Những ngày giữa tháng sáu âm lịch, bầu trời Học viện Phật giáo Việt Nam Tại Huế thường xám xịt, rồi chuyển màu đen quánh như nhiều con sông bị ô nhiễm ở các thành phố công nghiệp. Có ngày mưa kéo dài từ sáng tới trưa, chiều, đến tối mới tạnh hẳn. Phải chăng vì thế, nên người ta thường truyền tai nhau rằng ‘Huế buồn lắm phải không anh’.
Ở Khu Tăng xá, sau giờ hô canh tọa thiền, ngồi với chén trà trước tượng gỗ Đạt Ma quá hải quảy túi vải lướt sóng Trường Giang, tôi được nghe âm thanh lạ lẫm của núi rừng; có lúc vang rền, có lúc vi vu, có lúc réo rắt như ai oán và có lúc lại tĩnh lặng như không gian trong Thiền đường. Rồi một chút miên man nhớ về quê nhà, tôi lại thấy có má, có anh chị, có đông đủ mấy đứa cháu quây quần bên mâm cơm trong ngày giỗ của ba. Ở đó không có núi đồi, không có rừng thông chạy xa, cao khuất tầm mắt, không có ngọn gió đơn điệu lạnh buốt da người, mà chỉ có những rặng tre che mát đường quê, có những hàng dừa bên ruộng lúa chín vàng trĩu hạt và còn có nhiều đứa trẻ nít í ới gọi nhau thả diều trong những ngày hè. Rồi, tôi nhớ thênh thang những buổi chiều vàng, ra đồng ngồi nghênh ngang ngắm mấy con diều bay cao tít trời xanh. Chiều mờ tối, má gọi tôi về ăn cơm, nhiều âm thanh trong xóm ngưng bặc, chỉ còn duy nhất tiếng gọi con của má.
Những buổi chiều ấy, má ơi! Con vẫn còn nhớ. Má đã cho con những bữa cơm dẻo thơm, đun chín từ ngọn lửa quê mình. Vậy mà, đến bây giờ con chưa lần nào nghe má than phiền hay kể lễ với ai. Ngày ấy, buổi cơm chiều của gia đình mình thường là nồi canh lá bình bát với rau dền đất mọc nhiều dọc theo con kênh cắt ngang đám ruộng nhà chú Tám, lâu lâu mới có vài con cá khô chiên và nồi đậu hủ kho sấp nước thơm lừng.
Rồi con cũng lớn dần qua những buổi cơm chiều đạm bạc nhưng ấm lòng của má. Ngày con thôi tập tành những thói không tốt của mấy đứa bạn trong xóm, thì má cũng không còn ngồi thức đợi cửa quá mười giờ đêm. Má thường so sánh con với tụi bạn học cùng lớp, tụi nó học giỏi, được cô khen, còn con thì lúc nào cũng bị cô chủ nhiệm ‘mắng vốn’. Vì cậu học trò này thường xuyên không thuộc bài, buộc giáo viên nhiều bộ môn phải nhắc nhở, phải cho đứng cột cờ trong giờ chào cờ đầu tuần. Vậy, nhưng má không buồn, không bỏ con, mà ngược lại còn thương con nhiều hơn.
Tuổi nhỏ, con không tin mình quá tệ, con không biết vì sao người ta phải đánh giá con người qua chuyện học hành, phải học thuộc lòng những con chữ khô khang, những bài toán mang hàm ý tư duy, suy nghĩ nhọc lòng, mà con chỉ biết nhà mình có má có anh chị hằng ngày phải làm việc vất vả ngoài đồng, dầm mưa dãi nắng quanh năm nhưng sau mùa vụ chỉ thu về một ít tiền vì bị thương lái ép giá, hầu như phần lợi nhuận cao ngất ngưỡng luôn thuộc về họ. Hồi ấy con ngây dại chỉ quẩn quanh với cái hờn trách của trẻ con, vì sao gia đình mình chỉ biết quanh năm bám lấy ruộng đồng, nghề nông lam lũ, bao giờ mới có được nhiều tiền để xây nhà đẹp, sắm ti vi màu thiệt bự như nhà chú Tám.
Mười hai năm đèn sách, leo từng bậc thang kiến thức, con đã làm cho má được vui, được hãnh diện với bà con xóm giềng nhưng trong sâu thẩm con chưa từng một lần thấy mình đã tốt nghiệp cấp ba như những đứa bạn đồng trang lứa. Ngày tốt nghiệp, nhà trường tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp, có đứa chọn học nghề, có đứa chọn con đường tiếp tục thi vào một trường Đại học theo sở thích và ước nguyện của ba mẹ, còn con thì lại khác; con chỉ biết ngưng việc học, ở nhà phụ giúp má với anh chị, rồi chọn con đường phục vụ quân ngũ, theo tiếng gọi của cha ông.
Rời quân trường, con trở về với má, với xóm làng thân thương. Hai năm dày dặn gió sương, thằng út của má năm nào đã ra vẻ chững chạc hơn nhiều, biết lo lắng, biết quan tâm và biết nghĩ đến chuyện tương lai. Con được làm việc cho xã nhà, má thường khuyên dạy con, rằng ‘làm việc thì phải biết có chừng mực, nếu dân thương thì tiếp tục làm, còn dân ghét thì phải nghỉ, má không muốn gia đình mình bị bà con quở trách’. Má là vậy, lúc nào cũng nghĩ đến bà con xóm giềng, lo cho cái chung, còn việc nhà thì sao cũng được.
Rồi duyên lành, con được xuất gia tu học. Ở chùa, nhiều ý nghĩ và việc làm của má ngày xưa vẫn thấp thoáng hiện ra trong những bài kinh mà con đã được học. Dẫu má không ở gần bên con nhưng qua lời dạy của Thế Tôn con thường thấy nét mặt hiền từ, dáng người không cao, hàm răng trắng sáng khỏe của má cứ ẩn hiện trước mặt con như mẹ hiền Quán-thế-âm đang ân cần chỉ dạy các con trên bước đường học đạo Như Lai.
Trong Pháp hội Vu Lan tại chùa năm rồi, khi đóa hoa hồng màu vàng giải thoát được các em đoàn sinh tịnh trọng cài lên chiếc y vàng trước ngực con, thì cũng là lúc bên dưới lễ đài má được cài lên ngực áo đóa hoa hồng màu trắng mồ côi. Con không khóc nhưng nghẹn lời, dẫu tiếng nhạc còn đệm theo lời dẫn của xướng ngôn viên. Nhìn về phía má và anh chị, con thấy hai hàng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nhúm, đầy vết thời gian của má. Lúc ấy má tủi phận hay hạnh phúc chỉ mình má rõ biết, bởi má thường dấu đắng cay trong lòng, luôn mang niềm hạnh phúc và yêu thương dành cho các con trong suốt hơn ba mươi năm dài.
Ở nhà, má vẫn thường ngồi lần chuỗi niệm Phật khi rảnh việc, vì má chỉ thích niệm Phật theo lời dạy của Sư ông. Má bảo bây giờ có nhiều người vận động má quyên góp tiền in kinh sách cho đạo tràngnhưng kinh sách Phật không thấy đâu, mà chỉ toàn bảng photo cắt ghép chỗ này chỗ kia, truyền bá lăn nhăn, rốt cuộc bỏ câu niệm Phật, quay sang niệm thần chú linh ứng, rõ mịt mờ. Nghe má nói vậy, con càng an tâm hơn, vì má đã dành trọn đời mình còn lại nương vào câu niệm Phật để khi lâm chung được về miền Cực Lạc theo lời dạy của Sư ông.
Trà đã nhạt, con nghe gió hát ngoài bìa rừng. Cảnh vật đã chìm trong màn đêm tĩnh lặng. Nhiều học tăng đã an giấc nồng. Con thôi miên man về miền ký ức. Có lẽ giờ này má đang ngủ say trong tiếng niệm Phật đều đặn của dòng tâm thức.
Cuối mạch nguồn cảm xúc, con xin được một lần chắp tay cúi đầu đảnh lễ tất cả những người mẹ trên thế gian này trong ngày hội Vu Lan năm nay.
Nam mô Đại hiếu Mục-kiền-liên Bồ-tát ma-ha-tát./.
HOẰNG TRÚC