"Ngụy thiện"?
Có khi biết rõ cái đang diễn trước mặt mình quá ư giả dối, nhưng lại
sợ "vạch áo cho người xem lưng", sợ "xấu chàng hổ ai", nên sự giả dối,
bất lương càng có đất để sống dai và biến tướng.
Giả dối luôn song hành với sự hèn yếu, thiếu tự tin nơi nhân cách,
chuyên môn của chính mình. Một khi thước đo nhân cách bị đánh mất thì họ
sẽ tìm cách bưng bít và ngăn che sự thật. Biểu hiện rõ nhất của sự giả
dối, dối trá là bên ngoài người ta có thể đóng vai làm "nhà từ thiện"
nhưng bên trong thì ra sức tiêu thụ hàng quá đát, hàng độc hại để thu
lợi bất chính.
Không ít người sẵn sàng làm chứng gian cho nhau, hoặc ngậm miệng cho
qua mọi chuyện để cầu toàn, hưởng lợi... Vì thế giả dối luôn song hành
với tâm lý xấu che, tốt khoe và sợ sự thật. Trong các quan hệ ứng xử,
một khi người ta thiếu lòng tự trọng và sợ sự thật, thì đó là lúc sự giả
dối phát tác và bắt đầu gây hại.
Cũng cần phân biệt thêm giữa nói dối, giả dối và gian dối. Nói dối
phần nhiều liên quan đến cái miệng, nhưng giả dối và gian dối thì vượt
xa sự bất lương của cái miệng. Vì nó còn là thủ đoạn được thúc đẩy ngay
trong hành động và ý nghĩ gây hại.
Nói thì dễ, làm thì khó. Nói dối không chỉ là nói sai sự thật, quá sự
thật mà còn là nói hoa mỹ, khoa trương, thêu dệt, nói vô bằng. Đằng
trước nói phải sau lưng nói trái, nói ác độc gây thù hận, đổ vỡ... Nói
dối và làm dối có tác hại ở những mức độ khác nhau, nhưng nếu cả nói dối
và làm dối cùng bị ý thức điều khiển thì cụôc sống sẽ phát sinh nhiều
bất ổn.
Việc thích nghe khen, nghe nịnh, nghe tâng bốc cũng ít nhiều tiếp tay
cho sự giả dối. Giả dối tạo ra sự mất mát niềm tin trong xã hội, một
khi ai đó cứ mở miệng ra là rao giảng đạo đức, nhưng cách hành xử thực
tế thì luôn đi về phía ngược lại. Hệ thống quản trị xã hội đến lúc nào
đó sẽ đối mặt với khủng hoảng một khi các giá trị đạo đức bị bất tín.
Nói như dân gian: "Trăm năm tích đức tu hành, một nhời thất đức công trình đổ đi"...
Thông thường, đứng trước sự giả dối nhất thời, người ta sẽ quy ngược
và tẩy chay cả quá trình "tích đức" lâu dài trước đó. Vì thế thành tích
quá khứ cũng khó "đỡ" nổi cho cái hiện tại trần trụi, nhiều khuyết tật
này. Nhưng nếu ai dũng cảm nhận trách nhiệm, không đổ lỗi, thì họ sẽ có
cơ hội phục dựng lại hình ảnh nhân cách của mình, xây dựng niềm tin vào
sự tốt đẹp cho cộng đồng.
Nếu dùng quyền lực, tiền bạc để bao che tội lỗi, thì sẽ tạo ra cho
đời sống ứng xử một thứ lo ngại hữu hình, rằng sự thật không những không
được phơi bày mà còn để cho sự giả dối ngang nhiên công phá vào thành
trì niềm tin con người.
Khi các mối quan hệ xã hội xảy ra sự mất niềm tin ở diện rộng đối với
nhau thì người ta dễ dàng phân tuyến và củng cố cho cái nhìn đối lập
"yêu nên tốt ghét nên xấu" của mình. Do đó, những cơ hội để người ta
điều chỉnh và tương thông với nhau sẽ bị sự thành kiến ngăn chặn.
Rõ ràng cái nhìn "yêu nên tốt ghét nên xấu" của người Việt mình chưa
sửa chữa được cái khuyết điểm lịch sử trong việc "định nghĩa" con người
là thiện hay ác, có thể sửa chữa hay không. Đây cũng là quan điểm không
thống nhất của Nho gia và Pháp gia trong lịch sử cai trị mà Việt Nam
từng chịu ảnh hưởng.
Pháp gia nghĩ ra mọi điều luật để tăng tối đa các công cụ cai trị có
lợi cho vương quyền, trong khi Nho gia thì gia giảm và bổ sung nhiều các
phép tắc đạo đức, thậm chí ở một mức độ khó tin như "mệnh trời". Cũng
vì đổ hết cho mệnh trời, nên lời nói và thực hành ít đi đôi với nhau.
Khi chữ "trung" được đẩy lên mức cao nhất (trung thần bất sự nhị
quân), thì đặc quyền của giới quý tộc gần như không có điểm dừng, trong
khi dân chúng phải chịu đủ mọi thứ khắc chế. Hàng nghìn năm dân tộc ta
phải sống chung với cái không có thật là "mệnh trời", một dạng "nguỵ
thiện" trong cai trị.
Sẽ rất khó khăn để nói thẳng, nói thật trong những trường hợp ứng xử
xã hội thiên về lối sống duy cảm kiểu "yêu nên tốt ghét nên xấu". Và đó
là lý do pháp luật khó được thực thi và sự thật luôn bị đẩy vào góc
khuất.
Còn nhiều cái không có thật, cái ảo tưởng vẫn tiếp tục cai trị trong
đầu óc con người, nên người ta buộc phải học cách để sống chung với nó.
"Nguỵ thiện" là lấy cái học đạo đức giả làm nền cho ứng xử, khiến cho
người ta thích nghe những lời tâng bốc và luôn sợ hãi trước sự thật.
Giả dối- ý thức bị cái ác chế ngự hoàn toàn
Theo quan điểm của đạo Phật, rất khó để có những lời nói dối không
gây hại cho ai, nên nói dối dù ở mức độ nào vẫn phải dẫn đến "quả báo"
mất mát niềm tin. Nói dối có nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng giả
dối thì được huấn tập vào trong tính cách, đến một lúc lấn lướt và trở
thành cái đối lập với sự chân thật, công lý.
Làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong
sạch khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che
sự thật.
|
Có nhiều tình huống người ta phải nói dối, nhưng đó không phải là sự
giả dối. Giả dối có cấp độ cao hơn nhiều nói dối, vì ở đó ý thức đã bị
cái ác chế ngự hoàn toàn.
Trong vế tâm lý "ghét nên xấu", người ta dễ dàng nuôi dưỡng ý định
gây tổn hại cho đối phương. Thậm chí, chỉ cần nghe đối phương gặp khó
khăn thì họ cũng coi đó là cơ hội để vui sướng, ăn mừng. Ngay cả việc
dùng công cụ bạo lực để hại người cũng được xem như một thứ niềm vui.
Đôi lúc người ta còn tranh luận: "Tôi chỉ mới có ý định giết người thôi,
còn đã có ai chết đâu mà tôi bị coi là phạm tội giết người".
Theo quan điểm của đạo Phật, mọi hành động được dẫn dắt bởi ý thức sẽ
quyết định nghiệp mà họ phải trả. Trong trường hợp này, dù người kia
chưa giết người thì tội giết người cũng đã thành lập, vì ý thức trung
tâm đã bị cái ác kiểm soát. Đạo Phật gọi đó là tự tác, giáo tha tác,
kiến tác tuỳ hỷ (tự tay mình giết, bảo người khác giết, thấy người khác
giết mà vui theo).
Dù ở tình huống phải giết một để người cứu vạn người thì vẫn phải
chịu qủa báo giết người, không gì có thể bù lấp được cho hành vi cố sát.
Vì giết cái ác trong một con người chỉ là giết một vế của con người,
còn đang tâm giết cả con người là giết luôn cái thiện, không cho người
khác cơ hội để sống và sửa chữa.
Khi ý thức thù nghịch phân tuyến và trở thành định kiến trong ứng xử
xã hội thì sẽ tạo ra một môi trường giáo dục ít khoan dung và hoà giải.
Một khi lòng từ bi không phải là sức mạnh thì càng sử dụng bạo lực, càng
cho thấy sự sợ hãi. Phản ứng của sự sợ hãi chính ngăn che sự thật,
khiến người ta không thấy được hành vi gây tổn hại, nhất là khi ý thức
đã bị sự hiềm thù, đối đầu kiểm soát.
Trong nhiều trường hợp, pháp luật và nhân nghĩa đời thường không gặp
gỡ nhau. Và xã hội "nguỵ thiện" là xã hội mà ai cũng tự cho rằng mình là
"chân lý". Ngay cả tôn giáo, một nơi được xem là có nhiều bài học đạo
đức nhất, mà sự chết chóc, thù hận do xung đột tôn giáo cũng không hề
giảm.
Pháp luật và đạo đức có đầy đủ các mức độ để kiểm soát hành vi, duy
trì trật tự xã hội, nhưng nó sẽ trở nên "nguỵ thiện" khi những người tạo
ra nó sống bằng hành vi đạo đức giả, thiếu vắng sự soi chiếu nội tâm và
kiểm soát ý thức. Song những bất ổn xã hội là một tương quan rộng lớn,
trong đó có cả tâm thức khơi mào cho những nghi kỵ, thù hận, khắc sâu và
đưa đẩy những mối họa tham sân si lớn hơn của con người để tranh giành
ích lợi và ảnh hưởng, đôi khi chỉ để thỏa mãn cái tự ngã nhất thời.
Tính giả dối và căn bệnh sợ sự thật
Trong lịch sử, Pháp gia và Nho gia ra sức bảo vệ vương quyền bằng đủ
mọi quy định pháp luật và quy chuẩn đạo đức. Tuy nhiên, đạo đức tôn giáo
và pháp luật trong tình huống cụ thể nào đó lại không có cùng tiếng nói
với nhau.
Bởi "đạo đức nguỵ thiện" và "pháp quyền mánh khoé" đều có những mặt
lợi hại, nhưng bao nhiêu thế kỷ nay nó chỉ dừng ở mức khắc chế và thúc
ước nhau, chứ không bao giờ triệt tiêu nhau. Và khi lợi ích được dàn
xếp, nó sẽ tìm cách xích lại gần nhau.
Người Việt mình có một hạn chế là thấy cái gì đó mới là vồ vập, nhưng
không theo đuổi cái gì cho đến nơi đến chốn. Thế nên không ít lần tiếp
nhận tư tưởng khác, nhưng ít tiếp nối và thừa kế những tinh hoa của nó.
Nói chung là thiếu một cái nhìn tương quan toàn diện.
Một giới hạn khác là luôn tỏ ra sợ hãi khi phải thừa nhận những sai
lầm. Vì thế dù pháp luật có quy định chi tiết thì người ta cũng không đủ
tự tin để giải quyết dứt điểm, tạo nên những thái độ lừng khừng, lưng
chừng, nửa vời, nhìn trước ngó sau để bảo toàn cho mình. Quy hoạch chiến
lược ở ta yếu cũng chính vì tính cách ăn xổi ở thì, thiếu bản lĩnh tự
tin này.
Có người quan tâm hỏi người bạn của mình rằng: "Nghe nói anh bị ung
thư phải không?". Người bạn trả lời: "Không, tôi không có bệnh gì cả".
Một thời gian ngắn sau người kia thấy anh bạn của mình qua đời vì bệnh
ung thư, bèn chặc lưỡi: "Rõ ràng anh ta chết vì ung thư mà cứ bảo mình
không có bệnh gì?". Việc chết đến nơi rồi mà vẫn không thừa nhận mình có
bệnh. Đó là bệnh gì, nếu không phải là bệnh sợ hãi sự thật.
Sợ sự thật, sợ phải tiếp cận, đối mặt với sự thật sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến tự huỷ hoại.
Trong một bài báo, nhà báo Hữu Thọ có nói: "Muốn nghe được lời nói
thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời
nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát. Để bệnh
nói dối tràn lan chủ yếu là tại người nghe".
Có sự thật nào thật hơn những phát biểu ấy? Đến nỗi Giáo sư Hoàng Tuỵ phải thốt lên: "Sự giả dối đang là mối nhục lớn".
Nhưng ai là người đi đầu trong nhận thức "biết nhục" để xã hội không
nhục, thì còn tuỳ vào việc có người nghe được lời nói thẳng và nghe được
sự thật hay không.
Cái thói quen ứng xử "yêu nên tốt, ghét nên xấu" cũng khơi mào cho
việc dung dưỡng sự giả dối, đánh tráo khái niệm và làm sai lệch nhận
thức. Khi không còn niềm tin ở nhau, xã hội ở tất cả các phía ghét yêu
đều muốn giành phần thắng về mình bất chấp cả "lời nói dối", bất chấp
việc bẻ chữ, bẻ nghĩa để gây bất lợi cho đối phương. Đó cũng là hình ảnh
sinh động nhất của một xã hội đang dạy nhau dối trá.
Tuy nhiên cũng cần phải hiểu, vì còn có người giữ vai trò cầm cân nảy
mực ưa nói dối, làm dối, nên người khác cũng dùng chính cách ấy để
chống lại họ. Như vậy, nhẽ ra chúng ta có được một xã hội có đủ người
nói thẳng, nói ngay, nói đúng sự thật, có đủ người nghe thẳng, nghe
ngay, nghe đúng sự thật..., thì vì định kiến "truyền thống", "chủ
nghĩa", "tôn giáo", ngay cả những người được xem là nói được, viết được
để tác động đến dư luận xã hội cũng rơi vào hoạt cảnh dối trá...
Khi những cái dối trá ấy gặp nhau, đối chọi nhau thì làm gì có một xã
hội đàng hoàng đúng nghĩa. Một khi cái sự gian dối bị đẩy vào góc
khuất, đẩy vào bí mật quá lâu thì sẽ tạo ra sự bất tín. Theo quan điểm
của đạo Phật, nói dối bất cứ điều gì đều phải chịu quả báo, và quả báo
nhãn tiền là ngay cả khi nói thật nhưng cũng không ai tin.
Truyện kể dân gian có nói đến nhân vật một đứa trẻ, vì muốn đánh lừa
người khác để làm vui thích, đã hô cháy nhà để mọi người chạy đến cứu.
Nhưng khi trò đó tái diễn vài lần, thì người ta không còn tin vào nó
nữa. Cho đến khi nhà nó xảy ra hoả hoạn, nó hô khản cả cổ nhưng cũng
không ai thèm để ý để chạy đến cứu.
Trong lịch sử dân tộc, vua Lý Nhân Tông từng xuống chiếu cầu lời nói
thẳng, xét người có tài đức cho quản quân dân. Như thế phải quý trọng sự
thật, phải có sự dũng mãnh và lòng khoan dung độ lượng hơn người mới có
thể lắng nghe được sự thật, lắng nghe được lời nói thẳng.
Trong các quan hệ xã hội, không dung được người khác thì cũng không
dung được mình. Dung người thể hiện ở chỗ biết lắng nghe lời nói thẳng.
Không dung được người biểu hiện ở hành vi trấn áp bằng bạo lực và các
ứng xử dưới chuẩn khác. Do đó càng sử dụng bạo lực, càng dối trá thì
càng lộ ra sự kém cỏi trong nhận thức, cũng như sự sợ hãi, hoảng loạn,
mất định hướng trong tinh thần.
Khi bạo lực hành vi, ngôn từ trong xã hội thắng thế thì hành xử của
con người ngày càng xa rời các giá trị đạo lý, càng sợ hãi trước sự
thật... Làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch
khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự
thật.