Chùa Bửu Minh

AI LÀM KHỔ BẠN?

Mặt trời, trái đất, dòng sông, không gian, mây trắng, chim muông, cây cỏ...tất cả đều là những điều kiện đang giúp đỡ bạn có mặt và sống hạnh phúc.



Cha mẹ, anh em, bạn bè, con người và loài vật cũng đang giúp đỡ bạn để bạn có hạnh phúc, vậy cái gì đã và đang làm khổ bạn? Cái làm khổ bạn không ai khác hơn là tính ích kỷ của bạn. Bạn sống bằng đời sống ích kỷ, thì bạn không thể nào thoát khỏi khổ đau, bạn là người bạn của khổ đau và khổ đau là người bạn thường xuyên của bạn.

Bạn biết không? Tính ích kỷ của bạn lại có thể gọi mời người khác xét lại lòng tốt của họ đối với bạn.

Vậy, bạn phải tập thở có ý thức, để bạn thấy rằng, hơi thở của bạn có mặt không đơn điệu, mà nó có mặt là do trái tim, buồng phổi, dạ dày, lá gan, mạch máu, thần kinh, làn da, mắt mũi và tâm hồn...bạn có mặt. Và hơi thở của bạn có mặt là do trái tim, buồng phổi, dạ dày, lá gan, mạch máu, thần kinh, làn da, mắt mũi và tâm hồn cha mẹ, tổ tiên nội ngoại của bạn có mặt. Không những vậy, mà hơi thở của bạn có mặt là do mặt trời, trái đất, dòng sông, không gian, núi rừng, biển cả, đám mây, ánh sáng, giọt sương đều có mặt.

Nếu tất cả những cái đó, không có mặt, thì hơi thở của bạn không tài nào có mặt. Hơi thở của bạn đã không có mặt, thì làm thế nào mà bạn có sự sống. Do đó, tất cả sự hiện hữu đều đang có mặt trong bạn và bạn đang có mặt trong tất cả mọi sự hiện hữu. Bạn không nên sống đời sống ích kỷ, vì ích kỷ là bạn tự tách mình ra khỏi sự sống, tự hại mình, tự làm cho mình nghèo nàn và khổ đau.

Bạn biết không? Bạn ích kỷ thì chỉ có một mình bạn đứng lại với khổ đau, với căn nhà chật hẹp, trong lúc những gì xung quanh bạn đang tiếp tục đi và đổi mới. Cuộc đời và sự sống không có gì phũ phàng với bạn cả, chỉ có tính ích kỷ là làm cho bạn bị phũ phàng đó thôi. Mọi chuyện giữa đời hôm qua, ngày nay và ngàn sau vẫn còn đó, vẫn hiện hữu một cách mầu nhiệm và thực tế là chúng hiện hữu đẹp hơn cả một giấc mơ!

Thích Thái Hòa




TỪNG BƯỚC CHÂN ĐI

Bạn có thể đi như gió, nhưng bạn đi nhanh như vậy để làm gì, để tìm kiếm cái gì cho hôm nay và ngày mai?

Bạn đi nhanh như vậy, tai nạn có thể xảy ra bất ngờ cho bạn hoặc bạn có thể đem tai nạn đến cho người.

Tại sao trong cuộc sống bạn không đi chậm lại, để nhìn kỹ và thưởng thức từng bước chân đi của bạn. Hạnh phúc và an lạc không xảy ra trong từng bước chân nhảy vọt mà chỉ xảy ra trong từng bước chân đi có ý thức của bạn.

Bạn biết không? Đi mà không có ý thức Chánh niệm, đó là bước đi của những loài sống đời vô thức. Các thú vật, các loài côn trùng không có loài nào là không đi, không chuyển động, nhưng chúng đi và chuyển động theo bản năng vô thức, do đó mọi sinh hoạt của chúng đều rơi vào trạng thái si mê và mù quáng.

Vậy, bạn là con người đang sinh hoạt với thế giới ý thức từng bước chân đi của bạn một cách trọn vẹn. Bạn phải đi từng bước bằng tất cả ý thức trọn vẹn của mình, bạn sẽ khám phá ra, mọi sự bình an trong đời sống hàng ngày của bạn. Và bạn sẽ tiếp nhận được sự sống là vô cùng.

Thích Thái Hòa




ĐỪNG LÀM NGHĨA VỤ

Thích Thái Hòa

Bạn đừng đi đến với người khác bằng nghĩa vụ, mà hãy bằng tất cả tấm lòng của bạn.

Nếu bạn đi tới với người khác bằng nghĩa vụ, cảm giác khó chịu hay cảm giác dửng dưng sẽ có mặt trong bạn. Nhưng, nếu bạn đi tới với người khác bằng tất cả tấm lòng thì không những bạn có cảm giác an lạc mà còn làm sinh khởi những cảm giác tươi vui nơi những người bạn đến.

Làm việc bằng nghĩa vụ, công việc của bạn trở nên khô khan, nhưng nếu bạn làm việc bằng tất cả tấm lòng, thì công việc ấy trở nên tươi vui sinh động và có một ý nghĩa rất đẹp và hết sức thiết thực cho bạn.

Tấm lòng của ta có mặt ở đâu, thì việc làm của ta có ý nghĩa ở đó. Và nghĩa vụ ở đâu, thì sự miễn cưỡng có mặt ở đó.




SUỐI NGUỒN HẠNH PHÚC

Thích Thái Hòa

Bạn biết không? Trong mười phẩm tính giác ngộ của Đức Phật, trong đó có một phẩm tính gọi là Sugata, do có phẩm tính này nên Đức Phật luôn luôn là Đấng có hạnh phúc.

Sugata hay Thiện Thệ là Đấng đã đạt đến hạnh phúc, đã thành tựu sự an toàn trong cuộc sống.

Bạn biết không? Cái gì đã làm cho bạn có hạnh phúc và sự an toàn. Và cái gì đã làm cho bạn mất bình an?

Cái Thương và cái Hiểu đã làm cho bạn có hạnh phúc và an toàn trong cuộc sống. Cái ích kỷ, cái ghét, cái giận và cái ngu đã làm cho bạn đau khổ và mất bình an trong cuộc sống hàng ngày.

Vậy, bạn đi tìm hạnh phúc là bạn đi tìm cái Thương và cái Hiểu, vì Thương và Hiểu là cái nền của hạnh phúc và của sự an toàn trong cuộc sống.

Cái ích kỷ, cái ghét, cái giận và cái ngu là cái nền cho mọi sự bất hạnh và khổ đau lưu trú.

Bạn biết không? Đức Phật luôn luôn thương mọi loài, Ngài không bao giờ khởi lên một sự hờn giận hoặc oán ghét mọi loài.
Do đó, Ngài luôn luôn là Đấng Hạnh phúc, là Đấng An toàn trong cuộc đời.

Bạn thử nghĩ, bạn ghét hoặc giận một người nào đó, thì nạn nhân trước hết là bạn, chứ không phải là người kia.

Một người vợ giận chồng, hoặc một người chồng giận vợ, bỏ nhà ra đi, hoặc nhịn đói không ăn thì người giận là kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất, còn người bị giận chưa chắc họ có cảm giác khổ đau.
Một bà vợ có tính ghen tuông chồng, hoặc một người chồng có tính ghen tuông vợ, tính ghen tuông của họ càng mãnh liệt bao nhiêu, thì càng đẩy họ đi đến sự tàn phá thân tâm và đời sống của họ bấy nhiêu.
Vì khi một người chồng hoặc một người vợ sống không có tiết hạnh thiếu tính thủy chung, thì dù bạn có đem hết sức mình để ghen tuông với người ấy đi nữa, vẫn không có tác dụng, vẫn không có năng lực làm thay đổi tính nết của họ.

Nếu bạn càng ghen tuông với họ, thì nỗi khổ đau của bạn càng tăng trưởng nhiều lên, và nó đưa bạn đến sự hủy diệt đời sống của bạn một cách nhanh chóng.

Bạn biết không? Chỉ có người ngu mới ghen tuông với người không có tiết hạnh, với người không có tính chung thủy. Trái lại, một người vợ hay một người chồng nếu có trí, thì không khởi tâm ghen tuông với người đó, mà chỉ khởi tâm thương xót. Vì sao? Vì người ấy biết rất rõ, một người sống bằng đời sống thiếu tiết hạnh, thiếu chung thủy thì tâm tư của người ấy luôn ở trong tâm trạng sợ hãi, tìm cầu và thất vọng. Và khi biết rõ điều này, thì người chồng hoặc người vợ có trí có thể thương người đó. Vì người đó biết chắc chắn rằng, người sống thiếu tiết hạnh; thiếu tính chung thủy là người đang đi về con đường thấp kém tối tăm. Bạn chỉ cần khởi tâm thương người ấy thôi, là bạn đã có hạnh phúc, còn người được thương kia chưa chắc đã có hạnh phúc. Nhưng, điều chắc chắn rằng, bạn thương một ai đó, thì hạnh phúc trước hết là thuộc về bạn, chứ không phải là thuộc về người được thương.

Bạn biết không? Đức Phật là Đấng luôn luôn có hạnh phúc, vì người luôn luôn thể hiện tình thương. Tình thương càng rộng lớn thì hạnh phúc càng nhiều, càng vô lượng. Điều này là một sự thật, bạn cứ thực tập đi rồi sẽ thấy.

Trước hết là bạn thực tập thương những người dễ thương sau đó bạn bắt đầu thực tập thương những người dễ ghét. Bạn cứ thực tập nó mỗi ngày, thì cái giận, cái dễ ghét và cái ngu của bạn sẽ tự chuyển hóa. Bạn sẽ trở thành suối nguồn hạnh phúc cho chính bạn và cho tất cả.




MẤT HẾT LINH HỒN
Thích Thái Hòa

Mặt trời biết chấp nhận sự xuất hiện ban ngày và từ chối sự xuất hiện ban đêm. Mặt trăng biết chấp nhận sự xuất hiện ban đêm và từ chối sự xuất hiện ban ngày. Vì biết sự chấp nhận và từ chối như vậy, nên mặt trời và mặt trăng đã đem lại nhiều lợi ích cho muôn loài và cây cỏ.

Biển cả biết chấp nhận mọi nguồn nước đổ về cho mình, nhưng lại biết từ chối tất cả rác rưởi và tử thi từ các nguồn nước ấy. Vì vậy biển có khả năng gìn giữ sự trong sáng, có khả năng che chở hết thảy loài thủy tộc và đem lại lợi ích rất lớn cho thế giới con người.

Quả đất biết chấp nhận hết thảy rác rưởi và tử thi, nhưng lại biết tiêu hóa những thứ ấy, trở thành chất liệu màu mỡ, để nuôi dưỡng thảo mộc sinh khởi hoa trái và hương thơm cho con ngưòi và muôn thú.

Vậy, ta là con người sống trong trời đất, mà không biết cách chấp nhận và không biết cách từ chối, thì làm thế nào mà con người sống có hồn, có hạnh phúc và có ý nghĩa được?

Các bậc thánh nhân biết chấp nhận cuộc đời để sống và thương yêu, để chiêm nghiệm và trau dồi phước đức, nhưng lại biết từ chối những hạnh phúc của thế gian đem lại. Bởi vậy, các ngài sống có chủ quyền, an lạc, thảnh thơi và sống có nhiều lợi ích cho cuộc đời.

Trong đời sống hằng ngày, ta chỉ biết từ chối mà không biết chấp nhận hoặc chỉ biết chấp nhận mà không biết từ chối, chúng sẽ đưa ta đến bệnh hoạn, không phải chỉ là bệnh hoạn của bản thân, bệnh hoạn của tâm mà còn đưa ta đến bệnh hoạn của tư duy, của nhận thức, ngôn ngữ và bệnh hoạn ngay trong mọi hành xử của bản thân ta nữa.

Nên, ta sống như một kẻ bị bụng phềnh hay như một kẻ bị ốm gầy xanh xao và mất hết tất cả linh hồn.




PHIỀN NÃO LẮNG YÊN

Thích Thái Hòa

Khổ đau đến với chúng ta không phải từ hoàn cảnh và xã hội mà từ những phiền não nơi tâm thức của chúng ta.

Càng tham lam ta lại càng bị lún chìm vào khổ đau, càng sân hận thì khổ thọ trong ta càng tăng lên và càng cố chấp thì cuộc sống của ta lại càng chật hẹp và lại càng ganh tỵ đối với người khác, thì cuộc sống của ta lại càng trở nên nghèo nàn và cô độc.

Tâm tham càng làm cho ta đau khổ bao nhiêu, thì tâm xả càng làm cho ta hạnh phúc bấy nhiêu, tâm sân làm cho ta khổ đau bao nhiêu, thì tâm từ bi làm cho ta hạnh phúc bấy nhiêu, tâm cố chấp làm cho đời sống của ta chật hẹp bao nhiêu, thì tâm bao dung làm cho cuộc sống của ta rộng lớn bấy nhiêu, tâm ganh tỵ và đố kỵ với người khác làm cho ta nghèo nàn và cô độc bao nhiêu, thì tâm tùy hỷ lại làm cho ta giàu có và tươi vui bấy nhiêu.

Như vậy, nguyên nhân khổ đau chính là do các phiền não trong tâm thức ta tác động lên hoàn cảnh của ta và tạo ra hoàn cảnh khổ đau cho ta.

Nguyên nhân hạnh phúc của ta không đi từ những ân sủng được ban phát từ ngoại giới mà đi từ chất liệu tốt đẹp, thánh thiện ở trong tâm thức ta.

Bồ đề tâm là tâm thức tốt đẹp ở nơi mỗi chúng ta. Tâm thức ấy có nội dung của tuệ giác, của từ bi và của hỷ xả. Chính tâm thức ấy, tác động lên mọi hoạt động của ta, tạo ra hoa trái và hoàn cảnh hạnh phúc cho ta.

Ta không thể tránh khỏi những sầu muộn, khổ đau khi ta tràn đầy phiền não.

Biết vậy, để ta không còn dong ruổi tìm cầu những hạnh phúc mơ hồ ở bên ngoài hay đổ thừa những khổ đau của ta phát sinh từ xã hội, mà khổ đau hay an lạc đều phát khởi từ nơi tâm thức của chúng ta.

Ta hãy trở về và chăm sóc tâm ta khiến cho mọi phiền não trong ta lắng yên và bồ đề tâm trong ta hiện khởi. Hạnh phúc đối với ta không còn là mơ hồ và khổ đau với ta không còn là ngoại cảnh.


Từ Tay Buông Ráng Hồng


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage