Chùa Bửu Minh

TTCT – Khách du lịch đến thăm mộ Hàn Mặc Tử (Quy Nhơn, Bình Định) những ngày này đã bất ngờ trước một phụ nữ nước ngoài miệt mài khắc thơ Hàn Mặc Tử bằng bút lửa (*).



 

 
Bà Ginette Lâm với bút lửa bên mộ Hàn Mặc Tử 
Ảnh: Trường Đăng

Người phụ nữ ấy gốc Pháp, tên Ginette Lâm. Đã 74 tuổi nhưng bà còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Thấy khách bước vào, bà hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ: “Xin chào! Bạn cần viết câu gì?”. Đôi mắt vẫn trẻ trung tinh anh, bà thân thiện, cởi mở trò chuyện với mọi người.

Duyên

Chồng bà người Việt, quê ở Trà Vinh. Ông sang Anh học nghề in ấn, bà sang Anh làm nghề giữ trẻ. Bà yêu ông vì ông rất tốt bụng, lịch sự và khéo léo trong đối xử. Hai dòng máu Pháp – Việt hòa quyện, họ có năm người con.

“Người Việt ai cũng thế. Hơi nhút nhát nhưng hòa nhã, thân thiện. Tôi đến Việt Nam nhiều và đã ba lần ăn tết ở TP.HCM” – bà trải lòng. Trước kia làm việc tại một trung tâm văn hóa – xã hội ở Pháp, bà đi nhiều, đọc nhiều, thích trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa các nước. Bà chia sẻ: “Nước bạn rất đẹp, có chiều sâu văn hóa dễ làm say mê người khác”.

Cách đây hơn một năm, trong chuyến du lịch đến mộ Hàn Mặc Tử, thăm Bãi Trứng, nghe những câu chuyện về các danh nhân, danh lam ở đây bà rất cảm phục. Rồi bà phát hiện ngay bên ngôi mộ thi sĩ họ Hàn có một người ngồi vẽ thư pháp bằng bút lửa. Đó là Trương Vũ Kha (nghệ danh Dzũ Kha, theo cách gọi của người địa phương). Yêu thơ Hàn Mặc Tử, nghệ sĩ thư họa này đã dựng lều vẽ tranh, họa thơ, viết thư pháp bằng bút lửa 30 năm nay bên mộ Hàn Mặc Tử. Bà quyết định ở lại xin học nghề. Vốn đã học viết thư pháp trên giấy ở TP.HCM từ bốn năm trước, nên lần gặp Dzũ Kha, bà xem như cái duyên lớn với đất Quy Nhơn. Bà ở lại học bút lửa, học thêm tiếng Việt.

Nghệ sĩ Dzũ Kha giới thiệu ngắn gọn: “Đây là học trò lớn tuổi nhất nhưng có niềm đam mê và miệt mài kỳ lạ. Điều đáng khâm phục là nghị lực, sự năng động, cởi mở và độ sâu tâm hồn của bà”.

Bà thích nghe nhạc Trịnh, đàn tranh, dân ca và những bài hòa tấu nhạc dân tộc Việt… “Viết thư pháp phải tập trung cao độ, suy ngẫm mà không vướng bận gì khác nên nghe những dòng nhạc này giúp tập trung hơn” – bà tâm sự. Thỉnh thoảng bà cao hứng hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.

“Để gió cuốn đi”

Đến thăm nhà, bà vui vẻ tiếp đón như một người bạn đồng niên. Trong căn nhà nhỏ nhắn thuê gần mộ Hàn Mặc Tử là một không gian của hồn Việt. Trên tường bà treo những bức thư pháp mình vẽ bằng bút lửa. Bức thư pháp lớn nhất – chữ “Tâm” kèm dòng chữ “Cuộc đời sẽ rất đẹp nếu chúng ta biết sống bằng một trái tim yêu thương và độ lượng” – bà treo giữa nhà, bên cạnh là những câu thơ Hàn Mặc Tử và ca từ trong nhạc Trịnh…

Lật tập thơ Trăng Hàn của Hàn Mặc Tử để ngay ngắn trên bàn, bà dừng lại đọc Đây thôn Vĩ Dạ, bài thơ bà tâm đắc. Tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy một bức tranh minh họa câu thơ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay do chính bà vẽ. Chỉ vào nét mờ ảo hư hư thật thật như vào cõi mộng, bà nói đùa: “Ghềnh Ráng cũng đẹp, lãng mạn như bến sông trăng. Tôi đến với Hàn Mặc Tử là một cái duyên nhưng Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà. Thơ Hàn Mặc Tử rất lãng mạn và gần gũi với thiên nhiên”. Bà nói chuyện, lẫy cả thơ Hàn Mặc Tử như một người bản địa. Lưu loát, tinh tế.

Trên kệ sách là tập nhạc Trịnh viết bằng song ngữ Pháp – Việt. “Nhạc Trịnh thấm đẫm tình người, giai điệu miên man vào suy ngẫm tĩnh lặng. Tôi thích nhạc Trịnh còn vì tinh thần phản chiến, nhất là bài Đại bác ru đêm gợi điều gì đó khủng khiếp và sự chán ghét chiến tranh”.

Tôi hát cho bà nghe, bà cũng nhẩm theo Hàng vạn tấn bom dội về thành phố/người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”, nét mặt lúc say sưa, bà gõ nhịp. Giọng hát chưa tròn, tôi ngỏ ý sẽ chỉ bà hát một số bài nhạc Trịnh, đôi mắt bà long lanh sáng lên: “Lúc trước ở Pháp chúng tôi có nghe giảng về nhạc Trịnh nhưng ít người hát được. Nhất định tôi sẽ tập hát nhiều nhạc Trịnh để về Pháp hát cho bạn bè nghe”.

Mỗi ngày bà cố hoàn thành một bức thư pháp qua bút lửa. Bà tâm sự: “Mỗi lần cầm bút đầu óc trống rỗng như đang thiền định, gội rửa tất cả phiền muộn, hòa suy tư trong nét bút”.

Chiều nào bà cũng ra biển, đọc một bài thơ Hàn Mặc Tử rồi đi bộ dọc Ghềnh Ráng. “Đứng trên đồi Thi Nhân nhìn ra xa, gió biển Quy Nhơn cuốn mình vào một cảm giác rất lạ – người phụ nữ đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy tâm sự – Tôi học bút lửa không phải vì nhu cầu việc làm mà chỉ… để gió cuốn đi”. Còn nghệ sĩ Dzũ Kha thán phục: “Làm việc với bà tôi cứ nghĩ đó là một thanh niên trai tráng. Không có biểu hiện tuổi già, phân biệt quốc gia hay văn hóa trong con người này. Tôi xem bà như một người bạn để cùng thổi lửa vào thư pháp sưởi ấm thơ Hàn”.

VŨ NGỌC

__________

(*) Nghệ thuật bút lửa là cách viết bằng bút có ngòi là dây lò xo xoắn, được làm nóng bằng điện (5 ampe) để làm cháy gỗ. Khi viết, ngòi chạm vào gỗ phát ra lửa, bốc khói. Bút lửa thường viết trên gỗ thông, gỗ mít mềm dễ cháy theo ý muốn, riêng nghệ sĩ Dzũ Kha đạt đến trình độ viết bút lửa trên giấy thường.

Nguon: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/465708/nguoi-dan-ba-phap-ve-tho-han-mac-tu.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage