Chùa Bửu Minh

Chữ Hiếu với người con Phật


GN - Ta có hiếu với cha mẹ cũng có nghĩa là ta hạnh phúc.

I Chị là con của người dì, năm nay đã hơn 90 tuổi. Từ lâu chị như đi lạc vào thế giới nào, tên tuổi của mình cũng không nhớ huống chi tên của con. Đến độ cô con gái hàng ngày ở bên chị lo cơm nước mà cũng theo hỏi - cô là ai sao ở nhà của tui. Mỗi lần về quê tôi hay ghé thăm chị. Thật là vui khi hỏi


gì chị cũng không nhớ và nhe răng cười ngờ nghệch thay cho câu trả lời. Tính tôi vốn cắc cớ. Dì tôi chết mấy chục năm ngay cả đám cháu của chị cũng quên không nhớ tên bà ngoại, bà nội của mình. Nhè chị mà tôi đi hỏi, thật là kỳ diệu. Chị vẫn cười như mọi khi nhưng lần này như nhớ ra điều gì đó thiêng liêng quen thuộc, nụ cười của chị bỗng rạng rỡ lên không giống mọi ngày. Thấy vậy tôi hỏi lần thứ hai. Rất bất ngờ. Người không nhớ tên mình, tên con, tiềm thức được đánh thức kêu lên - mẹ của tao mày. Trường hợp của chị ta gặp nhiều, phải thử với nhiều người ta mới rút ra được kết luận. Tuy nhiên qua trường hợp của chị, ta cũng có thể thấy được bằng chứng tình mẫu tử rất là thiêng liêng. Chị quên con nhưng không thể quên người đã sanh ra mình.

Trong kinh Phật có nói - có một chỗ ở địa ngục đang đòi những đứa con bất hiếu xuống, đừng có khóc than. Địa ngục kia nghe ai cũng nói vậy, chắc là có nhưng vẫn chưa biết. Trái lại chúng ta thường chứng kiến nhiều cảnh tượng ở cõi nhân gian phải chăng là đau đớn lòng. Cha mẹ già bị con cái bỏ rơi lang thang xó chợ đầu đường lượm bọc, xin ăn. Hay là bị con đưa vô viện dưỡng lão rồi bỏ đi không thấy tăm dạng. Vì thế câu chửi bới, rủa sả được xem là độc địa ác số một để nói lên địa ngục ở đâu xa, nó ở ngay trần gian này - Tao cầu trời, đám con cái buổi sáng ngủ thức dậy bỗng quên mày đi, và mày cũng không biết mẹ của mày là ai. Đợi thiên hạ rủa sả như vậy mới ngộ ra chữ hiếu muộn màng. Rồi khi cha mẹ qua đời làm đám tang cho lớn rình rang, vô ích, người đi chẳng hẹn ngày gặp lại. 

nail-art15.jpg

II

Lòng mẹ đối với con thật là bao la. Cũng như lòng từ bi của Phật luôn rộng mở với chúng sinh. Nhân gian hay so sánh mẹ chính là Phật. Đức Phật không nói vậy nhưng trong kinh Phật khẳng định - cha mẹ ngang với Phạm Thiên (ta nên hiểu đó là trời). Đức Phật luôn dịu dàng nhưng khi cần thiết Phật cũng đưa ra những nhận xét mạnh mẽ, táo bạo. Cha mẹ là trời, một hình tượng chính xác, linh động. Có phải trời cho con người mọi thứ chẳng hề kể công. Cha mẹ cũng vậy, nước trên nguồn luôn đổ xuống bao giờ cạn kiệt thì thôi, còn nước cho dù yếu ớt vẫn tiếp tục chảy (cũng có người nuôi con mong nữa về sau nhờ đến con nhưng số cha mẹ này rất ít). Xác nhận cha mẹ ngang với Phạm Thiên xong, Đức Phật tiếp tục dạy:

- Này các Tỳ-kheo, gia đình nào có con cái như vậy, gia đình ấy đáng được cúng dường.

Sao lại cúng dường, người có xuất gia đâu. Ở đây ta nên hiểu cúng dường theo nghĩa rộng. Có phải chăng những đứa con cái hiếu thảo luôn được người được quới nhơn giúp đỡ. Gặp khó khăn, xã hội xung quanh sẵn sàng dang tay đùm bọc, chẳng ai nỡ bỏ rơi người đúng nghĩa hiếu hạnh hiền lành. Cha mẹ là trời. Tất nhiên trời luôn cho người ấy miếng ăn, tấm áo mặc, hạnh phúc êm ấm, ai cũng kính nể vậy thôi. Ta thử quan sát cuộc đời xem thử Phật có nói đúng.

III

Lại thêm một nhận định của Phật làm cho ta bỡ ngỡ ngạc nhiên. Trong Tương ưng bộ kinh, Phật đưa ra nhận xét - số chúng sinh không có hiếu lại nhiều hơn chúng sinh có hiếu với cha mẹ. Có phải lúc nào Phật cũng nói đúng. Vì hiếu cơ bản xuất phát từ bản năng để con người tồn tại. Hầu như ai cũng biết, đó là bổn phận của con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Trừ số ít những đứa con hoang đàng ngỗ nghịch, hầu như đa số ai cũng biết uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Ai mà nói mình là đứa con không có hiếu chắc là giận lắm. Tuy nhiên bắt đầu từ điểm này ta nghiệm lại, mới thấy Đức Phật hiểu rõ tâm tính của chúng sinh một cách sâu sắc và xác thực. Người không có hiếu nhiều hơn chỉ vì vô tình không thấy, hiếu đó chẳng qua đó là nghĩa vụ không thể tránh. Hiếu đó là nhu cầu của người chớ không phải là nhu cầu của đối tượng (Thí dụ ta gặp đứa trẻ dễ thương ta ôm nó hôn chùn chụt. Rõ ràng đó là nhu cầu của ta chớ đâu phải là nhu cầu xuất phát từ đứa trẻ, nên đôi lúc ta gặp đứa trẻ phản ứng đưa tay đẩy ta ra). Còn nữa, ta hiếu để được tiếng đời khen. Sở dĩ Phật nhận định chúng sinh không có hiếu nhiều hơn chỉ vì chữ hiếu kia không xuất phát từ tình-thương-dâng-hiến-trọn-vẹn. Có rất nhiều thí dụ ở xung quanh để người nhìn qua đó so sánh để biết mình có hiếu hay không. Ở đây tôi xin đưa ra một trường hợp phần đông chúng ta rất là vô tình… Lòng mẹ bao la thương đứa con nào tật nguyền hay còn nghèo mẹ chú ý nhiều hơn. Những đứa con khá giả thường ngày đem tiền bạc, quà bánh nuôi mẹ đầy đủ không thiếu món gì nhưng anh không hiểu thêm tấm lòng của mẹ.

Tiền bạc của ai nấy xài, mẹ đứng kẻ giữa không thể lấy tiền người này san sẻ với người kia. Mẹ cũng không thể nói ra nên lặng lẽ đem những gì của mình có ra giúp đỡ cho gia đình đứa con nghèo. Chẳng lẽ có nó thiếu thốn mẹ làm ngơ. Chẳng lẽ bà nội ăn mà để cháu đứng ngó miệng thèm thuồng. Người con khá giả cung cấp cho mẹ, tức là tiền bạc đã thuộc về mẹ, lẽ ra bà sử dụng như thế nào cũng được. Đằng này anh cho mẹ còn đi tra hỏi: “Tui đưa tiền cho má bao nhiêu cũng hết. Món gì tôi cũng mua để sẵn cho má, sao má xài tiền mau vậy”. Vô tình anh không thấy, anh đang trả hiếu nhưng lại để cho mẹ phải lệ thuộc mình. Không nhìn thấy đôi mắt của mẹ tỏ ra rất khổ tâm mà chẳng nói nên lời. Phật nhận định chúng sinh không có hiếu nhiều hơn chúng sinh có hiếu đúng nghĩa với cha mẹ, phải chăng nó là như vậy.

IV

Một hình ảnh nữa mà ta thường chứng kiến ở công đường. Tội nhân đứng trước vành móng ngựa để nghe tòa phán quyết về tội lường gạt, lừa đảo, trộm cắp, tham nhũng. Gương mặt thân nhân đứng phía sau nhất là gương mặt của bà mẹ thật là đau đớn xấu hổ không dám nhìn ai. Ai chia sẻ nỗi đau kia với mẹ vì bấy lâu mẹ không biết mình đã được đứa con nuôi bằng những đồng tiền nhơ bẩn kia. Vì vậy mà nhân gian qua kinh nghiệm chia hiếu ra làm ba loại: Một là sinh con trai nối dòng. Hai là phụng dưỡng cha mẹ. Ba, chữ hiếu cao nhất là làm cho cha mẹ vui không để họ mất mặt trước mọi người. Đức Phật cũng có cái nhìn như vậy về chữ hiếu. Trong Trung bộ kinh, Phật đã đặt ra câu hỏi: “Chỉ vì muốn phụng dưỡng cha mẹ mà làm các điều bất chánh, phạm pháp. Hay một người vì cha mẹ mà làm điều chân chính, đúng pháp. Ai tốt đẹp hơn ai?”. Và Đức Phật đưa ra lời khuyên: “Làm như vậy chẳng những tai hại cho bản thân mà còn đem lại sự nguy hại cho cha mẹ”. Rồi Đức Phật luôn hướng mọi người đến mục đích giải thoát đau khổ. Đức Phật bao giờ cũng chủ trương tinh thần nặng hơn thể xác. Người con trả ơn cho cha mẹ bằng vật chất vẫn chưa đầy đủ, bởi vì vật chất lúc có lúc không, tinh thần nó vẫn còn mãi. Vì vậy, cái đạo hiếu cao nhất theo Phật là người con phải biết hướng dẫn cha mẹ hướng thiện, đời sống lành mạnh hướng về kiếp sau (từ tuổi 60 trở lên người đời lo tịnh dưỡng tinh thần chuẩn bị hành trang cho kiếp sau là vừa). Qua sự tích Mục Kiền Liên, hình ảnh của địa ngục dành cho bà Thanh Đề đã cho chúng ta thấy sự cần thiết của đứa con biết hướng về Chánh pháp, đồng thời cũng biết hướng dẫn cha mẹ mình (biết đâu trong quá trình nuôi con, hai bậc sinh thành vì để kiếm miếng ăn không nghĩ mình đã làm ác hay mắc phải những tật xấu) từ bỏ các ác hạnh. Hướng dẫn cha mẹ biết nghĩ đến xung quanh làm điều thiện, thực hành bố thí để tinh thần nhẹ nhàng hiểu ra thế nào là cuộc đời vô thường, vô minh. Dĩ nhiên vậy mới đúng nghĩa con cái báo đáp công ơn cha mẹ. Để làm được việc này, các con cần phải gần gũi thường xuyên với cha mẹ. Phần đông ta vì vật lộn mưu sinh với cuộc sống nên vô tình để các bậc sinh thành sống trong hiu quạnh không người chuyện trò. Thời gian còn lại của họ rất ít ỏi và trôi qua rất nhanh. Bạn hãy dành thời gian ít ỏi kia để tận hưởng hạnh phúc. Ta có hiếu với cha mẹ cũng có nghĩa là ta hạnh phúc. Phật cũng đã dạy ta như vậy.
Ngô Khắc Tài

http://giacngo.vn/tuvansongdao/songdao/2012/08/24/1FC618/


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage