Sau một thời gian tu học, chúng tôi
nhận thấy Kinh là lời Phật dạy, Thiền là hành thẳng nơi tâm. Qua lời Phật dạy
phẩm Quán Thế Âm Bồ tát Phổ Môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và Thiền không
hai, không khác. Đây là bài Kinh nói về hạnh nguyện độ sinh của Bồ tát Quán Thế
Âm trong cõi Ta Bà giúp cho tất cả mọi người “quán chiếu cuộc đời” để đạt được
giác ngộ, giải thoát.
Do đó, chúng tôi biên soạn lại và mạnh dạn đặt tên là “Kinh
Hạnh Nguyện Bồ tát Quán Thế Âm” và nương theo đó để hướng dẫn áp dụng, hành trì
nếu ai có nhân duyên với Bồ tát. Trong phần biên soạn chúng tôi giảm bớt phần
trùng tụng nhưng vẫn giữ được yếu chỉ của Kinh. Thời gian tu học tại Thiền Viện
Thường Chiếu chúng tôi có nhân duyên lớn hướng dẫn hoằng pháp và từ thiện cho
người bất hạnh tại trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa - Tỉnh Bình Dương, thực
hiện chương trình “Kết nối yêu thương-Sẻ chia cuộc sống”, tài trợ học bổng cho
học sinh giỏi và giúp đỡ học sinh khó khăn tại các trường trung tiểu học Xã
Thạnh An - Huyện Thạnh Hoá - Tỉnh Long An; hoằng pháp và từ thiện tại các chùa
vùng sâu vùng xa để giúp đỡ người bất hạnh, nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn.
Chủ trương của chúng tôi là hoằng pháp và từ thiện như
đôi cánh chim tung bay giữa bầu trời trí tuệ và từ bi, nhờ phương tiện giúp đỡ
vật chất để xoa dịu bớt nỗi đau bất hạnh. Chúng tôi còn chia sẻ một số kinh
nghiệm để họ có đủ niềm tin trong cuộc sống, tin sâu nhân quả và vươn lên làm
mới lại chính mình. Bởi vì người bất hạnh đa số không học hành tới nơi tới
chốn, cuộc sống bấp bênh nên sự học hỏi, hiểu biết, nhận thức không được sáng
suốt; do đó dễ oán trời trách đất, đổ thừa tại-bị-thì-là…, trách móc xã hội sao
quá bất công, thù ghét người thân bạn bè sao không giúp đỡ. Những người này họ
đáng thương hơn là đáng ghét.
Để có cơ hội giúp đỡ, hướng họ đi đến con đường sáng, chúng
tôi phương tiện hướng dẫn phương pháp trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm giúp
cho mọi người có đủ niềm tin, cố gắng vươn lên vượt qua nỗi khổ niềm đau, làm
mới lại chính mình để sống an vui và hạnh phúc. Phương pháp trì niệm danh hiệu
Bồ tát đơn giản và dễ dàng nhờ thần lực nhiệm mầu Quán Thế Âm luôn xem xét,
lắng nghe tiếng kêu cứu khổ để giúp mọi người được tai qua nạn khỏi. Nếu nói về
chùa và tín ngưỡng của người Việt Nam thì hầu như hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm
đã ăn sâu và thấm nhuần trong lòng mọi người. Từ khắp ba miền đất nước chùa nào
cũng đều có thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm, thậm chí tại nhà mọi người đều có thờ
riêng. Rõ ràng niềm tin vào Bồ tát Quán Thế Âm đã ăn sâu vào tàng thức của
người dân nước Việt.
Đạo Phật đã truyền vào Việt Nam trên 2000 năm, trải qua
rất nhiều thời đại vàng son, nhất là đời Lý, đời Trần. Nhờ chủ trương đưa Phật
giáo vào áp dụng cho toàn dân nên mọi người sống có ý thức và trách nhiệm, biết
thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, do đó luôn sống trong bình yên, hạnh phúc.
Song, bên cạnh đó không biết bao nhiêu cuộc thăng trầm, thịnh suy tùy theo vận
mệnh đất nước, nhưng niềm tin của người dân nước Việt đối với Bồ tát Quán Thế
Âm không bao giờ bị mai một. Một niềm tin dựa trên thần lực nhiệm mầu của Bồ
tát Quán Thế Âm đi vào đời để cứu độ chúng sinh như “có cầu tất ứng”, Bồ tát
Quán Thế Âm sở dĩ được tôn xưng với danh hiệu không thể nghĩ bàn nhờ ngài luôn
ban bố niềm vui đến cho mọi người và sẵn sàng giúp cho tất cả chúng sinh vượt
qua sợ hãi, khổ đau, đang chịu nhiều bất hạnh trong đời như thiên tai, hỏa
hoạn, lũ lụt, sóng thần, động đất, bị yêu tinh tà ma hãm hại, bị giam cầm tù
tội, cho đến bị nạn trộm cướp, bị vua quan chiếm đoạt và nghèo đói, thiếu thốn,
khó khăn. Bồ tát Quán Thế Âm là điểm tựa tinh thần vững chắc để mọi người bắt
chước noi theo, từ một con người phàm phu tục tử có thể trở thành một Thánh
nhân cao quý nhờ biết cách trì niệm hồng danh Ngài.
Điểm đặc biệt để mọi người lưu ý là bài kinh này mang ẩn
dụ rất cao, nếu chúng ta không có trí tuệ soi sáng thì dễ lầm tưởng Ngài có thể
“ban phước giáng họa” và “cầu gì được nấy”. Thái độ cầu nguyện, van xin tha lực
của người tín ngưỡng không phải là nội dung chính mà Phật muốn chỉ dạy, hướng
dẫn. Cốt lõi của bài Kinh ở đây đức Phật nói rõ con người do tưởng quá nhiều
nên mới sinh ra đau khổ. Tưởng là nhân đau khổ của tất cả chúng sinh, vì có tưởng
nên có khổ. Muốn hết đau khổ thì dứt bặt sự tưởng, tưởng hết thì mọi khổ đau
đều hết. Nếu chúng ta kiên trì bền bỉ trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm thì
chắc chắn hết khổ.
Quán Thế Âm còn có nghĩa là Quán Tự Tại vì ngài soi thấy 5
Uẩn đều “không”, có nghĩa là thân tứ đại này do 4 chất đất-nước-gió-lửa hoà hợp
lại mà thành nên bản chất của nó là “không thật ta”, vì phải già-bệnh-chết,
thấy như thế thì liền qua hết thảy khổ ách. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy 6
căn là nhân của luân hồi sinh tử và 6 căn cũng là nhân của giải thoát. Sau khi
Phật bảo 25 vị Thánh trình bày chỗ tu chứng của mình xong, Phật dạy Bồ tát Văn
thù chọn lựa căn viên thông để tu. Cuối cùng, Bồ tát chọn lựa “Nhĩ căn” là viên
thông hơn cả. Đây là lối tu “Phản Văn Văn Tự Tánh” của Bồ tát Quán Thế Âm, chữ “phản”
ở đây có nghĩa là ngược lại. Thay vì từ xưa đến giờ chúng ta chạy theo âm
thanh, có tiếng là có nghe, không tiếng là không nghe, quên mất tánh nghe
thường hằng của mình. Bây giờ biết tu rồi chỉ nhớ mình có tánh biết sáng suốt,
nghe tất cả mà không dính mắc vào âm thanh riêng biệt nào. Cho nên, Bồ tát Văn
Thù khuyên đại chúng và ngài A nan: “Xoay cơ quan nghe của ông trở lại nghe
tánh nghe của mình, thành tựu tánh nghe là đạo vô thượng. Đây là con đường vào
cửa Niết Bàn của tất cả chư Phật nhiều như số vi trần.”
Nên Kinh nói trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm là công
đức thù thắng hơn tất cả. Vậy chúng ta trì niệm bằng cách nào? Bằng cách phản
quán lại tánh nghe chân thật của mình, do đó không bị âm thanh bên ngoài chi
phối mà hằng sống với tánh nghe. Trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm là
phương pháp tu tập, quán chiếu cuộc đời để thấy rõ được bản chất thực hư của nó
nên mỗi hành giả tự độ mình vượt qua các khổ đau đang có mặt.
Mục đích chính của Kinh là độ thoát tất cả chúng sinh trừ
7 tai nạn trong đời và thực hiện 2 sự cầu vi diệu mà trong Kinh nói: “Cầu con
trai thì được con trai, cầu con gái thì được con gái.” Vì bài Kinh mang ẩn dụ
cao siêu, chỉ cần người tin tưởng niệm danh hiệu Bồ tát là đã có lợi lạc ngay
tại đây và bây giờ, huống hồ là chúng ta “nhất tâm chí thành niệm” tinh chuyên,
miên mật, không gián đoạn thì kết quả sẽ được y như nguyện.
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, cầu con trai là cầu được
trí tuệ rộng lớn vì con trai tượng trưng cho lý trí, mà muốn có trí tuệ thì
phải tu tập Thiền định chứ không thể nào cầu nguyện, van xin suông mà được. Đạo
Phật là nền tảng của nhân quả, muốn được quả tốt thì phải gieo nhân tốt, nếu chúng
ta không thành tâm khẩn thiết thì làm sao có cảm ứng giao thoa. Cầu con gái là
cầu được phước đức, mà phụ nữ tượng trưng cho tình cảm dạt dào. Muốn giúp chúng
sinh thoát khỏi khổ đau, bất hạnh, nghèo đói, thiếu thốn, khó khăn, Bồ tát phải
có nhiều tiền của, nhờ vậy mới đủ sức chia sẻ nỗi khổ niềm đau cho tất cả mọi
người. Khi giúp chúng sinh mà không có trí tuệ rộng lớn thì còn thấy mình là kẻ
ban ơn, người là kẻ thọ ơn và vật để thọ thí. Nếu thấy như vậy thì sinh phiền
muộn, khổ đau, chấp trước, dính mắc và dễ dàng thối Bồ Đề tâm. Do đó, Bồ tát
muốn vào đời để độ sinh thì phải Quán Tự Tại mới được.
Ngoài ra, Kinh này còn nói lên tình thương bao la, rộng
lớn của một vị Bồ tát Quán Thế Âm trong mỗi hành giả với cách thức độ sinh đa
dạng của 32 ứng thân khác nhau. Bồ tát độ sinh dưới nhiều hình thức từ một ông
vua, hay tể tướng, cho đến kẻ bần cùng. Chúng sinh cần nhu cầu nào thì Bồ tát
ứng hiện điều kiện đó để phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của mọi người. Hay nói
rõ hơn, Bồ tát đi vào đời là tùy bệnh cho thuốc, do đó người hành đạo muốn độ
sinh có hiệu quả phải biết căn cơ và sở thích của từng chúng sinh. Chúng tôi
xin chân thành nói rộng pháp tu Bồ tát Quán Thế Âm theo nhiều cấp độ như sau:
Bước 1:
Trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm
_ Câu trì niệm: “Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ tát”.
Phương pháp niệm danh hiệu Bồ tát giống như niệm Phật A Di Đà, cũng lấy Tín-Hạnh-Nguyện
làm Tông chỉ. Nhưng niệm Bồ tát Quán Thế Âm khác ở chỗ là không cầu về cõi Tây
Phương Cực lạc mà phát nguyện đi vào đời để cứu khổ chúng sinh, luôn xem xét,
lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ tình yêu thương chân thật nhằm xoa dịu bớt nỗi đau
bất hạnh giúp mọi người chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
+ “Nam mô” có nghĩa là cung kính, tôn trọng. Chúng ta
cung kính, tôn trọng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm để bắt chước tấm lòng vị
tha từ bi cứu khổ chúng sinh lâu dài.
+ “Đại từ” có nghĩa là mở rộng tấm lòng đem niềm vui,
tình thương vô lượng vô biên đến với tất cả chúng sinh mà không phân biệt thân
sơ, bình đẳng đối với tất cả mọi người dù đó là kẻ thù; khi thấy họ gặp bất
hạnh, khổ đau Bồ tát vẫn một lòng thương xót dang tay giúp đỡ mà không một niệm
oán trách.
+ “Đại bi” có nghĩa là mở rộng tấm lòng sẵn sàng chia sẻ
nỗi khổ, niềm đau đối với người cơ nhỡ, bất hạnh; chỉ biết một bề giúp đỡ, sẻ
chia khi có nhân duyên, khi có điều kiện.
+ “Quán Thế Âm” có nghĩa là quán sát, xem xét, lắng nghe
tiếng khổ của tha nhân để tùy duyên cứu độ. Ngài luôn quán chiếu cuộc đời, lắng
nghe âm thanh theo nguyên lý duyên khởi “vô ngã-vị tha”, nhờ vậy biết cách giúp
chúng ta vượt qua lo lắng, sợ hãi, thoát khỏi sự ràng buộc của khổ đau.
_ Quán chiếu cuộc đời thực tế có 5 cách. Một là quán chân
thật, hai là quán thanh tịnh, ba là quán trí tuệ rộng lớn, bốn là quán tình
thương, năm là quán cứu khổ. Mỗi hành giả nương vào năm pháp quán này mà vươn
lên làm mới lại chính mình vượt thoát mọi khổ đau ràng buộc trong cuộc đời.
+ Quán chân thật để thấy rõ bản chất cuộc đời là một dòng
chuyển biến theo nguyên lý duyên khởi “vô ngã, vô thường” - “Cái này có thì cái
kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này
diệt thì cái kia diệt.”
+ Tất cả mọi hiện tượng, sự vật không có thực thể cố
định, nhờ quán chiếu như vậy nên chúng ta dễ dàng buông xả, không chấp trước
dính mắc về thân tâm-ta-người-hoàn cảnh. Quán thanh tịnh để thấy rõ bản chất
của các pháp không nhơ sạch-đúng sai-tốt xấu, nhờ vậy chúng ta dứt tưởng nên
hành giả sống lạc quan, không dính mắc hai bên.
+ Quán trí tuệ rộng lớn là pháp quán cần yếu của mỗi hành
giả. Không có trí tuệ chúng ta dễ rơi vào si mê, lầm lạc, muốn có trí tuệ mỗi
hành giả phải biết Thiền định để loại trừ rác rưởi tà niệm. Cho nên, đất tâm
nếu “không” thì mặt trời trí tuệ tự sáng. Hành giả khi có trí tuệ thì thấy 5 Uẩn
đều không, liền qua hết thảy khổ ách nên gọi là Quán Tự Tại.
+ Hai pháp quán sau gộp chung lại gọi là quán từ bi, tâm
từ bi có thể phát xuất từ tấm lòng vị tha của mỗi con người. Nhờ quán từ bi mỗi
hành giả thấu suốt nguyên lý duyên khởi “vô ngã, vô thường” - tính không thực
thể của các pháp, nhưng có tính biết sáng suốt hằng tri hằng giác; nương nơi
mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe;
tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Do biết rõ thật giả phân minh nên Bồ tát
đi vào đời luôn đem niềm vui, tình thương chân thật, bình đẳng đến với tất cả
chúng sinh dù đó là người thù. Bồ tát sẵn sàng chia sẻ nỗi khổ, niềm đau để làm
vơi bớt nỗi đau bất hạnh cho tất cả chúng sinh. Nhờ Bồ tát thấu rõ chân lý cuộc
đời nên không thấy mình là kẻ ban ơn, không thấy người nhận thí và kẻ thọ ơn
nên bình đẳng kết nối yêu thương, mở rộng tấm lòng không phân biệt người thân
hay kẻ thù.
_ Người tu niệm danh hiệu Bồ tát thì phải lấy
Tín-Hạnh-Nguyện làm nền tảng, nhưng Tín-Hạnh-Nguyện của người niệm Quán Thế Âm
khác với niệm Phật cầu vãng sinh.
+ “Tín” có nghĩa là tin thần lực nhiệm mầu của Bồ tát
Quán Thế Âm có đủ khả năng giúp chúng sinh chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành
an vui, hạnh phúc, đạt được kết quả như ý muốn. Nhưng tại sao có người nhờ niệm
Quán Thế Âm mà vượt qua hoạn nạn, tai ương; cũng có người khi niệm chẳng thấy
linh ứng và hiệu nghiệm là vì sao? Người phát tâm trì niệm danh hiệu Bồ tát
điều đầu tiên cần phải có lòng tin sâu sắc với Bồ tát, luôn cung kính chí thành
niệm tinh chuyên, ròng rặc. Ai đặt hết niềm tin tưởng và thành khẩn cầu sự cứu
độ của Bồ tát Quán Thế Âm thì được cảm ứng không thể nghĩ bàn, “có cầu tất
ứng”.
+ “Hạnh” có nghĩa là thực hành niệm danh hiệu Bồ tát một
cách tinh chuyên, ròng rặc, miên mật, thường xuyên mỗi ngày không lơ là, giải
đãi. Chúng ta cung kính chí thành niệm danh hiệu Bồ tát trong mọi hoàn cảnh,
trong 4 oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi mà không bị ngoại cảnh chi phối làm thất
niệm. Cuộc sống thế gian vốn nhiều đau khổ bất an, tham lam, thù hận, đố kỵ,
tranh chấp, xung đột, sợ hãi và sẵn sàng triệt tiêu lẫn nhau vì quyền lợi riêng
tư. Nếu chúng ta không thường xuyên cung kính niệm Bồ tát, chờ đến khi gặp hoạn
nạn mới khẩn cầu thì e rằng sẽ không có kết quả như nguyện; vì lúc này tinh
thần không sáng suốt, khủng hoảng, sợ hãi, mất bình tĩnh thì làm sao đủ khả
năng cầu sự gia hộ của Bồ tát có hiệu quả.
+ “Nguyện” ở đây có nghĩa là chí nguyện độ sinh, cứu vớt
chúng sinh tai qua nạn khỏi, vượt thoát khổ đau và luôn đem niềm vui đến với
tất cả muôn loài. Bồ tát sau khi thành tựu đạo quả, nguyện dấn thân đi vào đời
để làm lợi ích chúng sinh, cùng đồng hành, cùng làm việc, cùng đóng góp, cùng
gánh vác, cùng sẻ chia, cùng chia vui và cùng sớt khổ với tất cả chúng sinh. Chúng
ta phải thường xuyên quán chiếu thế gian lúc nào cũng đầy dẫy khổ đau, bất hạnh
như đang sống trong nhà lửa, chịu sự nóng bức của phiền não trong từng phút
giây. Tu và học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm như nhịp cầu nối kết
yêu thương, sẻ chia cuộc sống, luôn giúp mọi người sống gần gũi, gắn bó với
nhau bằng sự thương yêu và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và độ
lượng, cảm thông và tha thứ, sẻ chia và giúp đỡ; nhưng không thấy ai là người
thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi.
_ “Bồ tát” có nghĩa là người giác ngộ, nhưng chỉ giác ngộ
từng phần, chưa được viên mãn như Phật. Vì thấy chúng sinh ở cõi Ta Bà này vui
ít, khổ nhiều, bị phiền não, khổ đau chi phối nên động lòng thương xót đi vào
đời lấy Tứ nhiếp pháp để ban vui, cứu khổ theo đúng tâm tư, nguyện vọng của
chúng sinh. Một là bố thí, hai là ái ngữ, ba là lợi hành, bốn là đồng sự.
+ Bố thí: Bồ tát thấy chúng sinh tham lam, bỏn sẻn, keo
kiệt, ích kỷ, nhỏ mọn, chất chứa riêng tư là nhân của đau khổ nên rộng rãi phát
tâm bố thí, giúp đỡ sẻ chia để diệt trừ tâm địa hẹp hòi, san tham. Bồ tát sẵn
sàng đem tài sản, của cải hoặc sức lực của mình bố thí, giúp đỡ mỗi khi cần
thiết. Nhờ sự giúp đỡ tận tình nên Bồ tát dễ dàng gần gũi và được nhiều người
mến thương, do đó dễ nhiếp phục họ bằng cách bố thí, chia sẻ.
+ Ái ngữ: Bồ tát phải dùng lời ngon ngọt, hòa nhã, dịu
dàng, nhỏ nhẹ, dễ thương, không nói lời cộc cằn, thô bạo; nếu giúp người mà như
thế dễ làm họ chán ghét, phiền muộn, khổ đau. Bồ tát khéo dùng lời nói từ ái,
hiền hòa nhưng chân thật nên dễ thành công trong công cuộc độ sinh.
+ Lợi hành: Bồ tát phải tích cực làm việc gì đó có lợi
ích cho chúng sinh chứ không phải nói suông vô ích, nhờ vậy ngài được chúng
sinh tin tưởng và sau đó dùng Chánh pháp để giúp chúng sinh hướng thiện, dứt ác
làm lành.
+ Đồng sự: Bồ tát phải siêng năng, giỏi biết nhiều ngành
nghề để cùng làm, cùng sống với chúng sinh. Nhờ sống gần gũi thường xuyên mà Bồ
tát có cơ hội dùng Chánh pháp để thuyết phục chúng sinh tin sâu nhân quả, tự
tin chính mình và giúp chúng sinh đi theo con đường hướng thượng luôn chia vui,
sớt khổ trong thương yêu bình đẳng.
_ Ai có duyên với Bồ tát thì ngay từ bây giờ hãy nên
thành tâm niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm để cầu sự cứu độ của Ngài. Chúng
tôi hướng dẫn cách thức niệm danh hiệu Bồ tát theo điệu nhạc để vừa thư giãn,
vừa nhẹ nhàng, vừa dễ định tâm; miệng niệm, tai lắng nghe danh hiệu Bồ tát.
Giai đoạn một là miệng niệm, tai lắng nghe. Giai đoạn hai là miệng niệm, tâm
lắng nghe, giai đoạn ba tâm niệm, tâm lắng nghe và thể nhập tánh nghe thường
hằng: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát… Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát… Nam mô Quán Thế Âm
Bồ tát…” và cuối cùng là trở về vô niệm. Nhờ thần lực gia hộ của Ngài nên chúng
ta dễ dàng nhiếp tâm, không bị tạp niệm chi phối, do đó dễ thành tựu đạo pháp.
Bước 2:
Quán chiếu, soi sáng các pháp duyên sinh
Sau khi niệm danh hiệu Bồ tát thuần thục rồi, chúng ta
dùng pháp quán chiếu, xem xét, soi sáng các pháp duyên sinh vô ngã, vô thường;
nhờ vậy hành giả biết được lẽ thật của các pháp không thực thể cố định nên dễ
dàng buông xả tâm dính mắc, do đó hằng sống với tâm thanh tịnh, sáng suốt,
không nhơ, không sạch. Muốn vậy Bồ tát phải quán trí tuệ rộng lớn để chuyển hóa
tối tăm, si mê và sống với tính biết sáng suốt; nương nới mắt thì thấy nghe
không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe; tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại
như thế; từ đó phát khởi lòng từ bi rộng lớn đi vào đời cứu độ chúng sinh mà
không thấy mình ban cho, người được cho và vật đã cho.
Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Nhĩ căn viên thông là thù
thắng hơn hết. Bồ tát Quán Thế Âm do tu “phản văn văn tự tánh” - xoay cái hay
nghe trở lại tánh nghe thường hằng của mình nên thành tựu đạo Vô Thượng Chánh
Đẳng Giác. Vậy chúng ta làm sao xác định được tánh nghe thường hằng của mình?
Có người hỏi: “Bạn đang làm gì đó?” “Tôi đang nghe”. Như
vậy thì bạn đâu có quên mình theo vật, đâu có bị môi lưỡi của người khác lừa
mình. Như thế là bạn đang sống với tánh nghe thường hằng của mình. Nếu bạn khi
nghe ai hỏi “anh đang làm gì đó” mà trả lời tôi làm cái này, tôi làm cái kia là
bạn đang quên mình theo vật, bạn đã chạy theo âm thanh, sắc tướng bên ngoài.
Có một câu chuyện nói về tánh nghe, xin mời quý vị hãy
cùng chúng tôi suy nghiệm: Thiền sư Cảnh Thanh đang ngồi trong thất, cạnh ngài
có một vị Tăng đứng kế bên. Sư hỏi: “Bên ngoài có tiếng gì?” Tăng thưa: “Tiếng
con nhái bị con rắn bắt kêu.” Sư nói: “Sẽ bảo chúng sinh đau khổ, lại có khổ
chúng sinh.” Rắn bắt nhái là chúng sinh khổ vì con lớn hiếp con bé, song lại có
khổ chúng sinh, chính là vị Tăng quên mất mình chạy theo ngoại cảnh. Đây là
chiêu thuật của các vị Thiền sư để khám phá những người học đạo có sống được
với tâm chân thật của mình qua tánh nghe hay không?
Hằng ngày từ sáng sớm đến chiều tối, tai chúng ta chỉ
lắng nghe tiếng lớn, tiếng nhỏ êm dịu hay chát chúa bên ngoài. Chính vì vậy mà
bị âm thanh làm cho khỗ não do ta không chịu thừa nhận mình có tính biết sáng
suốt nương nơi tai. Vừa nghe tiếng liền khởi niệm phân biệt phải quấy, đúng sai
rồi sinh tâm yêu ghét; cho nên nói “chúng sinh khổ, lại có khổ chúng sinh” là
vậy. Người không biết tu thì khổ đã đành mà người đang tu cũng lại như thế.
Sáng hôm sau, Thiền sư hỏi vị Tăng khác: “Bên ngoài có
tiếng gì?” Vị Tăng quá thành thật nên trả lời: “Tiếng mưa rơi!” Thiền sư bảo: “Chúng
sinh điên đảo quên mình theo vật.” Chỉ có người đã thật sự sống với tâm chân
thật của mình mới không chạy theo âm thanh lớn nhỏ bên ngoài. Tai nghe tiếng
thì biết mình đang nghe mà không chạy theo tiếng, lại biết mình có tính nghe
thường hằng là pháp tu của Bồ tát Quán Thế Âm. Âm thanh lớn nhỏ, xa gần lúc nào
cũng có, tính nghe hiện hữu nên mới thường nghe. Nếu tính nghe bị gián đoạn thì
tai ta có lúc nghe, lúc không.
Như trong Kinh Lăng Nghiêm Phật bảo ngài A Nan đánh tiếng
chuông rồi hỏi ngài có nghe không, ngài A Nan trả lời có. Đợi khi tiếng chuông
im bặt một hồi lâu, Phật hỏi lại: “Ông có nghe không?”. Ngài A Nan trả lời:
“Không nghe!”, liền bị Phật quở: “Tại sao ông quên mình theo vật?” Phật nói
tiếp: “khi có tiếng nghe có tiếng, khi không tiếng nghe không tiếng”. Tính nghe
luôn thường hằng nên có tiếng biết có tiếng, không tiếng biết không tiếng, vậy
mà chúng ta không chịu thừa nhận nên luôn sống trong đau khổ lầm mê.
Qua câu chuyện Phật dạy trong Kinh Lăng Nghiêm cho ngài A
Nan và những Thiền sư tu theo cách hành thẳng nơi tâm không thông qua phương
tiện, không hai không khác. Mỗi hành giả tu theo hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm
cần phải thể nghiệm sâu sắc lời dạy trên để được giác ngộ, giải thoát. Trong Thiền
môn có một câu chuyện nổi tiếng về Bồ tát Quán Thế Âm như sau:
Một Thiền sinh trên đường đi tham vấn đến một chùa nọ
thấy thờ Bồ tát nghìn tay nghìn mắt mới hỏi Thiền sư: “Bồ tát có nghìn tay
nghìn mắt, vậy mắt nào là mắt chánh?” Thiền sư nói: “Như người ngủ ban đêm với
tay ra sau tìm chiếc gối, ngay khi đó mắt chánh hiện tiền.” Chỗ này mọi người
tự biết, tôi không thể biết “cái gì biết tìm chiếc gối trong đêm tối”.
Bồ tát nghìn tay là tượng trưng cho sự dấn thân làm việc
không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán vì lợi ích chúng sinh. Con mắt trong
mỗi bàn tay tượng trưng cho trí tuệ thấy biết đúng như thật, nhờ vậy Bồ tát
thương yêu bằng trái tim hiểu biết, giúp đỡ chúng sinh một cách bình đẳng,
không phân biệt người thân hay kẻ thù.
Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy “Phản Văn Văn Tự Tánh” là
xoay cái hay nghe nghe lại tự tánh mình thì được đạo vô thượng. Hòa Thượng
chúng tôi dạy “thấy biết” là chơn tâm, “nghe biết” là chơn tâm, mũi-lưỡi-thân-ý
cũng lại như thế. Vậy Thiền và Kinh đâu có khác, Phật và Tổ không hai, đồng một
con đường sáng.
Chúng tôi biên soạn Kinh Hạnh Nguyện Bồ tát Quán thế Âm
dựa theo các bản dịch của chư vị Hòa Thượng lão thành cùng các chư vị Tôn đức
khác để lập ra một pháp tu trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm. Nếu ai có
nhân duyên với Bồ tát xin hãy cùng chúng tôi đồng hành để được kết nối yêu
thương, sẻ chia cuộc sống, được cho và nhận với tinh thần chia vui sớt khổ với
tấm lòng vô ngã vị tha.
Phần sau của bản Kinh là nghi thức sám hối để làm mới lại
chính mình, chúng tôi cũng trích lược lại cho đơn giản và dễ hiểu, mỗi câu lạy
Phật đều có chú giải để các thế nhân mới vào đạo không có điều kiện đến chùa tu
học mà ở tại nhà tụng đọc cũng đem lại nhiều lợi lạc, an vui. Chúng tôi xin
chân thành hồi hướng tất cả công đức lành này đến với pháp giới chúng sinh đều
thành tựu Phật đạo.
Pháp
Lạc Đường mùa an cư kiết hạ năm Tân Mão
Kính
ghi
Phong
Trần Trúc Giác
KINH HẠNH NGUYỆN QUÁN THẾ ÂM VÀ NGHI THỨC
SÁM HỐI
NGUYỆN HƯƠNG
Nam mô Thập phương thường trụ Tam bảo tác đại chứng minh.
Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni tác đại chứng minh.
Nam mô Thánh đức Bồ tát Quán Thế Âm tác đại chứng minh.
Hương giới, hương định, cùng huệ hương.
Hương giải thoát, giải thoát tri kiến.
Đài mây sáng rỡ trùm pháp giới.
Cúng dường Tam bảo khắp mười phương. O
Nam mô Bồ tát hương cúng dường. (3 lần)
Hôm
nay là ngày …, tất cả đệ tử chúng con thành tâm quỳ trước Phật đài tác
lễ sám hối cầu an, tụng kinh hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm, cung kính
bậc thầy ba cõi, chí tâm, chính thành cầu xin sám hối tất cả tội lỗi cố ý
hay vô tình đã tạo ra trong quá khứ cũng như hiện tại hết thảy đều được
tiêu trừ. Cúi mong Tam Bảo thường ở mười phương quang giáng đạo tràng
chứng minh cho lòng thành của chúng con, khiến chúng con oan khiên dứt
sạch, bệnh căn thuyên giảm, gia quyến an khang, lòng tin Tam Bảo càng
sâu, tâm từ đối với chúng sinh tăng trưởng. Nguyện cho Chánh pháp được
lan truyền khắp chốn, lời Phật dạy được phổ biến muôn nơi, người người
từ bỏ tham giận, si mê, tưới tẩm từ bi, hạnh phúc, thương yêu đùm bọc,
giúp đỡ lẫn nhau, làm lành lánh dữ, thế giới dứt nghiệp binh đao, muôn
loài an vui giải thoát.
Tất cả đệ tử chúng con thành tâm quỳ trước
Phật đài đồng sám hối cầu siêu, hồi hướng cho các hương linh, vong linh,
các oan hồn uổng tử được thính Pháp nghe Kinh, được thừa tư công đức,
phát tâm tỉnh giác, lìa khổ tối tăm, khởi niệm từ bi, xa rời đường dữ,
tin sâu Tam Bảo, tin cõi Phật an vui.
Khắp nguyện kẻ mất siêu thăng, người còn phúc lạc, chúng sinh được thấm nhuần mưa pháp, mọi người đều chứng ngộ Phật thừa.
Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni.
CA NGỢI TAM BẢO
Phật là đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời.
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,
Là thầy ba cõi trời người xưa nay.
Pháp là phương thuốc diệu thay,
Chữa lành bệnh khổ muôn loài chúng sinh.
Như vầng trăng sáng lung linh,
Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.
Tăng là những bậc chân tu,
Biết đời huyễn mộng, giã từ ra đi.
Thấm nhuần trí tuệ từ bi,
Độ đời thoát khỏi tham, si, khổ sầu.
Nam mô hoan hỷ tạng Bồ tát. (3 lần)
TÁN PHẬT
Đại từ đại bi thương chúng sinh.
Đại hỷ đại xả cứu muôn loài.
Tướng đẹp sáng ngời cùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.
ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời thường trú trong mười phương. (Lạy một lạy) O
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chánh pháp ba đời thường trú trong mười phương. (Lạy một lạy) O
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời thường trú trong mười phương. (Lạy một lạy) OO
Bắt
đầu vô chuông mõ: 1 tiếng chuông, 3 tiếng mõ; 1 tiếng chuông, 1 tiếng
mõ; 1 tiếng chuông, 1 tiếng mõ; 1 tiếng chuông, 5 tiếng mõ.
TÁN DƯƠNG GIÁO PHÁP
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp
Nay con nghe thấy xin trì tụng
Nguyện hiểu chân Kinh nghĩa nhiệm mầu
Nam mô khai Pháp tạng Bồ tát. (3 lần)
SÁM CẦU NGUYỆN QUÁN THẾ ÂM
Con quỳ lạy Phật chứng minh,
Với lòng thành kính tụng Kinh, nguyện cầu.
Cầu cho người vật hiện tiền,
Muôn loài thoát khổ, bình yên, an lành.
Mười hai nguyện lớn Quan Âm,
Phát tâm vào đời để độ chúng sinh.
Lòng thành tín nữ, thiện nam,
Cùng nhau niệm Phật, ăn chay làm lành.
Quan Âm xem xét, lắng nghe,
Cứu người chìm nổi lênh đênh sông dài.
Hãy mau niệm Đức Quán Âm,
Tai qua nạn khỏi, hiểm nguy không còn.
Người người bị lửa đốt thiêu,
Niệm danh Bồ tát hóa ra sen vàng.
Biển to, sóng lớn chìm thuyền,
Niệm danh Bồ tát sóng to hết liền.
Yêu tinh, ma mị, điên khùng,
Niệm danh Bồ tát bình yên cõi lòng.
Vào rừng, thú dữ chực chờ,
Niệm danh Bồ tát chúng liền tránh xa.
Bị tù, bị tội khảo tra,
Niệm danh Bồ tát hết cơn nguy nàn.
Bị trù, bị yếm mê man.
Niệm danh Bồ tát tâm thần sáng trong.
Quán Âm nguyện lớn vào đời,
Tùy duyên cứu khổ, rãi ban phước lành.
Nương theo Bồ tát Quán Âm,
Thấy mình thể nhập cũng y như Ngài.
Tay cầm bình nước Tịnh bình,
Tay cầm nhành liễu ung dung vào đời.
Cam lồ chan rãi khắp nơi,
Vui tươi, mát mẻ chúng sinh muôn loài.
Quán Âm thị hiện vào đời,
Giúp người thoát khổ, an vui lâu dài. OO
PHÁT NGUYỆN TRÌ KINH
Lạy đấng thầy ba cõi
Quy mạng Phật mười phương
Nay con phát nguyện lớn
Thọ trì Kinh Hạnh Nguyện
Bồ tát Quán Thế Âm.
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ muôn loài
Nguyện cho người thấy nghe
Đều phát tâm Bồ đề
Sống an vui, giải thoát.
Nam mô Phật bổn sư Thích ca Mâu ni. (3 lần) O
KINH HẠNH NGUYỆN BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Tôi nghe như vầy. Có vị Bồ tát, hiệu Vô tận Ý, ở trong
pháp hội, hoa sen chánh pháp, chấp tay bạch Phật, cung kính thưa rằng: Bạch đức
Thế tôn, ngài Quán Thế Âm, do nhân duyên gì, được danh hiệu ấy? - Này Vô Tận Ý!
Này các Bồ tát! Nếu có muôn ức, các loài chúng sinh, chịu nhiều khổ nạn, khi
nghe được tên, Bồ tát Quán Âm, một lòng xưng danh, thọ trì miên mật, đều được
an vui, giác ngộ giải thoát. O
Nếu ai bất hạnh, bị lửa đốt thiêu, xưng niệm Quán Âm, nhờ
sức oai thần, lửa chẳng đốt cháy. Lại nếu có người, bị nước cuốn trôi, niệm
danh Bồ tát, nhờ sức oai thần, liền đến chỗ cạn. Nếu ai đi thuyền, để tìm châu
báu, vàng bạc lưu ly, trân châu mã não, hỗ phách xà cừ, san hô ngọc quý, lênh
đênh biển lớn, giông gió cuốn trôi, vào nước La sát, thì nên thành tâm, trì
niệm Quán Âm, nhờ sức oai thần, bình yên vô sự. O
Lại nếu có người, sắp bị hãm hại, bằng dao gậy kiếm, thì
nên thành tâm, niệm danh Bồ tát, do đó dao gậy, liền biến thành không, và được
cứu thoát. Nếu bị các loài, La sát Dạ xoa, làm hại thân này, hãy niệm Quán Âm,
nhờ sức oai thần, quỷ dữ bỏ đi.
Lại nếu có người, bị tù bị tội, xiềng xích gông cùm, khổ
đau trói buộc, khắp cả toàn thân, nhờ niệm Quán Âm, thoát khỏi tù đày, dứt lìa
oan nghiệt.
Lại nếu có người, mang nhiều châu báu, bị cướp tấn công,
thì nên thành tâm, niệm danh Bồ tát, nhờ sức oai thần, bọn cướp khiếp sợ, không
dám hãm hại.
Này Vô Tận Ý! Bồ tát Quán Âm, có sức oai thần, nhiệm mầu
như thế, công đức sâu dày, không thể nghĩ bàn, rộng độ chúng sinh. Vì thế, các
ông nên thường, niệm danh Bồ tát, một lòng tinh chuyên.
Nếu có chúng sinh, tham lam ích kỷ, giận hờn ngu si, phải
thường cung kính, niệm danh Bồ tát, thì tham sân si, thảy đều tan biến.
Lại nếu có người, cầu xin con trai, thì nên thành tâm,
niệm danh Bồ tát, nhờ sức oai thần, liền sinh con trai, phước đức đầy đủ, trí
tuệ hơn người.
Lại nếu có người, muốn cầu con gái, thì nên thành tâm,
niệm danh Bồ tát, nhờ sức oai thần, hạ sinh thục nữ, xinh đẹp kiều diễm, thì
được nhiều người, yêu thích mến thương.
Thần lực Quán Âm, nhiệm mầu như thế. Ta khuyên mọi người,
cung kính đảnh lễ, niệm danh Bồ tát, tán thán thọ trì, để được lợi lạc, khắp cả
chúng sinh.
Sau khi nghe xong, ngài Vô Tận Ý, liền hỏi Phật rằng: Bồ
tát Quán Âm, phát tâm vào đời, cứu độ chúng sinh, bằng phương tiện gì, giúp cho
muôn loài, thảy đều tỏ ngộ?
Này Vô Tận Ý! Nếu có chúng sinh, thích dùng thân Phật, để
được độ thoát, chứng nên quả giác, thì Quán Thế Âm, thị hiện thân Phật, vì họ
thuyết pháp.
Tương tự như thế, tùy theo sở thích, của các chúng sinh,
Bồ tát Quán Âm, ứng hiện nhiều thân, như thân Thanh Văn, thân Bích Chi Phật,
hoặc Trời Đế Thích, hoặc Trời Phạm Vương, thân Tự Tại Thiên, đại Tự Tại Thiên,
Trời đại tướng quân, hoặc Tỳ Sa Môn, tiểu vương trưởng giả, vua quan cư sĩ,
hoặc Bà la môn, tín nữ thiện nam, hoặc làm Tăng Ni, hoặc thân công chúa, nữ
hoàng tôn quý, đồng nam đồng nữ, hoặc ứng hiện thân: Trời, Rồng, Dạ xoa, hoặc
Càn thát bà, hoặc A tu la, hoặc Câu lâu la, hoặc Khẩn na la, Ma hầu na già,
thần Chấp Kim Cang, cả ba mươi ba, ứng thân sai khác, giúp cho mọi người, an
vui giải thoát, thì Quán Thế Âm, sẵn sàng hóa thân, không chút quản ngại. O
Này Vô Tận Ý! Bồ tát Quán Âm, ứng hiện nhiều thân, cứu độ
chúng sinh, khắp cả thế gian, không thể nghĩ bàn. Vì thế các ông, hãy nên một
lòng, tán thán cúng dường, Bồ tát Quán Âm. O
Này Vô Tận Ý! Thí không sợ hãi, trong chốn trần gian, cứu
khổ chúng sinh, tai qua nạn khỏi, chính là nguyện lớn, Bồ tát Quán Âm, nên cõi
Ta Bà, thảy đều gọi ngài, là Quán Tự Tại. O
Sau khi nghe xong, ngài Vô Tận Ý, xin thưa đức Phật, cho
con cúng dường, Bồ tát Quán Âm. Nói xong ngài đem, chuỗi ngọc như ý, tặng làm
pháp thí, giá trị ngàn vàng, cung kính cúng dường, Bồ tát Quán Âm. Bồ tát Quán
Âm, không dám chịu nhận, chuỗi ngọc như ý. Phật liền dạy rõ, về pháp cúng
dường, khuyên Quán Thế Âm, hãy vì bốn chúng, tám bộ trời rồng, và Vô Tận Ý,
nhận chuỗi pháp thí, lợi ích trời người.
Phật vừa dứt lời, Bồ tát Quán Âm, vui vẻ đón nhận, chia
làm hai phần, một phần dâng cúng, đức Phật Thích ca, còn lại phần kia, cúng
tháp Đa Bảo. O
Bấy giờ trong hội, có vị Bồ tát, tên là Trì Địa, chấp tay
thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, nếu có chúng sinh, nghe được Kinh này, cũng như
công đức, ứng hiện các thân, tùy duyên giáo hóa, của ngài Quán Âm, thì phước
người ấy, vô lượng vô biên. O
Khi nghe Phật nói, hạnh nguyện Quán Âm, tám mươi bốn
ngàn, các loại chúng sinh, thảy đều phát tâm, Vô Thượng Chánh Giác.
Nam mô Pháp Hoa hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần) OOO
KỆ TÁN
QUAN ÂM
Cành dương liễu
nước tịnh nhiệm mầu,
Rưới tắt muôn
vàn cảnh khổ đau.
Chư thiên mát
mẻ, tâm thanh tịnh,
Nhân thế vui
tươi cảnh an nhàn.
Cam lồ rưới
khắp trần gian,
Não phiền dứt
sạch, sen vàng nở hoa. OOO
TÂM
KINH TRÍ TUỆ CỨU KÍNH RỘNG LỚN
Khi Bồ tát Quán Tự Tại hành sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa,
Ngài soi thấy 5 Uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách. Này Xá Lợi Phất! Sắc chẳng
khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ-tưởng-hành-thức
cũng lại như thế.
Này Xá Lợi Phất! Tướng không của các pháp không sinh
không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt. Cho nên trong tướng
“không” không có sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Không có mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý,
không có sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý
thức giới, không có vô minh cũng không có hết vô minh, cho đến không có già-chết
cũng không có hết già-chết, không có khổ-tập-diệt-đạo, không có trí huệ cũng
không có chứng đắc. Vì không có chỗ được, nên Bồ tát y theo Bát Nhã Ba La Mật
Đa tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo
mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát Nhã
Ba La Mật Đa được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nên biết, Bát Nhã Ba
La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng
chú, hay trừ được hết thảy khổ chân thật không dối. Vì vậy, nói chú Bát Nhã Ba
La Mật Đa, liền nói chú rằng: Yết đế, yết đế, Ba La yết đế, Ba La tăng yết đế,
Bồ đề tát bà ha”. (3 lần) OOO
MƯỜI
HAI NGUYỆN LỚN
Một nguyền khi
hành Bồ tát đạo,
Danh hiệu tôi
Tự Tại Quán Âm.
Sáu căn thanh
tịnh viên thông,
Chỗ nào khốn
khổ liền tìm đến nơi.
Hai nguyền
không sợ gian nan,
Vớt người chìm
đắm biển sông lâu dài.
Ba nguyền ứng
hiện Ta Bà,
U minh, đau khổ
mau mau giải trừ.
Bốn nguyền ma
quỷ yêu tinh,
Hãy mau thức
tỉnh hồi quy Phật Đà.
Năm nguyền dương
liễu Tịnh bình,
Cam lồ rưới
mát, nhân thiên an lành.
Sáu nguyền bình
đẳng xót thương,
Không còn phân
biệt thân sơ mọi loài.
Bảy nguyền dứt
khổ ba đường,
Chúng sinh
thoát nạn, không còn trầm luân.
Tám nguyền cứu
khổ tội tù,
Chúng sinh vui
vẻ, an nhiên thanh nhàn.
Chín nguyền cứu
khổ thế nhân,
Thảy đều thể
nhập, Niết Bàn vô sinh.
Mười nguyền hỗ
trợ Tây Phương,
Muốn cho tất cả
biết đường về Tây.
Mười một nguyền
Di Đà thọ ký,
Cảnh Tây Phương
tuổi thọ lâu dài,
Chúng sinh muốn
sống an lành,
Niệm danh Bồ
tát, Tây Phương mau về.
Mười hai nguyền
tinh tấn tu hành,
Dù sắc thân lao
khổ trăm bề,
Thành tâm nỗ
lực không ngừng,
Mười hai nguyện
lớn độ sinh đời đời. OOO
KỆ SÁM HỐI
Con đã gây ra bao lầm lỗi
Khi nói, khi làm, khi tư duy.
Tham lam, hờn giận và ngu si,
Nay con cúi đầu xin sám hối.
Một lòng con cầu Phật chứng tri,
Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới,
Nguyện sống đêm ngày trong tỉnh giác,
Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa.
Cúi xin các Phật Thế tôn
Nhủ lòng thương xót chúng sinh mê mờ.
Hoặc tội ác tự tay tạo tác,
Hoặc xúi bảo kẻ khác từng làm,
Hoặc thấy việc ác không can,
Lại còn hoan hỷ sinh tâm đồng tình.
Những tội ác tự mình trộm cướp
Của chùa chiền, bảo tháp, chư Tăng.
Tự tay mình lấy giả lầm,
Hoặc xui người lấy mừng vui trong lòng.
Hoặc tự tay gây tạo tham tàn,
Làm mười điều ác lại coi thường.
Hoặc dùng thế lực ép oan,
Đều sa địa ngục A-tỳ đáng khinh.
Làm quỷ đói, súc sinh đau khổ,
Hoặc giam mình nẻo dữ không thôi.
Làm loài hèn hạ nhất đời,
Nếu được làm người làm người thấp kém.
Nay con nguyện thật thà sám hối
Biết bao điều tội lỗi xưa nay.
Cúi xin chư Phật chứng minh,
Xót thương cho nỗi khốn cùng của con.
Xin chư Phật rủ lòng thương xót,
Nay con xin quỳ trước Phật đà
Phát tâm thệ nguyện thật thà
Đời đời kiếp kiếp trồng gieo căn lành.
Xin phát nguyện làm lành lánh dữ
Kể từ đây muôn kiếp không thôi.
Con nhất tâm nguyện sống đời lành,
Đem thân mạng nương nhờ Tam Bảo,
Lên thuyền Từ vượt qua biển khổ,
Cầm đuốc tuệ ra khỏi rừng mê,
Thân-miệng-ý luôn luôn trong sạch,
Đi-đứng-nằm-ngồi trong tỉnh giác.
Lạy Phật tổ soi đường chỉ lối,
Hôm nay đây khẩn thiết thề nguyền,
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm,
Không còn vương vấn chuyện xưa nay,
Nam mô cầu sám hối Bồ tát ma ha tát.
CHÚNG CON TỤNG TAM QUY VÀ VÂNG GIỮ NĂM ĐIỀU ĐẠO ĐỨC.
Chúng con nguyện suốt đời quy
y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. (3 lần)
Quy y Phật chúng con nguyện
suốt đời tôn trọng, kính thờ, tu theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị thầy giác
ngộ sáng suốt của chúng con. Quy y Phật rồi chúng con không tu theo trời, thần,
quỷ vật.
Quy y Pháp chúng con nguyện
suốt đời tôn trọng, học hỏi và tu theo lời dạy của Phật. Quy y Pháp rồi chúng
con không tu theo ngoại đạo, tà giáo.
Quy y Tăng chúng con nguyện
suốt đời tôn trọng tu theo Tăng sĩ hướng dẫn đúng theo Chánh pháp Như Lai. Quy
y Tăng rồi chúng con không si mê làm thân với nhóm dữ, bạn ác.
Con nguyền từ bỏ sát sanh,
Tôn trọng sự sống, rải ban tâm lành.
Thương yêu người, vật, môi sinh
Cho đời hạnh phúc, muôn loài an vui.
Con nguyền từ bỏ trộm gian,
Mánh mung cướp của, tham lam xin chừa.
Sống chân thật, chẳng lọc lừa
Cho tròn nhân nghĩa, cho vừa nhân sinh.
Con nguyền từ bỏ ngoại tình,
Một chồng một vợ tấm lòng trinh nguyên.
Thương yêu, tôn trọng, cảm thông,
Ngọt bùi chia sẻ, thủy chung trọn đời.
Con nguyền từ bỏ nói sai,
Bớt lời chửi tục, móc moi hai đầu.
Nói như Chánh pháp cao sâu,
Im như bậc Thánh nhiệm mầu thấy-nghe.
Con nguyền từ bỏ rượu chè,
Say sưa nghiện ngập, thân mê trí mờ.
Để không bệnh hoạn thẫn thờ,
Để cho tâm trí lặng lờ, sáng trong.
Từ nay con nguyện với lòng
Giữ gìn năm giới, quyết không phạm lầm.
Để cho con sống thanh cao,
Để đời an lạc, dạt dào tình thương.
KINH HÀNH NIỆM DANH HIỆU BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM. (Hoặc ngồi tại chỗ niệm)
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát. (108 lần)
Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát. (3 lần)
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. (3 lần)
Nam mô đại hạnh Phổ Hiền Bồ tát. (3 lần)
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát. (3 lần )
Nam mô Thanh Tịnh đại hải chúng Bồ tát. (3 lần)
SÁM MƯỜI NGUYỆN
Một nguyền kính lễ Như Lai.
Hai nguyền xưng tán công dày Thế Tôn.
Ba nguyền tu phước cúng dường.
Bốn nguyền sám hối tiêu tan nghiệp trần.
Năm nguyền vui vẻ an lành.
Sáu nguyền thỉnh chuyển pháp luân độ người.
Bảy nguyền thỉnh Phật ở đời.
Tám nguyền học Phật sáng ngời tâm linh.
Chín nguyền hằng thuận chúng sinh.
Mười nguyền hồi hướng phước lành khắp nơi.
HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Sám hối công đức khôn tính kể,
Thắng phước vô biên đồng hướng về.
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn.
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện cả tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ tát đạo.
Nguyện đem công đức tu hành này
Chan rải mười phương khắp tất cả
Con và cha mẹ, ông bà
Chúng sinh giác ngộ, cõi đời an vui.
PHỤC NGUYỆN
Nam mô thập phương thường trụ Tam bảo tác đại chứng minh.
Nam mô Phật bổn sư Thích ca Mâu Ni tác đại chứng minh.
Nam mô Thánh đức Bồ tát Quán Thế Âm tác đại chứng minh.
Cửa Thiền thường nghiêm tịnh,
Toàn chúng mãi thuận hòa.
Phật huệ chiếu sáng ngời,
Mưa pháp hằng nhuần gội.
Phật tử lòng tin sâu,
Ruộng phước càng tăng trưởng.
Chúng sinh sống an lạc,
Vui hưởng cảnh thái bình.
Nơi nơi dứt đao binh,
Mỗi mỗi đều thành Phật.
Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni.
ĐẢNH LỄ BA NGÔI BÁU
Con xin nương tựa Phật,
Bậc phước trí vẹn toàn.
Cầu tất cả chúng sinh
Giác ngộ, phát tâm lành. (một lạy)
Con xin nương tưa Pháp,
Nguồn tuệ giác Từ bi.
Cầu tất cả chúng sinh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (một lạy)
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui.
Cầu tất cả chúng sinh
Hòa hợp, thương mến nhau. (một lạy)
HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức tu hành này
Chan rải mười phương khắp tất cả
Con và cha mẹ, ông bà
Chúng sinh giác ngộ, cõi đời an vui.
SÁM HỐI LẠY HỒNG DANH PHẬT VÀ BỒ TÁT
Nam mô thập phương thường trụ
Tam bảo tác đại chứng minh.
Nam mô Phật bổn sư Thích Ca
Mâu Ni tác đại chứng minh.
Nam mô Thánh đức đại từ đại bi
Bồ Tát Quán Thế Âm tác đại chứng minh.
NGUYỆN HƯƠNG
Hương giới, hương định, cùng
huệ hương,
Hương giải thoát, giải thoát
tri kiến,
Đài mây sáng rỡ trùm pháp giới,
Cúng dường Tam bảo khắp mười
phương.
Nam mô Bồ tát hương cúng dường
(3 lần)
Hôm nay là ngày ... tháng …
năm …, tất cả đệ tử chúng con đồng tâm quỳ trước Phật đài (hoặc Thánh đức Bồ
Tát Quán Thế Âm) tác lễ sám hối lạy hồng danh Bồ tát Quán Thế Âm. Ngưỡng mong
Tam bảo thường ở mười phương quang giáng đạo tràng chứng minh cho lòng thành
của chúng con, khiến chúng con oan khiên dứt sạch, bệnh căn thuyên giảm, gia
quyến an khang, lòng tin Tam bảo càng sâu, tâm từ đối với chúng sinh tăng
trưởng.
Thứ nguyện cầu siêu cho các
hương linh, vong linh, các oan hồn uổng tử được thính Pháp nghe Kinh, được thừa
tư công đức, phát tâm tỉnh giác, lìa khổ tối tăm, khởi niệm từ bi, xa rời đường
dữ, tin sâu Tam bảo, tin cõi Phật an vui.
Khắp nguyện kẻ mất siêu thăng,
người còn phúc lạc, chúng sinh được thấm nhuần mưa pháp, mọi người đều chứng
ngộ Phật thừa.
Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni. O
Chúng ta ứng dụng phương pháp
sám hối lạy hồng danh Phật và Bồ tát nhằm mục đích thấy được lỗi lầm của mình
từ vô thủy kiếp đến nay, do cố ý hay vô tình đã tạo ra trong quá khứ cũng như
trong hiện tại, làm cho người và vật chịu nhiều đau khổ. Do chúng ta thấy biết
sai lầm nên si mê, chấp ngã, chiếm hữu; chính vì vậy làm cái gì cũng muốn bóc
lột, vơ vét về cho mình thật nhiều, mặc kệ mọi người bất hạnh, khổ đau.
Chúng ta chí tâm, chí thành
sám hối để biết rõ cách thức ngăn ngừa tội lỗi không cho chúng tái phạm, trong
hiện đời không gây tạo thêm nghiệp xấu ác nữa mà hay làm các việc thiện lành
tốt đẹp để giúp đỡ mọi người sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Sám hối để chúng ta chuyển hóa
các nghiệp không được tốt đẹp như nghèo, dốt, bệnh, xấu. Có ai muốn mình nghèo
đâu, sao mà cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, thôi thì ta bán quách cái nghèo đi để
được hưởng lấy sự giàu sang, sung sướng. Có một bà già nghèo khổ suốt 80 năm
gặp được Bồ tát chỉ cách bán đi cái nghèo, nhờ thành tâm cung kính cúng dường
một bát nước sông mà sau này bà chết đi và được tái sinh làm một Thiên nữ muốn
gì được đó.
Cũng tương tự như thế, muốn
không ngu dốt thì phải học hỏi, quán chiếu soi sáng và tu tập; muốn không bệnh
khổ và chết yểu thì không nên giết hại làm khổ người và vật; muốn có dung sắc
đẹp đẽ, hình dáng trang nghiêm thì không nên nóng giận, phiền muộn quá mức.
Chúng ta sám hối lạy Phật, Bồ
tát để làm sao chuyển hóa nghèo khổ, khó khăn, thiếu thốn thành giàu sang, sung
sướng, đầy đủ, dư dã; chuyển ngu mê, tối tăm thành sáng suốt, thanh tịnh, trí
tuệ và từ bi; chuyển bệnh hoạn, đau yếu thành khỏe mạnh, sống lâu dài; chuyển
xấu xí, bất hạnh thành đẹp đẽ, trang nghiêm.
Sám hối lạy Phật, Bồ tát là
một nghệ thuật thẩm mỹ làm cho thân tâm ta được thay hình đổi dạng nhờ ngăn
dừng nghiệp xấu ác của quá khứ, luôn ý thức làm mới lại chính mình nhờ những
việc làm tốt đạo, đẹp đời, có ích cho người trong hiện tại; vừa là một phương
pháp rèn luyện thân thể hoàn chỉnh với tinh thần nhiếp niệm, nhiếp tâm điều
hòa; nhờ vậy cơ thể được vận động theo chiều thông suốt làm cho thân tâm nhất
như, trở về một thể tính sáng suốt, nhiệm mầu. Do đó, chúng ta cảm thấy an lạc,
nhẹ nhàng sau khi sám hối lạy Phật, Bồ tát; nhờ vậy căn lành thêm tăng trưởng,
cá nhân luôn lạc quan yêu đời, sống hiểu biết và yêu thương hơn nên gia đình
trên thuận dưới hòa, xã hội giảm bớt si mê lầm lạc, thế giới cùng nhau chung
hưởng an vui, thái bình.
Nam mô cầu sám hối Bồ tát ma ha tát. OO
(Vô chuông mõ)
TÁN PHẬT
Đại từ đại bi thương chúng sinh,
Đại hỷ đại xả cứu muôn loài,
Tướng đẹp sáng ngời cùng trang nghiêm,
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.
_ Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời thường trú
trong mười phương. (Lạy một lạy xong chủ lễ đọc)
Một lạy này chúng con tưởng
nhớ công ơn cao cả của chư Phật vô lượng vô biên, nguyện cầu chư Phật luôn có
mặt ở đời để hướng dẫn và dìu dắt chúng con vượt qua cạm bẫy cuộc đời, được
thành tựu đạo quả giác ngộ và giải thoát.
Người Phật tử tu theo hạnh
nguyện Bồ tát Quán Thế Âm lạy sám hối hồng danh Bồ tát cầu sự gia hộ của ngài
để chúng ta có thêm nghị lực và đủ niềm tin trong cuộc sống nhằm chuyển hóa nỗi
khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Đầu tiên, chúng ta phải chí
tâm, chí thành, cung kính đảnh lễ chư Phật khắp mười phương cầu sự gia hộ của
các đấng đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi. Nhờ sự ra đời của chư Phật mà chúng
ta biết được điều hay lẽ phải trong cuộc sống, biết được đạo lý làm người để
sống có nhân cách đạo đức tốt và dấn thân làm việc không biết mệt mỏi, không
biết nhàm chán vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Cho nên, chúng ta cung kính
đảnh lễ chư Phật để tỏ lòng biết ơn các Ngài đã chỉ cho ta biết được con đường
hướng thượng tốt đẹp, trọn vẹn để chuyển hóa si mê, tối tăm, mờ mịt thành trong
sáng, thanh tịnh; chuyển hóa phiền muộn, khổ đau thành an vui, hạnh phúc và trí
tuệ từ bi. Do đó, mọi người sống với nhau có hiểu biết và yêu thương, cảm thông
và tha thứ với tinh thần vô ngã, vị tha; nhờ vậy chúng ta thoát khỏi mê lầm từ
muôn kiếp.
_ Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chánh pháp ba đời thường trú
trong mười phương.
Một lạy này chúng con xin
nguyện cầu lời dạy chân chánh của chư Phật luôn hiện tiền ở thế gian để giúp
mọi người ý thức được sự sống của chúng ta là phải “tương thân, tương trợ,
nương nhờ lẫn nhau.” Chính vì nguyên lý tương quan, tương duyên này mà chúng ta
phải có trách nhiệm, bổn phận đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau
với tinh thần từ-bi-hỷ-xả và tấm lòng vô ngã, vị tha.
Chánh pháp là lời dạy vàng
ngọc quý báu của chư Phật giúp chúng ta hiểu biết chân lý cuộc đời chính là nền
tảng nhân quả, hay nói cho đủ là nhân-duyên-quả, gieo nhân gặt quả. Mình làm
lành được hưởng phước báu trời người, giàu sang sung sướng, phúc lạc vô biên.
Mình làm ác chịu quả bất hạnh, khổ đau, đọa ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ và
súc sinh. Do đó, chúng ta có thể biết rõ cội nguồn của an vui và hạnh phúc.
Người con Phật luôn ý thức
được khổ đau do sự giết hại, trộm cướp, lường gạt, làm điều phi pháp, tà dâm,
nói dối và uống rượu say sưa, dùng các chất kích thích như xì ke, ma túy hại
mình và người nên quyết tâm nói không với các điều xấu ác và cố gắng làm lành,
làm tốt với tinh thần sáng suốt, trí tuệ từ bi. Nhờ vậy con người được nâng cao
trình độ hiểu biết, đất nước giảm bớt tệ nạn xã hội, cá nhân được tăng trưởng
phước báu, gia đình trên thuận dưới hòa và nhân loại sẽ sống trong bình an,
hạnh phúc.
_ Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc hiền Thánh ba đời
thường trú trong mười phương.
Một lạy này chúng con xin
nguyện cầu tất cả chư hiền thánh Tăng luôn có mặt ở đời để dìu dắt và hướng dẫn
cho chúng con sống được an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Phật đã nhập Niết Bàn, chỉ còn
để lại lời dạy vàng ngọc của Ngài, chư Tăng Ni cùng các bậc hiền Thánh nối tiếp
theo con đường của Phật để vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho tất cả những ai quyết
chí đi theo con đường hướng thượng, trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh.
Con đường này do chính mình quyết định tốt xấu, nên hư, thành bại trong cuộc
đời đều do mình tạo lấy. Mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ
đau, không ai có quyền ban phước giáng hoạ.
Chúng ta cung kính đảnh lễ tất
cả Tăng bậc hiền Thánh để được học hỏi lời Phật dạy qua sự hướng dẫn của chư
Tăng ni. Chúng ta cố gắng ứng dụng tu tập vào trong đời sống hằng ngày để
chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc và sẵn sàng chia vui, sớt
khổ với tất cả mọi người bằng trái tim thương yêu và hiểu biết.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô hiện tại Phật Bổn Sư Thích Ca
Mâu Ni.
Một lạy này chúng con cung
kính tưởng nhớ công ơn giáo hóa của Phật Thích Ca Mâu Ni trong hiện đời, nhờ
vậy chúng con biết được đạo lý làm người nên luôn sống có ích cho bản thân, gia
đình và xã hội.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là
một con người giống như tất cả mỗi người chúng ta. Ngài cũng từ một con người phàm
phu được sinh ra từ cha mẹ, nhưng Ngài ý thức được sự khổ đau do con người chấp
ngã và chiếm hữu để tranh giành quyền lợi cho riêng mình mà bị bất an, gia đình
bất hòa, xã hội loạn lạc, thế giới khổ đau. Vì tham riêng cho bản thân mình,
gia đình mình, đất nước mình nên con người đấu tranh, giết hại lẫn nhau để bảo tồn
sự sống. Đức Phật thấy rõ sự tác hại của nó nên Ngài từ bỏ tiền bạc, danh vọng,
địa vị, quyền uy thế lực, vợ đẹp con ngoan, ăn ngon ngủ kỹ để ra đi tìm chân lý
sống cho nhân loại. Ngài đã tìm ra nguyên nhân và cách thức để giúp con người
vượt qua cạm bẫy cuộc đời, nhờ đó mà ngày nay chúng ta biết được đạo lý làm
người để luôn sống có ích cho mình, cho gia đình và xã hội.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tưởng nhớ đến công ơn của Ngài mà
cố gắng bắt chước học và làm theo với tinh thần tự giác, giác tha và giác hạnh
viên mãn. Nghĩa là sau khi mình giác ngộ rồi thì tìm cách hướng dẫn, giúp đỡ
mọi người cho đến khi thành tựu Phật đạo viên mãn mới thôi.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô quá khứ Phật A Di Đà.
Một lạy này chúng con cung
kính nguyện cầu Phật A Di Đà vì cõi Ta bà khổ mà phát đại thệ nguyện tiếp dẫn
tất cả chúng sinh về cõi Cực Lạc.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính đảnh lễ Phật A Di Đà vì Ngài có vô lượng trí tuệ từ bi nên gọi là Vô Lượng
Quang. Mỗi hành giả nhờ nhiếp tâm niệm Phật, quán chiếu, Thiền định mà đạt đến
nhất tâm bất loạn; do đó thông suốt hết ba cõi nên không còn bị sinh tử, luân
hồi chi phối, nhờ vậy mà không còn giới hạn ở tuổi thọ nên gọi là Vô Lượng Thọ.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tương lai hạ sinh Phật Di Lặc
Tôn.
Một lạy này chúng con cung kính
nguyện cầu Phật Di Lặc ra đời khi thế gian không còn ai là người tốt nữa, nhân
loại chỉ sống trong chiến tranh binh đao, tàn sát giết hại lẫn nhau không
thương tiếc vì mưu cầu lợi ích cá nhân.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính tương lai hạ sinh Phật Di Lặc vì theo nguyên lý vô thường của bầu vũ
trụ bao la thì trái đất cũng bị thay đổi theo thời gian, cuối cùng vẫn phải
thành-trụ-hoại-không. Sau khi Tam bảo đã bị mai một, không còn ai biết đến Phật
pháp nữa, lúc này đức Phật Di Lặc ra đời để tiếp tục cứu độ chúng sinh. Cho nên,
chúng ta chí tâm, chí thành, cung kính cầu sự ra đời của Ngài để giúp ích cho
tất cả chúng sinh thoát khỏi phiền muộn, khổ đau và luôn được an vui, hạnh
phúc.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tổ sư Đại Ca Diếp.
Một lạy này chúng con cung
kính tưởng nhớ tổ sư Đại Ca Diếp, người đã có công lao to lớn chủ trì kiết tập
trùng tụng lại lời Phật dạy để hàng hậu học chúng ta biết được đạo lý làm người,
đạo lý giác ngộ và giải thoát mà tu hành chuyển hóa tham lam, sân hận, si mê
thành thanh tịnh, sáng suốt, trí tuệ và từ bi.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính đảnh lễ tổ sư Đại Ca Diếp vì ngài là vị Tổ được kế thừa sự nghiệp đức
Phật, là nhà mô phạm đạo đức, gương mẫu, khổ hạnh bậc nhất, sống đơn giản với
tiêu chí ít muốn biết đủ, biết sống hài hòa và bằng lòng với hiện tại. Suốt
cuộc đời hoằng hóa độ sinh, ngài luôn khiêm hạ thấp mình đối với người trên kẻ
dưới, ngài đã có công chủ trì kết tập kinh điển lần thứ nhất tại núi Kỳ Xà Quật
với 500 vị A la hán chứng minh, do vua A Xà Thế hỗ trợ và bảo trì.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tổ sư A Nan.
Một lạy này chúng con cung
kính tưởng nhớ công ơn tổ sư A Nan, người đã có công đọc lại lời Phật dạy, nhờ
đó chúng ta biết được giáo pháp chân chánh để ứng dụng, hành trì.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính đảnh lễ tổ sư A Nan vì nhờ có ngài trùng tuyên lại lời Phật dạy mà
ngày nay chúng ta biết được phương pháp tu hành để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau
thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô các bậc tiền nhân tổ tiên, ông
bà, cha mẹ nhiều đời.
Một lạy này chúng con cung
kính tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã lao công
nhọc sức sinh thành, dưỡng dục, nuôi nấng, dạy dỗ giúp ta nên người.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính đảnh lễ các bậc tiền nhân, tổ tiên, ông bà, cha mẹ nhiều đời vì nhờ
có các ngài đi trước hy sinh, chịu khó, chịu khổ khai hoang làm ruộng, trồng
trọt hoa màu để có lương thực nuôi sống chúng ta. Nhờ có mẹ sinh, cha nuôi dưỡng,
công lao khổ nhọc nuôi ta khôn lớn trưởng thành nên chúng ta cần phải hết lòng
hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên để tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô đại từ đại bi Bồ tát Văn Thù Sư
Lợi.
Một lạy này chúng con cung
kính tưởng nhớ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đã nhắc nhở chúng con ai cũng có trí tuệ
sáng suốt sẵn có của chính mình, vì mãi mê chạy theo cuộc sống tiền tài, sắc
đẹp, địa vị, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ nên chúng con quên mất tánh biết hằng
sáng suốt, thanh tịnh của mình.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
đảnh lễ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi vì nhờ có ngài khai phát trí tuệ sáng suốt cho vô
lượng chúng sinh. Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền là hai vị sứ giả đi theo
phụ tá đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong hiện đời. Bồ tát Văn Thù là tượng trưng
cho trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh của mỗi người. Bồ tát Phổ Hiền là tượng trưng
cho công hạnh độ sinh, từ-bi-hỷ-xả giúp mọi người vượt qua cạm bẫy cuộc đời để
vươn lên làm mới lại chính mình, làm mới lại cuộc đời và sống an vui, hạnh phúc
trên tinh thần tương thân tương trợ, đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô đại từ đại bi Bồ tát đại hạnh
Phổ Hiền.
Một lạy này chúng con cung
kính tưởng nhớ Bồ tát Phổ Hiền vì nhờ có ngài phát đại thệ nguyện mạnh mẽ dấn
thân đi vào đời để cứu vớt chúng sinh vượt qua biển khổ sông mê.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính đảnh lễ Bồ tát Phổ Hiền vì nhờ có ngài chịu khổ dấn thân cùng sống vì
mọi người, cùng đồng hành, cùng gánh vác, cùng sẻ chia, cùng an ủi, cùng giúp
đỡ, cùng hy sinh và cùng chia vui sớt khổ. Bồ tát Phổ Hiền có một tâm nguyện
hết sức dễ thương, ngài đến thế gian này để ngăn chặn ma quân ngũ dục và bảo vệ
người tu hành chân chánh.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô đại từ đại bi Bồ tát Đại Thế
Chí.
Một lạy này chúng con cung
kính đảnh lễ Bồ tát Đại Thế Chí, ngài là người đã can đảm, dũng mãnh phát tâm
đi vào đời để cứu độ chúng sinh. Bồ tát Đại Thế Chí và Bồ tát Quán Thế Âm là
hai vị Bồ tát đi theo phụ tá đức Phật A Di Đà.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính đảnh lễ Bồ tát Đại Thế Chí vì nhờ có ngài hy sinh, chịu khó, chịu khổ
dấn thân đi vào đời cứu khổ thế nhân. Nhưng chúng sinh cõi Ta Bà này cang cường
ương ngạnh, khó điều phục nên muốn vào đời giúp nhân loại vượt qua si mê, lầm
lạc thì chúng ta phải phát tâm đại dũng mãnh, đại tinh tấn, đại nhẫn nhịn, đại
trí huệ từ bi rộng lớn; như thế mới đủ khả năng và sức chịu đựng lâu dài mà
hướng dẫn, giáo hóa chúng sinh trong cõi Ta bà vui ít, khổ nhiều.
_ Chí tâm đảnh lễ: Nam mô đại từ đại bi Bồ tát Quán Thế
Âm. (100 lạy hoặc tùy theo nguyện
lực của mỗi người mà lạy nhiều hay ít tùy ý)
Một lạy này chúng con cung
kính tưởng nhớ công ơn Bồ tát Quán Thế Âm vì sự nghiệp sống còn của tất cả chúng
sinh mà sẵn sàng chia vui, sớt khổ bình đẳng với mọi người không phân biệt
người thân hay kẻ thù.
Chúng ta chí tâm, chí thành,
cung kính đảnh lễ Thánh đức Bồ Tát Quán Thế Âm vì công hạnh của ngài không thể
nghĩ bàn. Ngài đã thành Phật từ vô số kiếp, nhưng vì thương chúng sinh còn mãi
chìm đắm trong biển khổ, sông mê nên phát tâm đi vào đời để cứu độ chúng sinh
không biết mệt mỏi, nhàm chán. Sở dĩ Bồ tát được mang danh hiệu là Quán Thế Âm
là vì ngài luôn đem niềm vui đến cho tất cả chúng sinh và sẵn sàng chia sẻ nỗi
khổ, niềm đau đến với muôn loài như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sóng thần, động
đất, bị yêu tinh ma mị hãm hại, bị giam cầm tù tội, cho đến nạn trộm cướp và
vua quan chiếm đoạt.
Hạnh nguyện của Bồ tát Quán
Thế Âm xứng đáng cho chúng ta học hỏi và bắt chước noi theo, vì ngài dấn thân
đi vào đời để cùng đồng hành, cùng làm việc, cùng đóng góp, cùng gánh vác và
cùng chia vui sớt khổ với tất cả chúng sinh. Bồ tát Quán Thế Âm lúc nào cũng
ứng hiện 33 thân, vì lợi ích chúng sinh mà chịu nhiều đau khổ, đắng cay nhưng
vẫn bền chí nhẫn nhịn, nhường người để tu hành; đến khi công tròn quả đủ ngài
tự tại ra đi, khi đó ta mới biết người có tình thương cao cả đó là Bồ tát Quan
Âm.
Chúng ta tu và học theo hạnh
nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm như nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc
sống với tinh thần từ bi và trí tuệ với tấm lòng vô ngã, vị tha, không thấy ai
là kẻ thù dù người đó đã hại mình. Đây chính là nguyện lực cao cả của Bồ tát
Quán Thế Âm, chúng ta cần phải học hỏi và cố gắng bắt chước làm theo.
ĐI KINH HÀNH NIỆM DANH HIỆU BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM. (Hoặc ngồi niệm tại chỗ)
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát. (18
lần)
Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát (3
lần)
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
(3 lần)
Nam mô đại hạnh Phổ Hiền Bồ
tát (3 lần)
Nam mô Địa tạng Vương Bồ tát (3 lần)
Nam mô Thanh Tịnh đại hải
chúng Bồ tát (3 lần)
HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Lạy Phật công đức khôn tính kể,
Thắng phước vô biên đồng hướng về.
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh,
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn.
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện cả tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ tát đạo.
Nguyện đem công đức tu hành này
Chan rải mười phương khắp tất cả
Con và cha mẹ, ông bà
Chúng sinh giác ngộ, cõi đời an vui.
PHỤC NGUYỆN
Nam mô Thánh đức Bồ tát Quán
Thế Âm với hạnh nguyện ban vui cứu khổ, ứng thân hóa hiện vào đời, đem tình
thương chan rải khắp thế gian, độ muôn loài tai qua nạn khỏi, giúp hết thảy
bệnh tật tiêu trừ, để người phúc lộc dồi dào, cùng nhau chung hưởng an vui thái
bình.
Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni tác đại chứng minh.
Cửa Thiền thường nghiêm tịnh,
Toàn chúng mãi thuận hòa.
Phật huệ chiếu sáng ngời,
Mưa pháp hằng nhuần gội.
Phật tử lòng tin sâu,
Ruộng phước càng tăng trưởng.
Chúng sinh sống an lạc,
Vui hưởng cảnh thái bình.
Nơi nơi dứt đao binh,
Mỗi mỗi đều thành Phật.
Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni. OO
ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Con xin nương tựa Phật,
Bậc phước trí viên thành.
Cầu tất cả chúng sinh
Giác ngộ phát tâm lành. (1 lạy)
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác từ bi.
Cầu tất cả chúng sinh
Hiểu đạo tỏ nguồn tâm. (1 lạy)
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui.
Cầu tất cả chúng sinh
Hòa hợp thương mến nhau. (1 lạy)
BỐN LỜI NGUYỆN LỚN
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện bỏ,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Người tu theo hạnh nguyện của
Bồ tát Quán Thế Âm phải can đảm, dũng mãnh phát tâm thực hành 4 nguyện lớn. 4
nguyện này bao trùm hết tất cả các nguyện của chư Phật.
Điều thứ nhất người tu theo
hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm phải kiên cường, bền bỉ độ hết thảy tất cả
chúng sinh, thề không thủ ngôi Chánh giác khi thế gian này vẫn còn chúng sinh
đau khổ. Muốn được như vậy thì mỗi hành giả phải siêng năng nỗ lực, tinh cần
chuyển hóa tham lam-sân giận-si mê thành vô lượng trí tuệ từ bi với tấm lòng vô
ngã, vị tha.
Điều thứ hai người tu theo
hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm phải phát tâm dũng mãnh bỏ hết các phiền não
tham-sân-si có tính cách hại người và vật. Muốn được vậy thì mỗi hành giả phải
cố gắng siêng năng, tinh cần học hiểu vô lượng pháp môn Phật dạy để phương tiện
giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán.
Điều thứ ba người tu theo hạnh
nguyện Bồ tát Quán Thế Âm phải thông suốt hết thảy các pháp môn Phật dạy. Mỗi
hành giả khi đã học hiểu rồi thì phải phát tâm tu hành cho đến khi nào thành
Phật mới thôi.
Điều thứ tư người tu theo hạnh
nguyện Bồ tát Quán Thế Âm phải dũng mãnh, kiên cường không thủ ngôi Chánh giác
để độ tất cả chúng sinh đều được thành Phật.
Nam mô Bồ tát hương cúng dường. (3 lần)
v THAY LỜI KẾT
Quyển nghi thức Hạnh Nguyện Bồ
tát Quán Thế Âm chúng tôi biên soạn chia ra làm ba phần:
_ Phần đầu chúng tôi triển
khai đọc tụng Kinh hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để mọi người biết được
công hạnh và việc làm của Ngài trong hiện tại mà bắt chước học hỏi và làm theo.
_ Phần hai chúng tôi biên soạn
nghi thức sám hối và phát nguyện gìn giữ 5 điều đạo đức để mỗi người Phật tử y
thức được khổ đau do sự giết hại, trộm cướp, lường gạt, tà dâm, nói dối hại
người, uống rượu say sưa, dùng các chất kích thích như xì ke, ma túy để làm khổ
mình và hại người. Sám hối để biết được lỗi lầm mình đã gây tạo từ vô thủy kiếp
đến nay mà tìm cách ngăn dừng, chuyển hoá không cho chúng tái phạm nữa.
_ Phần ba chúng tôi biên soạn
nghi thức sám hối lạy hồng danh Phật và Bồ tát, có sự giải thích rõ ràng về các
công hạnh của chư Phật, Bồ tát. Lạy hồng danh Phật và Bồ tát là một phương pháp
hành trì cao tột giúp thân tâm hóa giải các oan khiên, nghiệp báo nhiều đời
càng ngày càng được trong sạch để chúng ta vừa tiêu trừ nghiệp xấu ác cũ, vừa
thâm nhập trí tuệ từ bi của Phật và Bồ tát. Nhờ thần lực gia hộ của các Ngài mà
chúng ta đủ niềm tin và nghị lực để chuyển hóa các phiền muộn, khổ đau thành an
lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Phương pháp lạy Phật, Bồ tát là
kết tinh đặc sắc của giáo lý Phật đà nhằm giúp cho người đương thời chuyển hóa
các bệnh về thân và tâm, làm cho tinh thần người hành trì luôn được an ổn nhẹ
nhàng và vui tươi lành mạnh.
Toàn thân năm vóc cúi rạp mình
sát đất khi lạy Phật, Bồ tát là một phương pháp thể dục thẩm mỹ rất nhẹ nhàng, toàn
thân cử động đồng đều cùng một lúc nên làm máu huyết trong người lưu thông hài
hòa. Cách đơn giản nhất là vừa lạy vừa niệm danh hiệu Bồ tát, hoặc vừa lạy vừa
theo dõi hơi thở. Chúng ta lạy một cách chậm rãi, từ tốn, hài hòa; đứng lên
niệm “Nam mô Bồ tát Quán Thế Âm” và lạy xuống niệm “Nam mô Bồ tát Quán Thế Âm”;
cứ như thế chậm rãi vừa lạy, vừa niệm. Ở đây chúng tôi chủ xướng phương pháp
lạy Bồ tát, sau khi lạy xong một lạy chúng tôi có nhắc lại công hạnh của mỗi vị
để mọi người biết được mà học hỏi và bắt chước làm theo.
Tùy theo hoàn cảnh chúng ta có
thể áp dụng lễ lạy làm sao cho thích hợp với điều kiện của mình. Khi chưa quen
chúng ta có thể lạy mỗi ngày ít nhất 30 lạy và tăng dần cho đến 108 lạy, hoặc
hơn nữa thì tốt. Chúng ta nên nhớ, hành giả tu theo pháp lạy Bồ tát phải bền
chí, kiên trì giữ đều đặn. Việc lễ lạy chúng ta có thể áp dụng bất kỳ chỗ nào
cũng được, miễn không gian chỗ đó đủ để ta lạy. Khi lạy hai tay chấp trước
ngực, từ từ đưa lên trán rồi đưa trở xuống ngực và lạy xuống sát đất. Đó là sự
biểu hiện thân tâm nhất như cung kính lễ. Lúc lạy xuống hai tay, hai chân và
trán đều phải chấm đất để tỏ lòng tôn kính, tức 5 phần của thân thể đều được
chấm đất. Khi lạy chúng ta cố gắng kết hợp hài hòa, thân cúi xuống, miệng niệm
danh hiệu Bồ tát, tai lắng nghe. Mỗi cử chỉ đều khoan thai, từ tốn và cứ như thế
đứng lên, quỳ xuống một cách nhẹ nhàng.
Phương pháp lạy Phật, Bồ tát
là một phương pháp dễ thực hành và đơn giản mà lại lợi ích thiết thực. Đa số
các chùa vào mùa an cư kiết hạ của chư Tăng thường tổ chức cho lạy hồng danh
Phật. Hòa thượng Tuyên Hóa khi còn hiện tiền ai muốn phát tâm làm đệ tử Phật Ngài
đều cho lạy hồng danh Phật 1000 lạy rồi mới làm lễ quy y, nhờ vậy người con
Phật gội rửa thân tâm được trong sạch khi mới vào đạo.
Pháp môn lạy Phật, Bồ tát mang
lại lợi ích thiết thực cho cả thân và tâm. Thân thể khỏe mạnh và có khả năng
ngăn ngừa các bệnh tật của thời đại. Tinh thần sáng suốt, an lạc và sống an vui,
hạnh phúc. Đây là một pháp môn thực tiễn, mầu nhiệm theo tinh thần khoa học
hiện đại có sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhân quả rõ ràng. Thân chuyển động hài
hòa đồng loạt làm cho máu huyết trong cơ thể lưu thông, nuôi dưỡng các tế bào
hoạt động, đẩy các độc tố ra ngoài. Miệng niệm danh hiệu Bồ tát, tai lắng nghe
từng âm thanh vi diệu của Bồ tát tạo ra sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Ai bây
giờ có nhân duyên với Bồ tát Quán Thế Âm xin hãy cùng chúng tôi đồng hành để
được kết nối yêu thương và sẻ chia cuộc sống.
THÍCH ĐẠT MA PHỔ GIÁC