Chùa Bửu Minh

Lúc ấy, Xá-lợi-phất nghĩ bụng: “Sắp đến giờ thọ thực rồi. Các vị Bồ-tát này sẽ ăn thức gì đây?”.


thuc-an-chua-tung-co

“Các vị Bồ-tát này” dĩ nhiên là nói đến Bảo Tích và năm trăm vị vương tôn công tử, thiếu gia con nhà viên ngoại, vừa “phát tâm Bồ đề”, là những Bồ-tát tại gia tương lai, đối tượng đích của buổi “huấn luyện đặc biệt” tại cái thất trống trơn của Duy-ma-cật ở thành Tỳ-da-ly hôm đó.

Lần nào cũng vậy, cứ đến lúc mọi người đang bay bổng trên chín từng mây với những lý luận cao vời thì Xá-lợi-phất lại kéo ngay xuống mặt đất! Một lần ông đặt câu hỏi: “Các vị Bồ tát này rồi sẽ ngồi ở đâu?”. Một câu hỏi tưởng chẳng ăn nhập gì vào chuyện lớn đang bàn luận, thế nhưng, đó là một câu hỏi vô cùng quan trọng nhằm để xác định “vai trò, vị trí” của các Bồ-tát tại gia tương lai này. “Ngồi đâu?” sẽ nói lên nhiệm vụ chính của họ. Họ sẽ trở thành các Pháp sư, là “thầy giảng pháp” để giải thoát chúng sinh, để tạo cõi Phật thanh tịnh nơi Ta -bà đầy ô trược. Muốn vậy, họ phải “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai” cái đã rồi mới xứng đáng “ngồi tòa Như Lai”!

Và tức khắc Duy-ma-cật đã mang về những “tòa sư tử” nghiêm chỉnh, cao vời để họ… hì hục trèo lên không dễ chút nào!

Bây giờ, giữa lúc mọi người đang sôi nổi hào hứng bàn những chuyện “trên trời” nào Hữu lậu Vô lậu, nào Hữu vi Vô vi, nào Động nào Niệm, nào Sinh tử nào Niết bàn… thì Xá-lợi-phất, vị đệ tử trí tuệ bậc nhất của Phật, một lần nữa lại đưa mọi người trở về “mặt đất”:   “Sắp đến giờ ăn rồi. Các vị Bồ Tát này sẽ ăn thức gì đây?”.

Ăn không phải là chuyện hệ trọng sao? Ngay cả Phật mà tới giờ ăn còn phải khoác y, trì bát đi bộ vài cây số vào thành khất thực, mang về đạo tràng ăn uống dọn dẹp đâu đó rồi mới rửa chân lên ngồi… nhập định trước khi thuyết giảng kinh Kim Cang cho Tu-bồ-đề và thính chúng đó sao?

Mỗi khi gặp một vị Phật, sau khi cung kính đảnh lễ, thì câu chào hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: “Việc ăn uống thức ngủ của Ngài ra sao ? Ngài ít bệnh ít não chăng? Khí lực được an ổn chăng?” (Pháp Hoa). Nghĩa là luôn luôn thăm hỏi một vị Phật về những “nhu cầu tồn tại” của cuộc sống (physical needs): hít thở, ăn uống, ngủ nghỉ, bệnh đau, phiền não…Những chuyện đó mà tầm thường ư?

Dĩ nhiên câu hỏi của Xá-lợi-phất “Sắp đến giờ thọ thực rồi. Các vị Bồ-tát này sẽ ăn thức gì đây?”mang một ý nghĩa khác: các vị Bồ tát tại gia tương lai này sẽ được nuôi dưỡng bằng “thức ăn”gì đây để có thể trưởng thưởng tâm Bồ đề mà thực hiện tốt các hoạt động của một vị Bồ-tát chân chánh nhằm “thành tựu chúng sanh” ở cõi Ta-bà. Nếu không được nuôi dưỡng đúng đắn, sau một lúc hào hứng bồng bột ban đầu, sẽ rơi rụng dần thì thiệt là đáng tiếc!

Duy-ma-cật bèn lên tiếng: “ Xin đợi cho giây lát, tôi sẽ khiến quý vị được thứ thức ăn chưa từng có.”.

“Thức ăn chưa từng có” ư? Với các vị vương tôn công tử, thiếu gia, con nhà trưởng giả  này thì cao lương mỹ vị có gì là lạ. Tổ yến hồng sâm, nem công chả phượng, sữa béo thông minh, nấm quý ngàn năm… các thứ có gì là lạ!

Và họ háo hức chờ đợi Duy-ma-cật mang lại thứ “thức ăn chưa từng có” để coi cho biết!

Thế rồi…

Duy-ma-cật mang đến… một mùi hương! Một mùi hương thơm. Thứ “thức ăn” thừa xin được từ cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích!

Cõi Chúng Hương? Phải, đó là một cõi mà mọi thứ đều làm bằng hương thơm, từ lầu gác, đất bằng, hoa viên, thức ăn, thức uống… thứ nào cũng làm bằng…một mùi hương! Và ở cõi đó, Phật Hương Tích cũng “chẳng cần thuyết pháp bằng văn tự. Ngài chỉ dùng các mùi thơm, làm cho chư thiên và người đắc nhập luật hạnh… Khi nghe mùi thơm vi diệu kia, liền thành tựu hết thảy các phép Tam-muội… “

Duy-ma-cật giải thích thêm: “ Có một cõi nước tên là Chúng Hương, hiện có Phật Hương Tích ngự tại đó. Nước ấy có mùi thơm bậc nhất đối với các mùi thơm của người và chư thiên ở các thế giới chư Phật mười phương. Khắp cõi ấy, mùi thơm tạo ra lầu gác. Người ta đi trên đất bằng mùi thơm. Các cảnh hoa viên và vườn tược đều bằng mùi thơm. Từ nơi thức ăn, mùi thơm bay tỏa ra khắp vô lượng thế giới..”.

Thì ra đó là hương Giới Đức. Thứ hương thơm có thể bay cao, bay xa, bay ngược chiều gió!

Hương thơm giới đức không thể có trong một ngày một buổi. Nó phải được huân tập lâu ngày chày tháng, mới đầy dần lên, mới sung mãn, tràn trề. Nên cõi đó, mới có vị Phật tên là “Hương Tích” đó vậy.

Duy-ma-cật mời: “Các nhân giả, hãy dùng món cơm cam-lộ của Phật Hương Tích”. Thứ « thức ăn chưa từng có” này không sợ thiếu, luôn đủ cho tất cả mọi người! Bởi đó là một thứ « vô tận hương ».

Một thứ hương thơm đủ để nuôi cả thân và tâm bất tận.

Đó chính là Giới đức.

Sự “tung hứng” của Xá-lợi-phất và Duy-ma-cật mới tuyệt vời làm sao!

Đỗ Hồng Ngọc 
(Văn Hóa Phật Giáo số 282 ngày 1-10-2017 | Thư Viện Hoa Sen)

Bài đọc thêm:
Bồ Tát Tại Gia, Bồ Tát Xuất Gia - Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận (Thích Nhất Hạnh)
Khái Quát Tư Tưởng Kinh Duy Ma Cật (Thích Viên Giác)
Huyền Thoại Duy Ma Cật (Tuệ Sỹ)
Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết (Tuệ Sỹ)
Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận | Đường Tu Không Hai (Minh Tâm)
Kinh Duy-ma-cật (Đoàn Trung Còn)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage