Chùa Bửu Minh

Thế thì một Ban Thông tin – Truyền thông của Giáo hội sao lại không tính đến chuyện cử một đại diện phát ngôn chính thức mỗi khi có những diễn biến xã hội tác động đến chứ.


 

Tôi xin được trao đổi về bài viết “Trao đổi về bài viết “Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN sẽ làm gì?” của tác giả Quảng Tịnh như sau:
 
Nếu như tác giả Quảng Tịnh là người có tên trong danh sách của Ban Thông tin - Truyền thông, thì tin chắc tôi chờ mong câu trả lời “sẽ làm gì?” căn bản nhất ấy cho báo chí Phật giáo. Nhưng nếu không phải thế, thì với tư cách của một tu sĩ bình thường như bao người khác, tôi hoàn toàn có thể đặt câu hỏi đó ra đối với Ban Truyền thông sắp được thành lập của Giáo hội. Và tôi nghĩ một “Ban” được thành lập mà được lắng nghe nhiều ý kiến, kể cả trái chiều thì đó mới thể hiện đúng tinh thần “thành lập” của nó.
 
Điểm thứ nhất tôi đã nói ở bài trước, xin dẫn nguyên văn: “Chưa rõ “Ban” này sẽ có kế hoạch gì để thay đổi tình trạng yếu kém của báo chí Phật giáo Việt Nam hiện nay. Chỉ biết nó “h...ào hứng” ra đời để phụ họa với sự kiện AVG thành lập kênh truyền hình (không chính thức) về Phật giáo. Nếu cho rằng vì có một kênh truyền hình về Phật giáo, nên phải có một Ban Thông tin - Truyền thông, thì đây là một sự lạc quan ngây thơ về lĩnh vực báo chí”.
 

Ban Truyền thông GHPGVN giới thiệu Truyền hình An Viên
 
Ý của tôi rất rõ là cần một “kế hoạch” cho ban này, trước thực trạng yếu kém của báo chí Phật giáo hiện nay, chứ không phải chỉ là sự phụ họa cho việc ra đời của AVG. Báo chí Phật giáo không phải AVG và AVG không phải báo chí Phật giáo. Xin nhấn mạnh là “báo chí” nói chung chứ không phải riêng lĩnh vực truyền hình. Và chính tác giả cũng đã nói: “Kênh truyền hình của AVG mà quý thầy nhắc tới không hẳn là một kênh truyền hình Phật giáo. Theo thông tin trên báo chí thì đó là kênh về văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam”.
 
Có thể tôi đã hơi lạc quan khi nghĩ nó là một kênh truyền hình không chính thức về Phật giáo. Bởi nếu nó là một kênh truyền hình không chính thức về Phật giáo như cá nhân tôi mong đợi, thì rất có thể chúng tôi sẽ có một vài hiến kế nho nhỏ cho sự nghiệp chung này. Còn nếu hiểu nó là thuần kinh doanh, một kênh truyền hình trả tiền, và tăng ni là khách hàng, là đối tượng bỏ tiền ra để nó phục vụ, thì rất nên sòng phẳng, bởi bất kỳ ý kiến phản hồi hay than phiền nào, thì AVG cũng rất nên biết lắng nghe và cảm ơn. Tôi nói điều này có vẻ quá thừa so với sự chuyên nghiệp của AVG.
 
Còn tác giả nói tôi: “hạ thấp vai trò của Giáo hội và phủ nhận đóng góp và tâm huyết của các bậc chư tăng và đông đảo Phật tử”, thì xin thưa đó chỉ là một phán xét đầy cảm hứng của cá nhân tác giả, vì tác giả không phải đại diện cho Ban Thông tin - Truyền thông của Giáo hội và càng không phải đại diện cho nhà kinh doanh dịch vụ truyền hình AVG. Vậy thì tôi còn điều gì phải trình bày, báo cáo thêm về điều này với tác giả nữa chứ.
 
Điểm thứ hai thì tôi cảm ơn tác giả vì đã nói giùm cái băn khoăn, thắc mắc của tôi: “Quý Thầy băn khoăn về cơ chế kiểm soát thông tin trên AVG và nghi ngại rằng nó bị sử dụng để phục vụ cho những lợi ích nhóm cục bộ”.
 
Nhưng nếu chúng ta đã minh bạch được với nhau AVG là AVG và Báo chí Phật giáo là Báo chí Phật giáo (cụ thể là Ban Thông tin - Truyền thông), thì hoàn toàn từ đây chúng ta hãy gác cái băn khoăn dư thừa này sang một bên, không cần nói đến nữa. Chỉ vì cái dám “nhận vơ” An Viên là kênh truyền hình không chính thức về Phật giáo, nên tôi mới kỳ vọng như thế, bởi làm truyền hình đâu phải chỉ làm một đời và nơi một người có tâm và có tầm như anh Phạm Nhật Vũ.
 
Và nếu không có một cơ chế quản lý thế nào cho nó, một khi Giáo hội tham gia vào nhưng thiếu chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ… trong lĩnh vực này, thì chẳng phải làm báo mà không biết biên tập là gì hay sao? Giáo hội đâu phải là người đi thuê phát sóng truyền hình của tư nhân? Mà dù có đi thuê chăng nữa thì cũng phải có “hợp đồng” và nghĩa vụ hợp đồng cho đàng hoàng chứ. Chẳng lẽ tôi xem truyền hình VTV không phải trả tiền, nên tôi không được có quyền có ý kiến với chương trình của nó, huống chi AVG là truyền hình trả tiền, tăng ni vẫn chưa được miễn phí cơ mà.
 
Điểm thứ ba tác giả viết “Tôi không rõ Quý Thầy đã xem kênh Truyền hình An Viên chưa, và có am hiểu những quy định của luật pháp Việt Nam về báo chí và hoạt động của báo chí hay không? Tôi đăng ký sử dụng dịch vụ Truyền hình An Viên và xem kênh An Viên từ 3 tháng nay và thấy rằng lo lắng của Quý Thầy là thừa. Kênh An Viên không phát kèm quảng cáo, không có những chương trình sặc mùi PR kiểu “doanh nghiệp tự giới thiệu” mà khán giả thấy bội thực trên những kênh truyền hình khác”.
 
Điều này không có trong nội dung bài viết trước của tôi, nhưng ở điểm này, tôi cũng xin nói rộng ra, không phải tất cả những người đã là Phật tử thì lĩnh vực họ làm sẽ thuộc về Giáo hội.
 
Huống chi trong tương lai, có một truyền hình nhà nước hay tư nhân cũng muốn mở riêng một kênh truyền hình trả tiền dành cho Phật giáo theo gói dịch vụ như AVG hiện nay thì sao? Bởi đã là một dạng “dịch vụ” thì người kinh doanh phải hiểu khách hàng là “thượng đế”, không rõ, không đẹp, không tốt thì tôi cắt, có gì mà nghiêm trọng. Và khi đã là một dịch vụ, thì tôi không cần phải thông qua một Giáo hội nào mà vẫn có quyền thuê cho mình một kênh truyền hình để xem như ý muốn. Vấn đề pháp lý của nó tôi không quan tâm vì nhà đài phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, tôi chỉ tuân thủ hợp đồng có với nhà đài thế thôi.
 
Điểm thứ tư, chắc cũng là điểm chính yếu mà tác giả dẫn không đầy đủ câu tôi viết. Vì thế, tôi xin trích lại: “đa số những người tham gia thì tuổi tác đã lão hóa, nói trắng ra chẳng biết “làm báo” là thế nào, thì không mong gì nếu có những vụ việc như Bát Nhã - Làng Mai, “đạo sư” Duy Tuệ, Đường tông thỉnh bảo cao su, diễn biến cải đạo, các vụ chiếm đất chùa, các vụ đánh đập hãm hiếp Ni giới, chạy bổ nhiệm trụ trì, chạy chức chạy quyền...”.
 
Tôi đành phải nói trắng một lần nữa, những người lão hoá và không biết “làm báo” là những người đã làm ngơ trước những sự việc tương tự như tôi đã nêu, vì làm ngơ trước những điều như thế thì có nên nhận mình là người “làm báo” đúng nghĩa không ạ!
 
Thực tế có bao nhiêu sự việc tăng ni phản hồi ầm ầm trước, trong khi đại diện Giáo hội ai thích nói vụ việc nào thì nói, không thích nói thì thôi. Điểm này tôi nói đúng tinh thần báo chí cách mạng Việt Nam mà trong bài tôi đã dẫn chứng câu nói của Các-Mác ở phần kết luận. Thế thì một Ban Thông tin – Truyền thông của Giáo hội sao lại không tính đến chuyện cử một đại diện phát ngôn chính thức mỗi khi có những diễn biến xã hội tác động đến chứ.
 
Tôi nói ở đây bằng thực tiễn của một người cầm bút tự do, dù trước đó tôi từng làm trong báo Giác Ngộ, tạp chí Văn hoá Phật giáo và cộng tác cho một số báo. Còn tác giả nói tôi “bỡn cợt và xúc phạm các vị cao tăng”, thì tôi không dám đâu ạ, vì tôi thì cứ nghĩ “cao tăng” chắc chẳng cần phải tham gia vào chuyện làm báo mà hãy để cho thấp tăng làm (nếu ý này tôi nói khác với ý tác giả thì nó thuộc dạng góc nhìn, quan điểm chẳng có gì mà phải “xúc phạm” cả). Vì như tôi còn trẻ mắc cái nghiệp làm báo, ngoại đạo viết thư, viết email đe dọa, chửi bới tôi, tôi cũng chẳng thể kể ra hết được, có khi còn nguy hiểm nữa chứ, có anh em làm báo chung với nhau mới thấm thía “cái nghiệp” này mà thôi.
 
Chẳng lẽ phản biện các cao tăng đừng nên “làm báo”, và nhất là người không biết làm báo mà cứ muốn ngồi vào ban này cũng là một cái tội? Đã làm báo thì phải biết đương đầu chịu báng và không nên ngại những thứ “mũ” người ta chụp mà đôi khi nó chẳng vừa với cái đầu của mình.
 
Chỉ có bấy nhiêu lời, cũng là quá dài cho một bài viết, nhưng dẫu sao tôi cũng xin được cảm ơn tác giả vì đã cho môi trường báo chí Phật giáo thêm những giá trị tự do ngôn luận như thế.

 

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/diendan/19513.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage