Những người xưa biền biệt

Lũ trẻ lớn lên

Ngơ ngác

“Ủa, chú là ai?

Làm sao chú biết…?”

 

Đúng vậy, lâu quá không về thăm quê nên khi mình về lại thì nhiều người, nhiều đời người ta đã ra người thiên cổ bộn rồi! Và trẻ nhỏ đời này, đời kia tiếp tục có mặt và hết sức ngơ ngác với người già. Nhưng có lẽ câu trả lời “Làm sao chú biết…?” mới là tuyệt diệu. Làm sao chú biết chú là ai? Làm sao tôi biết tôi là ai giữa cõi đời ô trọc này? Thực sự trong đời sống này mỗi mỗi chúng ta, có lẽ ai ai cũng tự cho rằng mình rất hiểu, và biết rất rõ về mình, nhưng thực tế không phải vậy! Làm sao mình nhận rằng mình biết hết mọi việc trên đời này!

Đó là chưa kể, người già nghe câu hỏi:“ Ủa, chú là ai?” và trả lời bằng mấy chữ:“Làm sao chú biết”, còn có nghĩa chú còn phải tìm tòi, phải học ở cháu nữa dù thế hệ của cháu đáng con, đáng cháu của chú! Hổng phải vậy sao? Vì nếu một người nói rằng chú biết hết mọi việc thì người đó đã đầy một bụng kinh luân rồi và đâu cần học hỏi ai điều gì nữa, nếu không muốn nói là người ấy chỉ mất thời giờ của họ thôi chứ đâu có ý lãnh hội điều gì và dĩ nhiên đâu có ích lợi gì. “Làm sao chú biết” là một lời đáp của một người biết khiêm nhường, của một người muốn nhận rằng mình dù thông thái cách mấy, dù giỏi cách mấy, dù già giặn cách mấy vẫn tự thấy mình vẫn chẳng là gì giữa dòng đời đầy nhiêu khê, bất trắc này vậy!

Nhưng, thưa bạn, khi mình ở tuổi được gọi là đang già hoặc đã già, thì cái vũ trụ mênh mông ấy cũng chính là một thực thể ở ngay trong chính mình như thi sĩ Đỗ Nghê, cũng là một bác sĩ hơn nửa thế kỷ lăn lóc với nghề qua biết bao kinh nghiệm dạn-dày với bệnh nhân và với chính bản thân mình nữa , nhà thi sĩ đã nhắc với bạn đọc của anh qua bài thơ Vũ trụ rất thực mà cũng rất gần. Nói cách khác, đây cũng là cách gởi gắm ý tưởng rất tế nhị, tác giả vốn là nhà nghiên cứu về Phật Giáo, muốn nhắn nhủ người đọc lời Phật dạy: “Hãy quay về nương tựa chính mình”:

 

“Khi mắt mũi kèm nhèm

Là áp thấp nhiệt đới

Khi bần thần rã rượi

Là áp thấp gần bờ

Khi huyết áp tăng cao

Là bão từ nổi dậy

Từ phía mặt trời xa

Vũ trụ chừng nhỏ lại

Còn chút xíu trong ta!”

 

Tóm lại, qua 103 trang sách với 56 bài thơ ngắn, quả thật tôi đã học hỏi ở thi sĩ Đỗ Nghê rất nhiều ý mới lạ qua những bài thơ ngắn cùng với chữ dùng rất bình dị mà thâm thúy, mà thực sự nếu muốn hiểu cặn kẽ những ý thơ qua từng dòng thơ của tác giả tôi nghĩ không dễ dàng chút nào. Về điềm này, tôi nghĩ rất khế hợp với lời nhận định của một thi sĩ Ba Lan, người nhận giải Nobel năm 1996, bà Wislawa Szymborska (1923-2012), có lần đã viết:”Trong ngôn ngữ thi ca, nơi mỗi chữ đều được cân nhắc, không có gì thông thường hoặc bình thường…”(3) Còn Lâm Ngữ Đường thì viết “Thi sĩ chỉ vẽ phác một cảnh, diễn một nỗi lòng thương cảm rồi để cho độc giả tưởng tượng.”(4)

Theo thiển ý của người đọc nhà quê già như tôi, tập bản thảo “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” đều bao hàm cả hai nhận định của hai nhà vừa kể, một ở trời Âu và một ở trời Đông vậy!

 

Hai Trầu

Houston, ngày 22 tháng 11 năm 2017

……………………………………………………………………………………

Phụ chú:

1/ “Trò chuyện với Bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc qua những lá thư từ kinh xáng” trong bộ sách Người Đọc & Người Viết, Quyển II, của Hai Trầu, ấn hành tháng 10-2017, trang 132. Houston, Hoa Kỳ.

2/ Trong cuốn “Nhớ Về Những Bến Sông”của Hai Trầu, Hoa Kỳ, năm 2013, trang 149 hoặc bạn có thể tìm đọc trên các trang nhà “Gio-o.com”, “thatsonchaudoc.com.”.

3/“Tôi-Không-Biết”:Giới thiệu, nhận định, dịch thơ Wislawa Szymborska, giải Nobel 1996” của nhà thơ Ngu-Yên biên soạn và dịch , Tập một, do Amazon ấn hành, lần thứ nhứt, tháng 3 năm 2017, Hoa Kỳ, trang 90.Toàn tập gồm hai quyển 1&2,dày 1303 trang.

4/”Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa “của Lâm Ngữ Đường do Nguyễn Hiến Lê dịch, Ca Dao xuất bản, Sài Gòn, 1970, trang 117.

http://www.dohongngoc.com/web/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage