Trong kinh điển của Phật dậy không thấy chỗ nào là sát sinh để cầu phúc cả, chỉ thấy nói là " phóng sinh tu phúc" mà thôi.
Khắp thế giới từ xưa đến nay, không cứ tôn giáo
nào phần nhiều lấy sự cầu nguyện mà dìu dắt cho người vào đạo, đem lòng
tín ngưỡng để làm nơi an thân lập mệnh. Đạo Phật tuy có nhiều giáo lý
nhiệm mầu cao siêu hơn các đạo khác, như là Thiền tông " Trực chỉ nhân
tâm kiến tính thành Phật" song rất ít người ngộ được, trong muôn người
cũng chỉ một hai người là cùng. Vì thế mà trong cửa pháp phương tiện
phải mở ra nhiều môn để cho nhiều người dễ theo, dễ khởi tâm kính tín.
Vì có lòng kính tín thì dần dần mới hiểu được đạo, mới biết được chỗ
huyền diệu, cũng như người khát nước nếu như mình không uống thì sẽ
không bao giờ hết khát.
Sự cúng lễ sám hối cầu
nguyện cũng là một việc rất quan trọng, rất cần yếu để cho người tin
theo, vì đã cúng lễ tất phải có lòng chí thành, có lòng chí thành cầu
nguyện làm việc gì cũng được hanh thông, còn sám hối thì có hai nghĩa:
1. Sám là sám những tội lỗi mình đã trót làm chủ quan hay khách quan.
2. Hối là hối cải từ nay không dám làm nữa, sự ác tức là sự xấu, sự mình không muốn ai đem những sự ấy đối đãi với mình, bắt mình phải chịu.
Mà
sự ác ở đời không sự gì ác hơn là sự sát hại, vì lòng yêu sự sống sợ
cái chết thì hết thảy mọi người ai cũng sợ và các loài động vật cũng
không ngoài yếu tố đó.
Chúng ta cứ suy ghĩ ngay từ
chính chúng ta mà ví dụ như chúng ta không may bị tai nạn trầy da chảy
máu, hay gẫy tay gẫy chân thì chúng ta suýt xoa kêu trời kêu đất, gọi
cha gọi mẹ đấy là cái đau xoàng, thế mà chúng ta nỡ lòng nào lại đang
tay giết hại những sinh mệnh khác để cúng bái cầu nguyện lấy phúc cho
mình thì thật trái hẳn với đạo lý của đạo phật.
Trong kinh điển của Phật
dậy không thấy chỗ nào là sát sinh để cầu phúc cả, chỉ thấy nói là "
phóng sinh tu phúc" mà thôi. Mà không hiểu tại sao người ở xứ ta theo
đạo Phật đã lâu, lại không mấy người làm đúng như giáo lý của
Phật đã dậy; như việc sát sinh là việc đại ác trong thiên hạ, mà làm ác
tất gây nghiệp báo đời đời kiếp kiếp về sau, thế mà lại toan cầu phúc,
lấy sống lâu, lấy giầu sang thì thật không hợp, nếu làm như thế có lẽ
chỉ cầu tội chứ không phải là cầu phúc. Ta có thể xem ngay những việc
mắt thấy tai nghe có thể tin được, thường thường có người bị bệnh lập
đàn nọ tràng kia tụng kinh lễ bái niệm Phật, song lại không chịu nhất
tâm tin Phật, lại bày đặt ra sát sinh rượu chè, cầu khấn cúng vái ma
quỷ, nên có người cúng lễ chưa xong mà người bệnh đã tắt hơi thở, thành
ra cầu sống lâu lại ra hoá ra chết yểu, lại có người có lòng hiếu thảo
nghĩ đến cha mẹ tổ tiên, lập đàn tụng kinh siêu độ mong cho các linh hồn
được giải thoát thế mà phần nhiều các đàn chay từ khi vào đàn cho đến
khi mãn đàn thấy dâng lên không biết nhiêu là rượu thịt, mà trong kinh
Phật dậy tối kị rượu thịt và các thứ hành tỏi, nếu người nào ăn những
thứ đó hoặc dâng lên cúng các thứ đó mà tụng kinh lễ bái thì chư Phật
cùng các vị Thánh hiền đều xa lánh hết chỗ đó, chỉ còn các tà ma quỷ mị
đến hưởng thụ xong rồi giáng tai giáng vạ cho chủ mà thôi, vì thế mà có
nhiều nhà cúng lễ xong được ít lâu thì cửa nhà sa sút không được như
trước.
Tục ngữ có câu " ở yên không lành, canh phải tội"
là vì làm chay mà lại sát sinh, vì sát sinh nên mới phải tội, không
những mình giết mình phải tội mà thôi, các vong linh cũng phải mang thêm
tội nữa. Trong kinh Địa Tạng có nói: " ví như một người đi đường xa đã
mệt, người đó phải gánh 100 cân rồi, lại gặp 1 người quen gửi thêm một
ít đồ vật nữa, như thế có khổ hay không? Các vong kia cũng thế, khi còn
sống mình đã gây ra bao nhiêu nghiệp thì tự mình phải mang lấy, nay chết
đi người thân thích lại vì mình mà sát hại sinh linh gây thêm tội, chứ
không có gì là lợi ích cho vong cả". Xét thế thì đủ rõ là cúng lễ cần
phải giữ giới sát, mới được hưởng phần phúc lợi, cốt sao phải có lòng
thành hương thơm hoa tươi quả đẹp đèn sáng dâng cúng chư Phật chư Thánh
hiền để biểu tấc thành, thì mới mong chứng được phúc quả.
Vì hương là tâm hương, đăng là tâm đăng, để dãi bầy tấm lòng chí thành trong sạch sáng tỏ cũng như tâm của chư Phật, chư Thánh, tâm của các Ngài lúc nào cũng sáng tỏ, không có gì có thể làm mờ ám, nên mình lễ các Ngài để nhìn vào gương của các Ngài để tâm mình được dung
thông cùng với chư Phật, mà nhận lại được cái tâm sáng suốt sẵn có từ vô
thỷ bị vô minh che lấp đã lâu. Trong kinh Lăng Nghiêm nói: " Nếu không
bỏ được nghiệp sát sinh mà tu hành thiền định ấy cũng chỉ như người đút
nút lấy tai mình rồi kêu to lên, lại muốn không ai nghe tiếng ", như thế
thì sát sinh mà cúng lễ lại càng nhiều tội, chứ không có phúc ở đấy.
http://www.sangdaotrongdoi.vn/story/cung-le-can-phai-giu-gioi-sat-chan-nhu