Chùa Bửu Minh

Bầu Trời Vẫn Xanh Trong


Pháp Thoại của Thầy Thích Thái Hòa

“Trong cuộc sống, có những điều mà ai cũng phải đương đầu đó là được và mất, hạnh phúc và khổ đau.Vậy, trong lúc thăng trầm ấy, điều mà ta nên làm được là giữ tâm bình thản”.

* Narada Maha Thera

BẦU TRỜI VẪN XANH TRONG

Đây là bài pháp thoại được nói tại Thất Lắng Nghe ở  Huế vào ngày 01.08.2004 của T.T Thích Thái Hòa cho các giáo sư và sinh viên đến từ các trường đại học Mỹ và Anh trong chuyến viếng thăm Việt Nam.

-T.T Thái Hòa: Xin chào tất cả các bạn,
Để đáp ứng yêu cầu của các bạn, chúng tôi xin chia sẻ một phần nào những ước muốn của các bạn. Bây giờ, tôi xin mời các bạn đi vào nội dung của vấn đề. Tôi muốn hỏi các bạn rằng, tại sao các bạn quan tâm đến Phật giáo trong đời sống của các bạn? Xin các bạn hãy trả lời.
- Các sinh viên: Tại vì chúng cháu muốn hiểu về sống và chết!

Sống và chết:
Tất cả quý vị vì muốn hiểu rõ về sự sống và chết, cho nên muốn tìm hiểu Phật Giáo đã giải quyết vấn đề đó như thế nào, có phải vậy không? Tôi muốn trả lời với tất cả các bạn rằng: Ta sống như thế nào thì ta sẽ chết như thế đó. Xin các bạn cùng chúng tôi nghe tiếng chuông để thấy rõ sự sống và chết của một tiếng chuông. (Thỉnh chuông, tiếng chuông bắt đầu ngân lên, và sau đó tiếng chuông từ từ đi vào sự yên lặng).

-T.T Thái Hòa: Các bạn đã cảm nhận được gì, khi nghe tiếng chuông?
Các bạn có thấy không, tiếng chuông ngân lên là nhờ có điều kiện. Khi có điều kiện tay tôi đánh vào chuông, thì tiếng chuông ngân lên. Và như vậy là sự sống của tiếng chuông có mặt. Khi không có điều kiện để tiếng chuông ngân lên, thì tiếng chuông lắng yên. Tiếng chuông lắng yên là sự chết của tiếng chuông có mặt. Nhưng, sự sống và chết của tiếng chuông không bao giờ hết. Nếu tiếp tục có điều kiện thì tiếng chuông tiếp tục sống; nếu thiếu điều kiện thì tiếng chuông tiếp tục chết. Sống và chết của một tiếng chuông tùy thuộc vào sự có mặt của các điều kiện hay không có mặt của các điều kiện. Nếu có điều kiện thì cái chết của tiếng chuông tiếp tục sống trở lại. Cũng vậy, khi có đủ điều kiện thì sự sống của chúng ta có mặt và khi không đủ điều kiện thì sự sống của chúng ta ẩn tàng hay chết đi. Cho nên, tôi muốn nói với các bạn rằng, không có cái gọi là sống thật, tuy chúng ta đang có mặt đây, chúng ta đang sống đây, nhưng chỉ là sống giả tạm. Và tôi cũng muốn nói với các bạn rằng, chúng ta đã không có cái sống thật, thì chúng ta cũng không có cái chết thật. Sống đã giả, thì chết cũng chỉ là giả mà thôi. Nên, chết là để tiếp tục sống và sống là để tiếp tục chết. Nhưng, hiện nay tất cả chúng ta là những người đang sống cả, nên trong chúng ta chưa ai có kinh nghiệm về cái chết hết.
Bây giờ các bạn muốn biết mình sẽ chết như thế nào, thì các bạn hãy nhìn sâu vào để thấy mình đang sống như thế nào. Nếu chúng ta sống có hạnh phúc, thì chúng ta chết cũng sẽ có hạnh phúc. Nếu chúng ta đang sống có nhiều đau khổ, thì chúng ta chết cũng sẽ có nhiều đau khổ. Chúng ta sống có quá nhiều sự bận rộn, thì chúng ta chết cũng có nhiều sự bận rộn. Do đó, đạo Phật giúp cho chúng ta sống có hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Nếu trong cuộc sống này, ta sống có hạnh phúc, ta sống có an lạc, thì khi ta chết, ta cũng chết trong an lạc. Nhưng, tôi muốn nói với các bạn rằng, chính mình phải chịu trách nhiệm về hành vi sống chết của mình, mà không phải một ai khác hay từ một thế lực nào khác chịu trách nhiệm về hành vi ấy. Bây giờ tôi muốn hỏi các bạn, các bạn đã thực sự sống chưa hay các bạn là những người đang chuẩn bị cho sự sống?
- Các sinh viên hỏi: Làm sao mà cháu biết là mình đang thực sự sống hay là mình đang chuẩn bị cho sự sống?
-T.T Thái Hòa: Các bạn đang chuẩn bị sống, có nghĩa là các bạn đang học đại học, các bạn sẽ có mảnh bằng, rồi sau cái mảnh bằng đó, các bạn sẽ có công ăn việc làm; các bạn sẽ có chồng, có vợ, có con và có sự nghiệp trong cuộc đời này. Tất cả những cái đó đều là những cái chuẩn bị sống. Quý vị có hiểu không?
Và ta sống bằng sự chuẩn bị như vậy, thì chúng ta đã chết. Bởi vì sao? Bởi vì chết là chuẩn bị cho cái sống. Tất cả chúng ta chuẩn bị cho sự sống, cho nên trong sự chuẩn bị đó thì chúng ta chưa sống, chưa sống nghĩa là chúng ta đã chết. Do đó, đạo Phật giúp cho chúng ta không phải để chuẩn bị sống mà phải thực sự sống; sống hết lòng và hết mình trong từng giây phút của sự sống.
Các bạn phải hiểu rằng, sống là thở; chết là ngưng thở và chuẩn bị sống tức là chưa chịu thở. Như vậy, tất cả chúng ta đều là những người chuẩn bị thở cả, chứ chưa ai chịu thở hết. Nên, đó là một định nghĩa sống và chết rất chuẩn xác trong đạo Phật. Sống là gì? Sống là thở. Chết là gì? Chết là không còn thở. Và chuẩn bị cho đời sống trong tương lai, nghĩa là chuẩn bị thở. Bây giờ đây xin quý vị nghe tiếng chuông và hãy tiếp xúc với sự sống trong từng khoảnh khắc này qua hơi thở. ( Tiếng chuông được T. T Thái Hòa thỉnh lên và tất cả mọi người đều ngồi yên lắng để theo dõi hơi thở).
Cho nên, chúng ta tiếp xúc với sự sống là tiếp xúc với hơi thở trong từng giây phút. Thấy rõ được sự sống là thấy rõ được hơi thở của chúng ta trong từng giây phút.
Xin các bạn cùng chúng tôi nghe thêm một tiếng chuông nữa, để chúng ta tiếp tục theo dõi hơi thở và để chúng ta thực sự sống và thực sự tiếp xúc với sự sống.( tiếng chuông ngân lên)

Có một người yêu:
Nói chuyện với các bạn đến đây, bây giờ, tôi muốn hỏi các bạn rằng, các bạn đã có người yêu chưa? (Các sinh viên, một số vị trả lời đã có và một số vị trả lời chưa có)
- T.T Thái Hòa: Quý vị nào đã có người yêu rồi, thì đúng là quý vị có sự sống và quý vị nào chưa có người yêu là người đó chưa có sự sống.
Nhưng, dù các bạn đã có người yêu hay chưa có người yêu, thì chắc chắn rằng, các bạn cũng chưa thể nhận diện được người yêu đích thực của các bạn là gì. Các bạn biết rằng, sống trong đời này, tôi cũng có một người yêu, thầy Từ Niệm cũng có một người yêu, thầy Thanh Tâm cũng có một người yêu và thầy Thanh Hương cũng có một người yêu; nhưng người yêu của chúng tôi không phải là một người đàn bà và cũng không phải là người đàn ông. Người yêu của chúng tôi là hơi thở của chúng tôi. Người yêu đó luôn luôn có mặt với chúng tôi một trăm phần trăm. Ngay cả những khi mà chúng tôi làm việc, ngồi thiền, ăn cơm, ngủ, đi chơi, người yêu đó có mặt với chúng tôi và âm thầm giúp chúng tôi. Và tôi nghĩ rằng, trong tất cả các bạn cũng có người yêu như thế. Hơi thở là người yêu trung thành và thủy chung với chúng ta nhất. Người yêu ấy trung thành với chúng ta một trăm phần trăm. Còn bất cứ người yêu nào cũng có thể trung thành với chúng ta mười phần trăm, hai mươi phần trăm, năm mươi phần trăm là tối đa mà thôi.

Bởi vậy, chúng ta không trở về tiếp xúc với người yêu của chúng ta là hơi thở, mà chúng ta đi tìm kiếm người yêu bên ngoài, thì chắc chắn chúng ta có rất nhiều niềm vui và sau đó chúng ta cũng có rất nhiều nỗi buồn, khổ đau và sự lo lắng. Vậy, tôi trả lời lại câu hỏi quý vị sống là gì? – Sống là thở, và chết là gì? Chết nghĩa là không biết mình thở và không còn thở. Sống vui, sống mạnh và sống hạnh phúc là gì? Có nghĩa là ta ý thức được ta đang thở trong từng giây phút của sự sống; và ta trở về với hơi thở của chúng ta là ta ôm lấy hơi thở của chúng ta, là ta ôm lấy người yêu của chúng ta vào trong trái tim, vào trong sự sống của chúng ta; và mỗi giây phút như thế thì ta thực sự có an lạc và hạnh phúc đầy người. Ta không bao giờ có cảm giác cô đơn để đi kiếm tìm. Chúng ta ưa tìm kiếm bởi vì trong ta có cả một sự trống vắng. Như vậy, hơi thở là sự sống. Yêu hơi thở là ta yêu sự sống; vắng hơi thở là chết, không yêu hơi thở là ta chưa thực sự sống và chưa hề tiếp xúc được với mặt mũi của sự sống là gì. Nên, ta sống như một kẻ đã chết.

Cái chết không bao giờ có thực:
Để trở lại với ý nghĩa sống chết. Tôi muốn hỏi, giữa ban ngày, các bạn có thấy mặt trăng không?
- Các sinh viên trả lời: Dạ,ï không thấy, vì mặt trăng đang ở phía khác của địa cầu.
-T.T Thái Hòa: Như vậy, ban ngày ta không nhìn thấy mặt trăng, chứ không phải là không có mặt trăng trong không gian. Và ban đêm ta không thấy mặt trời, chứ không phải là không có mặt trời trên không gian. Cũng vậy, ta chết có nghĩa là ta ẩn khuất ở mặt này mà ta tồn tại ở mặt kia. Ta chết, nghĩa là ta đang vắng mặt ở nơi này, mà ta đang có mặt ở nơi kia. Nhưng, sự có mặt của ta ở nơi kia, hạnh phúc hay khổ đau tuỳ thuộc vào hành động của chúng ta khi ta đang có mặt ở nơi này. Cho nên, những người tu theo Phật giáo không sợ sống - chết mà chỉ sợ rằng, mình sống không đẹp, không hết lòng trong từng khoảnh khắc của sự sống, và không có những hành động cao thượng trong từng khoảnh khắc của sự sống ấy. Ta hãy thanh thản để sống và sống cho hết lòng, vì cái chết không bao giờ có thực. Chết là để tiếp tục sống mà thôi. Ban ngày các bạn hãy nhìn lên bầu trời, các bạn không tìm đâu ra dấu vết của mặt trăng, nhưng mặt trăng vẫn có mặt trong không gian và hiện đang tỏa chiếu ở bên kia bán cầu. Vậy, các bạn nhìn thấy sự sống chết của mặt trăng như thế nào, thì các bạn cũng có thể hình dung ra được sự sống và chết của các bạn!

Nguyên cớ của cơn giận:
Các bạn có khi nào giận không?
- Dạ có.
- Tại sao các bạn giận hờn?
- Bởi vì cháu không làm được một việc gì đấy vì có người lớn hơn ngăn cản cháu.
Như vậy trong đời sống các bạn giận ai?
- Giận chính phủ- Mathew Miller trả lời.
- Giận cha mẹ- Andrew Kalaris đáp.
- Giận anh chị - Có sinh viên nói. Còn Giáo sư Maya Whiteley: Tôi giận chính mình.
- Giận bạn bè, giận con người - Có sinh viên nói.
- Giận gia đình – Có sinh viên nói.
- Khi nào cháu giận thì cháu giận tất cả – Có sinh viên nói.
- T.T Thái Hòa: Các bạn biết không, sống mà có sự giận dữ ở trong con người mình, thì chính mình tự đánh mất hạnh phúc. Và cơn giận của chúng ta tự tiêu diệt sự sống của chúng ta. Tại sao các bạn lại giận chính phủ, tại sao các bạn lại giận cha mẹ của các bạn? Tại sao các bạn lại giận chính bạn bè của các bạn? Tại sao các bạn lại giận con người, tại sao các bạn lại giận chính mình?
- Các sinh viên: Tại vì những người ấy làm cho cháu đau khổ.
- T.T Thái Hòa: Thế thì có khi nào các bạn giận người yêu của mình chưa?
-Giáo sư Maya Whiteley: Dạ có.
- T.T Thái Hòa: Chúng ta sống với một tâm hồn bất mãn, thì chúng ta hết bất mãn cái này, chúng ta lại bất mãn cái khác. Nhưng mà các bạn đã có phương pháp để chuyển hóa cơn giận của mình chưa?
- Các sinh viên: Dạ chưa.
- T.T Thái Hòa: Các bạn chưa có phương pháp phải không? Còn giáo sư Bob Lesser có chưa?
-Bob Leser: Dạ, có rồi.
- T.T Thái Hòa: Thế thì khi bạn giận, bạn làm thế nào, có thể chia sẻ cho những người xung quanh.
- Bob Leser: Tôi ngồi thiền.
- T.T Thái Hòa: Còn giáo sư Maya Whiteley thì sao?
- Maya whiteley: Tôi không ngồi thiền mà tôi tự tìm đến một nơi thật yên tĩnh, trong khu rừng chẳng hạn.
-T.T Thái Hòa: Các bạn thấy không, hạt giống giận dữ luôn luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta và cướp mất đi hạnh phúc của chúng ta, thế nhưng không có trường đại học nào dạy cho chúng ta những phương pháp chuyển hóa cơn giận cả. Người ta chỉ dạy cho các bạn cách làm ra tiền, người ta biến các bạn trở thành chuyên viên, chuyên gia, người ta có thể biến các bạn trở thành nhà bác học, nhà khoa học, nhưng mà sự tích lũy kiến thức càng nhiều chừng nào, thì cơn giận của chúng ta càng sắc bén và tinh tế chừng đó.
Các bạn thử nghĩ, khi một ông vua giận dữ thì muôn dân của ông như thế nào? Một vị tổng thống của một quốc gia nổi giận thì quốc dân của ông thế nào và những người thuộc cấp đang phụ tá ông sẽ như thế nào? Và các bạn là những nhà giáo sư và các sinh viên, các bạn sẽ thấy, khi hiệu trưởng trong trường của mình nổi giận hoặc giáo sư, giáo viên nổi giận thì học sinh và sinh viên như thế nào? Và, trong đời sống gia đình, cha mẹ của chúng ta nổi giận thì con cái như thế nào? Và khi một cặp tình nhân thương nhau, rồi bất chợt nổi giận, thì tình yêu của họ sẽ như thế nào?
Mọi sự khổ đau trong cuộc sống của chúng ta đều là nạn nhân của sự giận hờn. Như vậy, tuổi trẻ của chúng ta phải đặt lại vấn đề; tại sao trong chúng ta đều có cơn giận, đều có sự bực bội, trách móc, nhưng tại sao trong các học đường không đưa phương pháp chuyển hóa cơn giận, chế ngự cơn giận vào học đường để giáo dục mà ổn định đời sống con người!. Phật giáo sẽ giúp cho các bạn chuyển hóa cơn giận bằng những phương pháp sau đây:
- Khi mình nhìn một đối tượng mà hình sắc của đối tượng đó làm cho mình không bằng lòng thì cơn giận của mình nổi lên. Khi mình nghe một âm thanh, mà âm thanh đó không đáp ứng được nhu cầu ở trong lòng mình, thì mình nổi giận lên. Có khi mình có nhu cầu nơi đối tượng một điều gì đó, mà đối tượng không đáp ứng đúng nhu cầu của mình, thì cơn giận của mình sẽ nổi lên. Có khi mình uống một ly nước hoặc ăn một thực phẩm nào đó, mà ly nước hay thực phẩm đó không đáp ứng được sự khát khao của chính mình, thì cơn giận trong mình nổi lên. Có khi mình nhu cầu tình cảm từ một người, mà không được người ấy đáp ứng, thì cơn giận trong mình nổi lên. Có phải cơn giận của các bạn khởi lên từ những điểm như vậy không?
-Các sinh viên: Dạ, đúng vậy.

Nhìn sâu để chuyển hóa:
-T.T Thái Hòa: Khi nào cơn giận của các bạn nổi từ những nguyên cớ như vậy, thì xin các bạn hãy uốn lưỡi ấn lên nóc họng, rồi tập trung tâm ý theo dõi hơi thở. Các bạn thở vào thật sâu và thở ra từ từ. Các bạn thở như vậy đến hai hoặc ba mươi lần, cơn giận của các bạn sẽ từ từ lắng xuống, các bạn có thể làm chủ được tâm ý của các bạn trong những giây phút ấy. Sau khi cơn giận đã hoàn toàn lắng xuống, nếu các bạn là người giận chính phủ, các bạn sẽ quán chiếu như thế nầy: “ Chính phủ là ai, có phải đó là những người đang giữ gìn và nắm giữ quyền lực quốc gia không? Nếu quả thực họ là như vậy, thì đó là những người mà trong đời sống của họ gặp khá nhiều khó khăn, họ phải đối đầu nhiều mặt phức tạp của xã hội, họ không có thì giờ để nhìn lại chính họ, họ thực sự không có tự do, đi đâu cũng sợ hãi và đề phòng, nên họ là những đáng thương hơn là đáng trách. Chúng ta nhìn nhận vấn đề vừa thực tiễn và vừa sâu sắc như vậy, thì cơn giận của chúng ta đối với những người làm chính phủ sẽ được chuyển hóa”. Nếu các bạn là những người có sự giận hờn và trách móc cha mẹ, thì xin các bạn hãy ngồi thật yên lắng, theo dõi hơi thở vào thật sâu và thở từ từ khoảng hai hoặc ba mươi lần, sau đó các bạn sẽ quán chiếu như thế nầy: “ Cha mẹ của chúng ta là ai, có phải là những người đã từng sinh ra ta và nuôi dưỡng ta, tạo mọi điều kiện cho ta ăn học và tác thành mọi sự nghiệp cho ta không, nếu cha mẹ ta không phải như vậy, thì làm sao có ta ngày nay? Trong quá trình sinh ra ta, nuôi dưỡng ta, tác thành cho ta thành người khôn lớn, cha mẹ ta cũng đã có nhiều lo lắng và sợ hãi, và quý vị cũng đã gặp nhiều khó khăn, từ chính bản thân của mỗi người, từ sự phối hợp giữa hai người, từ gia đình, dòng họ và từ nhiều mặt khác của xã hội,…nên có khi cha mẹ của chúng ta lại phải gay gắt với chúng ta, hẳn đó cũng là chuyện đương nhiên thôi. Nên, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề vừa thực tế và vừa sâu sắc như vậy, thì những sự giận hờn, trách móc của ta đối với cha mẹ ta dần dần sẽ được chuyển hóa”.
Nếu các bạn giận bạn bè hoặc con người, thì xin các bạn hãy ngồi yên lắng để theo dõi hơi thở, sau đó tâm của các bạn sẽ được định tĩnh, rồi các bạn sẽ chiêm nghiệm như sau: “ Bạn bè của ta là những người đã từng đồng sự với ta, đã cùng với ta chia sẻ những nỗi vui buồn, tuy nhiên họ vẫn có những nỗi khó khăn riêng của họ từ bản thân, gia đình, dòng họ và xã hội, nên họ cũng không thể nào đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu của ta, cũng có khi họ phải nói dối với ta. Và chính ta cũng vậy, ta cũng có những khó khăn của chính ta, như bạn bè của ta đã từng khó khăn, và ta cũng đã nhiều lần nói dối với bạn bè ta hoặc cũng đã nhiều lần làm cho bạn bè ta nổi giận. Khi ta nhìn sâu vào đời sống của bạn ta và ta hiểu như vậy, thì sự giận hờn và trách móc của ta đối với bạn ta từ từ được chuyển hóa”. Và nếu các bạn giận hờn con người, thì các bạn hãy nhìn sâu vào đời sống của con người để thấy những điểm tích cực cũng như những điểm khó khăn của chính nó, để cho cơn giận của bạn đối với họ cũng từ từ được chuyển hóa.
Nếu bạn nào có sự giận hờn đối với người yêu của mình, thì các bạn cũng hãy ngồi yên lắng, theo dõi hơi thở để cho tâm tư lắng yên, sau đó các bạn hãy quán chiếu như thế nầy: “ Ta đến với người yêu, bằng những nhu yếu vật chất, bằng những nhu yếu của bản năng, bằng những nhu yếu của tình cảm, hay bằng những nhu yếu của tri thức,… Và dù ta đến với người yêu bằng bất cứ những nhu yếu nào, thì người yêu của ta cũng chỉ có thể đáp ứng được phần nào trong những nhu yếu của ta mà thôi. Người yêu của ta cũng có những khó khăn từ bản thân, gia đình, dòng họ, bạn bè và xã hội. Khi quán chiếu thâm sâu như vậy, các bạn từ từ sẽ chuyển hóa được cơn giận của các bạn đối với người yêu”.
Và, giáo sư Maya Whiteley lại nói là giận chính mình, vậy xin giáo sư hãy nhìn sâu vào chính mình để thấy và biết như sau: “Hình sắc nầy không phải là tôi, tôi không phải là hình sắc nầy, nên tôi không bị buộc ràng bởi chúng, tôi là sự sống vô tận trong mọi không gian và dòng sống vô tận trong mọi thời gian; các cảm giác nầy không phải là tôi, tôi không phải là những cảm giác nầy, nên tôi không bị buộc ràng bởi chúng, tôi là sự sống vô tận trong mọi không gian và dòng sống vô tận trong mọi thời gian; những tri giác nầy không phải là tôi, tôi không phải là những tri giác nầy, nên tôi không bị buộc ràng bởi chúng, tôi là sự sống vô tận trong mọi không gian và dòng sống vô tận trong mọi thời gian; những hạt giống đang hiện khởi và vận hành trong tâm thức nầy không phải là tôi, tôi không phải là những hạt giống đang hiện khởi và vận hành trong tâm thức nầy, nên tôi không bị ràng buộc bởi chúng, tôi là sự sống vô tận trong mọi không gian và dòng sống vô tận trong mọi thời gian; các nhận thức nầy không phải là tôi, tôi không phải là các nhận thức nầy, nên tôi không bị ràng buộc bởi chúng, tôi là sự sống vô tận trong mọi không gian và là dòng sống vô tận trong mọi thời gian. Các bạn hãy quán chiếu thường trực và sâu xa như vậy, thì các bạn sẽ chế ngự và chuyển hóa được những cơn giận khởi lên ở nơi chính bạn do những hình sắc, do những cảm giác, do những tri giác, do những chủng tử hiện khởi và vận hành trong tâm thức và do những nhận thức sai lạc ở nơi chính bạn đem lại”.

Thiên đàng và hạnh phúc:
Như vậy, bây giờ chúng tôi muốn nói với quý vị rằng, ta sống có hạnh phúc, khi trong tâm ta không còn có sự giận hờn ai cả, mà chỉ có tình thương thôi. Ta sống như vậy thì ở đâu và bất cứ lúc nào ta cũng có hạnh phúc. Còn nếu ta sống với tâm tư đầy giận hờn, trách móc, thì ở đâu chúng ta cũng đau khổ cả. Các bạn nên nhớ, chúng ta sống với tâm tư đầy giận hờn và trách móc, thì ta không bao giờ lên được thiên đàng; bởi vì thiên đàng, nơi đó vắng mặt sự giận hờn và trách móc. Như vậy, ta muốn lên thiên đàng thì ta phải đi bằng con đường nào? Ta không thể đi bằng con đường van xin và quỵ lụy, mà ta hãy đi bằng con đường chuyển hóa cơn giận của chúng ta và phát triển sự thương yêu rộng lớn. Như vậy, thiên đàng là gì? Thiên đàng là một cõi mà nơi đó chỉ có tình thương, sự hiểu biết, sự bao dung mà không bao giờ có mặt của sự giận hờn, trách móc và khổ đau. Vậy, các bạn có gì thắc mắc không?
-Các sinh viên: Trong Phật giáo có thiên đàng không?
-T.T Thái Hòa: Phật giáo có cõi cực lạc. Thiên đàng là cõi của các tôn giáo bạn.
-Các sinh viên: Niết Bàn có phải là Thiên đàng không?
-T.T Thái Hòa: Các bạn không nên hiểu Niết Bàn theo nghĩa Thiên đàng trong ý nghĩa của các tôn giáo bạn. Niết Bàn là thế giới của tâm hồn vắng mặt hoàn toàn những hạt giống gây ra khổ đau và hậu quả của nó. Cho nên, chúng ta không phải đợi đến khi chết đi mới đến Niết Bàn. Ta đến với Niết Bàn ngay trong đời sống này, bằng một tâm hồn vắng bặt hoàn toàn những hạt giống sầu muộn và khổ đau. Bởi vậy, các bạn phải hiểu rằng, Niết Bàn không phải là một sự hứa hẹn ở thế giới bên kia, mà nó ở ngay nơi thân tâm nầy và bây giờ. Đó là điểm khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác đều hứa hẹn với tín đồ của họ là phải làm những điều tốt đẹp trong hiện tại, để tương lai sau khi chết, họ sẽ được lên Thiên đàng, hay đi về với thế giới bên kia có nhiều hạnh phúc và an lạc.
Nhưng, đối với đạo Phật không hứa hẹn như vậy. Đạo Phật nói với chúng ta rằng, chúng ta làm những gì tốt đẹp trong đời sống hiện tại này, thì chúng ta cũng có thể gặt hái kết quả tốt đẹp đó ngay ở đây, hoặc chúng ta cũng có thể đi tới Niết Bàn ngay trong đời sống hiện tại này, chứ không phải đợi đến sau khi chết. Vậy, các bạn có hiểu không? 

Cái chuông bị đánh:
-Các sinh viên: Thưa Thầy, thế thì khi nước Pháp xâm chiếm Việt Nam, người Việt Nam phản ứng lại, dưới con mắt của tu sĩ Phật giáo Thầy nghĩ như thế nào?
-T.T Thái Hòa: Trước khi trả lời câu hỏi nầy, xin các bạn hãy cùng chúng tôi nghe tiếng chuông.( tiếng chuông ngân lên)
-T.T Thái Hòa: Sau khi ngồi yên lắng nghe tiếng chuông xong, các bạn đã nhận ra được điều gì ở nơi tiếng chuông ấy? (Không có một ai lên tiếng.)
-T.T Thái Hòa: Các bạn thấy không? Nếu cái chuông không bị đánh, thì tiếng chuông sẽ không ngân lên. Như vậy, có tiếng chuông ngân lên là do cái chuông bị người khác đánh. Bị đánh mà ngân lên, hay bị áp bức mà phản ứng, đó là quy luật tự nhiên của mọi sự sinh tồn.

Do đó, dân tộc Việt Nam bị dân tộc Pháp xâm chiếm, nên đã phản ứng lại, đó chỉ là quy luật sinh tồn rất tự nhiên của một dân tộc. Và trên thế giới không có một dân tộc nào bị xâm lăng bởi một dân tộc khác, mà dân tộc ấy không phản ứng, dưới hình thức nầy hoặc hình thức khác. Trong quá khứ nước Ấn Độ đã từng bị Anh quốc xâm lăng, Thánh Gandhi đã lãnh đạo dân Ấn phản ứng bất bạo động đối với chính phủ Anh, buộc chính phủ Anh quốc phải trả lại sự độc lập cho quốc dân Ấn. Và trong quá khứ Anh quốc cũng đã từng xâm chiếm Hoa Kỳ, và cũng đã bị nhân dân Hoa Kỳ phản ứng, nên sau đó, Anh quốc cũng phải trả lại sự độc lập cho Hoa Kỳ,…
Với ý thức tự tôn dân tộc, nên đất nước này đi xâm lăng đất nước kia và chiến thắng đất nước kia, để đem lại vinh quang cho đất nước mình, điều đó dưới cái nhìn của Phật giáo đều là vô minh cả; đều là những việc làm không có gì gọi là thông minh hết.
Mình đem lại vinh quang cho dân tộc mình bằng chiến thắng bạo lực, vũ lực, thì đó không phải là vinh quang đích thực. Chiến thắng đó, dưới cái nhìn Phật giáo là một sự thất bại. Bởi vì mình đã hy sinh bao nhiêu công sức, tài nguyên và nhân mạng để làm chuyện đó, trước hết là thiệt cho chính đất nước đi xâm lăng. Bạn tự nghĩ, bạn chuẩn bị đánh ai, người bị bạn đánh, người ấy bị khổ đau ít; còn bạn chuẩn bị đi đánh người khác, thì bạn luôn nơm nớp lo sợ, vì tính toán, nên thời gian khổ đau của bạn nhiều hơn. Khi bạn đánh thắng người kia, thì bạn vui một chốc lát thôi, còn sau đó bạn hoàn toàn đề phòng và lo lắng người kia sẽ trả thù. Cho nên, sự chiến thắng giữa quốc gia này với quốc gia khác bằng bạo lực, đó là một sự chiến thắng ngu muội, một sự chiến thắng ở trong sự thất bại. Do đó, dưới cái nhìn của Phật giáo, kẻ thắng hay người bại đều là con người. Tất cả chúng ta đều là con người, chúng ta phải đi tới ôm nhau để tạo ra sự sống với nhau. Bởi vậy, sự giáo dục của Phật giáo không đời nào giáo dục sự đấu tranh bằng bạo lực. Sự giáo dục của Phật giáo khi nào cũng đề cao sự thương yêu, sự thông cảm và bao dung; và con người phải nhìn nhau bằng đôi mắt nhân ái. Chúng ta phải thấy trong trái tim của giáo sư Bob Lesser có nhà sư Thái Hòa, trong trái tim của nhà sư Thái Hòa có mặt của Bob Lesser, trong trái tim của giáo sư Maya Whiteley có nhà sư Thái Hòa và trong trái tim của nhà sư Thái Hòa có chất liệu của giáo sư Maya Whiteley ở trong. Cho nên, chúng ta nghĩ rằng, làm cho người khác đau khổ để mình có hạnh phúc, đó là suy nghĩ sai lầm; và mình nghĩ rằng, mình sẽ đi chiếm một quốc gia khác để làm cho quốc gia mình vinh quang; đó là một quan niệm sai lầm của người lãnh đạo đất nước. Có thể trong thế kỷ 21 này, chúng ta làm thế nào đó để con người khắp mọi quê hương trên trái đất này đều nhìn nhận ra rằng, chúng ta là con người, chúng ta rất cần sự có mặt của nhau và rất cần nhìn nhận sự tích cực của nhau.
Trong con người chúng ta, ai cũng có nước mắt cùng mặn và máu cũng đỏ. Ai cũng ham sống và sợ chết. Ai cũng muốn hạnh phúc và an lạc. Chúng ta cần phải nói với nhau như vậy, chúng ta cần phải giáo dục cho nhau biết như vậy. Chúng ta cần phải hướng dẫn cho nhau như vậy. Chúng ta sẽ xây dựng ngôi nhà cho cả thế giới loài người sống trong hòa bình.

Nuôi dưỡng hòa bình:
Để nuôi dưỡng điều ấy, trong Phật giáo chủ trương ăn chay. Ăn chay có khả năng chuyển hóa cơn giận và dục vọng của chúng ta tận gốc rễ. Vì thịt của loài vật chứa đầy những sinh hoạt theo bản năng, dục vọng của thú tính và giận dữ. Loài người chỉ có văn minh thật sự, khi nào con người biết ăn chay. Và thế giới của loài người có hòa bình thật sự, khi nào con người biết ăn chay. Là những người trẻ, các bạn thử nghĩ, mình có thể chấp nhận một người lớn ăn hiếp một trẻ thơ; một người có sức mạnh đánh một đứa trẻ được không? Công lý của sự sống không ai chấp nhận như thế cả. Chúng ta có thể chấp nhận một người đàn ông vạm vỡ đánh một người phụ nữ yếu đuối không? Người lớn mạnh đánh một đứa trẻ nhỏ, hay đánh một người yếu đuối, đó là một sự tàn nhẫn. Đó là một hành động phi đạo đức. Thế thì các bạn nghĩ như thế nào, khi con người có trí năng cao như thế này, với khoa học hiện đại như thế này, mà chúng ta lại đánh vào bầy gà, đánh vào con chó, đánh vào những loài súc vật nhỏ bé với trí năng của chúng rất thấp và sự bảo vệ của chúng không có là bao, để chúng ta giết chúng mà ăn thịt. Và các bạn biết, khi một người lớn đánh người nhỏ, hay con người đánh loài súc vật, giết loài vật để ăn, thì sự giận dữ của người nhỏ như thế nào, sự giận dữ của loài vật đó như thế nào đối với chúng ta? Do đó, ăn chay là nuôi dưỡng đức tính thương yêu trong chúng ta, đem lại sự an lạc và che chở cho muôn loài. Nên, ăn chay là một nét văn hóa, một vẻ đẹp trong đời sống con người. Như vậy, trong đời sống các tu sĩ Phật giáo Đại thừa Bắc tông ăn chay, không những để chuyển hóa cơn giận giữa mình và mọi loài mà còn là để phát triển tình thương, bảo vệ và tôn trọng sự sống, ban bố sự không sợ hãi đến cho muôn loài. Chiến tranh và hòa bình đều có mặt ngay trong mỗi bữa ăn của chúng ta. Thiên đàng hay địa ngục cũng có mặt ngay trong mỗi bữa ăn của chúng ta. Nên, ăn chay trong Phật Giáo là một sự lựa chọn, một sự tự nguyện có ý thức cấp cao mà những loài sinh hoạt theo bản năng hoặc những người sinh hoạt theo nghiệp chủng không thể thực hiện nổi. Các loài vật ăn cỏ không phải là ăn chay, vì chúng ăn theo bản năng hoặc ăn theo nghiệp mà không phải ăn bằng ý thức tự nguyện. Ăn chay bằng ý thức tự giác và tự nguyện mới gọi là ăn chay đích thực.
Như vậy, các bạn thấy, chúng ta có sức mạnh, chúng ta có trí tuệ, chúng ta có trí năng mà dùng sức mạnh, dùng trí năng cao cấp đó để ức hiếp những người yếu đuối hơn mình, những loài vật nhỏ bé hơn mình, thì quý vị nên biết rằng, chính sức mạnh đó là sức mạnh tàn ác, trí năng đó là trí năng mang chất liệu không lành mạnh. Và các bạn thấy, trên trái đất này một quốc gia mạnh về bạo lực, vũ khí, khoa học kỹ thuật tấn công vào một quốc gia yếu về khoa học kỹ thuật là hành động phi nhân bản, phi đạo đức. Nhưng mà các bạn thấy, không có sức mạnh nào có thể mạnh hơn sức mạnh vô thường, chính sức mạnh vô thường nầy đưa tất cả chúng ta đi đến sự hủy diệt mà không có một sức mạnh nào có thể cản nổi. Sự hủy diệt không cần chúng ta mời gọi, chúng không đến với tất cả chúng ta từ bên ngoài, chúng đã có mặt một cách tự nhiên trong đời sống của mỗi chúng ta, chúng ta cần phải ý thức cho được điều đó, để chúng ta sống cho thật có ý nghĩa và cho có nét đẹp của con người.

Tôi cần sự hiểu biết về hơi thở:
Trong thế kỷ 21 này, chúng ta làm thế nào đó để tạo ra sự quân bình cho thế giới con người, bằng cách chúng ta trao đổi những nhận thức, trao đổi văn hóa, trao đổi tôn giáo, trao đổi khoa học kỹ thuật, trao đổi thương mại để tất cả các quốc gia trên thế giới đều có sự quân bình như nhau. Đất nước này phải giúp đỡ đất nước kia, đất nước kia phải giúp đỡ đất nước này. Đó là tình thương yêu mà giới trẻ của chúng ta ở thế kỷ này phải làm cho bằng được. Tất cả chúng ta đều là sứ giả của tình thương. Các bạn có thấy không, hai người thương nhau, mà giận nhau thôi, đã làm cho mình khổ đau rồi, kéo theo thêm đau khổ cho bạn bè của mình, cha mẹ của mình cả hai phía. Mới chỉ hai người thôi, mà đã là như thế, huống chi là sự giận hờn giữa hai quốc gia, thì sẽ kéo thêm rất nhiều khổ đau của hàng trăm triệu người. Và không những hàng trăm triệu người trong một thế hệ, mà còn nhiều thế hệ về sau nữa.
Do đó, đạo Phật nói cho tất cả chúng ta rằng, mọi người trên trái đất nầy đều là anh em. Tất cả chúng ta đều là người con của đức Phật. Bởi vì trong mỗi chúng ta đều có Phật tánh. Chúng ta phải phát triển Phật tánh ở trong mỗi chúng ta, để nuôi dưỡng con người của chúng ta, khiến cho tất cả chúng ta, cùng đi tới với nhau không có gì ngăn ngại nữa cả. Và để cho chúng ta có điều kiện chăm sóc các loài thú vật thấp kém hơn chúng ta. Và chúng ta có thì giờ để bảo vệ sự an toàn vô nhiễm của dòng sông, của biển cả, của núi rừng,… Chúng ta có khả năng để chăm sóc luôn bầu khí quyển mà chúng ta đang thở. Chúng ta cần một không khí lành mạnh để thở và sống. Chúng ta không thể sống hạnh phúc, nếu ta không có hơi thở và không khí. Tôi cần hơi thở và không khí lành mạnh hơn cần chủ nghĩa. Tôi cần hơi thở và không khí lành mạnh hơn cần cái gọi là vinh danh chủ nghĩa dân tộc. Có chủ nghĩa dân tộc, có chủ nghĩa tôn giáo mà không có hơi thở và không khí, thì mọi chủ nghĩa kia đều trở thành vô nghĩa với tôi, với tất cả mọi người, phải không các bạn? Hơi thở đối với tôi là Thượng Đế. Vì hơi thở là khởi điểm của sự sống và là căn để phát triển sự sống. Không có hơi thở các bạn không tài nào có được sự sống. Vậy, các bạn hãy tiếp xúc với hơi thở mỗi ngày thì mỗi ngày các bạn đều tiếp xúc được với Thượng Đế. Không có một nhà Thần học nào định nghĩa Thượng Đế là hơi thở cả, mà đó chỉ là định nghĩa của Nhà sư Thái Hòa thôi. Và Phật là gì? Phật là Người đã đạt đến sự tự tại đối với mọi hơi thở. Và Ngài biết một cách tường tận tác nhân, tác duyên, bản chất, hình loại, tác dụng, kết quả cũng như ngọn ngành và gốc rễ của mọi hơi thở. Như vậy, các bạn thấy không, hơi thở hết sức hệ trọng và thân thiết với chúng ta mà chúng ta không biết, thử hỏi chúng ta biết cái gì?
Cho nên, đạo Phật giúp cho chúng ta thấy rõ hiện thực mà chúng ta đang sống là cái gì. Nên, trước đó chúng tôi đã nói với các bạn, phần nhiều chúng ta chuẩn bị để sống mà không có ai chịu sống cả. Cho nên, chúng ta sống như một bóng ma trên trái đất. Chúng ta thở có ý thức thì sự sống của chúng ta thật có ý nghĩa và trên đầu của chúng ta bầu trời vẫn mãi còn xanh!
Xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe và đã có những câu hỏi thật thú vị, xin chào các bạn và hẹn có dịp sẽ gặp lại.
Các Giáo Sư , các sinh viên Hoa Kỳ và Anh quốc đã cảm ơn T.T Thái Hòa một cách chân thành và sung sướng, sau hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ ngồi yên lặng trao đổi và lắng nghe, họ chào tạm biệt và hẹn sẽ gặp lại trong một dịp khác.

Tăng sinh Từ Niệm phiên tả.

THÍCH THÁI HÒA (Mây Trắng Hỏi Đường Qua 2)

Vào 14:24 Ngày 30 tháng 3 năm 2011,

 Houng Nguyen <houng.nguyen@yahoo.de>

 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage