Chùa Bửu Minh

Lam hiền


Thuần Phước

Cứ mỗi sáng khoảng 7 giờ kém 20 phút là tôi bắt gặp bóng dáng ấy xuất hiện giữa lòng đường thênh thang nhộn nhịp xe cộ qua lại. Giữa lòng đường rộng lớn có đủ các loại phương tiện giao thông. Nào là xe to xe nhỏ đủ loại màu sắc vàng, đen, hồng, tím...

khiến cho không gian tấp nập càng thêm tươi vui, đẹp mắt. Riêng cái bóng dáng nhỏ thanh tao đó vẫn hằng ngày lặng lẽ đi bên vệ đường với một bộ lam hiền thoát tục.

Cô là ai, tôi đâu có biết tên tuổi là gì và ở nơi nào. Tôi chỉ thấy mỗi ngày cô xuất hiện vào đúng khoảng thời gian ấy, giữa hè phố tấp nập tiếng xe cộ ồn ào, tiếng bước chân của mọi người cũng gần như hối hả hơn để bắt đầu cho một ngày mới. Riêng cái bóng dáng ấy cứ lặng lẽ đi, từng bước chân nhẹ nhàng mà thanh tao thoát tục, vượt ra khỏi sự ồn ào, náo nhiệt. Tôi chợt nghĩ thầm, làm sao mà giữa lòng phố đông người như vậy, ồn ào như vậy lại có thể có những bước chân tĩnh lặng nhẹ nhàng như thế?! Tôi trở nên suy tư nhiều cho vấn đề đó. Và tôi bắt đầu tìm hiểu, sau một thời gian tôi mới biết được rằng hình ảnh ngày nào tôi cũng được bắt gặp thân quen đó lại là một vị tu sĩ.

Từ nhỏ đến lớn tôi đâu biết tu sĩ là gì, cũng không biết đến ông Phật nữa là. Nhưng sao từ cái ngày bắt gặp hình ảnh thân thương đó lại làm tôi trở nên trầm tư và suy nghị nhiều đến vậy. Tôi tự hỏi, có phải cách sống của tôi từ trước đến giờ quá hời hợt, không có lí trí, không có suy nghĩ và tôi không có trách nhiệm đúng đắn với bản thân mình? Có phải tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian cho những cuộc tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt vô ích? Có phải tôi đã bỏ quên trách nhiệm của mình đối với mọi người xung quanh? Tôi tự đặt ra nhiều vấn đề để chất vấn chính bản thân mình, để rồi tôi quay trở lại với hình ảnh thân quen đó. Tại sao một con người nhỏ nhắn như vậy lại làm cho tôi thay đổi cách nhìn nhận về chính bản thân mình, về cách sống không chừng mực của mình. Chính điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu tiếp và tôi biết được rằng: Đời sống của người xuất gia thật là thanh tao giản dị nhưng nhiệm vụ lại vô cùng cao quý. Mỗi bữa ăn chỉ vẻn vẹn vài lát dưa và chén nước tương đạm bạc. Việc ăn uống đạm bạc như vậy thôi nhưng lại nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người một ý chí, sức mạnh và nghị lực kiên cường. Đối lập lại bây giờ tuy thời đại khoa học, kinh tế phát triển, mọi người đổ xô vào làm ăn, buôn bán có thể nói rằng: “Thương trường là chiến trường”. Bởi người ta luôn đấu đá, tranh chấp, giành giật nhau bằng nhiều hình thức đáng sợ. Đời sống xã hội tấp nập, rộn ràng đi lên là thế, mà tính chất tâm linh của một con người xuất gia không bị giảm sút đi phần nào.

Từ cái nhìn bất chợt rồi đến cái nhìn thẩm thấu khiến cho tôi hiểu được nhiều hơn, biết cũng nhiều hơn. Lại nói về trách nhiệm của người xuất gia, nghe qua thì tưởng chừng khó khăn lắm. Bởi nhiệm vụ đó chính là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Mới nghe tôi cũng giật mình và nghĩ khó như vậy sao có thể làm được. Bởi đức Phật đã nhập Niết bàn từ quá lâu mà kinh điển lại quá sâu xa, rộng lớn thì làm sao mà cầu cho tới. Còn “hạ hóa chúng sanh” lại là một vấn đề nan giải, bởi chúng sanh ở trong cõi đời này biết bao nhiêu mà tính đếm. Chưa kể mỗi người một tính, có kẻ ác người thiện, kẻ thô dữ người tế nhị...thì làm sao một con người tu sĩ bé nhỏ kia có thể chuyển hóa được. Vậy mà bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình còn ngu ngơ quá. Chính cái trách nhiệm tôi cho là khó khăn đó lại là con đường mà các vị tu sĩ hướng đến, họ luôn sống trong khuôn khổ của giới luật, của sự hành trì pháp Phật. Ngoài ra họ còn có các thời tụng kinh, bái sám hằng ngày khiến cho thân tâm được an lạnh, thanh tịnh. Chính khi ấy họ đã trở về với tự tánh sáng suốt, với ông Phật của chính mình. Rồi từ sự thanh tịnh bên trong mà nó tỏa ra từ trường bên ngoài làm cho người khác nhìn vào cũng thấy nhẹ nhàng thanh tịnh. Và người nhìn được cái đó có ai đâu xa lạ giữa trăm ngàn đôi mắt lại là chính tôi. Và cũng chính hình ảnh bé nhỏ thân quen đó lại là động lực thúc đẩy tôi nhìn lại chính mình.

Trong làn gió se lạnh giữa thành phố đông người tôi vẫn còn bắt gặp tà áo lam ấy, chiếc nón lá thân quen ấy, vẫn con người bé nhỏ ấy với chiêc cặp sách trên vai lặng lẽ đi trong đoàn người nhộn nhịp. Nhìn hình ảnh tao nhã, thân quen đó đã giúp cho tôi tĩnh thức và cũng là động lực để tôi có cơ hội tìm hiểu được một chút gì đó từ bên ngoài và một chút gì đó cho đời sống tâm linh của chính mình. Tôi thật sự thấy hạnh phúc làm sao, và tôi muốn nói rằng: Xin cảm ơn! Xin cảm ơn tà áo lam thân thương đã cho tôi một nhìn nhận mới, một ý thức mới, trách nhiệm mới và điều quan trọng hơn hết đó chính là cuộc sống mới cho tự thân mình.

Lam hiền lặng lẽ giữa phố phường
Chân bước âm thầm chẳng chút vương
Lam ơi! Sao thoát trần đến thế
Đã giúp cho tôi rõ lối về!

 T.P

Theo Lieuquanhue


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage